Friday, March 16, 2012

Lương tâm và trách nhiệm của người làm báo (vụ thỉnh nguyện thư)

Ngòi viết có sức mạnh của một vạn quân” nhưng cũng có thể hủy diệt niềm tin, hy vọng và sự đoàn kết của hằng triệu đồng bào trong và ngoài nước, đã được khơi dậy mãnh liệt bởi phong trào ký Thỉnh Nguyện Thư(TNT). Tuyết Mai, với tư cách là một phóng viên, được vào White House ngày 5 Tháng 3, 2012, dự kiến từ đầu đến cuối buổi hội thảo. Mặc dầu phóng sự về chuyến đi White House này là một bài quan trọng, hằng ngàn độc giả đang mong đợi, nhưng TM không viết vì cảm thấy có một điều gì khác thường mà TM chưa thấu rõ tường tận nguyên nhân.

Người viết báo có lương tâm và có trách nhiệm trước khi viết phải kiểm chứng nguồn tin cho chính xác. Trong lúc TM chưa liên lạc được với những người trong BTC, chưa viết thì trên báo đã tung ra quá nhiều tin xấu. Điều đặc biệt là từ lâu thế hệ trẻ, nhiều sinh viên không thích tham gia chính trị, nhưng nay các cháu đã hăng hái tiếp tay phổ biến tin trên Face Book, twitter… kêu gọi nhau ký tên vào Thỉnh Nguyện Thư. Con số chữ ký tăng lên nhanh một phần là nhờ vào sự đóng góp tích cực của Tổng Hội Sinh viên Toàn quốc đã kêu gọi sinh viên ký tên và giúp đỡ người già dùng computer. Những bài báo “tiêu cực” đã làm cho các cháu và người lớn rất chán nản. Đây là một vấn đề quan trọng, có hại cho công cuộc đấu tranh lâu dài cho quê hương. Tuyết Mai muốn đặt vấn đề lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút.

Trong số những bài viết được phổ biến rộng rãi trên báo chí, trên net, Tuyết Mai lưu ý nhất bài viết của Ông Phạm Trần ở Hoa Thịnh Đốn. Ông là một nhà bình luận nổi tiếng trên SBTN và trên nhiều báo chí. Nhiều người không được vào Tòa Bạch Ốc (TBO) tin tưởng ông Phạm Trần, họ trích dẫn nhiều đoạn từ bài viết của ông rồi tán rộng ra, kết tội TS Nguyễn Đình Thắng là người “cướp công” của phong trào ký nguyện thư do Nhạc sĩ Trúc Hồ khởi xướng và làm hại cho đại cuộc. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đang bị nhiều người “đấu tố” trước “Tòa Án Nhân Dân” khắp nơi trên thế giới. Ông bị kết tội bởi những công tố viên, những nhà báo nghe ngóng tin đồn rồi suy diễn, chứ không đưa ra bằng chứng cụ thể chứng minh, đã làm hoang mang quần chúng.

Trong bài viết “Bài Học Nhân Quyền tại Bạch Ốc…” Ông Phạm Trần viết Nhạc sĩ Trúc Hồ nhờ Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng liên lạc với TBO để trao TNT cho TT Obama. Ông Phạm Trần đưa ra nhiều văn thư, nhiều sự kiện chứng minh là chương trình được thay đổi vào phút chót, lộn tùng phèo! Ông viết: “Tuy nhiên, không biết ai đã ra lệnh cho họ hay có “bàn tay phù thủy” nào đã “đạo diễn” từ trong bóng tối mà Chương trình này đã thay đổi vào giờ chót để đi lạc đề.”

Ông Phạm Trần đưa ra câu hỏi:

Vậy câu hỏi là ai đã “tiếp tay” cho Bạch Ốc để thay đi, đổi lại Chủ đề cuộc thảo luận và với mục đích gì mà khiến cho Nhạc sỹ Trúc Hồ và Nghệ sỹ Việt Dzũng của SBTN đã phải tức giận bỏ phòng họp ra đi trước khi kết thúc?

Ông Phạm Trần kết luận: Bởi vì đã có những người lợi dụng Phong trào Quần chúng đấu tranh này cho quyền lợi riêng tư đảng phái và tổ chức của họ…

Chỉ đáng tiếc là cái giá trả cho bài học nhân quyền ở Bạch Ốc ngày 05-03 (2012) quá đắt vì những hành động “không chính danh” đã làm phương hại đến đại cuộc.

Tuyết Mai xin hỏi ông Phạm Trần, ông có kiểm chứng kỹ, có liên lạc với Tiến sĩ Nguyễn đình Thắng? Ông có liên lạc với Cô Tuyết Dương ở White House là những người tổ chức để tìm hiểu tại sao có sự thay đổi khác hơn chuơng trình đã dự định? Sự thay đổi vào phút chót có thể là do Tòa Bạch Ốc quyết định, chứ không hẳn do TS Thắng lèo lái cho mục đích riêng tư của ông ta? Cả bài viết, Ông Phạm Trần đưa ra chương trình đã dự tính trước đó và thay đổi sau đó, rồi ông suy luận “có bàn tay phù thủy”, chứ ông không đưa ra một bằng chứng cụ thể nào. Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh, luật pháp không chấp nhận kết tội người nào “beyond the doubt”. Vậy xin ông Phạm Trần đưa ra bằng chứng cụ thể.

Ông Nguyễn Vân Tùng, ở Houston cho biết ông đến trễ, nghe kể lại. Ông viết:

“Tuy nhiên giờ break time đã đến và chúng tôi đuợc biết là những em bé này đã lên phát biểu trật lấc đề tài chứ không phải là đề tài nguời Việt đến đây về vấn đề nhân quyền. Đề tài mà các em phát biểu nó liên quan đến một cái Fund của TS Nguyễn Đinh Thắng đang xin (theo chỗ chúng tôi đuợc nghe thì đây là cái Fund dành cho du học sinh VN). Chính vì thế mà trong số 165 nguời vào, con số đến ủng hộ xin Fund này đông hơn con số nguời đến vì nhân quyền cho VN. Đây là nguyên nhân chính làm cho NS Trúc Hồ và NS Việt Dzũng bỏ ra.”

Thưa Ông Tùng,

Tôi có mặt tại phòng họp từ đầu đến cuối, tôi không nghe hai em Cindy Đinh và Billy Lê phát biểu có liên quan đến một cái Fund của TS Thắng. Trong bài tường thuật của bà Jackie Bông và GS Nguyễn ngọc Bích cũng viết Cindy Đinh nói về sinh hoạt nhân quyền của cô và Billy Lê nói về sinh hoạt cộng đồng của anh ta. Vậy xin Ông Tùng cho biết ông viết tin trên từ nguồn tin nào, do ai cung cấp, ông có kiểm chứng cẩn thận với nhiều người có dự từ đầu không?

Bài của tác giả TG được chuyển đi rộng rãi:

“LS Tuyết Dương lại gợi ý bằng những câu hỏi cá nhân có lợi cho YVAL thay vì tập trung vào chủ đề và chủ điểm chính của tinh thần TNT: Nhân quyền. Một khi hiểu rõ YVAL là Tổ chức của TS Thắng và LS Tuyết Dương, mọi điều đều trở nên dễ hiểu và các ẩn số đã có đáp số.

… hầu như thất bại trong mục đích trình bày nguyện vọng lên Tổng Thống Hoa Kỳ (TT) vì bị Tổ chức của TS Thắng “take over” diễn đàn dành độc quyền và lợi nhuận riêng cho nhóm YVAL của mình.”

Thưa TG, YVAL do ai lập ra , hồi nào, xin ông cho biết chi tiết? Tôi tìm không ra lý lịch của tổ chức này và TS Thắng cũng không biết gì về tổ chức. Đây có phải là tổ chức “ma” do một số người bịa chuyện để vu khống cho TS Thắng?

Bài viết của Ông Lý Tống được phổ biến rộng rãi trên các diễn đàn:

”TS Thắng không chỉ ‘Mượn hoa cúng phật, mượn đầu heo nấu cháo, chôm credit’ mà còn ‘Cướp công’ Đồng Bào theo kiểu VC ‘Cướp chính quyền.’ Biến một cuộc đấu tranh thành công nhất của CDTNVN từ trước đến nay trở thành cuộc vinh danh thành tích tổ chức YVAL riêng của mình không phải là một bậc đại sư phụ hay sao”.

Xin ông Lý Tống cho biết chi tiết tổ chức YVAL, xin đưa ra những tài liệu chính thức, cho thấy tổ chức này thuộc BPSOS, của TS Thắng.

