Mẹ Nấm - Một
hòn đá to cản đường không thể tự biến mất khi chúng ta ngồi không niệm
thần chú, cũng như sự thay đổi, nó không xuất hiện từ những lời cầu
nguyện, bạn hiểu không? Bởi vậy, đừng bao giờ đặt ra câu hỏi "nói để làm
gì?", mà hãy tự vấn lương tâm mình "nếu chúng ta không nói, thì mọi
chuyện rồi vẫn y như cũ sao?". Những người đi trước, nếu họ cũng cân
nhắc thiệt hơn, cũng đặt câu hỏi "được gì?" "để làm gì?", thì có lẽ, họ
đã chọn sự im lặng và thoả hiệp.
Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi, và chắc chắn là chúng ta không hề cô đơn khi chọn cho mình một thái độ rõ ràng...
Hai ngày sau khi CNN phát sóng phóng sự Vietnam Internet Crackdown ,một người quen sơ gặp tôi tại siêu thị và nói với tôi một cách rất bí mật:
- Anh vừa thấy em trả lời phỏng vấn trên CNN. Sao em gan quá vậy? Em nói như vậy mà không sợ an ninh sẽ làm khó dễ sao?
Tôi hỏi lại: - Em nói cái gì sai mà phải sợ khó dễ hả anh?
- Ờ thì em không nói sai, nhưng mà em phải biết là Việt Nam có hẳn
nguyên một bộ phận ngồi chắt lọc thông tin trên thế giới đưa ra, em nói
vậy là em chết rồi.
Tôi không biết nói gì ngoài câu: - Dạ, cám ơn anh, em biết rồi.
- Mà em nói như vậy để làm gì, có được lợi ích gì đâu?
Đến câu này thì tôi nghẹn, thật sự nghẹn vì không biết phải chọn câu trả
lời nào cho thích hợp, bởi theo những gì tôi biết thì người nói chuyện
với tôi có bằng MBA ở Mỹ, có gia sản, có sự nghiệp. Có lẽ khi có những
thứ đó thì người ta không cần tự do?
Nếu tôi được lựa chọn... liệu tôi sẽ như thế nào? Câu hỏi này lẩn quẩn trong đầu tôi nhiều ngày nay.
Bạn bè xung quanh tôi ai cũng nói, "mày quan tâm đến những thứ đó làm gì? tập trung vào chuyên môn đi".
Ừ thì cũng đã từng rồi đó, cũng có việc làm ổn định, cũng kiếm được tiền
như mọi người, cũng ăn chơi sa đà, đàn đúm, cũng la cà và la đà không
thua kém ai, và rồi thấy ngứa mắt, ngứa miệng thì lên tiếng, dù chuyện
đó xét cho cùng không ảnh hưởng gì đến mình, nhưng cứ thấy ức ức không
chịu được, và rồi thấy mình bất lực khi không thể hoà mình vào dòng chảy
của cơ chế.
Bạn nói, mình có quá nhiều tham vọng khi tham gia viết bài trên blog (ý
của bạn chắc là tham vọng chính trị nhưng bạn không nói ra).
Tôi lại nghĩ, đó là trách nhiệm, với chính bản thân mình, và với tương lai của con mình.
Không thể nào tách rời mối liên kết của chính trị và xã hội, bởi tất cả
mọi chính sách tác động ảnh hưởng đến đời sống xã hội đều do đường lối
chính trị mà ra.
Bạn thử nghĩ đi, những ngày vừa qua, cả nước điêu đứng vì cúp điện liên
tục, người người khổ sở, nhà nhà mệt mỏi, doanh nghiệp than trời vì
không thể sản xuất... xã hội rối loạn. Quyền lợi của mình không được bảo
đảm, tụi mình biết kêu ai?
Bạn chắc hẳn sẽ nói, "sao cái gì mày cũng lôi chính trị vô hết vậy?" khi
tôi đưa ví dụ này ra. Nhưng bạn thử nghĩ đi, cơ chế độc quyền, phân
phát theo kiểu mậu dịch quốc doanh có phải bắt nguồn từ thể chế chính
trị mà nước ta đang theo đuổi không?
