Saturday, April 23, 2016

Cống xả ngầm ra biển ở Formosa trách nhiệm phát ngôn thuộc về ai?


Ống nước thải đường kính 1m, kéo dài 1,5km ra biển của Cty 
Liên quan đến nghi vấn cá biển miền Trung chết hàng loạt do công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) có đường ống xả thải ngầm thẳng ra biển, đại diện FHS đã có câu trả lời chính thức với báo Tiền Phong ngày 21/4/2016. 

“Ống xả thải này là đường ống cuối cùng sau khi gom nước từ các điểm về. Đường ống này có đường kính 1m, kéo dài 1,5km ra thẳng ngoài biển và nằm ở tầng đáy. Ống xả này được sự cho phép của Bộ TN&MT Việt Nam”

Tại sao các cơ quan chức năng Việt Nam không làm khẩn trương mà cứ để sự việc kéo dài”, Giám đốc bộ phận an toàn vệ sinh môi trường Cty FHS – ông Khâu Nhân Kiệt. (1)

Ngư dân Nguyễn Xuân Thành (36 tuổi, ngụ thôn Ba Đồng, P.Kỳ Phương, TX.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là người phát hiện ra ống xả ngầm của FHS vào ngày 4/4/2016 (hai ngày trước khi các báo đưa tin có hiện tượng cá chết hàng loạt).

Theo anh Thành, đường ống này được chôn dưới đáy biển, phủ phía trên là một lớp đất cùng nhiều đá hộc, bao tải cát; chiều dài của đường ống khoảng 1,5 km; đường kính 1,1 m. Một đầu của đường ống nối từ khu vực dự án Formosa (khu kinh tế Vũng Áng, TX.Kỳ Anh), đầu còn lại nối liền với 3 đoạn đường ống nhỏ (mỗi đoạn dài khoảng 2 m, đường kính khoảng 40 cm). “Vào thời điểm phát hiện, tôi thấy đường ống này phun nước rất mạnh. Nước phun từ đường ống ra có màu vàng đục, nhừa nhựa, mùi hôi thối, khi ngửi thì cảm thấy rất ngạt thở” (2)

Phát hiện trên đã được ngư dân Thành trình báo cho Đồn biên phòng Đèo Ngang (thuộc Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh).

Theo phát ngôn của đại diện FHS cống xả ngầm được Bộ Tài Nguyên Môi Trường Việt Nam cấp phép.

Thế nhưng trả lời báo Thanh Niên, ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT lại khẳng định: “đến nay, Formosa chưa được cấp phép xả thải xuống biển. Hiện các cơ quan chức năng của Bộ vẫn đang tiến hành các bước thủ tục kiểm tra, thẩm định cần thiết. Nếu hệ thống xử lý nước thải, xả thải đạt tiêu chuẩn mới được cấp phép hoạt động” (3)

Tại sao các cơ quan chức năng mất thời gian quá lâu để có kết luận chính xác cuối cùng khi sự cố cá chết gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống người dân như vậy?

Yếu tố môi trường liệu có bị xem nhẹ trong các quy trình dự án hay không?

Nhiều người có chuyên môn và các kỹ sư hóa phân tích việc lấy mẫu nước và cá để làm xét nghiệm xem có dấu hiệu bị nhiễm độc kim loại nặng hay không. Các vị trí lấy mẫu có thể ngẫu nhiên tại các cửa xả, cống ngầm, hay hồ chứa trong khu vực Formosa. Đây là hành động có thể làm ngay, dưới sự giám sát của báo chí và các cơ quan chức năng tránh được việc gây hoang mang cho người dân. 

Thời điểm ngư dân Hà Tĩnh phát hiện ra ống xả ngầm có thông tin Formosa đang thực hiện quy trình thau rửa đường ống nên việc quản lý, kiểm tra liều lượng hóa chất được sử dụng có đúng quy định hay không là việc rất quan trọng.

Vấn đề là tại sao không có cơ quan chức năng nào làm việc ấy?

Khi có sự cố xảy ra gây hưởng đến đời sống của người dân việc tìm ra nguyên nhân và có phát ngôn chính thức là điều mà một chính phủ có trách nhiệm nên làm.

Và việc Formosa công bố ống xả ngầm ra biển được cấp phép bởi Bộ Tài Nguyên Môi Trường khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc giám sát, kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn cho môi trường dựa trên cơ chế nào?

Cá chết có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, khi chưa có câu trả lời chính thức thì việc làm rõ những nghi vấn xả chất thải là chuyện phải làm ngay.

Tấn công doanh nghiệp dựa trên cảm tính hoặc định hướng dư luận liên quan đến yếu tố Trung Quốc là điều mà truyền thông cần tránh. Và đương nhiên là việc đổ lỗi cho truyền thông, cho người dân, dựa trên các suy đoán hiện tượng tự nhiên không có cơ sở khoa học kiểm chứng cũng không phải là kiểu viết tử tế gì.

Đảm bảo việc thực hiện các quy định về an toàn môi trường, công khai với báo chí về trách nhiệm xả thải một cách nghiêm túc là chuyện mà các cơ quan chức năng phải làm một cách nhanh chóng và chủ động, chứ không phải kiểu loay hoay gỡ rối bị động như hiện nay.

Hơn 30 tấn cá chết, thiệt hại hàng chục tỉ đồng và đời sống ngư dân lẫn người kinh doanh trên bờ điêu đứng, trong khi các cơ quan chức năng bận đảm bảo cơ cấu, ổn định bộ máy nhà nước là dấu chỉ cho thấy chính phủ chưa bao giờ đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.



___________________________________

Chú thích:



0 comments:

Powered By Blogger