Tuesday, January 24, 2012

Rồi sẽ có những ‘Vụ Ðoàn Văn Vươn’ khác

Song Chi/Người Việt

Suốt nửa tháng nay sự kiện sôi sục nhất trên các trang báo trong và ngoài nước cũng như trên các diễn đàn độc lập, các trang blog cá nhân... vẫn là vụ nổ súng ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, mà nhiều người gọi tắt là “vụ Ðoàn Văn Vươn.”


Phái đoàn đại diện những người hảo tâm từ Hà Nội đi tặng quà cho đại gia đình ông Ðoàn Văn Vươn ngày 18 tháng 1, 2012. Bà Nguyễn Thị Thương, vợ ông Vươn, đứng thứ hai từ bên phải. (Hình: Blog Nguyễn Xuân Diện)

Lâu lâu mới lại có một vụ mà hầu hết báo chí của nhà nước (chỉ trừ vài ba tờ như báo Công An TP.HCM, Công An Nhân Dân hay An Ninh Hải Phòng...), và báo chí ngoài luồng của nhân dân lại đồng thuận như vậy. Báo chí trong nước càng ngày càng khui ra nhiều “chi tiết thú vị.”

Vụ việc đã lan rộng đến mức một ông quan to đã về vườn như Nguyên Chủ tịch nước Lê Ðức Anh cũng phải lên tiếng. Một số tướng lĩnh quân đội như Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước, Trung Tướng Phạm Xuân Thệ, Thiếu Tướng Huỳnh Ðắc Hương... Giáo sư Ðặng Hùng Võ - Nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường..., ông Ðỗ Quý Doãn - Thứ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông, và nhiều nhân vật chức sắc, giới trí thức, luật sư... cũng đã lên tiếng.

Ông thủ tướng phải chỉ đạo yêu cầu Hải Phòng làm rõ vụ cưỡng chế đất và báo cáo. Theo báo Người Lao Ðộng, ông Trung Tướng Phan Văn Vĩnh, tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm (Bộ Công An) cho biết Bộ Công An cũng rất quan tâm và sẽ vào cuộc. Một đoàn giám sát của Ủy Ban Trung Ương MTTQ Việt Nam đã được thành lập để về tận Tiên Lãng tìm hiểu vụ việc...

Ðể đối phó lại, các ông lãnh đạo huyện Tiên Lãng, lãnh đạo thành phố Hải Phòng cũng liên tiếp đăng đàn để giải thích, biện minh cho sự việc đã xảy ra. Còn người dân cũng lẳng lặng làm cái việc mà họ cho là cần làm - giúp đỡ gia đình anh Ðoàn Văn Vươn. Con số hàng trăm triệu đồng của mọi người gửi đến blogger, Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện để giúp đỡ cho gia đình anh Vươn là câu trả lời cho nhà nước, lòng dân đứng về phía ai, tin vào ai.

Nghĩ cho cùng, sự việc lại hóa hay. Nói như bà Phạm Thị Hiền, em dâu ông Ðoàn Văn Vươn khi trả lời phỏng vấn của đài BBC ngày 20 tháng 1 rằng:

“Gia đình em chấp nhận mất để xã hội được. Có nghĩa là thứ nhất là về Ðảng của Việt Nam, Ðảng và Nhà nước Việt Nam sẽ loại bỏ được những u nhọt đứng trong hàng ngũ của Ðảng.

“Thứ hai là nếu nhà em không chịu mất, không chấp nhận hy sinh thì tất cả bà con trên cả nước này, những người dân thấp cổ bé họng mà đang bị áp bức như nhà em không có chỗ nào để kêu cứu.

“Và cái được thứ ba nữa là các hộ nuôi trồng thủy sản của Tiên Lãng, họ sẽ được rất nhiều vì họ sẽ không bị chịu cái cảnh như gia đình em nữa.”

Nếu gia đình ông Vươn không làm liều, nổ súng vào lực lượng cưỡng chế, chấp nhận bị tù đày, mà im lặng chịu mất tất cả hoặc cứ vác đơn từ huyện lên đến trung ương kêu van thì sự việc đã không đánh động cả nước và ra cả báo chí nước ngoài như vậy. Khi sự việc bị vỡ lở bung bét cả ra, ngay cả những ai còn cố bênh vực cho chế độ cũng phải thấy rõ cái bản chất lật lọng, tham lam, tàn ác, dối trá, coi dân như rác, coi luật pháp chả ra gì của một tầng lớp cường hào ác bá thời nay.

Nhiều người bảo so với thời phong kiến thực dân Pháp, quan chức tư bản đỏ các cấp bây giờ còn tham, ác và vô liêm sỉ hơn nhiều.

Thật ra, những vụ cướp đất, cướp trắng mồ hôi xương máu của người dân không hiếm trên đất nước này kể từ khi Ðảng và Nhà nước Cộng sản lên nắm quyền. Khi nào luật đất đai vẫn chưa sửa đổi, quyền sở hữu đất đai vẫn thuộc về toàn dân một cách chung chung nhưng do nhà nước quản lý, thì những vụ việc như anh Vươn đã, đang và vẫn tiếp tục xảy ra.

Chỉ có vụ nào người dân bức xúc nổi dậy cách này cách khác, báo chí đồng thanh lên tiếng, dư luận xôn xao, thì lúc đó nhà nước này mới vội vàng tìm cách sửa chữa, bịt lỗ rò kẻo đắm cả con thuyền. Vụ anh Vươn, gia đình anh thì chắc chắn không thoát khỏi tù tội, nhưng trước sức ép của dư luận, cùng lắm nhà cầm quyền sẽ hy sinh vài con chốt thí là lãnh đạo huyện Tiên Lãng, hay có thể một hai con chốt cao hơn ở thành phố Hải Phòng. Còn mọi chuyện sẽ vẫn đâu vào đó.

