Thật tình Cỏ May không dám nói các Bà là rắc rối không phải vì có liên hệ đồng phái với Cỏ May, mà vì đó là điều xúc phạm nặng đến các Bà. Một sự phạm thượng (lèse-majesté ) không thể tha thứ. Cỏ May nhắc lại vài trường hợp điển hình về tội phạm thượng để hiểu tại sao Cỏ May nói là mình không dám xúc phạm đến các Bà là thiệt tình .
Hồi cuối năm rồi, một người Mỹ gốc Thái-lan,ông Joe Wichai CommartGordon, bị Tòa án Bangkok kết án 30 tháng tù vì tội dịch phần tiểu sử cấm của nhà vua. Trước đó, một người đàn ông 61 tuổi đã gởi đi 4 SMS bị xét là xúc phạm đến nhà vua nên bị kết án 20 năm tù ở. Cơ quan Nhơn quyền quốc tế can thiệp với lý do nhà vua Thái không có thực quyền và không cai trị quốc gia nhưng đối với xứ Thái, nhà vua là một thứ “nửa trời nửa người” (demi-dieu). Mọi người phải tôn trọng và thờ phượng.
Tội phạm thượng ngày nay ở các nước cộng sản độc tài còn sót lại như Tàu, Bắc Hàn, Hà Nội, như bôi bác đảng cộng sản và lãnh tụ, bị xử vô cùng nặng nề. Ngày xưa, tội phạm thượng bị chặt đầu. Án tử hình vẫn còn dành cho tội phạm thượng ở các nước hồi giáo khi diển tả lại A-la hay Mohamed tuy người hồi giáo không hề biết Ông A-la hay Mohamed như thế nào, nhưng vẫn kết tội người vẻ lại là vẻ “không đúng, có tính xúc phạm”. Trước đây, nhà thơ Salman Rusdhie phải chạy trốn qua Anh để tránh bản án tử hình vi tập « Verset satanique » .
Qua những bản án phạm thượng trên đây hảy còn nóng hổi thì chắc chắn Cỏ May không dạy gì mà dám giỡn mặt Nữ Hoàng.
Nhưng ngày nay, các Bà đầm Tây đang rầm rộ xuống đường biểu tình, gởi kiến nghị tới Chánh phủ và với nhiều nổ lực khác nữa để đòi cho bằng được phải chánh thức hủy bỏ tiếng CÔ (Mademoiselle ) trên các giấy tờ hành chánh và tiếp theo, trong ứng xử xã hội hằng ngày . Nhiều Tổ chức Phụ nữ họp nhau tranh đấu. Chánh phủ đã phải lên tiếng « OK » và tiếp theo ban hành chỉ thị hủy bỏ tiếng “CÔ” trên giấy tờ hành chánh. Lý do của các Bà nêu ra là «CÔ» và «BÀ» song hành là chủ tâm phân biệt giới tính, phân biệt đối xử. Tại sao đàn ông chỉ có một tiếng gọi «ÔNG» (Monsieur), không hàm ý đó là người bao nhiêu tuổi, có vợ hay chưa ? Tại sao gọi chúng tôi là « BÀ» để chỉ người có chồng? Không phải BÀ, chúng tôi không có chồng được à?
Vậy những phản ứng rầm rộ của các Bà chỉ vì tiếng CÔ và BÀ đã có từ xa xưa nay bổng trở thành thời sự nóng bổng đang chi phối nước Pháp trong mùa bầu cử Tổng thống – chắc các bà chọn đúng thời điểm này để mở cuộc tấn công – có thể nói « các Bà rắc rối » được không?
