Monday, January 9, 2012

Trực thăng không người lái thử lần đầu ở Afghanistan

Tác Giả: V.Giang

Trực thăng này đã bay 20 phi vụ vận tải kể từ hôm 17 Tháng Mười Hai năm 2011 đến nay

KABUL, Afghanistan (AP) - Quân đội Mỹ hiện đang thử nghiệm một phi cơ không người lái mới trong kho võ khí của mình, đó là chiếc trực thăng dùng vào việc chuyên chở hàng hóa đến các tiền đồn nơi đường tiếp vận thường xuyên bị gài mìn.

Máy bay trực thăng không người lái K-MAX, thử bay chở hàng tại căn cứ Camp Dwyer, Afghanistna, trong bức hình do Thủy Quân Lục Chiến Mỹ cung cấp. (Hình: AP Photo/U.S. Marines, Justin M. Boling)

Việc sử dụng phi cơ không người lái vào công tác thám sát, theo dõi hoạt động của địch quân, hay được võ trang để mở các cuộc không kích là điều thường thấy trên các chiến trường Afghanistan, Iraq và các nơi khác ở vùng Trung Ðông.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một trực thăng không người lái được chế tạo và sử dụng hoàn toàn cho mục tiêu vận chuyển hàng hóa.

Hai trực thăng không người lái loại K-MAX của công ty Kamax và một toán gồm 16 nhân viên công ty này cùng 8 quân nhân Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đang trong chương trình thử nghiệm kéo dài sáu tháng tại căn cứ Camp Dwyer, một phi trường của TQLC ở quận Garmsir, trong tỉnh Helmand ở về phía Nam Afghanistan.

Trực thăng này đã bay 20 phi vụ vận tải kể từ hôm 17 Tháng Mười Hai năm 2011 đến nay, theo lời Thiếu Tá Kyle O'Connor, sĩ quan chỉ huy toán điều hành trực thăng. Có khoảng 18 tấn hàng hóa được vận chuyển, phần lớn là hàng ngàn gói lương khô MRE và các món phụ tùng cần thiết ở các tiền đồn.

“Afghanistan là nơi có nhiều mìn bẫy và luôn là vấn đề trong việc vận chuyển tiếp liệu bằng đường bộ,” theo Thiếu Tá O'Connor.

“Mỗi chuyến tiếp tế không cần phải thực hiện bằng đường bộ giúp giảm bớt thêm sự nguy hiểm đối với các binh sĩ chúng tôi,” ông cho hay.

“Và ngay cả các phi hành đoàn cũng tránh được hiểm nguy nhờ vào phi cơ không người lái.”

Các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến chịu trách nhiệm chỉ huy trực thăng đưa hàng hóa đến các tiền đồn, trong khi nhân viên nhà thầu lo phần bảo trì và điều khiển hai trực thăng này.

0 comments:

Powered By Blogger