Sunday, January 8, 2012

Giáo hội Nga: chính quyền nên "lắng nghe" các đòi hỏi của người biểu tình

Lần đầu tiên thủ tướng Putin tiết lộ với báo giới Nga ông đã được bí mật rửa tội, dưới thời Stalin, năm 1952.


Thượng phụ Giáo hội chính thống Nga Kirill (Reuters)

Hôm nay 7/1/2011, nhân lễ Giáng sinh của đạo Chính thống, trả lời trên kênh truyền hình chính thức, Thượng phụ Giáo hội Nga Kirill đã kêu gọi chính quyền tỏ ra « thông hiểu hơn » đối với phong trào phản kháng rộng lớn, bùng lên sau các cuộc biểu tình chống gian lận trong cuộc bầu cử Duma đầu tháng 12.

Phát biểu tại nhà thờ lớn Đấng Cứu thế ở Matxcơva, người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga nói : « Mục tiêu của các phản kháng chính trị được bày tỏ một cách đúng đắn là hướng đến một sự điều chỉnh chính trị. Đây là điều quan trọng nhất ».

Và theo ông, « Nếu như chính quyền thờ ơ với các đòi hỏi này, đây sẽ là một dấu hiệu xấu, một dấu hiệu cho thấy họ không có khả năng thích ứng với thực tế ».

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Thượng phụ Giáo hội Nga cũng cảnh báo những người biểu tình, trước khả năng bị các thế lực chính trị lợi dụng, ngay cả cho dù các yêu sách của họ là chính đáng. Người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga nhắc lại kinh nghiệm của cuộc Cách mạng 1917, dẫn đến thắng lợi của phe bolchevik, với « một cuộc tắm máu ». Ông kêu gọi đừng « lặp lại những sai lầm trong quá khứ ».

Thượng phụ Nga Kirill cũng bày tỏ « niềm tin tưởng mạnh mẽ » rằng, chính quyền hiện nay có khả năng đưa ra các quyết định đúng đắn để phát triển đất nước.

Tham dự thánh lễ Noel tại nhà thờ lớn ở Matxcơva, có tổng thống Nga Medvdev cùng phu nhân. Trong khi đó, thủ tướng Nga Putin thì dự lễ Giáng sinh tại nhà thờ lớn Saint-Petersburg.

Sau lễ Giáng sinh này, lần đầu tiên thủ tướng Putin tiết lộ với báo giới Nga, chính tại nhà thờ này ông đã được bí mật rửa tội, dưới thời Stalin, năm 1952.

Trong thông điệp mừng Noel công bố ngày hôm nay, ông Vladimir Putin đã kêu gọi Giáo hội Chính thống Nga « tiếp tục sự hợp tác mang tính xây dựng với Nhà nước và các định chế công », kể cả « trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cực đoan ».

Ông Putin, nguyên là một cựu nhân viên cơ quan an ninh Liên Xô, vốn xa cách với các tôn giáo, đã công khai nói đến đức tin của mình, khi bắt đầu đi vào hoạt động chính trị. Ông Putin cũng thường xuyên tiếp xúc với các giới chức trong đạo Chính thống.

Giáo hội Chính thống Nga có quan hệ mật thiết với chính quyền và có khả năng ảnh hưởng mạnh đến công luận, ở một đất nước mà khoảng 70% dân cư tuyên bố theo Chính thống giáo.

0 comments:

Powered By Blogger