Nổi cơn gió bụi
Thưòng khi có một vấn đề của các Bà hay liên quan tới các Bà xảy ra thì không tránh khỏi tốn hao giấy mực trên báo in hay hơi hám và cả nhiều nước bọt trên báo nói. Câu chuyện CÔ hay BÀ hiện nay dĩ nhiên sẽ không là một ngoại lệ. Tình hình sôi nổi vì có kẻ chống thì phải có người binh. Mà cả hai phe chống và binh đều là các bà cả vì chẳng bao giờ có một ông nào dám cả gan nhảy vào cho dù có mình đồng da sắt đi nữa. Nhưng phe binh, tức muốn giữ lại nguyên trạng, theo cái hiểu thông thường CÔ dành để chỉ cô gái chưa có chồng và còn trẻ, Bà dành riêng cho người phụ nữ có chồng và có tuổi. Nhưng phe này lại yếu thế vì phân chia làm nhiều nhóm trong lúc phe chống lại đoàn kết để thành công. Mà họ đã thành công thiệt.
Lập luận của họ rất biện chứng “thật quái gở khi giữ CÔ trên giấy tờ hành chánh vì nó thật sự không mang một ý nghĩa gì hết. Một phụ nữ sống chung với một người đàn ông từ hai mươi năm nay và đã có chung với nhau 3 con mà vẫn gọi là CÔ trên giấy tờ được à? Vậy đâu là ý nghĩa như được hiểu về tiếng CÔ?
Nay bỏ đi tiếng CÔ có đúng không? Có hay hơn không? Có trái với luật pháp hay không?”.
Một phụ nữ khác phân trần thêm “CÔ hay BÀkhông phải là vần đề trọng đại như quyền phá thai hay quyền bầu cử. Tôi muốn nói ra đây, ở thế kỷ 21 này, là tôi không muốn ai hỏi tôi có chồng hay không khi tôi làm một giấy tờ hành chánh thông thường. Trước hết, vì đây là một vấn đề hoàn toàn riêng tư không nên ghi vào giấy tờ của tôi. Ngày nay, hôn nhơn không còn là một định chế phải tuyệt đối tôn trọng như trước đây. Mục tiêu của đời tôi không phải chỉ vì cái anh chàng đó mà bắt tôi phải là Bà hay Cô “.
Phe binh vực duy trì tiếng CÔ cho rằng “đàn ông cũng muốn được mọi người gọi là Cậu, là Anh cho thấy thanh niên hơn làÔng vì Ông hàm ý người có tuổi rồi. Cứng rồi. Người phụ nữ không chồng, còn trẻ, ai cũng muốn mọi người gọi mình là Cô. Để còn có kẻ ngắm nghé chớ. Gọi là Bà thì kể như cuộc đời đã khóa sổ rồi. Còn mong đợi gì được nữa. Chẳng những với những người trẻ, mà cả nhiều người tuổi năm mươi vẫn còn muốn khai trên giấy tờ là Cô và, trong quan hệ xã hội, muốn mọi người gọi mình là CÔ. Quan điểm này rất chánh đáng nên phải được tôn trọng ». Trên thực tế, không thiếu những bà đã già khú đế, không có chồng, luôn luôn muốn mọi người phải gọi mình bằng CÔ. Nếu có ai vì thấy tuổi tác mà gọi bằng BÀ với sự kính trọng thì sẽ không tránh khỏi làm cho mặt mày bà sưng cợm lên.
Trong phe muốn bảo vệ địa vị Cô, Bà Olivia Cottan, Chủ tịch «Tiếng nói Phụ nữ», với thái độ ôn hòa hơn, cho rằng tiếng xưng hô Cô không có gì làm cho bà thấy khó chịu vì Cô/Bà không phải là vấn đề ưu tiên thật sự của người phụ nữ ngày nay. Theo kết quả thăm dò dư luận, chỉ có 5 % phụ nữ thật sự quan tâm tới vấn đề nên chọnCô hay Bà, còn lại 85 % thì quan tâm tói sự bình đẳng giữa nam/nữ, như bình đẳng về quyền lợi xã hội, về lương bổng, là những điều đang cần phải tranh đấu thắng lợi.
