Kể từ sau ngày Nhà nước Cộng sản Việt Nam hoàn thành “Báo cáo Quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam” trước “cơ chế kiểm định kỳ phổ qúat”
(UPR, The Universal Periodic Review) Chu kỳ II của Liên Hiệp Quốc ngày
05/02/2014 ở Geneve, Thụy sỹ, bộ Ngọai giao Việt Nam đã làm việc không
ngừng để chữa cháy những điều nói dối.
Trước hết, cả Thế giới biết Việt Nam nhận được 227 khuyến nghị của Hội
đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu Chính phủ Việt Nam bảo đảm và
thực thi các quyền căn bản của người dân, tập trung quan trọng vào Tự do
tư tưởng, Tự do ngôn luận, Tự do báo chí, Tự do hội họp, Tự do đi lại,
Tự do lập hội và Tự do Tôn giáo.
Ngoài một số nước có quan hệ tốt với Việt Nam như Trung Cộng, Nga, Bắc
Hàn, Cuba, Cao Miên, Nam Dương, Tân Gia Ba, Thái Lan, Lào v.v… không có
nước tự do, dân chủ Tây phương nào khen Việt Nam đã thực thi tốt các
quyền con người.
Nhưng khi về đến Hà Nội, Trưởng đoàn Việt Nam dự kỳ họp là Thứ trưởng
Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã vội vã “tô son điểm phấn” cho thành công phúc
trình của Việt Nam.
Ông khoe với báo chí tại Hà Nội ngày 18/02 (2014): “Tôi xin nêu ra
một nhận xét của đoàn Bosnia-Hezergovina và cũng là ý kiến của một số
đoàn khác khi họ chia sẻ đánh giá về Báo cáo UPR của Việt Nam: “Báo cáo
UPR của Việt Nam là một tuyên bố chân thực về cam kết tôn trọng quyền
con người”.”
Lời tuyên bố chủ quan này không cần phải kiểm chứng vì lời khen của đoàn
Bosnia-Hezergovina không có trọng lượng chính trị. Bosnia-Hezergovina
là quốc gia nhỏ, nghèo mới được độc lập từ nước cũ Yugoslavia năm 1992
nằm ở Đông-Nam Châu Âu, giữa các nước Croatia, Serbia và Montegegro, có
số dân trên 3 triệu người sống rải rác trong lãnh thổ núi đồi hiểm trở
gần 52,000 cây số vuông.
Nhận xét về 227 khuyến nghị, phần lớn tập trung vào các quyền căn bản
của con người mà Việt Nam đã viết trong Hiến pháp nhưng chưa bao giờ cho
người dân được hưởng đầy đủ, Ông Ngọc nói: “Những khuyến nghị này đề
cập tới tất cả các lĩnh vực liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ quyền
con người. Về cơ bản các khuyến nghị là tích cực và mang tính xây dựng.
Ngay sau khi nhận được các khuyến nghị, đoàn ta gồm đại diện 11 bộ,
ban, ngành đã họp và rà soát. Đoàn đánh giá sơ bộ: Phần lớn các khuyến
nghị là có thể chấp nhận được vì phù hợp với đường lối đổi mới và chủ
trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thực tiễn về nhân quyền ở Việt
Nam. Đó sẽ là sự bổ sung hữu ích, giúp chúng ta có thể xác định rõ hơn
những ưu tiên thúc đẩy về bảo vệ quyền con người.
Tuy nhiên, cũng còn một số khuyến nghị còn thiếu cơ sở, chưa phản ánh
được đúng tình hình thực tiễn một cách khách quan của Việt Nam hoặc thể
hiện định kiến. Những khuyến nghị này chúng ta không chấp thuận.”
Tại sao lại “thiếu cơ sở”, “thể hiện định kiến” và “chưa phản ánh được
đúng tình hình thực tiễn một cách khách quan của Việt Nam”?
Bởi vì các nước phương Tây đã có những bằng chứng vi phạm của Việt Nam
từ nhiều năm qua. Họ cũng đã biết Hiến pháp Việt Nam viết gì về “quyền
con người và nghĩa vụ công dân”, nhưng họ không bị đánh lừa bởi nhóm 5
chữ “do pháp luật quy định” được thòng vào đuôi nhiều điều khoản trong
Hiến pháp 2013 được Quốc hội chấp thuận ngày 28/11/2013.
Có thể ông Hà Kim Ngọc không thuộc Hiến pháp bằng người nước ngoài, hoặc
biết các quyền con người đã bị nhà nước “vô hiệu hóa” mà vẫn lên giọng
bài bác các nước khi họ có cơ sở và không hề định kiến yêu cầu Chính phủ
Việt Nam phải thi hành những cam kết Quốc tế mà mình đã ký tôn trọng.