Ông Lý Tống viết tiếp:

“Chính phủ của Obama đã và đang cấp cho TS Thắng hàng trăm ngàn MK hàng năm để làm các công tác xã hội, đặc biệt Chương trình Huấn luyện và Đào tạo các Leaders trẻ tương lai cho CDTNVN. Thay vì dùng tổ chức YVAL để yểm trợ TT, TS Thắng lại dùng “145 ngàn thành viên của YVAL” gây áp lực với TT, buộc TT phải thực thi những yêu sách của Tổ chức mình, một hành động phản bội, theo sự hiểu lầm của TT Obama dựa trên việc lạm danh của TS Thắng và LS Tuyết Dương.”

Ts Thắng cho biết BPSOS chưa hề nhận một đồng xu nào của bất cứ cơ quan chính quyền hay tổ chức tư nhân nào cho vấn đề đào tạo giới trẻ lãnh đạo, và không có tổ chức nào tên là YVAL. Xin Ông Lý Tống chứng minh điều ông viết trên.

Kính mong những vị viết tin trên đây đưa ra bằng chứng cụ thể để làm sáng tỏ vấn đề. Có phải Tiến sĩ là “bàn tay phù thủy” đã lèo lái, đã lạm dụng phong trào đấu tranh của quần chúng cho mục đích riêng tư của ông, cho tổ chức của ông hay ông là nạn nhân của những sự vu khống. Xin những người có lương tâm tiếp tay làm sáng tỏ vấn đề, không phải để lấy lại danh dự cá nhân TS Thắng, mà góp phần loại bỏ những bài viết không chính xác, gây hoang mang, có hại cho sự đoàn kết của công đồng người Việt Tỵ nạn CS và công cuộc đấu tranh mai sau.

Thưa quý đồng hương,

Không ai có thể phủ nhận giá trị của truyền thông trong công cuộc đấu tranh cho quê hương Việt Nam hôm nay. Một bài báo đăng trên báo, chủ nhiệm chịu trách nhiệm về sự sai đúng, tác hại xấu tốt của bài báo đối với quần chúng. Ngày nay với phuơng tiện truyền thông trên mạng, ai biết dùng computer cũng là một ký giả, phóng viên và người chuyển tin là tòa báo. Ước mong những người viết, những người chuyển, những nhà báo ý thức trách nhiệm của mình, đừng phóng tin bừa bãi làm hại cho đại cuộc.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng trả lời cuộc phỏng vấn của Nhà báo Lê Vũ (Báo Bút Tre Magazine – Arizona) cho thấy có sự thay đổi, không phải do “bàn tay phù thủy” của Ông mà do:

“Điều hơi trớ trêu là bộ phận kia của Toà Bạch Ốc đã nhập cuộc sau khi một vị dân biểu ở Bắc Cali, vì muốn yểm trợ chúng ta, đã gọi thẳng vào Toà Bạch Ốc để cằn nhằn rằng tại sao Hành Pháp Obama đã không lắng nghe tiếng nói của tập thể người Mỹ gốc Việt từ đầu để đến giờ cả tập thể ấy phải lên tiếng rầm rộ qua thỉnh nguyện thư. Chính cú điện thoại trực tiếp này đến giới chức cao cấp của Toà Bạch Ốc đã đánh động bộ phận kia nhập cuộc. Họ cảm thấy phải hết sức cẩn thận để tránh những việc xảy ra ngoài ý muốn và có thể trở thành xì-căng-đan ngay trong Toà Bạch Ốc vào giữa mùa tranh cử.”

_____________________________________________________________

Phỏng vấn TS Nguyễn Đình Thắng về vụ “Thỉnh Nguyện Thư”

Nguyễn Lê Vũ thực hiện riêng cho nguyệt san Bút Tre ( Arizona)

LGT: một đề tài thời sự đang được sự quan tâm của đồng hương khắp nơi: vụ gửi Thỉnh Nguyện Thư do Ô Trúc Hồ (SBTN) kết hợp với Ts Nguyễn Đình Thắng (BPSOS). Sự việc này khởi đầu từ đầu tháng 2/2012 và đang tiếp tục diễn tiến. Xin mời theo dõi buổi phỏng vấn của Nguyễn Lê Vũ ( Bút Tre Magazine-Arizona) với TS Nguyễn Đình Thắng để sáng tỏ một số điều quanh sự việc này. Bút Tre hoan nghênh mọi sự lên tiếng khác, đặc biệt là phía Nhạc Sĩ Trúc Hồ để đồng hương có thể nghe được cả hai phía.

1-Nhạc sĩ Trúc Hồ là người gửi TNT lên trang “We the People” và nhanh chóng có con số vài ngàn ngay những giờ đầu tiên. Xin cho hỏi TS gặp nhạc sĩ Trúc Hồ và cùng cộng tác trong chuyện này từ cơ duyên nào và bao giờ?

Trước đây tôi không hề quen biết với Trúc Hồ, chỉ một hai lần gặp chào xã giao.Trung tuần tháng Giêng vừa rồi, một người bạn đã giới thiệu Trúc Hồ với tôi.Qua điện thoại, Trúc Hồ cho biết là rất lo lắng cho sinh mạng của Việt Khang.Tôi hứa là sẽ vận động để dân biểu Ed Royce (Cộng Hoà, CA) lên tiếng về Việt Khang tại buổi điều trần ngày 24 tháng 1 vừa qua.Đây là buổi điều trần về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, chuẩn bị cho việc đưa Đạo Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam vào Hạ Viện. Sau đó tôi có thảo văn thư để SBTN khởi động nỗ lực lấy chữ ký gởi cho Uỷ Ban Đối Ngoại của Hạ Viện để xin họ can thiệp.

Rồi một hôm Trúc Hồ hỏi tôi là có thể làm gì thêm.Tôi hỏi lại, “liệu trong 30 ngày có lấy được 25 ngàn chữ ký không?”, Trúc Hồ cam đoan rằng được.Tôi hướng dẫn Trúc Hồ vào trang “We the People” của Toà Bạch Ốc. Trúc Hồ rất phấn khởi và xông trận. Thấy vậy, tôi cũng xắn tay áo lên để hỗ trợ.

2- Thỉnh nguyện thư gửi ra và được hưởng ứng nồng nhiệt qua hệ thống truyền thông SBTN và sự cộng tác đắc lực của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển. Xin hỏi với những vị cao niên không biết sử dụng computer thì BPSOS đã giúp họ “ký” như thế nào?

Trúc Hồ với tôi biết trước rằng nhiều bác cao niên sẽ lúng túng trong việc ký thỉnh nguyện thư trực tuyến. Do đó bên SBTN sắp xếp dàn máy điện toán ở ngay cơ sở của họ ở Quận Cam và kêu gọi thiện nguyện viên giúp đỡ các bác cao niên ký tên. Còn chúng tôi thì huy động hệ thống 10 văn phòng của BPSOS ở các nơi khác, vốn đã có sẵn các “trung tâm điện toán cộng đồng” để nhập cuộc. Đồng thời, chúng tôi vận động mạng lưới của trên 700 chuyên gia trẻ và sinh viên tham gia. Trong những ngày đầu của chiến dịch, họ là đội ngũ tiên phong đưa số người ký thỉnh nguyện nhanh chóng vượt qua mốc điểm 25 ngàn. Trong những tuần sau đó một số người trong đội ngũ này đã tự động đặt bàn với máy điện toán ở các nơi công cộng để vận động và giúp đỡ đồng hương ký trực tuyến.

3- Trong bức thư đầu tiên gửi ra vào đầu tháng 2/2012, TS có viết rằng : quý vị có thể vào trang web của “Tuổi Trẻ Yêu Nước” để biết thêm tin tức. Cho hỏi TS đã biết tổ chức này từ bao giờ, sự giao thiệp giữa TS và ông Vũ Trực?

Tôi chỉ biết về nhóm Tuổi Trẻ Yêu Nước qua vụ Việt Khang.Tôi có gặp Vũ Trực một lần cách đây vài năm tại Đại Hội Liên Mạng tổ chức ở Houston.Sau đó không liên lạc gì và cũng không nhớ mặt.Tôi làm quen với Vũ Trực là qua vụ Việt Khang.

4- Đa số mọi người đoán rằng dù Nhạc Sĩ Trúc Hồ là người đưa ý kiến và tác giả TNT nhưng TS là người thông thạo Hoa Thịnh Đốn nên đã “lobby” khá nhiều. Như vậy tại sao trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch TNT, chúng tôi không thấy đôi bên hợp tác để có một Ban Tổ Chức, một phát ngôn nhân chính thức?

