Wednesday, January 25, 2012

Yêu Nước: Không Cứ Trẻ Già

Nhớ nhà văn Mỹ Dung, tác giả quyển Ngàn Giọt Lệ Rơi gần đây có chuyển cho một số bè bạn, điện thư của Ellen Trần, một sinh viên VN du học trẻ: “Thưa cô,… Bản thân con sinh ra ở Việt Nam đã quá lâu sau chiến tranh, nên con không được hiểu rõ về lịch sử hay chính trị. Từ nhỏ đến lớn, hầu như con không hề biết về Việt Minh hay Việt Cộng. Lịch sử đã được giấu quá kỹ bởi chính quyền, bởi những người dân vì sợ chính quyền. Con hy vọng cô không giận khi con nói rằng, con lớn lên dưới lá cờ đỏ sao vàng. Mỗi đầu tuần con phải làm lễ chào cờ dưới lá cờ ấy. Tuy con lúc ấy vẫn còn quá nhỏ để học về Đảng và chính trị của Đảng, con vẫn được dạy về lòng yêu nước, ý thức rằng lớn lên phải phục vụ dân, phục vụ nước.

“Mặc dù ông ngoại và nhiều người trong gia đình con đã là lính trong quân đội Mỹ, ba mẹ con không hề cho con biết những điều này. Người dân trong nước không ai đề cập đến quá khứ, dù chỉ một lần. Khi con đến Mỹ lúc con 12 tuổi, một trong những cú shock lớn nhất là nghe chỉ trích về Việt Cộng, đơn giản là vì con chưa bao giờ nghĩ chuyện như vậy có thể tồn tại được. Bất chợt, những gì con đã được dạy, những đạo lý, đạo nghĩa con luôn mang theo mình, đều không có nghĩa lý gì cả.

“Con cảm thấy mình, và thế hệ của mình, đã bị phản bội. Người bên đây thì theo Mỹ. Người bên đấy thì theo Đảng [CS]. Những trẻ em, thanh thiếu niên, không có được cơ hội để nghe hết toàn bộ lịch sử. Họ bị bắt buộc phải theo một lập trình của những người khác một cách mù quáng, dại dột.

Năm nay con bắt đầu năm Đại học đầu tiên. Con vẫn không biết ai đúng, ai sai trong quá khứ Việt Nam. Con cảm thấy mình là người Việt, mình yêu nước Việt, yêu dân tộc Việt. Nhưng con chưa bao giờ là người dân của chế độ cũ. Bây giờ con không còn là người dân của chế độ mới. Rốt cuộc, làm người Việt Nam là làm ai ?

Con cảm ơn cô đã viết cuốn sách này, cũng như đã kể cho con nghe về cuộc đời cô, về quá khứ của nước mình. Con hy vọng những ký ức của cô sẽ có cơ hội mở mang tầm nhìn của những người trẻ tuổi, như con. Con kính sức khỏe của cô.- E. Trần.”

Khá đủ về những lý do của một số lớp trẻ trách lớp già. Và lớp già cũng đã có không ít lý do để trách lớp trẻ thờ ơ với vận mạng nước non và đồng bào đau khổ đang nằm trong gọng kềm CS quá lâu rồi.

Lớp già và lớp trẻ trách nhau vì phẩn nào mất đi tình liên đới giữa 2 thế hệ, do Cộng sản thống trị bịt mồm, bịt miệng lịch sử và nhân dân và cuộc di tản sang Tây Phương của một số người hoàn toàn thiếu chuẩn bị. Trong khi đó, đứng trên phương diện chánh trị, văn hoá, xã hội học, tình liên đới giữa các thế hệ là thứ tình nghĩa thuộc về nhau có thể làm cho một quốc gia dân tộc với lãnh thổ, chánh quyền bị tạm chiếm hay mất không còn – vẫn tồn tại và hồi sinh nhanh chóng. Như người Do Thái với Miền Đất Hứa, cả mấy ngàn năm phiêu bạc nhưng sau Đệ nhị Thế Chiến khi Liên Hiệp Quốc ban hành thành lập quốc gia Do Thái, Do Thái hồi sinh liền với giáo sư đại học ở hải ngoại về làm xã trưởng, những thiều nữ tương lai như trăng mới lên ở các nước về làm nữ quân nhân thiện chiến ,v.v…, biến quốc gia dân tộc Do Thái sống mạnh, sống hùng giữa thế giới Á rập đầy hận thù và chống Do Thái..