Cô và Bà
Cách dùngCô hay Bàtừ xưa nay không do một qui định chánh thức nào hết cả . Từ trước kia khá lâu, vấn đề Cô/Bà đã được các bà đặt ra rồi . Năm 1972, Ông René Pleven, Tổng trưởng Tư pháp, có nhắc lại cái khung trên giấy tở hành chánh dành để ghi giới tínhCô hay Bàkhông có giá trị cưởng hành vì không được chánh thức qui định. Năm 1967 và năm 1974, có 2 qui định nói rỏ tiếng BÀ được đặt ra trước tiếng Ông trên các văn kiện hành chánh chớ không phải tiếng CÔ . Sau đó, thêm một lần nữa, Bà Yvette Roudy, Bộ trưởng Nữ quyền năm 1983 dưới thời Thủ tướng Xã hội Pierre Mauroy của T.T. Mitterrand, đã chỉ trích mạnh cái khung dành cho Cô để khai giới tính biểu hiện một thái độ rỏ ràng phân biệt đối xử .
Vậy xưa nay, người ta có quen gọiCô hay Bàchỉ vì tập quán xã hội mà thôi. Hoặc vì nịnh đầm hay vì làm dáng? Chớ hoàn toàn không vì định chế.
Nay phải chăng vì thấy các bà họp nhau lại và nỗi tam bành nên Thủ tướng Fillon đã vội ra chỉ thị tái xác nhận từ nay tiếng CÔ sẽ không còn được xử dụng trên các văn kiện hành chánh nữa. Thật ra, vấn đề này, về mặt chánh thức, Chánh phủ đã nhiều lần xác nhận nó không có giá trị pháp lý. Ông còn nói rỏ thêm, như để làm cho các bà thỏa mản hơn, những cái ô dành ghi « tên con gái », tức « nhủ danh » theo người việt ta, « tên vợ » và « cô », cả ba sẽ biến mất.
Thủ tướng Fillon nhấn mạnh nay chỉ thị này có giá trị xác nhận lại sự hủy bỏ cách dùng Cô/Bà đúng theo luật lệ hiện hành. Cô được thay thế bằng Bà, một tiếng duy nhứt chỉ giới tính có giá trị như Ông đối với nam giới để không vì chế độ hôn nhơn mà đàn ông chiếm ưu thế. Tên chồng, tên vợ không nói lên tình trạng gia đình. Tuy nhiên, trong trường hợp ly dị, người vợ có thể giữ tên chồng củ với sự ung thuận của ông này. Chánh phủ sẽ phát hàng giấy tờ hành chánh theo qui định mới này khi số giấy tờ củ được tiêu thụ hết .
Tới đây, nhìn lại, chúng ta thấy các bà ra sức tranh đấu cho một vấn đề đã được chánh thức giải quyết từ lâu rồi. Về phía Chánh phủ, khi thấy các bà la ó, vội làm mọi cách để các bà đừng la nữa mặc dầu phải lập lại những điều mình đã ban hành . Cả hai bên đều cùng nhau xô cái cửa đã mở sẵn mà không ai chịu bước vào! Lẽ ra đối tượng của các bà nhằm là tập quán xã hội mà các bà phải tranh đấu để thay đổi phù hợp theo quan điểm của các bà ngày nay.
Vậy nếu bảo các Bà là rắc rối, nghĩ ra cũng được lắm chớ, phải không ạ?
Có phải các Bà xưa nay thường kiếm chuyện?
Cô hay Bà là tiếng quen dùng trong giao tiếp biểu hiện lễ phép, lịch sự để nói chuyện với một phụ nữ cũng như khi nói chuyện vói người đàn ông, người ta dùng tiếng Ông vậy.
Nó mang ý nghĩa tùy theo cách và trường hợp sử dụng trước người đối thoại. Và nó cũng đã thay đổi theo thời gian. Ý nghĩa biểu hiện nếp sống văn minh, sự lịch sự của thời xưa, ngày nay không còn lưu hành trong xã hội Pháp nữa.