Chiến dịch thỉnh nguyện thư là do Trúc Hồ và SBTN chủ trương và khởi xướng. Tôi có hướng dẫn cho Trúc Hồ về trang “We the People” để làm thỉnh nguyện thư trực tuyến. Thực ra chiến dich thỉnh nguyện thư thuần tuý thì đâu cần ban tổ chức. Bên SBTN thì vận động khán thính giả của mình còn chúng tôi thì huy động tầng lớp sinh viên và chuyên gia trẻcũng như các văn phòng BPSOS ở nhiều nơi trên nước Mỹ để cùng góp tay cho chiến dịch. Chỉ sau này, khi thấy chiến dịch diễn tiến khả quan, chúng tôi đề nghị thêm với bên Toà Bạch Ốc để có buổi tiếp xúc.Và để chuẩn bị thì tôi có mời SBTN cử người cùng tham gia các buổi làm việc với bộ phận tổ chức của Toà Bạch Ốc. Ngoài ra tôi cũng mời thêm một số người nữa thuộc các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền của người Việt cùng tham gia các buổi làm việc như vậy.

Còn vấn đề tổ chức thì cũng đơn giản thôi. Tổ chức cho ngày 5 tháng 3 là SBTN còn ngày 6 tháng 3 là BPSOS.Tôi đã giới thiệu một số nhân sự của SBTN để làm việc trực tiếp với Ls Tuyết Dương trong việc sắp xếp cho ngày 5 tháng 3. Họ đã chỉ định Ls Đỗ Phủ làm người liên lạc để phối hợp với bên Toà Bạch Ốc.

Và chúng tôi đã đồng ý là chỉ có hai phát ngôn nhân chính thức: Trúc Hồ và tôi. SBTN nhận trách nhiệm sẽ đưa ra bản thông cáo báo chí trước khi phái đoàn vào Toà Bạch Ốc và bản tin ngay sau đó, xem như đấy là quan điểm chính thức củanhóm tổ chức. Nhưng khi thực hiện thì bị trục trặc nênkhông có thông cáo báo chí mà cũng chẳng có bản tin, trong khi đó lại có vài người tự dưng cũng phát ngôn và trả lời báo chí. Riêng tôi thì cùng với phái đoàn cộng đồng Arizona phải họp với Thượng Nghị Sĩ John McCain nên không về kịp để tham dự buổi họp báo.Có lẽ một phần vì vậy nên có sự trục trặc về người phát ngôn và trả lời báo chí.

5- Trong một bài viết mới đây, TS nhấn mạnh chiến dịch này đã được giới trẻ hưởng ứng ngay những ngày đầu khi các vị cao niên còn đang lúng túng và sắp tới đây, cũng sẽ có nhiều “người trẻ” vào Tòa Bạch Ốc. Nếu được, xin TS có thể cho chúng tôi biết về 2 người trẻ đã vào Tòa BO? Và cơ duyên nào TS “biết” những tài năng trẻ này?Phải chăng từ “Đại Hội Leader” của Ts được tổ chức hàng năm?

Ban đầu tôi đề nghị với Toà Bạch Ốc một số người như: cựu DB Cao Quang Ánh, Uỷ Viên Quận Tarrant Nguyễn Xuân Hùng, Chủ Tịch Hội Nhân Quyền Cho Người Montagnard; Ông Rong Nay, Chủ Tịch Nghị Hội Người Việt Toàn Quốc Tại Hoa Kỳ; Ông Nguyễn Ngọc Bích, trưởng nhóm các gia đình Cồn Dầu; anh Trần Thanh Tùng, Chủ Tịch Hội Khmer Krom; Ông Giáp Trần, Hoà Thượng Thích Viên Lý đại diện cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Chủ Tịch Uỷ Ban Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản Bác Sĩ Nguyễn Quốc Quân…Nhạc Sĩ Trúc Hồ thì sẽ trao thỉnh nguyện thư và tôi thì sẽ trao danh sách các tù chính trị, tôn giáo và lương tâm.Cả hai sẽ không phát biểu.

Ban tổ chức bên Toà Bạch Ốc cắt xuống còn 3 người và yêu cầu có những người trẻ tuổi tham dự. Tôi đề nghị 3 người: cựu DB Cao Quang Ánh, nữ BS Hồ Trâm thuộc Hội Văn Hoá Khoa Học, và Ông Rong Nay. DB Ánh sẽ phát biểu về tình trạng đàn áp tôn giáo, BS Trâm trình bày về sựđàn áp những người bất đồng chính kiến, và Ông Rong Nay lên tiếng vềsựđàn áp nhắm vào các đồng bào thiểu số Montagnard, Hmong và Khmer Krom. Cả DB Ánh và BS Trâm có thể xem là thành phần trung niên, tương đối trẻ.

Bên Toà Bạch Ốc cho biết là DB Cao Quang Ánh, vì là cựu dân biểu nên phải gởi qua bộ phận đặc trách mời các giới chức dân cử chuẩn duyệt và tiến trình chuẩn duyệt này rất lâu, e không kịp.Tôi lại đề nghị Ông Nguyễn Xuân Hùng, nhưng cũng được trả lời như trên.Trong khi ấy thì BS Trâm cho biết vì bận việc riêng nên không thể tham dự và đề cử cô Cindy Đinh thay thế.

Tôi biết Cindy từ lâu.Cô ấy là thành viên của Hội Văn Hoá Khoa Học, rất có lòng và không thuộc đảng phái nào cả. Tôi nhấn mạnh điểm này vì ngay từ đầu tôi quan niệm rằng đây là nỗ lực chung của quần chúng với mong ước tự do, dân chủ, nhân quyền cho quê hương và dân tộc. Còn các đảng phái có mục tiêu tối hậu là giành quyền lực và nắm chính quyền, không phù hợp và có thể làm hỏng ý nghĩa của chiến dịch thỉnh nguyện thư.

Bên Ông Rong Nay đề cử một luật sư trẻ là cô Anna Buonya.

Vẫn còn thiếu một người. Tôi bèn hỏi han những sinh viên mà tôi biết. Các em đề nghị một người bạn là Billy Lê, một người mà tôi chỉ gặp thoáng qua một lần ở Hội Nghị của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Bắc Mỹ ở Denver năm ngoái. Khi liên lạc, tôi hỏi ngay Billy là có thuộc đảng phái nào không. Em khẳng định là không, “em hoàn toàn độc lập.” Tôi tin vào sự trong sáng và chân thật của người trẻ ấy.

Phút cuối, ban tổ chức của Toà Bạch Ốc cắt đi phần trình diễn của ASIA, và đổi lại là cho thêm một người nữa phát biểu.Tôi hỏi thăm thì Trúc Hồ đề nghị ca sĩ Quốc Khanh.

Ở đây tôi muốn mở ngoặc là cô Anna đã không kịp vào bên trong để phát biểu vì phái đoàn Montagnard đã bị sót tên vào phút chót, mặc dù trước đó đã có trong danh sách để vào Toà Bạch Ốc. Chờ quá lâu, họ bỏ về. Tôi cảm thấy hết sức áy náy vì họ đã lặn lội từ North Carolina, bỏ công việc để tham dự. Họđã thức thâu đêm để soạn thảo bản thuyết trình để rồi cuối cùng về không.

Trong cả 4 người trẻ được chọn phát biểu thì chỉ có Cindy là tham gia Hội Nghị Những Người Lãnh Đạo Mỹ Gốc Việt lần đầu tổ chức ngày 2 tháng 7 năm ngoái ở Hoa Thịnh Đốn.

6- LS Tuyết Dương giữ nhiệm vụ gì trong Tòa Bạch Ốc và với mối giao tình cũ khi LS Tuyết còn là nhân viên BPSOS, LS Tuyết đã đóng góp gì cho chiến dịch TNT này?

LS Tuyết Dương đã thôi việc với BPSOS từ lâu. Sau đó cô làm việc cho tổ chức Asian American Justice Center, rồi làm cho Bộ Nội An, và được đề cử sang làm việc trong bộ phận đặc trách cộng đồng Á Châu của Toà Bạch Ốc. Dĩ nhiên là người Việt nên LS Tuyết có cảm tình đặc biệt với cộng đồng chúng ta và cô đã hết sức vận động cho cộng đồng Việt có được tiếng nói. Nhưng chính cô lại bị áp lực từ bộ phận khác của Toà Bạch Ốc để cắt lẹm dần đi chương trình đãđược đồng ý từ trước.

Có lẽ có người sẽ thắc mắc tại sao lại có hai bộ phận trong Toà Bạch Ốc trống đánh xuôi kèn thổi ngược.Đó là việc rất bình thường trong hệ thống chính quyền ở các quốc gia dân chủ, mà chúng ta quen gọi là nguyên tắc cân bằng và kiểm soát (check and balance).

