Sunday, January 8, 2012

Little Saigon thi gói bánh chưng

Cuộc thi sẽ chia làm hai đợt trong hai ngày

Khi những chiếc lều sọc trắng đỏ được dựng lên trước thương xá Phước Lộc Thọ thì đồng hương người Việt ở Nam California chạy xe qua đây lại bàng hoàng nhớ đến Tết lại đến và không khỏi nhủ thầm “thời gian sao mà qua nhanh thế, mới hôm nào...”


Quang cảnh cuộc thi Gói Bánh Chưng do đài Little Saigon TV tổ chức tại Phước Lộc Thọ.

Năm nay không khí Tết Nhâm Thìn 2012 rộn rã hơn lên như để cố gắng phục hồi sinh hoạt kinh tế trong năm qua cho vượt khỏi cơn suy trầm kinh tế chung của nước Mỹ và thế giới.

Vào sáng hôm Thứ Bảy 7 tháng 1 năm 2012, thương xá Phước Lộc Thọ lại tấp nập người đi chợ hoa Tết, đã rủ nhau kéo vào trong thương xá khi cuộc thi Gói Bánh Chưng do đài truyền hình Little Saigon tổ chức diễn ra.

Về cuộc tổ chức này, ông Ðinh Xuân Thái, tổng giám đốc đài Little Saigon TV cho Người Việt biết:

“Từ hơn 20 năm nay, đài Little Saigon TV chúng tôi luôn chủ trương giữ gìn truyền thống văn hóa Việt Nam qua những phong tục cổ truyền vào dịp Tết Trung Thu, Ðêm Giao Thừa và đặc biệt là Tết Nguyên Ðán. Năm ngoái, qua cuộc thử nghiệm tại nhà hàng Blue trong vòng thân mật, kết quả rất đáng khích lệ nên năm nay chúng tôi tổ chức quy mô hơn tại ngay trung tâm Little Saigon để bà con đồng hương mình cùng có dịp tham dự.

Ðiều rất may cho chúng tôi là ban giám đốc thương xá Phước Lộc Thọ đã hỗ trợ cho cuộc thi này nên chúng tôi có điều kiện rộng rãi hơn cho việc tổ chức.

Cũng xin nói thêm rằng kể từ 1 tháng 1 năm nay 2012, đài Little Saigon TV đã chuyển sang làn sóng mới là 57.7 thay vì làn sóng cũ là 44.4 và cuộc thi Gói Bánh Chưng năm nay đang được trực tiếp truyền về đài”.

Vẫn theo ông Ðinh Xuân Thái việc tổ chức cuộc thi năm nay có vài điều khác biệt.

Thứ nhất là về ban giám khảo cả Việt lẫn Mỹ gốc Việt, có 3 người là Adam Hồ, cô Phi Khanh và cô Thu Dung.

Sự có mặt của Adam Hồ, một bạn trẻ rất thành công về ca nhạc trong giới trẻ là để mở rộng những phong tục truyền thống của dân tộc vào giới trẻ trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Thứ đến là lồng trong cuộc thi Gói Bánh Chưng, chúng tôi còn tổ chức những cuộc Ðố Vui về phong tục tập quán của người Việt trong dịp Tết.

Ðược hỏi về cảm nghĩ của mình trong dịp này, Adam Hồ cho biết: “Theo cháu biết thì tục lệ gói bánh chưng là một tục lệ tốt đẹp của người Việt Nam, vì thế khi được đài mời làm giám khảo cháu rất vui vì nghĩ rằng thế hệ trẻ chúng cháu phải biết đến tục lệ này và gìn giữ nó”.

Ông Tony Nguyễn, một thành viên trong ban Tiếp Thị của đài cho biết thì khi đài loan báo tin tức cuộc thi, đã được nhiều người hưởng ứng.

Kết quả hôm nay cuộc thi có đến 9 nhóm tổng cộng là 14 người mà đa số là các bạn trẻ không quá 50 tuổi. Một nhóm bạn trẻ từ Seattle xuống tham dự, qua những cuộc tiếp xúc trước khi thi, thấy đây là những bạn trẻ VN quá rành về việc nấu nướng đặc biệt là chuyện gói bánh chưng.

Cuộc thi khai diễn từ lúc 10 giờ sáng. Chín nhóm, mỗi nhóm có 1 hay 2, 3 người trực tiếp tham gia được sắp sau một chiếc bàn dài trên đó bầy những dụng cụ và chất liệu gói bánh chưng hay bánh tét.

Chúng tôi thấy các thí sinh từ Seattle xuống mang số 1, các thí sinh cựu học sinh Nguyễn Bá Tòng mang số 5. Nhóm số 7 là cô Hải Lý, 24 tuổi trẻ nhất trong các thí sinh dự thi.