Theo tập quán phổ thông, tiếng Cô trước đây được dùng khi nói chuyện hay chỉ một phụ nữ chưa có chồng hay còn trẻ tuổi. Nhưng sử dụng cũng phải tùy theo hoàn cảnh người dùng. Nhưng các cơ quan hành chánh hay thương mại lại để tự do cho người phụ nữ chọnCô hay Bàghi trước tên của mình để nhận giấy tờ gởi tới. Trong đời sống thực tế, hai tiếng Cô/Bà tự nhiên bắt buộc người ta phải chọn lựa. Tính phức tạp khi phải xưng hô Cô hay Bàcho đúng phép, cho phù hợp với đối tượng, đã làm cho nhà văn lớn của Pháp, Marcel Proust, phải một lần than trời « Không biết phải gọi đây làCô hay Bà; điều này đã làm cho tôi đỏ mặt. Nhưng nếu gọi nhau bằng tên có phải đã tránh được sự lúng túng hay không?».
Phép xã giao đòi hỏi phải dùng Cô hay Bà cho đúng người, đúng trường hợp, nhưng lại không có một chuẩn mực nào rõ ràng.
Văn thư chánh phủ năm 1983 phê bình tiếng Ông dành cho nam giới không ổn vì khi gọi Ông, người nói chuyện không biết rỏ tuổi tác và hộ tịch người đối thoại mà mình đang gọi là Ông. Như vậy không khác nào đưa hành chánh phụ thuộc theo sự chọn lựa của đương sự. Tương tự như vậy, tiếng Bà cũng dùng không đúng. Thế mà nỗi lên được Phong trào Phụ nữ đang phát động đòi hỏi thay thế tiếng Cô bằng tiếng Bà duy nhứt trên giấy tờ hành chán . Các bà còn đi xa hơn, như thừa thắng xông lên, đòi hỏi trong ngôn ngữ quan hệ xã hội, bỏ luôn tiếng “Con gái”, chỉ giữ lại một tiếng “Đàn bà” chỉ chung cho nữ giới.
Như hưởng ứng tiếng gọi của Phong trào Phụ nữ, năm nay 2012, Thành phố Cesson-Sévigné đã tự bỏ trước cái ô dành ghi tiếng Cô trên các giấy tờ hành chánh của Thị xã.
Cô ơi, để biết một chút về Cô
Ở Québec, Canada, tiếng pháp và vài tập quán gốc Pháp thời xa xưa còn giữ lại, tiếng Cô được dùng chỉ các cô gái .Cô là Mademoisellecủa tiếng Pháp. Mà Mademoiselle = Ma-demoiselle do tiếng la-tinh bình dân « domnicella» có nghĩa là «seigneur», chỉ sự kính trọng.
Thời Trung cổ, tiếng Cô dùng để chỉ cô gái và phụ nữ thuộc giới quí tộc mà chồng chưa được tước Hiệp sĩ . Cách gọi này không phụ thuộc chế độ hôn nhơn . Còn nam thanh niên được gọi là Damoiseau = Cậu, Công tử, chớ không phải Ông ( Monsieur ) như sau này . Đến thế kỷ 18, những tiếng Mon-sieur, rút gọn chữ Monseigneur, Madame, Damoiseau và Mademoiselle trở thành cách gọi biểu lộ sự kính trọng, giới thiệu địa vị xã hội như giới quí tộc, lớp quyền uy cai trị, đối nghịch lại cách giao tế phổ thông dành riêng cho từng lớp thứ dân như « Mon-homme hay Bonhomme (Chú mày ), Ma-femme hay Bonnefemme (Mụ này, Chị này), Mon-garçon, Ma-fille (Thằng nhỏ,Con nhỏ) ».
Đặc biệt, tiếng Cô (Mademoiselle) còn là tiếng gọi riêng trong hoàng gia dành cho con gái của anh cả của Vua, ông anh cả được gọi là Ông (Monsieur). Công chúa Anne-Marie d’Orléans được gọi là Grande Mademoiselle (Cô Lớn). Tiếng Madame (Bà) chỉ những phụ nữ trong hoàng gia không chức tước hoặc không có chồng . Như các bà chị của vua Louis XVI hoặc Henriette d’Angleterre.
