Tôi, một công dân đầu 8x, thế hệ mà
người ta thường khôi hài, mỉa mai gọi đó là sản phẩm lỗi của xã hội, của
nền giáo dục dưới một thứ chủ nghĩa hoang tưởng, phi thực tế. Tôi, như
bao nhiêu bạn bè cùng trang lứa, hồn nhiên lớn, hồn nhiên sống, hồn
nhiên yêu đời, yêu quê hương với những lý tưởng sục sôi dưới mái trường
XHCN.
Tôi, con nhà nòi cộng sản, ông bà nội
ngoại, cô dì chú bác, và cả ba tôi đều cống hiến hết mình cho sự nghiệp
đánh giặc cứu nước vĩ đại. Ba tôi từng là Trợ lý Cục chính trị Quân khu
4, từng tập kích vào chiến trường B, tham gia chỉ huy những trận đấu ở
Quảng Trị, và gặp mẹ tôi. Năm 1982, khi mẹ hạ sinh 2 anh em sinh đôi là
tôi và anh trai, ba quyết định xuất ngũ với chế độ về hưu mất sức lao
động.
Tôi lớn lên với một niềm tin mãnh liệt
và một niềm tự hào lớn lao về quê hương, xứ sở, về những chiến tích lẫy
lừng của cha ông. Điều kỳ lạ là, từ khi tôi biết nhận thức cho
đến ngày ba tôi mất, ông chưa hề một lần kể cho chúng tôi nghe về những
chiến công hay những khó khăn gian khổ trong chiến tranh mà ông đã trải
qua, cũng chưa một lần định hướng cho anh em tôi gia nhập vào đội ngũ
của Đảng. Ông là người khá kín tiếng, mực thước, tinh anh, với
vốn kiến thức uyên bác, có tầm nhìn rộng và những nhận định sắc bén về
mọi vấn đề trong cuộc sống. Hàng xóm và người dân trong khu phố đều kính
trọng ông.
Những năm tháng còn học phổ thông, tôi
để ý thấy ba hay theo dõi thời sự, và đặc biệt là ban đêm, ba tôi hay mở
đài BBC, VOA và RFA để nghe, những đài mà với hiểu biết của tôi là phản
động. Tôi thường thấy ba ngồi lặng lẽ ưu tư, trầm mặc. Nhưng hồi đó,
với tuổi ăn tuổi lớn, tôi quên bẵng những ưu tư đó của ba và cứ thế hồn
nhiên va vào cuộc sống.
Và rồi, có một sự kiện đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của tôi về những điều cố hữu mà tôi từng tin, từng cho là đúng.
Đó là năm tôi học đại học năm thứ 2, một lần đi học tiết chính trị thay
cô bạn (dạo đó sinh viên thường hay học thế cho nhau) ở một trường đại
học khác, thầy dạy môn chính trị hôm đó có quá chén với bạn, trong hơi
men, thầy đã khóc.
Thầy bảo với chúng tôi rằng thầy vô cùng
đau đớn khi phải đứng trên bục giảng, ngày ngày say sưa rao giảng về
những mớ lý thuyết rất cao cả, nhân văn nhưng thực tế thì hoàn toàn
ngược lại, với vô vàn những khuất tất mà nhà nước này cố tình che đậy,
giấu giếm, nhưng vì miếng cơm manh áo, vì cuộc sống, thầy đành chấp nhận
cắn răng chịu đựng, và làm điều ngược lại với lương tâm của mình, khiến
thầy vô cùng đau khổ và day dứt.
Tôi bàng hoàng, sửng sốt. Tôi không muốn
tin vào những điều tai đang mình nghe. Nhưng cũng từ đó, tôi bắt đầu âm
thầm tìm hiểu. Sự tò mò, hiếu kỳ và bản năng luôn tìm kiếm thông tin từ
đó bắt đầu đưa tôi bước sang một bước ngoặt khác. Những năm tháng đó,
Internet cũng đã có mặt ở VN nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, và tôi cũng
chưa được tiếp cận với nhiều luồng thông tin như hiện nay. Tôi bắt đầu
nghĩ đến việc ba vẫn đêm đêm nghe những đài mà tôi tin là phản động, và
tôi cũng đã nghĩ ba nghe chỉ để cảnh giác, đối phó với những thứ gọi là
diến biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của những thế lực thù địch ấy.
Ban đầu, tôi hoang mang, vì những thông tin ấy hoàn toàn trái ngược với những gì tôi luôn có niềm tin mãnh liệt.
Tôi như bơi giữa dòng nước lớn, ngộp thở, bất định. Rồi tôi dần dần
tiếp cận, dần dần phân tích bằng những lập luận khoa học, logic, và đối
chiếu với thực trạng của đất nước, của bộ máy công quyền, tôi mới bắt
đầu hiểu, những thứ mà mình vẫn có niềm tin cố hữu kia, những điều mà mình luôn đinh ninh là đúng, nó hoàn toàn ngược lại.
Tôi chua xót. Và tôi nghĩ, có lẽ sự trầm
mặc, ưu tư của ba cũng bắt nguồn từ những phân tích nhận định như trên,
mà cho đến cuối đời, ông chưa hề hé răng nói một lần, và cũng có lẽ,
ông đã mang theo xuống mồ những bí mật nào đó mà tôi không hề biết được.
Sau này, tôi gặp gỡ và kết thân với
nhiều người bạn, họ cũng là con em cán bộ cộng sản như tôi, và họ kể cho
tôi nghe về những khuất tất trong cuộc chiến, những cuộc thanh trừng
chính trị, những toan tính không hề mang dáng dấp của một cuộc chiến lẫy
lừng vĩ đại mà thế hệ tôi vẫn từng được học. Điều tôi đau đớn
nhất, đó ko phải là những gì mình trải nghiệm, mà đó là sự bi hài, oái
oăm mà lịch sử đã để lại cho dân tộc này những niềm tin lệch lạc, mù
quáng.
Bạn có thể xếp tôi vào thành phần thiểu
số những cá nhân hậm hực, bất mãn với chế độ, và bạn có thể dè bỉu khi
bảo rằng tôi đang lầm đường lạc lối, nhưng bạn hãy chờ đi nhé, cho dù
hiện nay, công cuộc đấu tranh này còn đối mặt với nhiều gian nan, trở
ngại nhưng một ngày nào đó, tôi sẽ chứng minh cho bạn thấy con đường tôi
đang đi hoàn toàn đúng. Hãy nhìn xuyên suốt lịch sử, bạn sẽ thấy một điều rõ ràng, tất cả mọi cuộc đấu tranh chính nghĩa đều bắt đầu từ thiểu số.
Lê Thu Hà
0 comments:
Post a Comment