Dân trí không từ trên trời rơi xuống. Dân trí một nước là kết quả của một quá trình hun đúc, bồi đắp lâu dài thông qua ít nhất ba con đường: giáo dục; sự thi hành luật pháp nghiêm minh, nhất quán; và sự tự kiểm soát, tự điều chỉnh của xã hội dân sự. Ở ta, cả ba con đường này đều có vấn đề, đều khiếm khuyết không nhiều thì ít.
Ngã tư, đèn đỏ, giờ tan tầm, xe kẹt cứng. Mấy thanh niên đi xe gắn máy cùng chiều với bạn, chạy sau, thay vì dừng lại ở ngã tư cho xe từ đường giao cắt quẹo qua, đợi đèn xanh rồi đi tiếp thì lại lấn trái đường lên cho sát ngã tư làm xe bên kia không quẹo qua được. Thế là kẹt lại thêm kẹt.
Hẳn không ít lần bạn đã gặp tình cảnh đó và buột miệng: Dân trí gì mà thấp kém! Đi trên đường, không ít lần bạn chứng kiến người ta vứt xác chuột chết ra đường hoặc quét tấp rác, đổ đồ ăn dư thừa xuống miệng hố ga, làm cống có thể bị nghẹt. Bạn lầm bầm: Dân trí ở đâu nhỉ? Đi mua vé tàu xe, bạn đang xếp hàng chờ tới lượt mình, bỗng mấy cô ả từ đâu sấn tới, chen lên đầu, giành quyền mua vé của mấy người sắp đến lượt ở hàng đầu. Có người phản đối; có người, nhìn vẻ bặm trợn của mấy cô ả, không dám hé môi. Bạn lại lầm bầm, bực tức: Đúng là dân trí thấp kém!
(Mời xem video này: Sobrevivir en saigon… để hiểu người nước ngoài nhìn trật tự giao thông nước ta ra sao)
Có thể kể ra vô số trường hợp như vậy. Và bạn nghĩ không sai: Dân trí của không ít người Việt mình kém thật. Người Việt mình bây giờ đi ra nước ngoài du lịch hay làm ăn cũng nhiều hẳn đều có thể thấy ở nhiều chỗ người ta tự động xếp hàng, không ai đến sau mà tự tiện chen lên trước nếu không muốn bị nhìn như con quái vật; đến ngã tư đường gặp đèn đỏ, dù đường giao cắt chẳng có chiếc xe nào chạy và tuyệt nhiên chẳng thấy bóng dáng một anh cảnh sát, người lái xe cũng tự động dừng xe chờ đèn xanh; thậm chí vào nhà hàng người ta cũng phải chờ người phục vụ chỉ định bàn tùy theo số người đi với bạn nhiều hay ít chứ không phải thích sà vào bàn nào là sà vào, một mình chiếm cả một cái bàn dành cho 5-6 người. Và trong môi trường đó dường như đa số người Việt mình đi nước ngoài cũng tỏ ra lịch sự hơn, biết tuân thủ các quy ước xã hội hơn.
Thế nhưng ở trong nước lại khác. Sống trong một môi trường mà chẳng ai thèm đếm xỉa gì đến cái chung, chẳng ai thèm nhường nhịn ai, chẳng ai buồn tuân thủ các quy ước xã hội, người ta như bị cuốn phăng đi. Và giả như bạn muốn sống đúng theo điều bạn nghĩ, muốn tuân thủ pháp luật và những quy ước xã hội tốt đẹp, hãy chuẩn bị tinh thần để đón nhận cái nhìn của đa số còn lại coi bạn như một kẻ dở hơi. Đó là một thực tế chúng ta đụng chạm hàng ngày khi đi ra đường, khi vào tiệm ăn, khi xếp hàng mua vé hoặc làm giấy tờ…
Dựa trên thực tế đó, trong không ít phát biểu của các quan chức, trong rất nhiều bài báo, sau khi đề cập đến những hiện tượng kém văn minh của người dân mình như hiện tượng chen lấn gây kẹt xe, thường kết luận về nguyên nhân của hiện tượng gỏn lọn bằng một cụm từ: kém dân trí. Ít ai chịu khó đặt tiếp vấn đề: Dân trí kém do đâu? Dân trí từ đâu ra? Dân trí không từ trên trời rơi xuống. Dân trí một nước là kết quả của một quá trình hun đúc, bồi đắp lâu dài thông qua ít nhất ba con đường: giáo dục; sự thi hành luật pháp nghiêm minh, nhất quán; và sự tự kiểm soát, tự điều chỉnh của xã hội dân sự. Ở ta, cả ba con đường này đều có vấn đề, đều khiếm khuyết không nhiều thì ít.