Lý do chính quyền Việt Nam bị nhiều nước phê phán tại diễn đàn Geneve
ngày 07/02/2014 vì các quyền căn bản của con người Việt Nam đã bị hạn
chế ngay trong 3 Điều khỏan của Hiến pháp:
Điều 23: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có
quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền
này do pháp luật quy định.
Điều 24: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc
không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận
thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”
Không và có
Khi đọc những điều này, liệu ông Hà Kim Ngọc có thể trả lời cho Quốc tế
tại sao có vô số công dân Việt Nam đã bị cấm không được “tự do đi lại”
và “không có quyền ra nước ngoài” hay “từ nước ngoài về nước”, hoặc sau
khi trở về nước lại bị câu lưu, theo dõi?
Và khi đã cam kết “tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo”, nhưng vẫn buộc các tôn giáo phải đăng ký và gia nhập Mặt trận Tổ
quốc thì mới được ưu đãi hoạt động thì có chà đạp lên Hiến pháp không?
Và tại sao những giáo hội không chịu đăng ký, tiêu biểu như Giáo hội
Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Ấn Quang), Giáo hội Phật giáo Hòa hảo
Thuần túy (Cụ Lê Quang Liêm) lại bị kìm kẹp, lãnh đạo bị tù tội, trù
dập, canh chừng, bị theo dõi, bị ngăn cấm đi lại?
Về Điều 25, liệu Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc có dẫn chứng được có
“tự do ngôn luận” và “tự do báo chí” ở Việt Nam? Và ông có dám tranh
luận công khai với những công dân đã bị bắt tù, bị đàn áp và bị ngăn cấm
biểu tình, dù là biểu tình yêu nước chống ngoại xâm Trung Cộng như đã
diễn ra ở Sài Gòn và Hà Nội trong hai năm 2011 và 2012?
Còn việc hội họp và lập hội của công dân có bị ngăn chận không? Ông Ngọc
cứ hỏi cụ Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bắc
Kinh, Giáo sư Tương Lai ở Sài Gòn và Tiến sỹ Nguyễn Quang A ở Hà Nội sẽ
biết rõ hơn.
Về quyền tự do ngôn luận thì hãy hỏi thẳng các Nhà truyền thông xã hội
(Bloggers) và Nhà báo 82 tuổi Tống Văn Công, người mới tuyên bố “tự ý ra
khỏi đảng” sau 55 năm làm đảng viên để biết đảng của ông Ngọc đã “nói
trước quên sau” như thế nào?
Sau khi bị Đảng Ủy lên án “Có quan điểm ủng hộ hoặc tán thành đa
nguyên chính trị, đa đảng; công khai phê phán bác bỏ chủ nghĩa
Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng”,
Cụ Tống Văn Công cay đắng viết: “ Càng tự hào về lý tưởng cao cả mà
mình đã bỏ cả đời để phục vụ, tôi càng day dứt, xấu hổ vì sự thoái hóa,
tham nhũng của một bộ phận không nhỏ những người trong guồng máy lãnh
đạo, khiến Đảng cầm quyền phạm nhiều sai lầm, làm mất hết niềm tin của
nhân dân, làm khoảng cách tụt hậu của đất nước càng ngày càng xa so với
các nước khu vực. Những người lúc nào cũng hô hào kiên trì ý thức hệ lỗi
thời, cấm không được tự diễn biến, thực ra, họ chỉ nhằm duy trì quyền
lực, khai thác “lợi ích nhóm”, làm giàu cho bản thân, bất chấp thiệt hại
của nhân dân lao động và đất nước.”
Ông cảnh giác: “Giặc “nội xâm” bao giờ cũng là chỗ dựạ của giặc
“ngoại xâm”. Bất kể bọn bành trướng hung hăng ra rả khẳng định toàn bộ
Hoàng Sa, Trường Sa, cả “lưỡi bò” Biển Đông là của Trung Quốc, lời họ
đáp lại chủ yếu vẫn là kiên trì “16 chữ vàng” và “4 tốt”, vì đây là
“đồng chí cùng chung ý thức hệ”, cùng chống lại các thế lực thù địch
phương Tây. Truyền thống bất khuất, lòng tự tôn dân tộc bị xúc phạm
nghiêm trọng, làm mất dần sự đồng thuận xã hội trước hiểm họa đe dọa sự
tồn vong của dân tộc, mà thực ra cũng là sự tồn vong của chính Đảng Cộng
sản Việt Nam.”