Điều hơi trớ trêu là bộ phận kia của Toà Bạch Ốc đã nhập cuộc sau khi một vị dân biểu ở Bắc Cali, vì muốn yểm trợ chúng ta, đã gọi thẳng vào Toà Bạch Ốc để cằn nhằn rằng tại sao Hành Pháp Obama đã không lắng nghe tiếng nói của tập thể người Mỹ gốc Việt từ đầu để đến giờ cả tập thểấy phải lên tiếng rầm rộ qua thỉnh nguyện thư. Chính cú điện thoại trực tiếp này đến giới chức cao cấp của Toà Bạch Ốc đã đánh động bộ phận kia nhập cuộc. Họ cảm thấy phải hết sức cẩn thận để tránh những việc xảy ra ngoài ý muốn và có thể trở thành xì-căng-đan ngay trong Toà Bạch Ốc vào giữa mùa tranh cử.

Điều này tôi hiểu được và thông cảm. Nhưng những người ở ngoài cuộc vì thiếu thông tin nên đã có nhiều suy diễn không chính xác chút nào.

7- Nhóm phóng viên của báo Calitoday cho rằng 2 thuyết trình viên trẻ đã không phát biểu vào ý chính của petition, xin TS giải thích?

Như đã nói trên, một bộ phận rất cao cấp của Toà Bạch Ốc nhập cuộc và muốn giới hạn những rủi ro có thể xẩy ra. Thay vì thuyết trình, họ đổi sang kiểu hỏi đáp. Và những câu hỏi đã được soạn trước, hỏi gì thì trả lời theo đấy. Tuy nhiên tôi thấy đây không phải là vấn đề phải quan tâm gì cả. Trong sự sắp xếp, tôi đã làm việc trước với Quốc Khanh để Quốc Khanh là người nói về thỉnh nguyện thư, về nhạc sĩ Việt Khang. Không ai khác hơn Quốc Khanh có thể nói về điều này và Quốc Khanh đã nói bằng con tim, làm xúc động cả hội trường. Hai người kia thì nói về sự dấn thân của những người sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ cho nhân quyền Việt Nam. Gom lại thì các lời phát biểu bổ trợ cho nhau thay vì trùng lập.

8-Sau khi vào Tòa BO, trong buổi tường trình, Ban Tổ Chức gồm Nhạc Sĩ Trúc Hồ và Việt Dzũng đã có những phát biểu như: nơi tiếp không xứng đáng với con số 130,000 chữ ký, nhân viên cấp thấp, thuyết trình viên trẻ không nói vào chủ đề…, xin TS giải thích?

Tuần ngay trước ngày 5 tháng 3, tôi có tham dự buổi briefing của Tổng Thống Obama, cũng tổ chức ngay tại hội trường tiếp đón phái đoàn người Việt. (Xem thêm tin tức tại đây:http://www.whitehouse.gov/blog/2012/02/21/president-obama-got-done-because-you.) Do đó, nếu nói rằng nơi tiếp không xứng đáng thì không đúng. Có lẽ những ai nghĩ vậy là do không quen với sinh hoạt ở Toà Bạch Ốc.

Có một yếu tố nữa mà chúng ta phải biết để thông cảm.Số người tham dự từ phía chúng ta kháđông và ban tổ chức của Toà Bạch Ốc chỉ có hai tuần để sắp xếp. Họ phải chạy đôn chạy đáo để tìm phòng. Cuối cùng họ tìm được hội trường lớn nhất mà còn lấy được. Đó là South Court Auditorium nằm trong Eisenhower Executive Office Building là phần nối dài của Toà Bạch Ốc, nơi Phó Tổng Thống và nhân viên của Ông làm việc.

Còn thế nào là thấp, thế nào là cao thì đó làý kiến chủ quan của mỗi người.Tham dự có ba vị giám đốc văn phòng của Toà Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao. Không những vậy, còn có vị Phụ Tá Ngoại Trưởng, Giám Đốc Vụ Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động Mike Posner tham gia. Ông ta là người đã mở đường cho Hoa Kỳ vào Miến Điện trong thời gian qua.Nếu có ai đó cho rằng đó là thấp, không tương xứng thì tôi cho rằng quá khắt khe.

Khi làm việc với Toà Bạch Ốc để chuẩn bị cho ngày 5 tháng 3, tôi đề nghị mời các giới chức liên quan đến nội dung của thỉnh nguyện thư: vận dụng cơ hội thương thảo mậu dịch với Việt Nam để đòi hỏi nhân quyền. Ông Mike Posner là giới chức cao cấp nhất của Bộ Ngoại Giao về nhân quyền. Tôi đề nghị mời Phụ Tá Ngoại Trưởng Kurt Campbell, Giám Đốc Vụ Đông Á và Thái Bình Dương — Việt Nam nằm dưới bộ phận này của Bộ Ngoại Giao.Người thứ ba, mà đích thân tôi mời, là Bà Barbara Weisel, người đặc trách khu vực Đông Nam Á của Văn Phòng Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ; bà là người chịu trách nhiệm thương thảo mậu dịch với chính quyền Việt Nam. Văn thư trả lời thỉnh nguyện thư của chúng ta có lẽ sẽ do Ông Posner đảm nhận trách nhiệm soạn thảo với sự hội ý với hai người kia.

Ông Posner đã hiện diện. Ông Campbell cử vị phụ tá là Eric Barboriak, Quyền Giám Đốc Văn Phòng đặc trách khu vực Đông Nam Á có Việt Nam, tham dự. Bà Weisel trả lời là phải đi công tác xa nhưng có theo dõi chiến dịch thỉnh nguyện thư và sẽ hội ý với các giới chức hiện diện.

Còn các bạn trẻ không nói vào chủ đề thì như đã giải thích ở trên, họ được đặt cho câu hỏi để trả lời. Và họ đã thay phiên nhau nói về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do, và chiến dịch thỉnh nguyện thưcũng như vai trò của người trẻ và giới nghệ sĩ trong cuộc vận động cho nhân quyền ở Việt Nam, tất cả trong phạm vi thời gian rất hạn chế.

9- Chúng tôi có nghe và được biết TS chủ trương đưa người trẻ vào phát biểu tại Tòa BO. TS nhắc đi nhắc lại rằng đây là những người trẻ, sinh ra hay lớn lên ở hải ngoại, không dính líu đến quá khứ.Ý của TS là gì khi muốn giới thiệu như vậy?

Như đã giải thích, trước hết là Toà Bạch Ốc yêu cầu những người trẻ vì quan tâm của Hành Pháp Obama là nhắm vào thế hệ tương lai. Nương vào đấy tôi thấy rằng có thể gởi đến Toà Bạch Ốcmột thông điệp mà họ cảm nhận được: nhân quyền là vấn đềchung, thể hiện những giá trị của dân tộc Hoa Kỳ. Những người trẻ Việt sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ là người Mỹ và cũng theo đuổi các giá trị này, nhưng vì họ mang dòng máu Việt nên quan tâm của họáp dụng vào tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Đó là một thông điệp mạnh mẽ: Mọi thành phần người Mỹ gốc Việt đều quan tâm như nhau, chứ không phải chỉ có những ai lớn lên ở Việt Nam, kinh qua cuộc chiến Việt Nam mới quan tâm.

10- Vấn đề nhân quyền đã được nói tới nhiều lần. Lần này cũng sẽ như những lần trước hay có gì khác, thưa TS?

Đúng vậy.Trong suốt 37 năm qua cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳđã nhiều lần lên tiếng về nhân quyền.Nhưng lần này có hai điểm khác.

Thứ nhất là lần này có sự phối hợp hài hoà giữa vận động hậu trường và vận động quần chúng.Vận động hậu trường là hình thức vận động có tính cách chuyên môn, xảy ra trong hậu trường để trao đổi thông tin và thương lượng về chính sách.Theo bản chất, vận động hậu trường cần kín đáo, không trưng hình chụp, không công bố báo chí.

Vận động quần chúng thì ngược lại, mang tính cách biểu dương thanh thế nhằm tạo áp lực, cần phô trương càng nhiều càng tốt.Tuy nhiên vận động quần chúng tự nó không dẫn đến việc thay đổi chính sách vì môi trường công cộng hay diễn đàn công chúng không phải là nơi để trao đổi về vấn đề chính sách. Biết phối hợp nhịp nhàng hai hình thức hành động sẽ giúp tăng hiệu quả của nỗ lực vận động.

Đặc điểm thứ hai là sự tham gia của lớp trẻ, rất trẻ, mà trước đây nhiều người trong chúng ta bi quan về mức độ quan tâm của họ đối với cộng đồng và dân tộc. Trong cả chiến dịch thỉnh nguyện thư vừa qua thì các em ấy đã đóng vai trò tiên phong, có khi còn là chủ lực. Nhiều nhóm trẻđã tự phát đặt bàn ở những nơi công cộng để vận động và giúp bà con ký thỉnh nguyện thư. Chuyển qua cuộc vận động ở Quốc Hội, nhiều em đã sẵn sàng hướng dẫn và thông dịch cho các cô, chú, bác. Các em rất phấn khởi và nhiều em đã liên lạc với tôi trong mấy ngày qua, ngỏý muốn học hỏi thêm về kinh nghiệm vận động hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ. Thấy các em hoà mình với cộng đồng trong 30 ngày của chiến dịch, tôi có thêm niềm tin cho tương lai của cộng đồng và tiền đồ của dân tộc.

