Có phải thế không ?
Và nếu làm lại thì làm lại cái gì, với mục đích gì ?
Người ta có thể nói là mục đích vẫn không thay đổi, đó là làm sao để con người sống một cách hạnh phúc hơn, ít nhất là những quyền căn bản của con người về vật chất, như khi đói thì phải có cơm ăn, khi rét thì phải có áo mặc, khi bệnh thì phải có thuốc uống ; về tinh thần, thì ít nhất những quyền căn bản như tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do lập hội, tự do chính trị v.v.. phải được tôn trọng.
Nhưng để đạt được mục đích đó thì phải làm gì ?
Nhất là với cụm từ « Làm lại thế giới « , người ta nghĩ đến cả ngàn, cả triệu và cả tỷ hành động khác phải làm. Tuy nhiên tất cả những hành động đó có thể thâu tóm trong 2 lãnh vực : tư tưởng và thực hành.
Về tư tưởng thì phải xét tất cả những tư tưởng áp dụng từ trước tới giờ, phê bình, sửa sai và nếu có thể đưa ra tư tưởng mới.
Về hành động thì làm sao áp dụng đúng đắn những tư tưởng mà cho là tốt đẹp, không sai trệch mục đích, nhưng cũng không bị lâm vào cảnh « Đẽo chân để đi vừa giày « , ép thực tế đi theo một lý thuyết, một tư tưởng ảo tưởng ; như trường hợp những chế độ cộng sản, ảo tưởng nghĩ rằng đi xây một xã hội công bằng, nhưng thực tế là một xã hội bất công nhất, ảo tưởng nghĩ rằng bãi bỏ quyền tư hữu, nhưng thực tế thì giới lãnh đạo có đầy quyền tư hữu, thu tóm quyền tư hữu của toàn dân vào tay một thiểu số người là đảng đoàn, cán bộ, con ông, cháu cha.
Đó là một cách nhìn, nhưng có một cách nhìn khác, « Làm lại thế giới «, đây có nghĩa là làm lại nền văn hóa, văn minh mà thế giới đang sống.
Tôi xin từ từ đi vào mỗi lãnh vực.
Văn có nghĩa là « Đẹp « , hóa có nghĩa là « Biến thành « , biến thành đẹp là văn hóa.
Văn minh, văn cũng có nghĩa là đẹp, và khi cái đẹp đó tỏa sáng, vì « Minh « là sáng, thì trở thành văn minh. Có những ý nghĩ sai làm cho rằng văn hóa thiên về tư tưởng, văn học, nghệ thuật, cònvăn minh thiên về vật chất, kỹ thuật. Không phải như vậy.
Chữ văn hóa theo tây phương, cả ngôn ngữ Anh và Pháp, là chữ « La culture « lúc đầu có nghĩa là « La culture est ce qui contre la nature « Văn hóa là cái gì chống lại thiên nhiên. Chẳng hạn như để chống nắng, chống mưa, con người dựng lên dù là một túp lều tranh để ở, đó là văn hóa. Một cục đá để vậy là thiên nhiên, nhưng cục đá được gọt đẽo, thành pho tượng, thì là văn hóa.
Chữ văn minh, tây phương là « Civilisation « có nghĩa là « Tổng hợp những hiện tượng xã hội, tôn giáo, trí thức, văn nghệ, khoa học và kỹ thuật của một dân tộc và được trao truyền qua giáo dục « ( L’ensemble des phénomènes sociaux, religieux, intellectuels, artistique, scientifique et techniques propres à un peuple et transmis par l’éducation).
Từ đó, khi nói đến « Làm lại thế giới « có nghĩa là làm lại văn minh, đồng thời cũng có nghĩa làm làm lại tất cả những gì liên quan đến đời sống con người, đến xã hội con người, đến tôn giáo, tri thức, nghệ thuật, thẩm mỹ, khoa học và kỹ thuật.
Ở điểm này, tôi xin có một ý kiến là « Nên thận trọng « .
Karl Marx và những người cộng sản muốn làm lại văn hóa và văn minh của nhân loại.
