Chả lẽ dân tộc Việt Nam phải cam chịu một tương lai bất định, một viễn cảnh mù mịt, mãi như vậy sao? Làm sao có thể vui, dù ngày Tết đến gần, nhất là bao nhiêu chuyện thương tâm cứ dồn dập suốt trong những ngày đầu năm 2012 này?
Hôm qua tôi kết thúc vài nhận định về vụ anh Đoàn Văn Vươn dùng súng bắn trọng thương bộ đội và công an, khi anh bị đẩy đến tận cùng của sự phẫn uất vì bị lật lọng, bị cướp đoạt – bằng mấy vần thơ của nhà thơ Bùi Minh Quốc khi viết về Tổ quốc Việt Nam:
“Làm sao đây, làm sao đây cho Người vượt thoát
Người thật sự anh em, Người thật sự con người…”
Hôm nay đọc note trên Facebook của nhà thơ Đỗ Trung Quân.
Nhờ đọc bài này mà tôi mới biết bài ca Mùa Xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao, một danh nhân văn hoá Việt Nam, một người nghệ sĩ đa tài đã trải qua bao nhiêu kiêu hãnh, lạc quan của thời trai trẻ cầm súng lên đường theo Vệ quốc quân chống ngoại xâm cứu nước, nhưng bị tắt lịm bằng cay đắng, đày đọa tinh thần, có lúc cười ra nước mắt từ sau vụ nhà nước đánh phong trào Nhân văn Giai Phẩm trong thập niên 50 của thế kỷ trước.
Tôi tiếc là (có lẽ vì xa đất nước) mình đã không biết sớm hơn bài ca Mùa xuân đầu tiên đầy tính nhân văn, giàu lòng nhân ái, mang sứ mệnh tình yêu đến cho con người trên khắp mọi miền Tổ quốc khi đất nước thống nhất vào năm 1975.
Tìm hiểu thêm thì mới biết bài ca được sáng tác cuối năm 1975, hình như theo đơn đặt hàng của báo Sài Gòn Giải Phóng, “nhưng ca khúc bị phê bình là không đi đúng đường lối của Đảng, không phục vụ cho Cách Mạng”, vì thế bản nhạc mới phát hành đã không được phổ biến, ít nhất cho tới cuối thập niên 80, khi tôi còn sống ở Sài Gòn.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân viết:
“Sau 37 năm. Người biết yêu người ra sao? Yêu thế nào mà cái thiện ngày càng ít đi, cái ác ngày càng dương đôi cánh dơi khổng lồ của nó phủ bóng lên tình nhân ái. Người ta hành hạ trẻ con, kẻ sát nhân còn quá trẻ chém rụng cả tay đứa trẻ mới chỉ vài tuổi, đòi mẹ thua bạc không xong, bọn côn đồ chém vỡ óc đứa con vài tháng tuổi, người ta dội nước sôi vào cả bà giúp việc già mà có gì phải hành hạ đến thế. Nếu không hài lòng sự phục vụ, đơn giản chỉ cần đuổi việc“.
“Khoan bảo tay nhà thơ này toàn bơi móc những chuyện xấu xa của xã hội. Khi tôi viết những dòng này thì Blogger Mai Thanh Hải đang lặn lội khắp nơi vận động, quyên góp áo ấm cho lũ trẻ vùng cao. Blogger Trần Đăng Tuấn cũng đã kêu gọi “bữa ăn có thịt“ cho những đứa bé nghèo ở nơi xa xôi mà chỉ nhìn vào chén cơm không có bất cứ gì khác dù là muối cũng đủ để ta rơi lệ. Nhà nhiếp ảnh Nason bao lâu nay cũng lặn lội cùng bạn bè mình đến những nơi hẻo lánh nhất của Tây Bắc mang quà cứu trợ cho trẻ con thiếu ăn người dân tộc… và nhà văn Nguyên Quang Vinh lâu nay cũng thế. Họ vẫn âm thầm lặn lội từ lâu. Từ rất lâu“…
(Tuy ở nước ngoài và chưa thể trở về, mấy anh em cầm bút chúng tôi không thuộc những người giàu có, dư dật, nhưng cũng đáu đáu nỗi nhớ quê hương và số phận bất hạnh của đất nước anh Quân ạ! Chúng tôi cũng đã âm thầm làm như các anh em hảo tâm đồng nghiệp trong nước. Nhiều năm nay rồi. Trong khả năng tài chính có thể của từng người. Đôi khi chúng tôi nói với nhau, chỉ cần 50 USD, chưa đủ một bữa nhậu cho 2 người ở Mỹ, là có thể đủ tiền học với một trẻ nghèo ở VN cả năm học phí).
Đỗ Trung Quân viết tiếp:
“Niềm an ủi về cái tình “người biết yêu người…“ vừa sưởi cho ta chưa kịp ấm thì vụ Tiên Lãng lại cộng thêm vào cái bất nhẫn, bất tín, bất nhân của chính quyền với chính những người dân đã gắn bó, đổ mồ hôi từ bao đời tìm miếng cơm manh áo trên mảnh đất của mình… Con giun xéo quá cũng quằn, huống chi là con người cùng khổ”.
“37 năm sau, giờ đây tôi bỗng hiểu thêm tại sao một ca khúc hay đến thế, rung động đến thế lại mang giai điệu nao lòng đến thế! Một điệu valse buồn man mác, mang nhiều niềm cầu mong…”
“Hôm nay năm 2012 ,cũng vẫn còn là cầu mong “Từ đây người biết yêu người…”
Lại nghĩ đến nhà báo Hoàng Khương; đến phiên toà vào ngày 13 tháng 1/2012 tới đây xét xử trung tá công an Nguyễn Văn Ninh, con người đại diện cho pháp luật mà giữa chốn công quyền đã đánh gãy cổ ông Trịnh Xuân Tùng (cha cô Trịnh Kim Tiến) chỉ vì can ngăn công an có thái độ thô bạo với một người bị cáo buộc không đội mũ bảo hiểm, và ông đã chết ít ngày sau đó!
Ôi, sao con người lại có thể ác độc với nhau như thế!
Công lý sẽ được đưa lên bàn cân ra sao trong phiên toà này?
“Tổ Quốc hỡi tình chi đau đớn vậy
Con yêu Người, ngục tối nuốt trời xanh
Ôi Tổ Quốc vào tay quỷ dữ
Tiếng hát tự do uất nghẹn khắp thân mình”.
(Bùi Minh Quốc)
Tôi chua chát suy ngẫm comment của anh Nguyễn Thông dưới note của nhà thơ Đỗ Trung Quân:
“Em nghĩ nó là mùa xuân đầu tiên và mãi mãi đầu tiên, hay nói cách khác, là mùa xuân cuối cùng luôn“…
Chả lẽ dân tộc Việt Nam phải cam chịu một tương lai bất định, một viễn cảnh mù mịt, mãi như vậy sao? Với câu nói bi quan như thế của người đồng nghiệp thì làm sao có thể vui, dù cho ngày Tết đến gần, nhất là bao nhiêu chuyện thương tâm cứ dồn dập suốt trong những ngày đầu năm 2012 này?
Các bạn có thể nghe bài ca Mùa Xuân đầu tiên của Văn Cao tại link http://www.youtube.com/
Minneapolis, USA, ngày 8/1/2012
0 comments:
Post a Comment