Bạn và tôi có sự lựa chọn nào khác ngoài những thứ người ta trao cho mình không?
Hãy thử nghĩ đi, nếu bạn có sự lựa chọn khác liệu bạn có chấp nhận như chúng ta đang bị ép buộc phải chấp nhận không?
Thể chế chính trị nơi mà ta đang sống, buộc cả xã hội phát triển theo
định hướng của nó, vậy làm sao có thể tách rời hai khái niệm xã hội và
chính trị ra riêng biệt?
Một đất nước chỉ thực sự tiến bộ khi mà mọi công dân luôn vận động cùng
xã hội, quan tâm đến xã hội, quan tâm đến sự phát triển của quốc gia.
Vậy quan tâm và có thái độ chính trị đúng đắn đối với đất nước mình đang
sống thì có gì là sai?
Chính trị - hai từ này thường khiến người ta liên tưởng đến sự khô khan,
cứng nhắc, cùng những âm mưu và tham vọng hơn là trách nhiệm và lương
tâm.
Ở Việt Nam, nhiều người né tránh khi bàn đến chủ để này vì muốn yên thân, và để khỏi phải bị "vạ lây".
Những người tham gia đòi quyền tự do, bình đẳng, những người đấu tranh
vì công bằng và lẽ phải trong xã hội ở đất nước mình đang sống không ít
thì nhiều đều bị gán ghép vì "động cơ chính trị", và kết quả là nhiều
người đón nhận sự hy sinh đầy ý nghĩa của họ với ánh nhìn ngờ vực và
thương hại.
Không nói đến những điều cao siêu, chỉ bày tỏ lòng tự hào dân tộc, khẳng
định chủ quyền đất nước, kêu gọi giữ lấy màu xanh cho môi trường và an
ninh cho quốc gia, bày tỏ sự phẫn nộ trước sự bành trướng xâm lược của
Bắc Kinh, cũng bị xem là dại dột và ngông cuồng, là lợi dụng quyền tự do
(vốn dĩ không có)...
Buồn không? Đau không?
Hạnh phúc - không đơn giản chỉ là cơm no và áo mặc, nó còn là sự tự do
trong suy nghĩ, tự do được bày tỏ cảm xúc yêu - ghét, nóng - lạnh của
mỗi con người. Sự nồng nhiệt hay ơ hờ trong lòng mỗi người dân đều phải
được chính phủ xem xét, bởi khi người dân quay lưng với chính đất nước
mình thì thực sự quốc gia đó đã bị diệt vong.
Bạn tôi nói: "tao không hy vọng gì ở đất nước mình".
Một bạn khác lại hẹn: "Tao sẽ về khi Việt Nam thay đổi".
Hãy thử nghĩ đi, khi chúng ta không hy vọng gì nữa, không muốn quay về
nữa, thì hai tiếng Việt Nam có phải đã bị nhạt nhoà ngay từ trong tâm
thức rồi không?
Sẽ chẳng có gì thay đổi, khi chính bản thân chúng ta không có thái độ và
trách nhiệm thật rõ ràng với xã hội mà mình đang sống, với nơi mình đã
sinh ra.
Một hòn đá to cản đường không thể tự biến mất khi chúng ta ngồi không
niệm thần chú, cũng như sự thay đổi, nó không xuất hiện từ những lời cầu
nguyện, bạn hiểu không?
Bởi vậy, đừng bao giờ đặt ra câu hỏi "nói để làm gì?", mà hãy tự vấn
lương tâm mình "nếu chúng ta không nói, thì mọi chuyện rồi vẫn y như cũ
sao?". Những người đi trước, nếu họ cũng cân nhắc thiệt hơn, cũng đặt
câu hỏi "được gì?" "để làm gì?", thì có lẽ, họ đã chọn sự im lặng và
thoả hiệp.
Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi, và chắc chắn là chúng ta không hề cô đơn khi chọn cho mình một thái độ rõ ràng.
Tôi tin vào điều đó, bạn ơi!
0 comments:
Post a Comment