11- Theo kinh nghiệm của TS, để những nguyện vọng của chúng ta có kết quả, chúng ta phải đi những bước gì sau khi đệ nạp cho cơ quan cứu xét? Cụ thể, sau khi trình thỉnh nguyện thư về “nhân quyền cho Việt Nam”, giai đoạn tiếp theo là gì?

Các bước kế tiếp gồm có:

Cung cấp ngay cho Bộ Ngoại Giao các thông tin cập nhật và danh sách 600 tù nhân chính trị, tôn giáo và lương tâm vì tuần tới đây một nhân viên cao cấp của Vụ Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động sẽ đi Việt Nam để nêu vấn đề nhân quyền.

Liên lạc tất cả các văn phòng Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ đã tiếp xúc để cảm ơn và nhắc nhở họ về những đề nghị của mình.Một ngày họ gặp vài chục nhóm và phải lắng nghe vài chục vấn đề khác nhau.Nếu không nhắc nhở thì họ sẽ quên vấn đề của chúng ta rất sớm.

Tiếp tục hướng dẫn cho đồng hương liên lạc trực tiếp với các vị dân cử qua văn phòng địa phương.Đây là bước để giúp họ chuyển từ vận động quần chúng sang vận động hậu trường. Như đã giải thích, phải vận động hậu trường thì mới mong đạt được sự thay đổi về chính sách.

Nhân đây, xin cảm ơn Báo Bút Tre hỏi câu này. “Những bước tiếp theo” rất quan trọng. Nó thể hiện thái độ của những ai có cách nhìn chiến lược.Và công cuộc mở vận hội để giải thoát dân tộc là công cuộc dài lâu, đòi hỏi cách nhìn chiến lược.Trong cách nhìn chiến lược, mỗi nỗ lực chỉ là một bước trong một hành trình dài. Chiến dịch thỉnh nguyện thư vừa rồi cũng vậy. Nhìn vậy thì không có chuyện thắng hay thua, thành hay bại ở từng bước. Câu hỏi đúng đắn phải là, “ở bước này có những thành quả nào chúng ta gặt hái được để làm nền móng cho những bước tiếp theo?” Do đó chỉ có thành quả nhiều hay ít, chứ không có thắng hay thua. Luận bàn thắng, thua thể hiện cách nhìn không phù hợp với tình hình của đất nước hiện nay.

12-Còn về sự vận động tại địa phương thì sẽ làm như thế nào?

Tôi đã trả lời phần nào câu hỏi này rồi. Các phái đoàn đến từ từng địa phương sẽ phải gởi thư để cảm ơn và nhắc nhở các văn phòng dân cử đãtiếp xúc về các đề nghị của chúng ta. Và sau đó sẽ cần tổ chức thành lập phái đoàn ở từng địa phương để tiếp xúc với chính vị dân cử hay nhân viên của họ tại địa phương nơi mình cư ngụ. Cứ mỗi lần diễn tập như vậy, cộng đồng chúng ta càng thêm kinh nghiệm để rồi khi đồng bào trong nước cần sự yểm trợ quốc tế vận thì tất cả chúng ta đã sẵn sàngđể phối hợp nhịp nhàng cả hai hình thức vận động quần chúng và vận động hậu trường.

13- Dư luận quần chúng có vẻ chờ đợi một lời hứa hẹn là “can thiệp với nhà cầm quyền vc để trả tự do cho Việt Khang”, nay không được như vậy nên họ cho rằng “thất bại”, xin TS giải thích?

Mục tiêu của chiến dịch rất rõ ràng ngay từ đầu: vận động 25 ngàn người ký thỉnh nguyện thư trong 30 ngày để Toà Bạch Ốc có câu trả lời chính thức. Và ngay tại buổi tiếp xúc ở Toà Bạch Ốc, chính Ông Posner đã cho biết là sẽ cử vị phụ tá sang Việt Nam để nêu vấn đề nhân quyền, trong đó có Việt Khang. Có thể những ai thất vọng là người ở ngoài Toà Bạch Ốc hay vào bên trong mà nghe sót điểm này.

Ở đây cần nhắc lại là ngôn ngữ của thỉnh nguyện thư đâu có chỉ đòi hỏi tự do cho riêng Việt Khang, mà là tự do cho mọi tù nhân chính trị, tôn giáo và lương tâm.Có người cũng đã quên điều này.

14- Có người nói rằng lẽ ra TS nên để những người thế hệ gạch nối làm thuyết trình viên thì hay hơn là 2 người quá trẻ của TS? Vì những người trẻ này hoàn toàn không dính líu gì đến cuộc chiến vừa qua, thì sự hiểu biết cũng như mức quan tâm của họ chắc chắn không “sâu sắc”. Chỉ những ai từng trải qua mới có kinh nghiệm bản thân, xin TS giải thích?

Như đã trình bày, tôi đã đề nghị nhiều người phát biểu. Còn chấp nhận là do bên Toà Bạch Ốc. Hơn nữa, những ai hiểu biết về kỹ thuật nghị trường thì ý thức được rằng phải khởi đầu bằng “công tâm” rồi mới “công thành”. Khi Toà Bạch Ốc chọn những người trẻ này, tôi đã nhắc nhở họ là hãy nói bằng con tim chứ đừng lý luận nhiều, hãy đánh động lương tâm của người nghe, nhất là đối với người Mỹ khó cảm nhận được mối quan tâm của chúng tavề Việt Nam vì không cùng chia sẻ kinh nghiệm sống. Tôi nhắc các bạn trẻ hãy nêu lên những gì mà những người Mỹ ấy liên hệ đến được qua chính kinh nghiệm bản thân của họ.Truyền thông chỉ bắt đầu khi có người nghe chứ không phải khi có người nói. Nói cho nhiều mà đối tượng không lắng nghe và tiếp thu thì đâu đã có sự truyền thông? Do đó, truyền thông hiệu quả phải nhắm vào kinh nghiệm của người nghe chứ không thể chỉ nói theo kinh nghiệm của người nói.

Các nhân viên và giới chức Toà Bạch Ốc không chuyên về các lãnh vực nhân quyền, vốn không phải là phần vụ trách nhiệm của họ, nhưng họ có thể đôn đốc các bộ phận hữu trách. Chúng ta cần họ cảm thông bằng con tim và yểm trợ cho chúng ta. Khi nói chuyện với các bộ phận hữu trách, như bên Bộ Ngoại Giao chẳng hạn,thì chúng ta dùng lý, trình bày dữ kiện, và đưa ra giải pháp.Những việc này thuộc vào những “bước kế tiếp” mà chúng ta đã trao đổi ở trên. Muốn có hiệu quả, trong bất kỳ lãnh vực nào cũng vậy, không những phải làm đúng việc mà còn phải làm việc đúng cách, dùng đúng phương tiện.

15- Về những vận động hôm sau ở Quốc Hội, xin chia sẻ?

Hôm sau, có khoảng trên 500 đồng hương (theo danh sách mà chúng tôi có trong tay), đã chia nhau thành gần 50 toán. Họ chia nhau tiếp xúc với trên một trăm văn phòng dân biểu và thượng nghị sĩ. Có nơi thì chính các vị dân cử đã tiếp xúc với phái đoàn, có chỗ thì là nhân viên lập pháp của họ. Điểm mà tôi muốn nhắc nhở là cuộc vận động Quốc Hội quan trọng không kém, có khi còn hơn, cuộc tiếp xúc với Toà Bạch Ốc vì Quốc Hội làm luật và có chức năng theo dõi việc thi hành luật. Vì sự đánh động dư luận của chiến dịch thỉnh nguyện thư, đồng hương chú tâm nhiều đến việc phái đoàn dưới 200 người vào Toà Bạch Ốc mà ít để ý đến việc vận động Quốc Hội với trên 500 người tham dự.

Mục đích của cuộc vận động Quốc Hội là yểm trợ cho hai đạo luật về nhân quyền cho Việt Nam, kêu gọi các vị dân cử yểm trợ tiếng nói của chúng ta với Toà Bạch Ốc, ngăn cản việc cắt giảm trầm trọng chương trình Việt ngữ của đài Voice of America và tài trợ cho các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam.

