ÐÀ NẴNG (NV) -Ba chiến hạm thuộc hạm đội 7 của Hoa Kỳ sẽ cập cảng Tiên Sa, thành phố Ðà Nẵng của Việt Nam vào ngày 23 tháng 4 tới đây, mở đầu chuyến thăm kéo dài 5 ngày.
Bản thông cáo báo chí của Ðại Sứ Quán Mỹ tại Hà Nội hôm Thứ Ba nói rằng chuyến thăm này là một hoạt động trao đổi và nhằm gia tăng “mối quan hệ ngày càng gần gũi hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.”
Soái hạm USS Blue Ridge, một trong ba chiến hạm Hoa Kỳ sẽ ghé thăm cảng Tiên Sa, Ðà Nẵng vào ngày 24 tháng 4 tới đây. (Hình: Jay Directo/AFP/Getty Images)
Ba chiến hạm ghé cảng Tiên Sa lần này là USS Blue Ridge, USS Chafee và USNS Safeguard. Trong đó USS Blue Ridge là soái hạm chủ lực của Hạm Ðội 7, USS Blue Ridge là tàu khu trục còn USNS Safeguard là tàu cứu hộ.
Tin cho biết, tư lệnh Hạm đội 7, Phó Ðô Ðốc Scott Swift, và tư lệnh Lực Lượng Hậu Cần Tây Thái Bình Dương, Chuẩn Ðô Ðốc Tom Carney, cũng sẽ có mặt tại Việt Nam trong chuyến thăm.
Tin tức về chuyến thăm được loan báo là lực lượng hải quân của hai bên “sẽ tập trung vào các sự kiện phi tác chiến và trao đổi kỹ năng trong các lĩnh vực điều khiển và bảo trì tàu.”
Ðại diện Hải Quân Việt Nam, nói là, sẽ được mời lên tàu Hoa Kỳ để quan sát “huấn luyện kiểm soát thảm họa và huấn luyện lặn, cứu hộ, và y học dưới nước.”
Ðây là lần thứ hai kể từ năm 2010 có một lực lượng lớn của Hải Quân Hoa Kỳ ghé cảng Tiên Sa, Ðà Nẵng.
Hồi tháng 8 năm 2010, trong đợt kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ, hai chiến hạm Hoa Kỳ là soái hạm USS Blue Ridge và USS Lassen đã cùng lúc ghé cảng Tiên Sa. Trong đó, chiếc USS Lassen do Hải Quân Trung Tá gốc Việt Lê Bá Hùng làm hạm trưởng.
Ba chiến hạm USS Blue Ridge, USS Chafee và USNS Safeguard là những chiến hạm đến thăm Việt Nam gần đây nhất trong một chuỗi những chuyến viếng thăm thân hữu của Hải Quân Hoa Kỳ ở Việt Nam, bắt đầu từ năm 2003 khi hộ tống hạm USS Vandergriff lần đầu tiên thăm cảng Sài Gòn.
Chuyến thăm lần này cho thấy chính sách hướng về Châu Á của Hoa Kỳ đang được thực thi. Nó cho thấy nỗ lực từ cả hai phía Hoa Kỳ và Việt Nam nhằm gia tăng mối quan hệ như một sự cân bằng với sức mạnh của Trung Quốc.
Soái hạm USS Blue Ridge từng ghé thăm Việt Nam hồi năm 2010 và nay sẽ trở lại cảng Tiên Sa. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thay đổi nhanh chóng sau khi bình thường hóa năm 1995 dưới thời Tổng Thống Clinton. Mậu dịch song phương phát triển nhanh chóng và quan hệ quân sự cũng nhích lên nhưng rất chậm chạp trước sự ngó chừng sát sao của Bắc Kinh.
Việt Nam cần trang bị quân đội và Hải quân, Không quân cho tối tân hơn, nhưng bị giới hạn bởi ngân sách eo hẹp. Một mặt khác, Hoa Kỳ khó lòng bán võ khí tối tân cho Việt Nam vì phải qua Quốc Hội với nhiều chống đối, điều kiện ràng buộc, phần khác Việt Nam vẫn là một nước cộng sản.
Ðó là chưa kể tới thái độ của Bắc Kinh cũng góp phần ảnh hưởng. Hai năm qua, Việt Nam mua của Nga 6 tầu ngầm, hai chiến hạm và hơn 20 chiến đấu cơ, nhưng không thể so sánh gì với sức mạnh quân sự của Trung Quốc. (KN)
0 comments:
Post a Comment