Còn Việt Nam, trong cơn quốc biến, trước nguy cơ mất nước vào tay Quân Tàu như bây giờ, người Việt ngồi mà trách nhau như vậy chẳng có lợi ích gì và chẳng lợi ich cho ai cả, già hay trẻ, cá nhân hay tập thể, quốc gia hay dân tộc.

Điều cần làm là góp bàn tay phát huy nội lực tổng hợp của dân tộc để chống quân thù CS Tàu và CS Việt. Đó là san lắp hố sâu ngăn cách trẻ già bằng hành động, đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN, và quốc tế vận chống TC gậm nhấm VN như người Việt hải ngoại đã đang làm suốt hơn 36 năm. Và nếu đời của thế này chưa xong, thì đời con cháu tiếp nối.

Người Việt hải ngoại sống trong tự do, dân chủ, có nhiểu ý kiến khác nhau, nên không có chuyện sanh ra lớn lên theo một “ bô máy lấp sẵn” (machine montée) mà cô sinh viên gọi theo kiều vi tính là “lập trình sẵn”. Nhưng đại đa số đứng chung trong mẫu số chung đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN và sự vẹn toàn bờ cõi nước nhà VN.

Người Việt hải ngọai tiếp tục làm sáng tỏ những chân lý lịch sử do Phản Chiến Mỹ và CS Hà nội che dấu, chỉ cho thấy một chiều, để tránh cho đàn hậu tiến không sai lầm hay không để những sai lầm xưa tái diễn nữa. Đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN, những quyền bất khả tương nhượng của người dân Việt mà CS đã tước đoạt và lạm dụng quá lâu rồi.

Lớp trẻ hải ngoại có bổn phận biết, nhớ nhờ ai mà mình đến đươc định cư trong lòng Tây Phương như xứ Mỹ đầy cơ hội này. Nhớ nguồn cội, nhớ ân nhân là đặc tính đầu tiên của người yêu nước.

Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh. Người dân Việt bất phân nam nữ, già trẻ, trong ngoài nước đang bị Cộng sản Tàu và Cộng sản Việt – cộng sản nào cũng là cộng sản — cướp quốc gia và quyền sống. Người Việt đang đứng trước một thách đố lớn và khó nhứt trong lịch sử. Chế độ CS Hà nội là một thứ “tự thực dân” – khó đánh đuổi hơn Tàu, Pháp là ngọai bang. Thách đố đó cũng là vận hội đoàn kết thống nhứt chống kẻ thù chung là CS.

Yêu nước, cưu nước, cứu dân, vì nước, vì dân không có vấn đề già trẻ. Quốc gia dân tộc là thực thể tồn tại miên viễn theo thời gian và không gian. Phát huy nội lực tổng hợp của dân tộc là tạo vận hội lớn để đánh đuổi bọn xâm lăng TC và bọn độc tài thống trị Việt Cộng. Phát huy nội lực tổng hợp dân tộc là gián tiếp chuẩn bị đội ngũ kế thừa, qua công tác đào tạo. Và cũng là cách tăng cường dáng đứng, thế đứng của quốc gia dân tộc VN và cộng đồng Việt hải ngoại. Đó cũng là chiến thuật hai mặt giáp công, quốc tế vận từ hải ngoại để tăng cường sức mạnh nội công cho phong trào giải thể CS, Trung Cộng và Việt Cộng. /.

Vi Anh

0 comments:

Powered By Blogger