Rồi ông tuyệt vọng: “Vì những lẽ đó mà thời gian qua, tôi hết sức tự
kiềm chế, cố gắng tiếp tục đứng trong hàng ngũ Đảng để cùng với các đảng
viên chân chính trực tiếp đấu tranh, góp ý xây dựng Đảng, hi vọng những
người lãnh đạo nhận ra sai lầm, vứt bỏ ý thức hệ lạc hậu, tiến tới một
Đại hội Đảng đổi mới lần 2: Đổi mới chính trị, thực hiện nhà nước pháp
quyền đúng như các thể chế chính trị hiện đại. Từ đó mà vực dậy niềm tin
đang cùng kiệt của nhân dân, tiếp tục sứ mệnh mà đảng viên và nhân dân
giao cho.
Hôm nay, con đường ấy đã bị chặn lại. Đau lòng lắm, nhưng phải đành
vậy thôi! Từ giờ phút này, từ ngày hôm nay, 25-2-2014, tôi xin nói lời
chia tay với Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Phạm Bình Minh nói dối đến bao giờ?
Với trường hợp của Cụ Tống Văn Công và trước đây đối với Cố Luật sư Lê
Hiếu Đằng cũng phải bỏ đảng sau 45 năm chưa đủ để cho những người cầm
quyền ở Việt Nam “sáng mắt sáng lòng” hay sao?
Vậy mà, trong bài diễn văn đọc tại kỳ họp thứ 25 của Hội đồng Nhân quyền
Liên Hiệp Quốc ở Geneve ngày 30/03/2014 vừa qua, Phó Thủ tướng, Bộ
trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh vẫn có thể loè bịp Thế giới khi ông lập
lại câu nói “phong trào” rằng: “Việt Nam khẳng định chính sách nhất
quán về bảo đảm và phát huy quyền con người, xác định con người vừa là
mục tiêu, vừa là động lực của quá trình phát triển…. Nhà nước Việt Nam
đã có nhiều nỗ lực đáng kể trong công tác bảo đảm và phát huy quyền con
người, được cụ thể hóa trong pháp luật, chính sách và thể hiện rõ bằng
những thành tựu trên thực tế.”
Ông Minh còn không biết ngượng mồm khi khoe tại diễn đàn: “Người dân
Việt Nam liên tục cập nhật hơi thở và nhịp sống của thế giới bên ngoài
thông qua hệ thống gần 1000 báo in, 1174 cổng thông tin điện tử, 67 đài
phát thanh truyền hình, sự có mặt tại Việt Nam của nhiều hãng thông tấn,
truyền hình lớn trên thế giới, nhất là sự phát triển của Internet. Theo
Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU, International Telecommunication
Union), số người dùng Internet tại Việt Nam gần 31 triệu, đứng thứ 3 khu
vực Đông Nam Á và thứ 8 tại châu Á. Ai từng đến Việt Nam cũng có nhận
thấy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng phong phú. Tất cả các tôn giáo chính
trên thế giới đều có mặt và cùng chung sống hòa bình tại Việt Nam với số
lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự, ấn phẩm ngày càng tăng.
Có thể nói rằng, chưa bao giờ người dân Việt Nam lại có mức sống cao
và được thụ hưởng một cách đầy đủ, trọn vẹn tất cả những quyền và tự do
của mình trên tất cả các lĩnh vực dân sự, văn hoá, kinh tế, chính trị và
xã hội như hiện nay.”
Khi nói oang oang như thế, ông Minh tưởng đại biểu các nước không biết
ông đang nói dối hay sao? Chẳng nhẽ họ không biết ở Việt Nam không hề có
tự do ngôn luận, chưa hề có tự do báo chí, và quyền tự do truy nhập và
truyền tải thông tin tự do trên Internet đang bị nhà nước kiểm soát và
theo dõi gắt gao?
Và liệu ông Minh có mảy may cảm thấy thẹn thùng khi khoe khoang hão huyền rằng: “Bản
Hiến pháp được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 28/11/2013 sau một thời
gian dài tiếp thu hàng chục triệu ý kiến đóng góp, dành riêng 36
điều/120 điều nói về quyền con người”, nhưng ông lại giấu đi không biết bao nhiêu “hầm chông” và “mãi mìn” ghi trong các Điều 14 và 15 về Quyền con người.
Điều 14 viết: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế
theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng,
an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của
cộng đồng.”
Nhưng có ai giải thích được, hay đã có Luật nào của Việt Nam quy định
thế nào là “ lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã
hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”?
Sang Điều 15 cũng “lấp lửng con cá vàng” và “đánh bẫy” như thế này:
“1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.
2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác.
3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội.
4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm
lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.”
Nhưng thế nào là “lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”?
Nếu chưa ai trong lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN giải thích được thì tại
sao ông Phạm Bình Minh phải nói dối mãi để cho đám cháy nhân quyền ở
Việt Nam không còn chữa được nữa?
(03/2014)
0 comments:
Post a Comment