Source: RFA | Posted on: 2016-04-28 |
Một trung tâm giới thiệu việc làm ở Việt Nam, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP
Nhu cầu tìm việc của các sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp cũng như giới lao động phổ thông tại Sài Gòn ngày càng cao. Khi mà các đoàn người từ miền Trung vẫn lũ lượt kéo về Sài Gòn để tìm chén cơm manh áo với hy vọng đổi đời. Tỉ lệ thuận với những đoàn người là những trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm mọc lên khắp ngõ ngách Sài Gòn. Trong số hàng trăm trung tâm này, con số những trung tâm làm việc theo cung cách đem con bỏ chợ, sống chết mặc bây tiền thầy bỏ túi không phải là ít. Điều này gây những xoáy động và tổn thương không nhỏ cho người lao động.
Thất nghiệp tràn lan và trung tâm mờ ám
Chị Dậu, một thạc sĩ ngành kế toán, người gốc Quảng Nam, vào Sài Gòn suốt ba năm nay để kiếm việc làm và chưa bao giờ làm đúng chuyên môn của mình, chia sẻ:
“Mấy trung tâm giới thiệu việc làm tư nhân nhiều vô kể, nó mọc khắp các nơi, các quận đều có. Nhưng nó không uy tín, như mình được giới thiệu việc, nhưng nếu mình và bên thuê được giới thiệu làm việc không suôn sẻ, mình đến lấy lại tiền sẽ rất rắc rối. Có chỗ nó trả lại 70%, có chỗ nó trả chậm lắm, nhưng cũng có chỗ nó quỵt luôn. ”
Chị Dậu cho rằng với năng lực bản thân, chị sẽ dễ dàng tìm một chân kế toán trưởng ổn định ở bất kỳ công ty nào trên đất Sài Gòn. Tuy nhiên, có một thực tế đau lòng đối với các cử nhân, thạc sĩ ngành kinh tế, đặc biệt là chuyên ngành kế toán mà khi nói ra nghe tưởng như đùa. Đó là không riêng gì công ty, doanh nghiệp nhà nước mới có chuyện con ông cháu cha, có chuyện người không có năng lực được nhận vào làm còn người có chuyên môn thì thất nghiệp mà hầu hết các công ty, doanh nghiệp tư nhân cũng tuyển dụng theo qui tắc con ông cháu cha.
Và cái qui tắc con ông cháu cha giữa doanh nghiệp nhà nước và doianh nghiệp tư nhân khá giống nhau ở chỗ nhận vào làm trước, sau đó cho đi học chuyên tu, tại chức… Giải thích cho chuyện buồn cười này, chị Dậu nói rằng bởi hầu hết hệ thống doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam đều có vấn đề. Nếu không trốn thuế thì cũng có vấn đề về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động hoặc kinh doanh những mặt hàng không có đăng ký, gọi là kinh doanh ngoài luồng.
Chính vì hầu hết có vấn đề nên người ta buộc phải tuyển người thân để cùng giữ bí mật công ty và đảm bảo bí mật này được giữ lâu dài. Và đây cũng là một phần nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng thất nghiệp tràn lan khắp mọi nơi trên đất nước. Là một người từng làm qua nhiều việc, không ngoại trừ việc đi làm bảo mẫu, chị Dậu đã có quá trình tương tác với các trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm. Và hình như lần tương tác nào cũng cho chị kinh nghiệm buồn.
Bởi nhu cầu tìm việc của giới lao động khi vào đến Sài Gòn là một nhu cầu cấp thiết. Giả sử như người ta đã có hứa hẹn về công việc trước khi bước chân xuống Sài Gòn và khi đến nơi thì có công việc ngay cũng chưa chắc công việc đã ổn định và lâu dài, người ta buộc phải tìm một công việc khác phù hợp hơn. Mà với mức sống cũng như tốc độ xoay vòng của đất sài Gòn, nếu thất nghiệp quá lâu sẽ dẫn đến tình trạng nhẵn túi và không những hết tiền để sống mà không còn tiền để quay về quê.
Một bảng thông báo tìm người lao động được dán treo bên cột điện ở Bình Chánh - Sài Gòn. RFA PHOTO. |
Nói là thỏa thuận cho sang chứ thực ra là nói rõ về tỉ lệ ăn chia của tháng lương đầu tiên. Thường thì phái trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm sẽ hưởng 30% tháng lương đầu tiên của người lao động. Và hầu hết người lao động đóng ngay khoản tiền đó cho trung tâm. Trung tâm cũng hứa sẽ trả lại 50% đến 80% số tiền đã đóng nếu trong vòng một tuần, người lao động cảm thấy công việc đó không đúng như thỏa thuận.
