Sáng ngày 29 và 30/4/2016, ngư dân tại Xuân Hòa, Quảng Xuân – Quảng Bình đem cá biển và giăng lưới chặn đường quốc lộ vì bức xúc do không thể bán được cá đánh bắt xa bờ.
Trước đó, ngày 28/4/2016, Chính phủ có công điện do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký về việc nghiêm cấm sử dụng, kinh doanh, tiêu thụ thủy, hải sản chết bất thường tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế.
Công điện nêu rõ: “Để bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của người dân, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thu gom, xử lý hết, kịp thời số lượng thủy, hải sản chết (bao gồm thủy, hải sản nuôi trồng và tự nhiên) bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền về việc mất an toàn thực phẩm, hướng dẫn người dân không sử dụng các sản phẩm từ thủy, hải sản chết; nghiêm cấm việc tiêu thụ, thu gom, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng thủy, hải sản chết làm thực phẩm cho người và thức ăn cho gia súc, gia cầm” (1)
Ngoài giải pháp cấm cản này, không thấy thêm động thái hỗ trợ các thuyền đánh bắt xa bờ ra sao. Cấm trước cho an toàn cái đã.
Đã có dư luận cho rằng báo chí làm quá, mọi người kêu ầm lên nên bà con không bán được cá. Dư luận có quyền phán xét như vậy bởi ai mà không thương ngư dân? Nhưng nói đi cũng phải nói lại, bạn có dám mạo hiểm cuộc đời của mình hay con cái mình để ăn cá ủng hộ ngư dân khi chưa biết chắc nó có an toàn hay không không?
Nói đến đây phải nói đến trách nhiệm của chính phủ!
Tại sao không có giải pháp đảm bảo nguồn gốc cá để bà con đừng phẫn nộ như ở Quảng Bình?
Tôi xin chia sẻ một bài viết ngắn của một anh bạn, để so sánh một chút với Singapore, qua đó chúng ta có thể thấy năng lực lãnh đạo và tầm nhìn của chính phủ Việt Nam.
Đầu năm 2015, Singapore đã có một thảm họa môi sinh hải dương gây ra bởi HABs (thủy triều đỏ) khiến 77 nhà nuôi cá bè dọc eo biển Johor thiệt hại hàng triệu đô Singapore. Đây là mức thiệt hại cao nhất trong một thập kỷ qua tại các bè nuôi cá của ngư dân Singapore. Có hơn 600 tấn cá nuôi bè đã chết.
Cục Quản lý Nông sản Thực phẩm và Thú y Singapore (AVA) đã phải vào cuộc cùng các viện nghiên cứu, các trường đại học tại Singapore để nghiên cứu chuyên sâu, có thể phòng ngừa những đợt HABs trong tương lai. Những nghiên cứu này mất ít nhất là 3 năm mới có thể có kết quả và biện pháp phòng ngừa tốt nhất.
Singapore đã xử lý 'khủng hoảng' nghề cá của họ một cách chuyên nghiệp trước thảm họa môi sinh và không hề có khủng hoảng xảy ra và lan rộng. Mọi việc minh bạch, xác định rõ ràng nguyên nhân và triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa, nghiên cứu...
Sau hơn 1 năm, AVA đã có chính sách đền bù thiệt hại cho các bè nuôi cá bị dịch tảo HABs năm 2015 tàn phá. Chính phủ "đền bù" cho người nuôi cá chứ không hề có thái độ "cứu trợ" vì đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của AVA và chính phủ Singapore trước người dân Singapore nói chung và ngư dân nói riêng.
Sự khác biệt trong hai kiểu gọi tên cách hành xử hậu thảm họa môi trường giữa Singapore và Việt Nam cho thấy còn lâu chúng ta mời theo kịp họ.
Singapore gọi cách họ xử lý với thảm họa môi trường HABs - thủy triều đỏ năm 2015 là "đền bù" thiệt hại cho ngư dân và những người nuôi cá.
Việt Nam đang ra rả rao giảng bài ca đạo đức "cứu trợ" ngư dân miền Trung khi thảm họa môi trường biển xảy ra.
Đó, hai quan điểm, hai cách nhìn và cách xử lý vấn đề gần như cùng một bản chất nhưng nó khác xa nhau lắm bá tánh [lỡ] mang dòng máu Việt ạ!
Sẽ khập khiễng nếu phải so sánh giữa hai quốc gia Việt Nam và Singapore.
Nhưng để thay đổi tình hình hiện nay, Việt Nam chỉ có một lựa chọn là công khai và minh bạch các thông tin bị nghi vấn liên quan đến thảm họa môi trường.
Tại sao đến bây giờ toàn dân vẫn chưa có câu trả lời chính thức dù trước đó có thông báo rằng Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin truyền thông sẽ có câu trả lời chính thức cho báo chí vào chiều 29/4/2016?
Bài viết có sử dụng tư liệu của anh Bao Thien.
Nguồn hình: Hoàng Đức Thụ & Thảo Shi
0 comments:
Post a Comment