Ngày nay, năm 1974, một chỉ thị chánh phủ cho phép chánh thức gọi phái nữ trên 21 tuổi bằng Bà ( Madame ). Năm 1980, cách dùng tiếng Bà có chút thay đổi về nội dung vì Bà để chỉ những phụ nữ có địa vị xã hội cao, như cấp lãnh đạo trong Chánh phủ hoặc xí nghiệp lớn. Trái lại, tiếng Cô ( Mademoiselle ) được dùng rât phổ thông chỉ các phụ nữ thuộc giới lao động như các Cô bán hàng, làm việc nhà, giữ trẻ, … mặc dầu họ có chồng hoặc lớn tuổi.
Tiếng Cô còn dùng đặc biệt từ thế kỳ thứ XVII trong giới nghệ sĩ để gọi các nữ nghệ sĩ, không hệ ở tuổi tác hay có chồng chưa. Ở Việt nam, người ta vẫn gọi các nữ nghệ sĩ bằng Cô như Cô PhùngHá, Cô Năm Phỉ mặc dầu các Cô này có tuổi bằng bà cố nội của nhiều người gọi.
Ở Pháp, áp dụng chỉ thị chánh phủ, từ năm 2003, tiếng Cô được thay thế đồng loạt bằng Bà (Madame) trong máy vi tính nên bằng cấp của nữ sinh viên, mấy tuổi, mặc kệ, có chồng hay chưa, cũng mặc kệ, đều ghi giống nhau là Bà ( Madame ) trước tên họ .
Xưa nay, Pháp vẫn thường đi trể hơn các nước láng giềng rất nhiều. Trong việc hủy bỏ tiếng Cô, chỉ giữ lại tiếng Bà duy nhứt trên giấy tờ hành chánh, các nước nói tiếng anh và tiếng đức đã thực hiện từ nhiều chục năm trước. Nay trước áp lực của Phong trào Phụ nữ, Thủ tướng Chánh phủ Pháp đã phải nhắc lại các chỉ thị hành chánh để thực thi cụ thể là từ nay chỉ có Bà chớ không còn Cô nữa.
Trong trường hợp này, nếu có ai nói Chánh phủ Pháp sợ các Bà, tức các Ông sợ các Bà, cũng đúng thôi.
Nhà phân tâm học người Pháp nỗi tiếng, Giáo sư Jean Cournut, trong tác phẩm « Tại sao đàn ông sợ đàn bà » (Pourquoi les hommes ont peur des femmes , Presses Universitaires de France, 2006, Paris ) giải thích lý do sự sợ hãi đàn bà của các ông Tây. Theo ông Jean Cournut, Adam xưa nay sống một mình. Bỗng một hôm, Adam cảm thấy trong cuộc sống hạnh phúc này lại như thiếu một cái gì để cho hạnh phúc đang có vươn lên tầm cao hơn. Adam bèn đem chuyện riêng tư thầm kín và còn mơ hồ này nói với Chúa trời. Nhưng Chúa Trời hiểu ngay và liền ban cho Adam một người kể từ nay hiện diện bên cạnh Adam.
Quả thật Adam thấy hạnh phúc của mình có biến chuyển. Nhưng ngày qua, trong sự sống chung, Adam nhận thấy mình như bị chi phối nhiều mặt. Adam không còn như Adam trước đây. Ông bắt đầu thấy sợ.
Ông tìm hiểu cái sợ đó và tại sao sợ. Ông giác ngộ cái sợ do người đó có cái mà ông không có. Ông bị chi phối mà ông không thể dứt để quay trở về nguyên trạng trước kia. Ông bắt đầu đau khổ vì sợ mất cái mà ông không có. Biết được nhờ Chúa Trời khai thị.
Vậy các Ông trong Chánhphủ Pháp sợ các Bà không vì các Bà rắc rối về vấn đề Cô/Bà mà chỉ đơn thuần là sợ các Bà. Phải chăng đó là cái sợ mang tính tổ tông?
© Nguyễn thị Cỏ May
0 comments:
Post a Comment