Marx viết : « Chủ nghĩa cộng sản loại bỏ những chân lý muôn thưở, loại bỏ tôn giáo và đạo đức, thay vì cải thiện chúng và nó đi ngược lại tất cả những phát triển lịch sử từ trước cho tới giờ « ( K. Marx – Manifeste du Parti communiste – trang 51 – www.librio.net).
Kinh nghiệm cho chúng ta thấy gì ?
Hơn 100 triệu người bị chết oan uổng bởi cộng sản. Xã hội cộng sản với những nước còn lại như Trung cộng và Việt Nam là một xã hội vô đạo đức, man dại, cầm thú, con người cấu xé lẫn nhau, con có thể giết cha, chửi mẹ,vì tiền, bạn bè có thể giết nhau vì lợi.
Một xã hội mà chính Tập cận Bình, nhân vật thứ nhì và sắp lên ngôi thứ nhất của đảng cộng sản, cũng tuyên bố :
« Đảng cộng sản là nới qui tụ những phần tử xấu xa, vô trách nhiệm, ích kỷ nhất. »
Chúng ta có thể nói văn hóa, văn minh là tất cả việc làm của con người, có tính chất thế thứ, trao truyền, từ đời này qua đời khác, nhằm mục đích là tạo hạnh phúc cho con người, ít nhất là thỏa mãn được những nhu cầu căn bản của nó trên 2 phương diện vật chất và tinh thần, như trên đã nói.
Chúng ta có thể ví văn minh như một cái cây. Quá khứ là rễ cây, hiện tại là thân cây, tương lai là cành lá.
Một cái cây không thể sống vì không rễ, cũng không thể sống nếu thiếu cành lá hay thân cây. Mà một cái cây lớn là một cây mà rễ phải đi sâu vào lòng đất để hút nhựa, thân cây phải to lớn để chuyển nhựa, cành lá phải rườm rà để thâu nhận ánh sáng từ muôn hướng.
Một nền văn minh mà đoạn tuyệt với quá khứ là một nền văn minh chết. Hay tự đóng cửa không thâu nhận tinh hoa của nước ngoài cũng chết vậy. Chẳng khác nào một cây không rễ và không cành lá, chỉ là một khúc gỗ.
Bởi lẽ đó phải thận trọng với những ý nghĩ, tư tưởng « Làm lại thế giới « , « Làm lại văn hóa, văn minh « , nhất là tư tưởng cho rằng để làm văn minh mới thì phải phá hủy tất cả những gì thuộc văn minh cũ. Lịch sử đã chứng minh rằng bảo tồn văn hóa chính là kiến tạo văn hóa mới.
Tôi không trách những nhà báo, vì lý do nghề nghiệp, có thể đưa ra những tiêu đề giật gân để câu khách, như tờ báo L’Expension của Pháp, số 772, tháng 3/2012, với tiêu đề « Làm lại thế giới « ( Refaire le monde), nhưng cũng có phần do những nhà báo, những nhà tư tưởng chưa suy nghĩ đến nơi đến chốn, có tính hứng khởi, dựa vào sự kiện một vài khủng hoảng, đã đưa ra những khẩu hiệu thiếu suy nghĩ.
Bằng chứng trong quá khứ, đó là Karl Marx.
Ai cũng biết Marx viết quyển Tuyên ngôn thư Đảng cộng sản, quyển Thánh Kinh của người cộng sản, lúc chưa đầy 30 tuổi, và viết trong vòng có 3 tuần.
Thật vậy, vào đầu năm 1847, qua những gợi ý của Babeuf, một người đã tham gia Cách mạng Pháp 1789, sau đó tiếp nối bởi những người tranh đấu cho thợ thuyền Âu châu, trong đó có Marx và Engels, một cuộc Đại hội sơ khởi, tiền thân của Quốc tế Cộng sản ( Internationale), được triệu tập ở bên Luân đôn, Anh quốc. Lúc đó Marx (1818 – 1883) đã đang sống lưu vong ở Bruxelles, Bỉ, không có phương tiện đi, cử Engels đại diện. Trong cuộc họp, Engels được bầu làm thư ký, ghi chép tất cả những phát biểu của các đại diện, và được trao cho Marx sọan thảo bản tuyên ngôn. Marx chần chờ, sau nhiều lần bị ban thư ký Đại hội cảnh cáo, đòi trả lại những điều đã được ghi chép, để cho người khác viết. Lúc đó Marx mới bắt đầu cầm bút viết vào cuối năm 1847, và chỉ trong ba tuần, thì viết xong bản Tuyên ngôn thư Đảng Cộng sản.