Cuộc vận động Quốc Hội rơi vào đúng thời điểm quan trọng: ngay ngày hôm sau Uỷ Ban Đối Ngoại của Hạ Viện đã thảo luận và thông qua Đạo Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam.

16-Sau ngày 5/3, với bài của ký giả Phạm Trần, dư luận quần chúng “hồ nghi” về một “thế lực đen tối” đã làm xáo trộn mọi thời khóa biểu của buổi gặp gỡ. TS có thể cho biết sự thật? Có đảng phái nào tham dự vào việc này không?

Làm gì có đảng phái người Việt nào có khả năng ấy.Có chăng thì chỉ chạy vòng ngoài thôi.Và cũng chẳng có thế lực đen tối nào cả. Như giải thích ở trên, sau khi một vị dân biểu Liên Bang, vì muốn ủng hộ mình, gọi điện thoại thẳng vào Toà Bạch Ốc làm toáng lên nên đã “bứt mây động rừng” và một bộ phận cao cấp hơn của Toà Bạch Ốc (đó là bộ phận An Ninh Quốc Gia với tư cách cố vấn cho Tổng Thống), đã nhập cuộc. Họ thu hẹp dần chương trình lúc ban đầu, kể cả cắt luôn phần phát biểu của người Việt, cắt phần trình diễn văn nghệ và cấm báo chí, cho ăn chắc. Văn Phòng Tiếp Cận Quần Chúng (Office of Public Engagement) phải tranh đấu mãi mới giữ lại được phần phát biểu, nhưng bị thu ngắn lại và dưới hình thức hỏi đáp.

Người viết lẽ ra đã phải truy cứu và phối kiểm nguồn tin trước khi viết bài theo tính cách “conspiracy theorist”, tức là giả thuyết có âm mưu nào đó ở đằng sau. Chỉ cần dăm cú điện thoại đến vài ba người trong cuộc thì, chỉ trong nửa giờ đồng hồ chuyện trò, vấn đề sáng tỏ ngay thôi. Đó là cung cách chuyên môn của một ký giả.

Vì Bút Tre dùng chữ “hồ nghi”, tôi muốn nhắc nhở đến nguyên tắc “lợi ích của sự hồ nghi” (benefit of the doubt), nghĩa là khi mình còn hồ nghi về một con người, một hành động thì phải nghĩ rằng người ấy tốt, hành động ấy có ý tốt cho đến khi có chứng cớ ngược lại không thể chối cãi, chứ không phải chỉ dựa vào suy diễn hay cáo buộc. Áp dụng vào luật pháp thì là “vô tội cho đến khi chứng minh là có tội”. Các xã hội thiếu nhân bản thì ngược lại: “có tội cho đến khi chứng minh là vô tội”. Chúng ta ở Hoa Kỳ đã lâu thì cũng nên thấm nhuần đạo đức nhân bản này của Hoa Kỳ, vốn rất cần thiết để hoà mình vào nền dân chủ ở xứ này và rồi truyền đạt tinh thần ấy cho đồng bào ở trong nước.

Một số nguyên tắc về đạo đức và hành xử, và ngay cả một số nhận định về sự thiếu đạo đức của một đảng chính trị, tôi đã trình bày nhiều lần trước đây rồi. Có một số bài viết đã được gom lại trong quyển sách Thông Điệp Hy Vọng và Trách Nhiệm mà giờ đây đã có ấn bản điện tử: http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2337

17-Ông Trúc Hồ đã lên ngay SBTN để phản đối về việc dòng chữ trong ngày 5/3. Ông cho rằng đây là buổi nói chuyện về thỉnh nguyện thư, không phải là buổi gặp gỡ của các “leader” người Mỹ gốc Việt. Xin TS giải thích?

Đây là một vấn đề rất đơn giản nhưng đã đẻ ra nhiều suy diễn đi rất xa với thực tế, cũng do cái bệnh chủ quan của một số người. Hạt đậu chẳng mấy chốc đã ra thành trái núi. Chẳng qua là, ngay từ đầu, nhóm tổ chức của Toà Bạch Ốc rất phấn khởi và đã chạy đôn chạy đáo để tìm một thính đường có thể chứa được nhiều người nhất. Họ tìm được South Court Auditorium và chỉ có chỗ trống vào ngày 5 tháng 3. Đầu tiên tôi đề nghị tổ chức sau ngày 8 tháng 3, sau khi đóng lại chiến dịch, nhưng đành chịu thôi.Thính đường này có 150 chỗ ngồi. Họ dự định xếp thêm 20 ghế nữa, thành ra được 175 chỗ.

Khi tôi báo cho Trúc Hồ, thì Trúc Hồ mừng lắm và cho biết sẽ rút thăm 50 người từ 50 tiểu bang để về dự trong tư cách cá nhân. Trúc Hồ lại muốn thêm 50 chỗ dành cho phái đoàn SBTN, ASIA cũng như một số cơ quan truyền thông đã yểm trợ cho chiến dịch. Do đó SBTN lúc nào cũng nói đến con số 100 mà thôi, làm nhiều người tưởng là sẽ chỉ có 100 người được mời vào Toà Bạch Ốc. Vậy là còn 75 chỗ, tôi bàn với Trúc Hồ là sẽ dành cho những người với kiến thức về nhân quyền, đại diện các tổ chức cộng đồng và nhân quyền, và một số vị lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo.

Nhưng rồi đến cận ngày thì bên Toà Bạch Ốc cho biết là tối đa chỉ có 165 ghế và có một số người đã được gởi gắm bởi các vị dân biểu và do đó cả bên SBTN và chúng tôi đã phải cắt người xuống. Bên SBTN chỉ còn 15 chỗ để rút thăm người đi với tư cách cá nhân, trong đó lại có vị là nghị viên thành phố và vị kia là cựu tướng lãnh VNCH. Thành ra danh sách cuối cùng nộp cho Toà Bạch Ốc tuyệt đại đa số là những vị đại diện các hội đoàn, tổ chức, tôn giáo, hay là dân cử, chức sắc, nhân sĩ. Có lẽ vì vậy mà bên Toà Bạch Ốc, khi thấy tổ chức và chức vị được liệt kê trong danh sách đã ghi lên màn ảnh cụm từ Vietnamese American Leaders nhằm chứng tỏ sự tôn trọng đối với phái đoàn.

Nhưng Trúc Hồ nghĩ khác, muốn rằng mọi người chỉ đến với tư cách cá nhân. Tôi ở ngoài Toà Bạch Ốc, cố gắng giải quyết cho khoảng 30 người bị sót tên mặc dù trước đó đã nằm trong danh sách, cho đến gần lúc khai mạc mới chạy vào trong để đốc thúc người trong Toà Bạch Ốc ra tận cổng để giải quyết cho số người ấy. Lúc ấy tôi thấy Trúc Hồ không được vui.Tôi hỏi thì được biết là Trúc Hồ không đồng ý với nhóm chữ Vietnamese American Leaders. Tôi chạy ra xem thì thấy có mấy chữ ấy nên quay lại thấy anh Eddie Lee, người phối hợp nhóm tổ chức của Toà Bạch Ốc,đang ngẩn người vì không hiểu tại sao người Việt mình lại giận dữ khi được gọi là “Vietnamese American Leaders”. Chẳng có thì giờ để giải thích, tôi nói với anh ta là đổi thành “Vietnamese Americans” cho êm chuyện. Việc chỉ có vậy và đã được giải quyết nhanh chóng. Tôi thấy là kiểu suy nghĩ “có âm mưu gì đây” đã lây lan sang một số người rồi đó. Đúng là từ hạt đậu, nghi hoặc rồi suy diễn riết thành ra trái núi.

Nếu ai còn nghi hoặc thì nên phối kiểm vì nhiều người bây giờ đã có địa chỉ email của anh Eddie Lee rồi.

18- Đúc kết, theo TS những cái nào là “được” và “chưa được” trong chiến dịch này?

Chiến dịch thu hoạch được nhiều thành quả hơn dự kiến lúc ban đầu. Về công việc thì đã đạt được những điều sau đây:

(1) Chắc chắn sẽ có văn thư trả lời chính thức của Toà Bạch Ốc mà người trà lời có lẽ sẽ là Ông Phụ Tá Ngoại Trưởng Mike Posner.

(2) Các giới chức liên quan đến thỉnh nguyện của chúng ta đã tiếp xúc với phái đoàn người Việt vào Toà Bạch Ốc. Chỉ có bên Văn Phòng Đại Diện Mậu Dịch là vắng mặt và phái đoàn từ Dallas-Fort Worth đang nhờ Dân Biểu Joe Barton (Cộng Hoà, TX) sắp xếp buổi họp với họ trong thời gian tới đây.

(3) Thông tin cho Quốc Hội biết về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam để họ có hành động thích ứng về cả lập pháp lẫn theo dõi Hành Pháp trong vấn đề thực hiện chính sách.