Nền giáo dục ở ta từ mấy chục năm qua, ngoài việc cung cấp kiến thức chuyên môn cho học sinh, chỉ tập trung giáo dục lý tưởng chính trị và đạo đức cách mạng vốn cần thiết trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập, mà ít chú ý giáo dục đạo làm người và tinh thần công dân cần thiết cho việc xây dựng xã hội trong thời bình, nhất là một xã hội đang muốn vươn đến chỗ là một xã hội văn minh, hiện đại. Những đức tính như lòng trung thực, lương tâm chức nghiệp, ý thức tôn trọng của công, tôn trọng những quy ước của một xã hội văn minh không được coi trọng. Từ một xã hội bao cấp thiếu thốn đủ bề chuyển qua nền kinh tế thị trường còn đậm nét sơ khai, nhiều chuẩn mực và giá trị cũ đổ vỡ trong khi những chuẩn mực và giá trị mới phù hợp với giai đoạn mới, yêu cầu mới lại không được kịp thời xây dựng, con người như sống trong thời hoang sơ, chỉ biết làm sao thỏa mãn nhu cầu của riêng mình, bất chấp nó có ảnh hưởng gì đến xã hội, đến cái chung hay không. Việc giành đường, cướp đường nói lên rất rõ điều này, trong khi việc thi công cầu đường kém chất lượng do rút ruột công trình, làm dối, làm ẩu nói lên rất rõ sự thiếu vắng lương tâm chức nghiệp và tính trung thực của công dân trong một xã hội văn minh.
Trong khi đó, việc thi hành nghiêm minh luật pháp, một yếu tố mang tính cưỡng chế (đối với thiểu số công dân kém ý thức) nhưng có tác dụng góp phần hình thành dân trí, lại cũng có vấn đề. Luật pháp ở ta chưa đảm bảo cho người chấp hành luật nghiêm túc được bảo vệ, được an toàn, nói chi đến được tưởng thưởng; trong khi đó những người vi phạm luật, lách luật nhiều khi chẳng những không bị trừng phạt mà còn thu được lợi ích từ việc vi phạm hoặc lách luật đó. Tình trạng ấy, cộng với tình trạng ăn hối lộ để cho một số người qua mặt luật pháp đã vô hiệu hóa mọi ý đồ hoặc nỗ lực sử dụng luật pháp như một công cụ nâng cao dân trí. Từ đó dẫn đến tình trạng xem thường pháp luật tràn lan, rõ nhất là trong lĩnh vực giao thông.
Cuối cùng, bổ túc cho hai con đường nâng cao dân trí kể trên, nhưng không kém phần quan trọng, là hoạt động của xã hội dân sự. Đứng trước những thách thức mới hay những nhu cầu mới đặt ra cho xã hội, thường bao giờ từ trong cộng đồng cũng xuất hiện những tập hợp tự nguyện của những công dân vì lợi ích chung của cộng đồng mà đứng ra phản ứng trước những thách thức đó hoặc đáp ứng những nhu cầu chung đó rồi bằng chính hoạt động của họ, thuyết phục, vận động mọi công dân khác cùng làm theo. Nhà nước dù mạnh đến đâu, luật pháp dù hoàn thiện đến đâu cũng không thể giải quyết được mọi vấn đề đặt ra cho xã hội. Xã hội dân sự, với các tổ chức, hội đoàn đủ loại, hoạt động độc lập với nhà nước nhưng lại đóng vai trò bổ trợ cực kỳ hữu ích cho sự khiếm khuyết của nhà nước và luật pháp trong việc đảm bảo sự vận hành tốt đẹp của xã hội. Tuy nhiên, ở Việt Nam, với chế độ bao cấp (trong đó nhà nước được xem và được trông đợi là người cung cấp tất cả) kéo dài và với sự nghi kỵ chưa phải đã hết đối với tất cả những gì không được “đóng dấu” nhà nước, xã hội dân sự đã bị teo tóp đi, sáng kiến công dân không còn chỗ đứng.
Trong bối cảnh như vậy, trước những vấn nạn như vấn nạn trật tự giao thông, khi nhà nước tỏ ra bất lực, còn các hội đoàn chính thống thì thụ động vì bị hành chính hóa, giáo dục thì không thực sự sinh sản ra được những công dân trưởng thành, có đầy đủ ý thức công dân… xã hội dân sự cũng chẳng đóng góp được gì trong việc “nâng cao dân trí” vì từ lâu đã bị nghi kỵ, không được khuyến khích. Lấy sự việc xảy ra gần đây là vụ em Nguyễn Thị Bình bị vợ chồng chủ một quán phở ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội hành hạ như một nô lệ trong suốt 13 năm làm thí dụ, ta thấy cả luật pháp, cả hệ thống chính trị từ tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Đội Thiếu niên Tiền phong đến công an phường, cảnh sát khu vực, tổ dân phố… đều đã chẳng làm gì để bảo vệ và giải cứu em Bình. Họ còn không biết có vụ việc như vậy thì em và những người như em còn biết kêu vào đâu, trông đợi vào đâu. Em Bình đã được giải cứu chỉ nhờ vào lòng trắc ẩn và can đảm của một người phụ nữ đã 70 tuổi. Nếu xã hội dân sự phát triển, nếu có nhiều những con người tốt bụng như bà Hà Thị Bình trong những tập hợp công dân tự nguyện vì xã hội thì không ít trường hợp tương tự trường hợp em Bình có thể được ngăn chặn từ sớm. Nhiều quy ước, tập quán xã hội tốt cũng có thể nhờ những tập hợp tự nguyện đó mà hình thành.
Do vậy, muốn dân trí được nâng cao, ngoài vai trò của giáo dục có khả năng đáp ứng nhu cầu mới của xã hội, ngoài sự nghiêm minh và không thiên vị của pháp luật, phải có chỗ cho sáng kiến công dân, có chỗ cho trí tuệ và năng lực của dân được tự do hoạt động. Mỗi khi than phiền về dân trí, xin hãy chịu khó suy nghĩ thêm một chút.
0 comments:
Post a Comment