Ngô Quốc Sĩ - Dân chủ hóa toàn cầu là xu hướng thời đại đang đuợc thế giới cổ võ và theo đuổi sau khi cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt. Các nước thuộc khối Liên Sô cũ, đặc biệt là Đông Âu, và mới đây là các quốc gia Trung Đông và một số quốc gia Á Đông đã và đang bước vào tiến trình dân chủ với những mức độ và nhịp điệu khác nhau. Câu hỏi đặt ra là tiến trình dân chủ phải được thự hiện thế nào? Nhanh hay chậm? Nửa vời hay triệt để rốt ráo?
Nhìn vào những diễn biến chính trị thế giới hiện nay, người ta ghi nhận tiến trình dân chủ hóa toàn cầu vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nếu không nói là chậm chạp hay trì trệ. Thật vậy, tại một số quốc gia Trung Đông như Tunisia, Ai cập, Lybia, Yemen và có thể Syria, người dân đã hớn hở đón nhận ngọn gió mát của Mùa Xuân Ả Rập, Nhưng tại nhiều quốc gia khác, như Iran, Bắc Triều Tiên, Cuba, Trung Quốc và Viêt Nam, ngọn gió dân chủ vẫn còn qúa yếu, chưa đủ sức tạo được những chuyển đổi chính trị đáng kể.
Tại Tunisia, trào lưu dân chủ đã bừng lên mãnh liệt theo ngọn đuốc tự thiêu của chàng sinh viên Bouazizi, xô ngã thành trì độc tài chuyên chế của Ben Ali chỉ trong một thời gian thật ngắn! Tại Ai cập, các đợt sóng dân chủ cũng đã cuộn lên với đòn bẫy của nhóm thanh niên 6 tháng 4, truất phế Hosni Mubarak ra khỏi quyền lực với bản án tử hình, chỉ còn chờ ngày tra cổ vào dây thòng lọng chờ sẵn! Đặc biệt nhất là tại Lybia, tên đao phủ cai trị với bàn tay sắt Gadhafi, cũng đã chết thảm nhục nhã duới sức phản công của quần chúng võ trang vì chính nghiã.
Đó là những quốc gia may mắn đã phế bỏ đuợc các chế độ độc tài toàn trị, với ý thức dân chủ làm đòn bẫy và với sức mạnh quần chúng làm yếu tố quyết định. Nhưng bên cạnh đó, ngoài những nước còn ngoan cố, quyết bám chặt lấy chế độ độc tài như Iran, Bắc Triều Tiên, cũng có những quốc gia tập tững buớc vào dân chủ, nhưng còn qúa dè dặt, thiếu nhận thức và quyết tâm, nên còn dậm chân tại chỗ, nếu không nói là thụt lùi. Trong những quốc gia này, phải kể đến Trung Quốc, Cộng Hòa Nga và đặc biệt là Việt Nam.
Trung Quốc, nhờ óc cởi mở Đặng Tiểu Bình, đã chuyển hóa nền kinh tế quốc doanh qua nền kinh tế thị trường, lấy thành phố Thượng Hải làm mẫu mực. Kết qủa, Trung Hoa đã phát triển kinh tế, nghiễm nhiên trở thành cường quốc kinh tế tại Á Châu bên cạnh Nhật Bản, Nhưng phải nói ngay rằng, Trung Quốc còn theo đuổi thể chế chính trị độc tài chuyên chế, nên chưa thể tiến xa trên con đuờng hội nhập vào thế giới dân chủ. Thủ Tướng ôn Gia Bảo đã có lần lên tiếng đề nghị cải tổ hệ thống chính trị, nhưng hình như tiếng nói của ông chẳng ai thèm để ý. Lời nói của ông cũng chỉ để làm cảnh, thiếu thực chất, nên đã sớm chìm vào lãng quên! Thế rồi, Trung Quốc vẫn tiếp tục đàn áp dân chủ, cướp đoạt tự do và xâm phạm nhân quyền!
Trường hợp Cộng Hòa Nga thì cánh cửa dân chủ đã thực sự rộng mở với Gorbachev và Yeltsin. Nhưng đến Putin thì tiến trình dân chủ bị khựng lại. Putin, sau 2 nhiệm kỳ Tổng Thống, hiện giữ chức Thủ Tướng đang chuẩn bị nắm chức Tổng Thống thêm vài nhiệm kỳ nữa. Là một cựu trùm KGB, hình như Putin còn nối tiếc qúa khứ, nên muốn xoay chiều ngọn gió dân chủ hướng về dĩ vãng đã bị chôn vùi. May thay, ý đồ của Putin đang bị dân Nga chống đối quyết liệt với những cuộc xuống đường biểu dương sức mạnh khắp các thành phố, có nơi lên cả trăm ngàn người! Chính Gorbachev cũng đã phải lên tiếng kêu gọi Putin từ chức để tránh cho nước Nga khỏi bị thế giới cô lập và khỏi rơi vào cảnh nồi da xáo thịt..Có thể nói, lá cờ dân chủ đến hôm nay cũng chưa thật sự phất phới tại cộng hòa Nga. Dân Nga còn phải tranh đấu thêm một thời gian nữa!
