Sunday, January 22, 2012

Nga : Chính quyền tiến hành điều tra về các gian lận trong kỳ bầu cử Hạ Viện

Biểu tình phản đối chính quyền Nga. Người biểu tình giương ảnh ông, một blogger nổi tiếng, cùng dòng chữ : "Good Bye Putin", 24/12/2011 (Getty Images)

Biểu tình phản đối chính quyền Nga. Người biểu tình giương ảnh ông, một blogger nổi tiếng, cùng dòng chữ : “Good Bye Putin”, 24/12/2011 (Getty Images)

Trọng Thành

Hôm nay 21/01/2012, theo AFP, Matxcơva đã chính thức cho tiến hành một cuộc điều tra nhằm xác minh những cáo buộc có nhiều gian lận trong cuộc bỏ phiếu bầu Duma, đầu tháng 12/2011. Chính quyền đã nhận được 360 cáo buộc và chấp nhận mở điều tra hình sự về việc gian lận kể trên, căn cứ trên các cáo buộc đủ loại, từ giả mạo phiếu bầu, cho đến mua chuộc cử tri.

Sáu vùng ở Nga, trong đó có thủ đô Matxcơva, và hầu hết các đảng phái tham gia tranh cử, nằm trong tầm ngắm của cuộc điều tra này.

Xin nhắc lại là, trong những tuần gần đây, rất nhiều cuộc biểu tình đông người chưa từng thấy đã được tổ chức tại Nga để phản đối chiến thắng của đảng cầm quyền của thủ tướng và ứng cử viên tổng thống Vladimir Putin. Chiến thắng với gần 50% số phiếu của đảng Nước Nga thống nhất bị lên án là gian lận.

Cho đến nay, trước khi cho tiến hành cuộc điều tra này, chính quyền vẫn không chấp nhận xác minh các cáo buộc. Thậm chí, người đứng đầu Ủy ban bầu cử Vladimir Tchurov còn khẳng định rằng, việc giả mạo phiếu bầu thật ra đã được dàn dựng tại các không gian giả, được trang trí giống như phòng bỏ phiếu.

Phái đoàn Hội đồng Châu Âu yêu cầu Nga tiến hành cải cách dân chủ thực sự

Cũng liên quan đến các thay đổi tại Nga, phái đoàn Nghị Viện Hội đồng Châu Âu (APCE), do nghị sĩ Hà Lan Tiny Kox dẫn đầu, có mặt ở Matxcơva, nhấn mạnh rằng : Chính quyền Nga cần phải tiến hành các cải cách thực sự, chứ không phải chỉ đưa ra các biện pháp đối phó nhằm duy trì quyền lực. Phái đoàn APCE nhấn mạnh rằng, bên cạnh các cuộc bầu cử «tự do», Matxcơva cần mở ra một cuộc thảo luận thực sự dân chủ về tương lai của đất nước, trong đó phải có sự tham gia của các quan điểm khác biệt.

Trong những tuần gần đây, đối mặt với phong trào phản kháng, những người đứng đầu chính quyền Nga, khi thì kết tội đối lập làm bất ổn tình hình trong nước, có lợi cho nước ngoài, khi thì cam kết đối thoại với đối lập và sẵn sàng mở cửa cho quá trình dân chủ hóa.

Phái đoàn APCE cho biết, đã gặp các đại diện của phong trào đối lập Parnas (theo xu hướng tự do), mà chính quyền từ chối không cho phép đăng ký như một đảng phái chính trị, và không có quyền tham gia vào các cuộc bầu cử. Phái đoàn APCE cũng gặp gỡ những người phụ trách Ủy ban bầu cử Nga, đảng Nước Nga thống nhất, đảng Cộng sản, các nhóm nghị sĩ thuộc các xu thế chính trị khác, cũng như các nhóm bảo vệ nhân quyền và theo dõi bầu cử, như nhóm Helsinki Matxcơva và nhóm Golos.

Được biết Liên bang Nga tham gia vào Hội đồng Châu Âu từ năm 1996, mà sứ mạng cơ bản của tổ chức này là bảo vệ nhân quyền và nền dân chủ.

0 comments:

Powered By Blogger