Hải Lý cho biết: “Em được mẹ dậy cho cách gói bánh chưng từ 5 năm nay, năm nào em cũng gói bánh cho gia đình ăn Tết, đôi khi còn để biếu bà con họ hàng. Sở dĩ em muốn học là vì thấy chiếc bánh chưng là một hình ảnh Tết thắm đượm nhất mà từ bé em đã được thấy trong gia đình, bà ngoại và mẹ nấu cả đêm ngày 29 Tết. Năm nay em mới tham dự cuộc thi gói bánh lần đầu trong cộng đồng. Dù có được giải hay không em cũng nghĩ là mình đang nhắc các bạn trong thế hệ mình những tục lệ ngày Tết của người Việt mình”.

Cuộc thi sẽ chia làm hai đợt trong hai ngày. Ngày đầu tiên các thí sinh sẽ phải trình bày cách gói bánh với những vật liệu đã chuẩn bị sẵn do các thí sinh mang đến. Các thí sinh được thong thả thực hiện việc gói bánh vì cuộc thi không ấn định thời gian. Những chiếc bánh đã hoàn tất của 9 nhóm sẽ được ban tổ chức đánh dấu từ 1 đến 10 sau đó sẽ trao lại cho các thí sinh đem về nấu chín trong khoảng thời gian từ 8 đến 10 tiếng.

Qua ngày hôm sau, các thí sinh sẽ mang bánh đến trình cho ban giám khảo thử bánh, tổng kết những số điểm từ khi gói đến khi bánh được thử. Ðiểm số ấn định là 40 cho những phần hình thức, nội dung, cách trình bày và phẩm chất của chiếc bánh.

Suốt trong thời gian cuộc thi, nhiều tiết mục văn nghệ được các ca nhạc sĩ trong đài và thân hữu của đài đến giúp vui khiến đồng hương đến tham dự đông chật trước sân khấu đặc biệt những cuộc thi Ðố Vui Ngày Tết được các MC, xướng ngôn viên, phóng viên quen thuộc của đài điều hành xen kẽ vào chương trình văn nghệ rất hài hòa vui nhộn giúp cho các bạn trẻ có mặt hiểu thêm về phong tục Tết Việt Nam.

Nhiều khán giả đến tham dự cuộc thi Gói Bánh Chưng đã được mời lên trước sân khấu để tham dự cuộc thi Ðối Vui Ngày Tết.

Những câu hỏi như tục lệ trong ngày Tết Việt Nam thường có những gì? Lịch sử về chiếc bánh chưng? Trong chiếc bánh chưng có những thành phần gì? Ý nghĩa của những thành phần trong chiếc bánh chưng nói lên cái gì?... Nhiều người đã trả lời được khá rành rọt những câu hỏi này. Ban tổ chức đã ưu ái gửi tặng một phần quà cho những người tham dự cuộc Ðố Vui Ngày Tết.


Cô Hải Lý, sinh viên đại học Cal State of Long Beach, thí sinh trẻ nhất trong các thí sinh dự thi.

Như chúng ta đã biết ngày Tết với dân tộc Việt Nam không thể thiếu chiếc bánh chưng hay bánh tét như câu đối Tết xưa “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh”.

Từ ngày hơn 3 triệu người Việt phải bỏ nước ra đi, dù có thiếu thốn vật liệu gói bánh tại những nơi không có chợ Á Châu, nhưng người Việt vẫn tìm cách mua cho bằng được chiếc bánh chưng từ Little Saigon hay cũng cố gắng gói chiếc bánh tượng trưng với những vật liệu eo hẹp tại địa phương đang sống.

Bởi vì với người Việt Nam, nhất là những người Việt Nam xa xứ thì chiếc bánh chưng trong ngày Tết là tượng trưng cho những gì của ông bà tổ tiên để lại và cũng là hình ảnh quê hương nung nấu tâm can. Không kể thú nấu bánh chưng của người Việt khi còn trong nước đã là những đề tài phong phú trong văn chương Việt Nam và đã đi vào sinh hoạt rộn ràng trong ngày Tết của tất cả mọi người giầu cũng như nghèo từ bao nhiêu thế kỷ nay.

Nay ở hải ngoại, tuổi trẻ Việt Nam có thể quên lãng chiếc bánh “quốc hồn quốc túy” của dân tộc, nên những buổi tổ chức để cho các bạn trẻ có dịp nhìn vào những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc mình quả là điều ai cũng mong mỏi thực hiện được thường xuyên mỗi khi Xuân về Tết đến.


Liên lạc tác giả: Nguyê nHuy@nguoi-viet.com

0 comments:

Powered By Blogger