Về nội lực chúng ta đạt những thành quả sau:

(1) Thu thập kinh nghiệm về vận động quần chúng.

(2) Trên 500 đồng hương vào Quốc Hội tăng thêm hiểu biết và học hỏi kinh nghiệm vận động hậu trường. Họ sẽ đóng vai trò chủ lực cho cuộc vận động tiếp theo ở từng địa phương.

(3) Cuộc tranh luận đang diễn ra trên các diễn đàn internet hay báo chí, truyền thanh, truyền hình là cơ hội để chúng ta rà soát lại khả năng lý luận, tính chất chuyên nghiệp và ý thức dân chủ qua cung cách hành xử. Biết người biết ta thì mới có cơ hội thành công trên con đường dài để giải thoát dân tộc.

19- Tóm lại, về buổi gặp gỡ của các viên chức chính phủ với cộng đồng Việt Nam ngày 5/3 tại Tòa Bạch Ốc thì chúng tôi xin tóm tắt như thế này có đúng không? Thứ nhất, TS giúp ô Trúc Hồ biết về trang web We the People để gửi TNT. Thứ hai, TS đã vận động để có một buổi gặp gỡ với các viên chức chính phủ. Thứ ba, phía bên Việt Nam gửi danh sách ban đầu khoảng 10, sau còn 7 thuyết trình viên nhưng cuối cùng Tòa Bạch Ốc đã lần lượt thay đổi để chỉ còn 4. Thứ tư, ban đầu bên Tòa Bạch Ốc cũng cho vào nghị trình, màn trình diễn của Asia nhưng cuối cùng đã cắt và thay thế vào đó là thuyết trình viên thứ 4. Thứ năm, có những thành viên Việt Tân bằng sự vận động riêng của họ với sự giúp đỡ của một nữ dân biểu, họ đã hiện diện trong buổi họp mà không qua phía bên TS hay ông Trúc Hồ. Thứ năm, Billy Lê , Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Nam Cali, người thuyết trình viên trẻ, đã trả lời TS là ” không đảng phái” và sau này thì được biết anh ta là thành viên của nhóm “Phan Bội Châu”, một tổ chức ngoại vi của Việt Tân. Thứ sáu, Tòa Bạch Ốc đã cử viên chức cao cấp nhất về “nhân quyền” đến họp. Thứ bảy, chúng ta phải cung cấp ngay cho Bộ Ngoại Giao các thông tin cập nhật và danh sách 600 tù nhân chính trị, tôn giáo và lương tâm vì tuần tới đây một nhân viên cao cấp của Vụ Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động sẽ đi Việt Nam để nêu vấn đề nhân quyền. Nếu thiếu sót xin TS bổ túc để kết thúc bài phỏng vấn này và Bút Tre rất cảm ơn TS đã dành thì giờ trả lời để làm sáng tỏ một số vấn đề chung quanh vụ “Thỉnh Nguyện Thư” này..

Có mấy điểm mà tôi muốn nói cho rõ.

Thứ nhất, về các tài liệu thì chúng tôi đã thường xuyên cung cấp cho Bộ Ngoại Giao, Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, Hội Đồng Cố Vấn An Ninh Hoa Kỳ (của Toà Bạch Ốc), Uỷ Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Của Hoa Kỳ, và các văn phòng dân cử liên bang. Lần này chúng tôi gom các danh sách tù chính trị, tôn giáo và lương tâm lại để trao một lần, xem như là đi kèm với thỉnh nguyện thư gởi Tổng Thống Obama. Đồng thời chúng tôi cũng phối hợp với các phái đoàn địa phương để đồng loạt gởi các danh sách ấy cho các vị dân cử Liên Bang nhằm tạo thêm áp lực đối với Hành Pháp.

Có dư luận cho rằng SBTN giao cho tôi trách nhiệm liên lạc với Toà Bạch Ốc, điều này không đúng.Tôi tự ý liên lạc với Toà Bạch Ốc để vận động cho buổi tiếp xúc. Ngày 19 tháng 2, khi vừa biết được là Toà Bạch Ốc sẽ tiếp một phái đoàn người Việt, tôi báo ngay cho Trúc Hồ và lập tức sắp xếp buổi họp sơ bộ để SBTN và một số nhân vật và tổ chức khác làm việc thẳng với Toà Bạch Ốc. Tại buổi họp này, SBTN đề cử Ls. Đỗ Phủ đại diện liên lạc với Toà Bạch Ốc và hai bên đã trao đổi địa chỉ email với nhau. Nghĩa là, tôi thấy có cơ hội thì tự động khai thác và sau đó giới thiệu ngay cho SBTN để trực tiếp làm việc với Toà Bạch Ốc. Tôi nghĩ, nên để các người tham gia buổi họp này, và một buổi họp nữa sau đó, cung cấp thêm thông tin để mọi người cho có cái nhìn chính xác.

Tôi chủ trương không nêu tên bất kỳ ai hay tổ chức nào để tránh những cuộc tranh luận vô bổ, mất thời gian. Do đó tôi không xác nhận hay phủ nhận những thông tin liên quan đến các cá nhân hay tổ chức được nêu trên.

Điều này tôi có thể nói, đảng chính trị mà tôi nhắc đến đã không can dự vào tiến trình tổ chức hay nội dung của buổi tiếp xúc Toà Bạch Ốc ngày 5 tháng 3. Họ chỉ hiện diện dưới danh nghĩa đảng và đưa tin về buổi tiếp xúc với những hình ảnh dễ tạo ngộ nhận. Cuộc vận động ở Quốc Hội ngày 6 tháng 3 thì khác. Nhưng đó lại là câu chuyện cho một bài phỏng vấn khác.

Cuối cùng là một tâm tình. Trước đây tôi không quen Trúc Hồ, nhưng trong 30 ngày làm việc với nhau, tôi vô cùng cảm mến người bạn trẻ này, xem như một người em. Trúc Hồ là người bộc trực, hành xử theo cảm tính, đặt tất cả niềm tin và ước vọng vào chiến dịch thỉnh nguyện thư, không một chút tư lợi. Đó là vốn quý của dân tộc mà tất cả chúng ta, nếu nặng lòng với dân tộc, thì phải bằng mọi cách bảo vệ và gìn giữ.

Nguyễn Lê Vũ thực hiện riêng cho nguyệt san Bút Tre ( Arizona)

===============================================================

Lời kết của Nguyễn Lê Vũ : làm truyền thông là tìm sự thực để gửi đến quý độc giả nhưng trong cái gọi là tìm sự thật đó cũng phải “Luôn có mục đích hướng thượng, nghĩa là chú ý đại cuộc, bỏ qua tiểu tiết; một người được coi là vô tội cho đến khi chứng minh người đó có tội; không nghe lời đồn vô căn cứ”. Vì thế trong sự kiện Nhạc Sĩ Trúc Hồ vì tình cảm cá nhân muốn cứu Việt Khang ( như lời Trúc Hồ nói nhiều lần ở SBTN) và đã nhờ Ts Nguyễn Đình Thắng cộng tác và sau khi vào Tòa Bạch Ốc ngày 5/3/2012, đã có một số điều “không vui” xảy ra nhưng chúng tôi không nghe tin đồn và chúng tôi hỏi đích danh những người có trách nhiệm. Trong cách hỏi, chúng tôi cũng không “xoáy vào những tiểu tiết” phương hại đại cuộc nhưng chúng tôi cũng cố gắng soi rọi những chi tiết xét ra có thể giúp cộng đồng ngăn ngừa sự lũng đoạn của các đảng phái thiếu đạo đức, luôn có hành động giống như “cướp chính quyền”, một thủ đoạn lập lại của Việt Minh. Điều trên cũng để trả lời cho những người trẻ của ta hôm nay, họ không có kinh nghiệm với vc và đã cho rằng thế hệ cha anh là (quá khích, mang tư tưởng hận thù từ cuộc chiến vừa qua nên nghi kị tất cả).

Một số điều đã được giải thích bởi Ts Nguyễn Đình Thắng nhưng chúng tôi mong những điều còn lại sẽ được Nhạc Sĩ Trúc Hồ trả lời. Và từ những bản phỏng vấn này, quý độc giả có thể có những tin tức chính xác thay vì “suy diễn” và sau đó sẽ nhận định để rút kết luận cho chính mình.

Điều mong ước sau cùng của chúng tôi là cả hai ông Trúc Hồ và Ts Nguyễn Đình Thắng phải cố gắng tìm giải pháp tốt đẹp nhất để lấy lại niềm tin nơi quần chúng, tiêu biểu là 140,000 người đã ký vào TNT do quý ông phát động. Vì vậy hai ông chắc chắn phải hiểu trách nhiệm và hành động của mình đối với tập thể đã gửi gắm niềm tin nơi quý ông.