Ví dụ như chị Dậu, lần đầu tiên người ta ký hợp đồng chị làm bảo mẫu. Nhưng khi làm việc thì chủ nhà lai sai vặt chị giống như người giúp việc, thậm chí mỗi chiều còn yêu cầu chị đi gom thức ăn thừa rồi chở ra trại nuôi heo của gia đình họ ở ngoại ô. Chịu không nổi công việc, chị xin nghỉ, xin tiền lương nhưng chủ nhà nói rằng đây là thời gian thử việc nên không có lương. Và khi yêu cầu trung tâm hoàn trả 50% số tiền chị đã đóng thì bị nhân viên trung tâm này quát tháo và đe dọa.
Chị Dậu nói rằng hầu hết bạn bè cùng cảnh ngộ của chị đều gặp tính cảnh giống y hệt như chị khi đến các trung tâm này.
Những trò lừa đảo vô nhân tính
Anh Thuận, một cử nhân kinh tế, đang tìm việc tại thành phố Sài Gòn, chia sẻ:
“Mấy cái trung tâm giới thiệu việc làm, mỗi lần như vậy nó lấy mình mấy trăm ngàn. Phía người lao động nó cũng lấy, mà người thuê lao động nó cũng lấy. Mà nó toàn xạo không thôi, như nó bảo lấy phí khám sức khỏe nhưng thật ra có khám gì đâu, toàn đóng, đóng, đóng dấu không à!”
Anh Thuận cho rằng hầu hết giới lao động tha phương cầu thực ở Sài Gòn đều là người miền Trung. Nếu như người Tây Nam Bộ lên Sài Gòn tìm việc nhanh chóng ở các khu công nghiệp thì người miền Trung lây lất hơn nhiều với đủ thứ công việc. Bới người miền Trung có tính cầu thị và luôn xem Sài Gòn là mảnh đất hứa, có thể thay đổi đời.
Anh Thuận giải thích rằng sở dĩ có sự khác nhau về tâm tính giữa người miền Trung và người miền Nam như vậy bởi vì miền Trung quá khổ, đất đai cằn cỗi, thiên nhiên không ưu đãi như người Tây Nam Bộ, chính vì vậy mà ý thức vượt thoát nghèo khổ, vượt thoát bản thân luôn là kim chỉ nam của người miền Trung. Anh Thuận giải thích thêm sở dĩ người miền Trung kéo vào Sài Gòn nhiều không phải Sài Gòn bây giờ giàu có hơn Hà Nội mà bởi vì tính cách của người miền Trung chỉ hợp với đất Sài Gòn và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiến về miền Nam.
Một khi người lao động tăng nhanh, đôi khi chính dân lao động với nhau cũng lừa bịp nhau. Anh Thuận cho biết là hiện nay có không ít trung tâm tư vấn và giới thiệu việc làm có ông chủ, bà chủ là người miền Trung và các trung tâm này nổi tiếng nhờ vào chiêu trò lừa bịp của họ.
Ví dụ như khi những lao động phổ thông đến tìm việc, họ sẽ đưa ra hàng loạt công việc tốt đẹp, lương cao. Nhưng sự thật thì không phải vậy. Người lao động sẽ mất tiền cược và mất cả tiền hồ sơ. Chiêu lừa bịp tiền hồ sơ thường là phía trung tâm yêu cầu người cần việc đưa thẻ chứng mình nhân dân cho họ, họ để làm hồ sơ, xin giấy tạm trú. Người lao động cả tin đưa chứng minh nhân dân cho họ và chờ việc. Khi nhận việc không đúng như thỏa thuận hoặc không có hợp đồng làm việc thì người lao động đến trung tâm lấy lại thẻ chứng minh nhân dân.
Lúc này phía trung tâm sẽ yêu cầu người lao động nộp cho họ 300 đến 500 ngàn đồng thì họ mới trả thẻ. Họ giải thích là vì quá trình làm hồ sơ đã tốn chừng đó tiền. Người lao động không hoặc là bỏ thẻ hoặc là chấp nhận trả tiền để lấy thẻ lại chứ không thể nói lý lẽ với trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm bởi họ bắt đầu giở trò bạo lực và có thể cho xã hội đen đánh đập người lao động.
Chỉ riêng giới lao động nghèo, đồng hương với nhau mà người ta cũng sẵn sàng bịp bợm, sống trí trá với nhau như vậy thì người lao động chỉ biết ngửa mặt lên trời mà kêu “Hồ Chí Minh ơi là Hồ Chí Minh, sao mà bịp bợm quá đỗi!”. Đã không ít lần anh Thuận phải buồn bã ngửa mặt lên trời như vậy.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
----------
0 comments:
Post a Comment