Điều này chứng tỏ Marx là một người vô cùng thông minh, nhưng đồng thời cũng chứng tỏ những điều Marx viết chưa được suy nghĩ chín chắn, có tính cách lãng mạng, cảm hứng nhiều hơn là có tính cách đắn đo, khoa học.
Chẳng hạn câu mở đầu : « Lịch sử nhân loại của bất cứ một xã hội nào cho tới ngày hôm nay, chỉ là lịch sử của đấu tranh giai cấp. »
Chắc chắn vào tuổi đời 29, Marx chưa có thể đọc nhiều về lịch sử nhân loại, thêm vào đó lại đơn giản lịch sử qua đấu tranh giai cấp. (1)
Tôi viết điều này để nhắc nhở rằng những tư tưởng đơn giản hóa vấn đề, thâu gọn qua những khẩu hiệu, những biểu ngữ nhiều khi đi đến những hậu quả khó lường, như tiêu đề « Làm lại thế giới « là quá đơn giản, có thể mang lại một vài ý kiến, nhưng chưa đủ và rất dễ mang đến nguy hại khi áp dụng, nhất là khi những ý tưởng đơn giản này bị lọt vào tay những chính quyền độc tài.
Kết quả 100 triệu người chết vì những ý tưởng đơn giản, ảo tưởng của Marx là vậy.
Trở về đề tài « Làm lại thế giới «, với tờ báo L’ Expansion, tờ báo này có đưa ra một số bài viết của một số tác giả cũng có tiếng trong lãnh vực kinh tế, đưa ra một số giải pháp về kinh tế, tài chính, với một số biện pháp như phân chia công việc trên thế giới, quốc gia nào có khả năng nào thì chuyên sản xuất về ngành đó rồi trao đổi ; cũng có người chủ trương trở về bảo vệ mậu dịch, bải bõ chính sách toàn cầu hóa kinh kế, người khác thì chủ trương có một chính quyền kinh tế thế giới, được toàn thế giới bầu ra, bên canh Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Chỉ nói về kinh tế thôi, mà bảo làm lại thế giới thì cũng hơi quá, thêm vào đó ngay trong lãnh vực kinh tế, tôi thấy những đề nghị này có tính chất cải cách kinh tế, nhiều hơn là làm lại.
Và tôi cũng chủ trương là phải cải tổ kinh tế, và chỉ có kinh tế, hơn là làm lại từ đầu, vì những lãnh vực khác, như chính trị, tôi nghĩ dù không phải là một chế độ thật hoàn hảo, nhưng chế độ dân chủ vẫn là một chế độ tốt nhất từ xưa tới nay, trong lịch sử nhân loại ; về đạo đức tôn giáo, tôi cũng nhận thấy những lời dạy của những tôn giáo lớn, rằng con người phải ăn hiền, ở lành, phải giữ tâm trong sáng, không gian ác, giết người, những lời dạy này vẫn còn giá trị căn bản và toàn cầu, không cần chi phải làm lại ; về văn hóa, nghệ thuật, thế giới ngày nay cũng chẳng có chi phải đặt lại vấn đề, phải làm lại..
Để cải tổ, thì chúng ta phải biết phải cải tổ cái gì trên phương diện lý thuyết và thực hành, và cuộc khủng hoảng ngày hôm nay, nguyên do chính là đâu.
Tôi nghĩ thì cuộc khủng hoảng này mang tính chất kinh tế, phải nói rõ hơn là khủng hoảng tài chánh và và ngân sách.