Từ vụ tự thiêu của anh thanh niên bán hàng rong Mohamed Bouazizi ở Tunisie vào tháng 10, 2010, chế độ độc tài ở Tunisie và hàng loạt chế độ độc tài khác ở các nước Ả Rập sau đó đã phải sụp đổ. Nếu so với vụ tự thiêu “nổi tiếng” này, thì ở VN nhiều vụ việc còn kinh khủng hơn, cho thấy sự tàn ác, phi nhân của nhà cầm quyền hơn nhiều.

Chẳng hạn, hàng loạt cái chết oan ức của người dân do bị công an bạo hành quá tay chỉ vì quên đội mũ bảo hiểm hay đang trong quá trình tạm giữ để điều tra. Mà điển hình là cái chết của anh Nguyễn Văn Khương ở Bắc Giang tháng 7, 2010, anh Nguyễn Công Nhựt ở Bình Dương, tháng 5, 2011 hay ông Trịnh Xuân Tùng, Hà Nội, tháng 3, 2011.

Còn nói đến những vụ án oan sai, bắt và xét xử không công bằng hay cưỡng chế đất đai để “giải phóng mặt bằng” thì hàng hà sa số, không kể hết. Cũng như “cải cách ruộng đất,” “cải tạo tư sản mại bản,” “thuyền nhân”... trước kia, cụm từ “giải phóng mặt bằng” rồi sẽ đi vào lịch sử VN như một thời của những chính sách sai lầm mà học phí phải trả bằng nước mắt, máu và những nỗi oan khuất thấu trời xanh của người dân VN.

Nhưng vì sao người VN vẫn chịu đựng được, vẫn không có một cuộc nổi dậy, một cuộc cách mạng nào xảy ra?

Dù có lý giải thế nào đi nữa, thì cũng không thể không đặt lại câu hỏi về những nhược điểm trong tính cách của người VN chúng ta.

Bởi với một đảng cầm quyền đã phạm quá nhiều sai lầm, đã thực sự trở thành lạc hậu, là lực cản đất nước tiến lên con đường tự do dân chủ giàu mạnh, thậm chí còn là nguyên nhân đưa đến nguy cơ mất nước vào tay ngoại bang... như đảng cộng sản VN, mà vẫn tồn tại được đến nay đã 82 năm. Thì người VN chúng ta chỉ có thể tự trách mình chứ không thể đổ lỗi cho bi kịch, số phận của dân tộc, đất nước.

Cái thời mà Liên Xô sụp đổ, Internet còn chưa phát triển, người dân Liên Xô còn ít biết thông tin bên ngoài hơn người VN bây giờ. Cũng chẳng có đảng phái đối lập nào hoạt động được ở Liên Xô lúc ấy. Còn nếu nói đến lòng dân, thì dạo qua hàng trăm hàng ngàn các trang blog cá nhân sẽ thấy đa số người Việt hiểu thấu và chán ngán nhà cầm quyền ra sao. Nhưng chỉ đến thế.

Nhìn chung chúng ta vẫn trông chờ vào một sự tự thay đổi của nhà cầm quyền, mong chờ một Gorbachev, Boris Elsin của VN. Hay thậm chí, một nhân vật như Thein Sein, tổng thống của Miến Ðiện, biết “nghĩ lại” và đặt quyền lợi của đất nước, dân tộc lên trên quyền lợi của cá nhân, phe nhóm và sự tồn vong của chế độ.

Sự chờ đợi này có vẻ vô vọng, vì những ông lãnh đạo hiện nay của VN chẳng có vẻ gì như thế cả. Trí thức VN thì còn đang bận rộn với nhiều giấc mơ con khác. Những bất công phi lý, những bi kịch không thể tin nổi vẫn tiếp tục tồn tại.

Và trong khi VN vật lộn mãi vẫn là một nước nghèo nàn lạc hậu không thể “hóa rồng,” đất nước tiếp tục bị bỏ ngỏ cho nạn tham nhũng, nội xâm hoành hành, là miếng mồi ngon béo bở cho ngoại xâm dòm ngó, gặm nhấm dần dần đất đai, biển đảo, thì các quốc gia khác tiếp tục vượt lên rất xa.

Ngay cả Miến Ðiện nếu tiếp tục hành trình cái cách chính trị dẫn đến thế giới xóa bỏ cấm vận, đất nước phát triển vững chắc trên cả hai chân: cải cách kinh tế đi đôi với cải cách chính trị, mươi, mười lăm năm nữa cũng sẽ vượt qua VN.

Cho nên vụ Ðoàn Văn Vươn, trong cái nhìn của người viết, dù có sự tác động của dư luận - cùng lắm chỉ cứu được mức án nhẹ xuống cho gia đình anh Vươn, và cách chức, kỷ luật được vài ba con chốt thí. Như dư luận đã cứu được bà Ba Sương vừa qua.

Nhưng khi cái thể chế chính trị này vẫn tồn tại thì chẳng có gì bảo đảm sẽ không có những bà Ba Sương, Ðoàn Văn Vươn, Trịnh Xuân Tùng hay Cù Huy Hà Vũ khác... cả.

0 comments:

Powered By Blogger