Nhìn về Việt Nam, phải nói ngay rằng, trào lưu dân chủ đang bị chắn lối bởi những thế lực phản tiến hóa và phản bội dân tộc. Việt Nam cũng bắt chước Trung Quốc, mở cửa cho nền kinh tế thị trường, nhưng cũng lại bắt chước Trung Quốc, thắt bóp chính trị, tiếp tục theo đuổi cái gọi là “xã Hội Chủ Nghĩa”. Chính vì không thể cắt bỏ cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” nên nền kinh tế vẫn ì à ì ạch, vẫn khập khiểng, không thể tiến xa. Nhất là vì còn theo đuổi nền chính trị xã hội chủ nghĩa, nên còn ngoan cố bám lấy chế độ độc tài toàn trị, độc tôn lãnh đạo. Đó là nguyên nhân của tham nhũng, thối nát, của hạn chế dân chủ, tuớc đoạt tự do, xâm phạm nhân quyền. Đó cũng là nguyên nhân của ý đồ bán nước của tập đoàn Việt Gian, mong dựa thế ngoại bang để giữ vững chiếc ghế lãnh đạo và bảo vệ cái túi cá nhân để tiếp tục hưởng thụ các đặc quyền đặc lợi.
Chỉ có Miến Điện , đang lóe lên những tia sáng dân chủ với sự tái xuất hiện của bà Aun Sang Sukyi sau 19 năm bị quản chế bởi những thế lực phản dân chủ. Thế giới đang nhìn về Miến Điện với nhiều hy vọng và khích lệ. Hình ảnh của người đàn bà mảnh mai, nhưng có tâm hồn cao thượng, có lý tưởng tuyệt vời, có quyết tâm sắt đá, đang là sức mạnh thu hút và thuyết phục. Theo bà Aun Sang Sukyi, con đường dân chủ là con đường tất yếu, không thể bị cản trở hay thoái lui. Bà khẳng định: “Thể chế dân chủ là tiến trình không thể dừng lại.” Bà sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, và tin tưởng dân chủ sẽ toàn thắng: “Tôi không phủ nhận sẽ có nhiều trở lực và hiểm nguy, nhưng nhất định phải vuợt qua..Tôi thiết nghĩ, năm nay, chúng ta sẽ thấy tiến trình dân chủ được thực hiện thế nào..Tù nhân chính trị có được trả tự do không? Tự do thông tin đuợc thực hiện đến mức nào? Những buớc mạnh dạn thể hiện chế độ pháp trị tiến hành ra sao?” Hãy mừng cho Miến Điện. Hãy chúc cho Aun Sang Sukyi thành công!
Tóm lại, dân chủ là xu hướng chung của thời đại. Nhưng thể hiện quyết tâm theo đuổi xu hướng đó còn tùy thuộc vào lãnh đạo và nhất là sức mạnh dân tộc của mỗi quốc gia. Câu hỏi căn bản là ngọn gió dân chủ từ Mùa Xuân Ả rập đang thổi vào Miến Điện, có len vào Việt Nam để chọc thủng bức màn dối trá và bạo lực đang đày đọa dân tộc không? Nghe đâu Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ XI có đề cập tới nhu cầu “tự chỉnh đốn Đảng Cộng Sản”. Chỉnh đốn những gì, chỉnh đốn ra sao, nào ai mà biết? Có điều hiển nhiên như lời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, là “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm”. Thế nên, để đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, không thể trông chờ Đảng cộng sản Việt Nam tự chỉnh đốn, mà phải vững tâm đi tới, quyết giải thể chế độ cộng sản độc tài toàn trị để mở rộng cánh cửa dân chủ pháp trị và đa nguyên. Hãy lấy câu nói lịch sử của Tổng Thống Yeltsin làm chỉ hướng đấu tranh: “Công sản chỉ có thể thay thế, chứ không thể thay đổi.” Nói khác tiến trình dân chủ hóa không thể vá víu, nửa chừng, khập khiểng, mà phải thật triệt để và rốt ráo vậy!
Ngô Quốc Sĩ
0 comments:
Post a Comment