Đây là khủng hoảng từ những biện pháp áp dụng, chứ ngay trên phương diện tư tưởng, những nguyên tắc căn bản lập ra bởi Adam Smith của trường phái Kinh tế tự do ( Ecole libérale), theo đó phải tôn trọng quyền tự do kinh tế, phải tôn trọng quyền tự do tư hữu, tự do mậu dịch, và sự phân công lao động quốc tế, cũng như đạo đức căn bản trong việc mậu dịch là đừng gian dối, lừa đảo ; rằng quốc gia, nhà nước chỉ nên giữ một vai trò hướng dẫn chứ không áp đặt, chỉ can thiệp để điều chỉnh thị trường, chứ thị trường tự nó có thể điều chỉnh chính nó ; rằng nhà nước chỉ nên chú trọng vào giáo dục và xây cất hạ tầng cơ sở. Những nguyên tắc này vẫn còn giá trị, không cần đặt lại, làm lại.
Trường phái Kinh tế Tân Tự do ( Ecole Néo – Libérale), mà theo tôi, người đại diện xứng đáng nhất là John M. Keynes, theo đó cũng cần có sự can thiệp của nhà nuớc, chính quyền vào trong đời sống kinh tế, qua chính trị ngân sách và tiền tệ ( politique budgétaire et monétaire). Chính quyền có thể chi tiêu lố ngân sách để kích thích kinh tế qua kích cung bằng cách giảm thuế cho những chủ nhân, để họ có thể giảm giá, để cạnh tranh, hay kích cầu là chính phủ có thể tăng lương thợ, để kích thích tiêu thụ, một khi tiêu thụ kích thích, tăng, thì kinh tế hoạt đông bình thường trở lại ; hoặc qua chính sách tiền tệ là tăng hay giảm lãi xuất chính, do ngân hàng trung ương quyết định, để dân dễ dãi vay tiền làm ăn, hay tăng lãi xuất để tránh nạn lạm phát.
Chính sách kinh tế tân tự do của Keynes đã được áp dụng bắt đầu và thành công mỹ mãn với chính sách kinh tế của Hoa kỳ thời Roosevelt từ năm 1933 tới 1945.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, người ta đã lạm dụng chính sách kinh tế của Keynes, ông chủ trương thâm hụt ngân sách là không quá 3% mỗi năm, chủ trương nợ nhà nước là không quá 60% tổng sản lượng quốc gia. Nhưng ngày hôm nay nhìn lại những nước bị khủng hoảng, từ Hy lạp qua Tây ban nha, Hoa kỳ, Pháp, chúng ta thấy, thâm hụt ngân sách không nước nào dưới 3%, nợ quốc gia không nước nào dưới 60%. Ngay cả Hoa kỳ, nợ là 100%, Hy lạp là 200%, Pháp là 87%, Đức là 80%.
Bởi lẽ đó cuộc khủng hoảng hiện nay là cuộc khủng hoảng về tài chánh và chính sách ngân sách, chứ không phải là cuộc khủng hoảng kinh tế ( theo nghĩa là những căn bản kinh tế của Adam Smith và Keynes là sai), càng không phải là toàn diện. Nên không cần phải « Làm lại thế giới « , như một số người nghĩ. Nó lại không phải là cuộc khủng hoảng về văn minh, mà cần phải đi làm lại một nền văn minh khác.
Một nhà tư tưởng đã nói : « Bất cứ một xã hội nào mà không được soi sáng bởi những nhà hiền triết, thì sẽ bị lừa bởi những thầy lang băm « ( Toute société qui n’est pas éclairée par des philosophes, sera trompée par des charlatans).
Thầy lang băm Marx và Engels đã làm cho nhân loại phải trả một giá rất đắt là trên 100 triệu nạn nhân. Ngày hôm nay, không vì khủng hoảng tài chánh và ngân sách, mà đặt lại ngay cả những nguyên tắc chính về kinh tế của những Adam Smith, Keynes, nói chi đến đặt lại cả những nguyên tắc về triết lý, tôn giáo, đạo đức.
Cẩn thận, không khéo lại bị lâm vào cảnh lang băm lừa đảo (1).
Paris ngày 14/04/2012
Chu chi Nam
(1) Xin xem thêm những bài về Adam Smith, Keynes và Marx, trên http://perso.orange.fr/chuchinam/
0 comments:
Post a Comment