Thursday, January 19, 2012

Tưởng Niệm

mythanh


Năm nay Tết sớm, còn chưa kịp … nhẹ nhõm xong được các bận rộn trong mấy ngày lễ Noel và Năm Mới thì phố phường Little Saigon nơi tôi lại nhộn nhịp lên chuẩn bị đón xuân. Tết nhất ở Mỹ, cộng với tính thich cắt xén hết các … thủ tục, tôi chẳng làm gì nhiều, nhưng cũng không khỏi xôn xao khi dạo bước qua các khu chợ khác hơn thường ngày, với các lều bạt giăng thêm để bày bán các cây cảnh hoa trái cho mùa Tết. Hoa không nhiều loại ngập tràn hương sắc như chợ hoa quê nhà xa xưa, nhưng cũng đủ rộn lên lòng người sắc màu năm mới … Cúc đại đóa vàng rực rỡ, lay ơn [Glaïeul (fr); gladius, sword lily (eng.)], đỏ thắm, những cành mai mỏng manh điểm đầy những cánh li ti vàng, và những chậu đào đủ cỡ to nhỏ, màu từ hồng phấn, hồng cam, sang hồng đào thẫm … Và bắt mắt tôi nhất là những cành đào màu hạnh phúc đó.



“Nếu là hoa xin là hoa anh đào, nếu là người xin làm một võ sĩ đạo”, câu danh ngôn nổi tiếng của Nhật Bản. Anh đào được xem là quốc hoa của Nhật. Cuộc đời hoa anh đào có lẽ ngắn ngủi phù dung nhất trong các loài hoa, vì ngay khi còn đang độ tươi thắm nhất, chỉ cần một cơn gió thoảng anh đào đã bắt đầu rụng. Người Nhật quý hoa anh đào không chỉ vì lúc chúng rộ tươi đẹp trên cành, mà cả khi anh đào rụng, xoay tròn lắc rắc như phấn trên không trung trong những cơn gió, và trải thành tấm thảm hồng mỏng mượt rực rỡ trên đường…. Trước khi rữa tàn anh đào đã để lại cho đời những khoảng khắc và những hình ảnh rất đẹp. Có lẽ vì vậy người Nhật đã sánh anh đào với tinh thần võ sĩ đạo, quyết liệt trong cách sống và cả cách chết “sống tiết liệt, chết thanh cao.” Người võ sĩ đạo, Samurai, phải hội đủ ba yếu tố: trung thành – can đảm – danh dự một cách tuyệt đối để đương đầu với kẻ thù. Họ được tập luyện kiếm cung từ nhỏ, thực hành trà đạo, thi ca và hội họa. Từ đó, tinh thần Thần Đạo, Võ sĩ đạo dần dần thấm nhuần vào tư tưởng hành động của các samurai, bình thản trước mọi hoàn cảnh. Trong đó, sự sống và sự chết đều có nét đẹp riêng. Sống trung chính, phục vụ trong kiêu hãnh, và khi cần đến, các samurai xem cái chết như một điều vinh dự, một cái đẹp của cánh hoa đào rơi.



Đất nước tôi, Việt Nam, không hề có một tầng cấp được liệt vào võ sĩ đạo, nhưng tinh thần Samurai không thiếu vắng. Vẫn có những con người “uy vũ bất năng khuất” đứng thẳng noí thẳng trước tù đầy, bức hại: Điếu Cầy Nguyễn Văn Haỉ, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Thanh Nghiên, Đỗ thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương cùng rất hàng danh sách daì những tù nhất lương tâm khác, và gần đây nhất là Buì thị Minh Hằng. Không có những Samurai coi caí chết tựa lông hồng bằng phương cách hara kiri, nhưng naò thiếu những anh hùng tự sát theo cách riêng họ chọn để giữ gìn tiết tháo: Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần văn Hai, Nguyễn Văn Long, Lê Nguyên Vỹ ... Và suốt lịch sử chinh chiến có biết bao cái chết cuả những cánh anh đào, giữa độ thanh xuân nhiệt huyết, rụng rơi trong gió lốc chiến tranh, tuổi tên tô đẹp thẫm trang hoàng sử.



Hôm nay 19/1 cuả 38 năm tưởng niệm các tử sĩ Hoàng Sa. Chúng ta không bao giờ quên những người chiến sĩ son trẻ đó, những dòng máu Việt đã hoà với sóng nước biển Đông để nghìn đời âm vang gào thét:


Hoàng Sa là của Việt Nam.


Nếu là hoa chọn anh đào trước gió

Đang độ xuân thì tan tác nề chi

Hương sắc cho đời rắc lối ai đi

Diễm lệ đến tận cùng giây ly biệt


Nếu là người xin chọn làm chiến sĩ

Quãng đời tươi đẹp nhất hiến quê hương

Luôn xông pha dầy dạn trước gió sương

Chỉ chấm hết khi vào chương bất tử





Hoa Anh Đào
Nguồn ảnh: Saligia.Deviantart.com
© DCVOnline

0 comments:

Powered By Blogger