Dr. Nguyen Dinh Thang

Executive Director, Boat People SOS (BPSOS)

Dr. Thang arrived in the United States in 1979, as a boat refugee from Vietnam. In 1986, he graduated from Virginia Tech with a Ph.D. in Mechanical Engineering. He also holds an M.S. degree in Electrical and Electronic Engineering from Johns Hopkins University. For 13 years, he worked as an engineer and a quality control manager at a research lab in Bethesda, Maryland. He holds several patents and has received numerous performance awards. Joining BPSOS in 1988 as a volunteer, he left his engineer job in 2001 to become BPSOS’ full-time Executive Director.

Dr. Thang is well known for his vision and bold actions. Responding to the boat people crisis in 1989, he established Legal Assistance for Vietnamese Asylum Seekers (LAVAS), which set up legal aid offices in the Philippines (1991) and Hong Kong (1992) to defend the refugee rights of the Vietnamese boat people. In 1995, he launched an advocacy campaign that resulted in the resettlement of over 18,000 former boat people from Vietnam to the US under the Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees Program. He has successfully championed the establishment and re-opening of several refugee programs such as the Priority One In-Country Refugee Program, the Humanitarian Resettlement Program, and the “Davis” Amendment. Since 2001, he has advocated for the Amerasians’ right to US citizenship. Ten years after the official end of the Vietnamese boat people era, he continues to defend the rights of Vietnamese to refugee protection. Since 2007, he has traveled frequently to Southeast Asia to advocate for and provide assistance to hundreds of Vietnamese asylum seekers in Thailand, Malaysia and Cambodia, who fled the mounting crackdown in Vietnam.

To help the Vietnamese American community cope with the impacts of the 1996 welfare and immigration reforms, in 1997, he set out to build BPSOS from a small, all-volunteer organization into a national one that operates a dozen programs in 15 different locations nationwide. He developed BPSOS’ vast network of mass media that includes print, radio and television. This network has the capacity to reach one in every four Vietnamese households in the US.

In the aftermath of Hurricane Katrina, Dr. Thang successfully mobilized the resources of the Southeast Asian communities to provide emergency relief to thousands of Vietnamese victims in Houston and along the Gulf Coast. From this effort, he developed an emergency preparedness and disaster response program that continues to help victims of hurricanes Rita, Gustav and Ike and prepare communities for human made or natural disasters.

Under his leadership, BPSOS became one of the leading anti-trafficking in persons organization not only in the US but in the world. He has personally worked on high-profile trafficking cases, from the largest case ever prosecuted by the US federal government (Daewoosa American Samoa, 1999) to the recent rescue of 176 Vietnamese women workers in Jordan. Most notably, in March 2008, he coordinated a highly effective campaign to force a clothing giant to agree to compensate 2,600 workers, half being Vietnamese, in Malaysia. In early 2008, he co-founded Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia (CAMSA). This coalition, in conjunction with a local organization, has set up permanent operation in Malaysia. Within six months of operation, CAMSA’s effective work was recognized by both the White House and the State Department in November 2008.

Dr. Thang is an effective advocate of human rights and social justice. He co-founded the Committee for Religious Freedom in Vietnam in 1998. He established the first and only center for Vietnamese torture survivors in 2002. He has testified numerous times before Congress and edits the annual Vietnam Country Report. He trains human rights advocates in different countries. He is also an effective community organizer, having mentored over 50 organizations and raised over $2M to support their good work.

Dr. Thang is a regular contributor to a dozen of Vietnamese-language newspapers and magazines around the country. He has co-authored a series of articles on programs and services for immigrants, and on victims of torture. He has contributed articles to the Washington Post, San Jose Mercury News, Houston Chronicle, Asian Wall Street Journal, Seattle Times, etc. and has been featured on U.S. and international programs such as ABC Nightline, Voice of America, Australian Broadcasting Corporation, British Broadcasting Corporation, Canadian Broadcasting Corporation, Radio Free Asia.

In 2001, the Washingtonian Magazine named Dr. Thang, “Washingtonian of the Year”. He was a fellow in the Drucker Foundation’s Frances Hesselbein Community Innovation Fellows Program for 2001-2002. He received the 2003 Outstanding Technology Leadership Award from the Education Technology Think Tank and Black Congressional Caucus. He was also a fellow at the Center for Social Innovation at Stanford University Graduate School of Business. He currently serves on the Access for All Advisory Committee to the National Capital Region Transportation Planning Board and on the Participatory Action Research Team of Howard University Center for Disability and Socioeconomic Policy Studies.

In 2005, National Alliance of Vietnamese American Service Agencies selected him for its annual Community Service Award. In 2006 the Asian Pacific American Society awarded him its Community Service Award for his work in the Gulf Coast. He is the 2007 recipient of Community Service Award from the Asian Pacific American Bar Association Education Fund. In 2008 he was honored with a lifetime service award by the National Congress of Vietnamese Americans. In 2009 he was selected for a lifetime achievement award by Southeast Asia Resource Action Center.

Bao Dang < bddang@yahoo.com >
CÁM ƠN & MONG ĐƯỢC TIÊP TỤC HỖ TRỢ – Tien Mot Buoc Dai Nhung Chua San Sang (03-11-12)

Thưa quý vị người Việt trong và ngoài nước,

Cá nhân mỗi người người Việt trong và ngoài nước ở bất cứ thời đại nào đều có NHỮNG TRÁCH NHIỆM RIÊNG VÀ CHUNG.

Trách nhiệm riêng của NS Trúc Hồ là Truyền Thông SBTN và Trung Tâm ASIA; trách nhiệm chung là cùng gánh vác công cuộc TRANH ĐẤU NHÂN QUYỀN CHO VN.

Trách nhiệm riêng của TS Nguyễn Đình Thắng là Chủ Tịch của BPSOS, và trách nhiệm chung là gánh vác công cuộc TRANH ĐẤU NHÂN QUYỀN CHO VN.

Hai trường hợp, NS Trúc Hồ và TS Nguyễn Đình Thắng, đuợc nêu lên để mọi người Việt suy diễn đối với những người Việt khác trong đó có cá nhân tôi.

Qua các bài viết của NS Nam Lộc, bà Jackie Bông, các phóng viên báo chí … Thông Cáo Báo Chí của SBTN tường thuật khách quan, xây dựng và gửi đến độc giả. Nghe NS Trúc Hồ trả lời phỏng vấn ngày 6/3 cho là một PHÉP LẠ về con số 150,000 ký tên vào Thỉnh Nguyện Thư NHÂN QUYỀN. NS Trúc Hồ nắm được Thiên thời, địa lợi, nhân hòa tức Ý NGƯỜI DÂN TRONG NƯỚC CŨNG LÀ Ý TRỜI và dùng phương tiện Truyền Thông SBTN do anh làm Giám Đốc thì PHÉP LẠ ắt phải xảy ra.

“Đi hỏi già về hỏi trẻ” – Quả thế, NS Trúc Hồ đã kêu gọi người trẻ ở 50 tiểu bang Hoa Kỳ giúp một tay cũng như NS Trúc Hồ “phối hợp” với TS Nguyễn Đinh Thắng của BPSOS và cựu Dân Biểu Liên Bang Cao Quang Ánh trong hai buổi vận động gặp gỡ tại Tòa Bạch Ốc 5/3, và Quốc Hội, 6/3. Tổng Thống Hoa Kỳ trong việc điều hành quốc gia cũng có các vị trong Hội Đồng Cố Vấn. Khi đi công du, thăm viếng thì tiếp xúc với học sinh, sinh viên, hay người dân để biết ý nguyện của người dân mà Tổng Thống đại diện và phục vụ.

Cá nhân tôi xin chân thành cám ơn NS Trúc Hồ, SBTN; TS Nguyễn Đình Thắng, BPSOS, và cựu DB Cao Quang Ánh đã cho tôi tham dự vào một cuộc vận động lịch sử, đó là một trong số 150,000 người Mỹ gốc Việt thể hiện trách nhiệm chung, TRANH ĐẤU NHÂN QUYỀN cho 90 triệu người dân Việt đang bị bạo quyền csVN kèm kẹp, bắt bớ, đánh đập, thủ tiêu, giam cầm, quản thúc tại quê nhà, bằng cách ký tên cũng như giúp kêu gọi ký tên vào Thỉnh Nguyện Thư nhiều lần trên các Diễn Đàn. Ước mong được tiếp tục đóng góp vào trách nhiệm chung của những bước kế tiếp cho đến khi NHÂN QUYỀN đến với mọi người dân Việt trong nước.

Trân trọng,

Đặng Bảo
12-3-2012

0 comments:

Powered By Blogger