Sau khi tuyên bố kế hoạch trở lại Châu Á vào cuối năm ngoái và chính thức công bố chính sách quốc phòng vào đầu năm nay trong đó tập trung vào khu vực này, Hoa Kỳ có những động thái bắt đầu mang những giá trị của mình đến Thái Bình Dương.
AFP photo
Bà Aung San Suu Kyi và Ngoại trưởng Hillary Clinton tản bộ sau cuộc họp tại nơi cư trú của bà Suu Kyi tại Yangon vào ngày 02 Tháng 12 năm2011.
Giá trị con người
Hồi cuối năm ngoái, khi vấn đề trở lại Châu Á – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đang bắt đầu trở nên sôi nổi, Tổng thống Hoa Kỳ đã tuyên bố trước quốc hội Úc trong chuyến công du đến Canberra vào tháng 11 rằng Washington sẽ mang ba điều đến khu vực Thái Bình Dương. Đó là “An ninh, thịnh vượng, và giá trị con người’” (“Security, Prosperity, Dignity”). Trong đó, “giá trị con người” được ông Barack Obama đề cập như tự do, nhân quyền và dân chủ.
Từ đầu năm nay, kế hoạch này của ông Barack Obamađang được đẩy mạnh và bắt đầu từ cái giá trị mà Hoa Kỳ luôn xem là quan trọng nhất: “tự do, dân chủ, nhân quyền”.
Tuần trước, Uỷ Hội nhân quyền Tom Lantos thuộc Hạ viện Hoa Kỳ ra tuyên cáo kêu gọi Việt Nam “lập tức trả tự do cho các tù nhân lương tâm”. Cũng trong thời điểm này, nói chuyện với Trung tâm Stimson, một nhóm nghiên cứu và tư vấn chính sách, ông Kurt Campbell, đặc trách các vấn đề Đông Á cũng lên tiếng kêu gọi Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền và cho biết:
“Điều đã ngăn cản sự phát triển nhanh chóng của các quan hệ song phương mà nhiều người mong muốn được chứng kiến, chính là những vấn đề nhân quyền bên trong Việt Nam, vẫn đang tiếp tục diễn ra”.
Chuyến công du Châu Á của bốn thượng nghị sĩ Hoa Kỳ hồi tuần trước với điểm nhấn là vấn đề nhân quyền đã gây chú ý cho công luận.
Bốn nhân vật quan trọng trong thượng viện Hoa Kỳ gồm ông John McCain (bang Arizona, thuộc đảng Cộng hòa), bà Kelly Ayotte (bang New Hampshire, thuộc đảng Cộng hòa), ông Sheldon Whitehouse (bang Rhode Island, đảng Dân chủ) và ông Joseph Lieberman (bang Connecticut).
Chuyến đi cho thấy những thúc đẩy trong vấn đề nhân quyền không chỉ nằm trong phạm vi “lên tiếng” hay ký tên vào những thỉnh nguyện thư như rất nhiều thượng nghị sĩ và dân biểu Hoa Kỳ từng làm.
Trong khi dừng chân ở Việt Nam, bốn vị thượng nghị sĩ đã có cuộc hội đàm về nhân quyền với ba nhân vật đấu tranh cho dân chủ Việt Nam là LS Nguyễn Văn Đài, LS Lê Quốc Quân và bác sĩ Phạm Hồng Sơn. Cuộc gặp cho thấy nhân quyền là một yếu tố quan trọng trong chương trình nghị sự trở lại Châu Á của Hoa Kỳ.
Nói về tầm quan trọng của cuộc gặp này, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với đài RFA, LS Nguyễn Văn Đài cho biết:
“Theo quan điểm của tôi đó là một cuộc gặp vô cùng quan trọng. Lý do vì đây là lần đầu tiên những thượng nghị sĩ hàng đầu của thượng viện Hoa Kỳ họ quan tâm đến vấn đề nhân quyền và họ quan tâm đến tình hình dân chủ ở Việt Nam; thế nên mới có lời mời tôi, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, luật sư Lê Quốc Quân để tìm hiểu và trao đổi những vấn đề có liên quan đến nhân quyền; cũng như họ trao đổi làm sao để tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vì lợi ích chung của hai nước và người dân hai quốc gia”.
Điều đã ngăn cản sự phát triển nhanh chóng của các quan hệ song phương mà nhiều người mong muốn được chứng kiến, chính là những vấn đề nhân quyền bên trong Việt Nam, vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Ông Kurt Campbell
Việc lên tiếng yêu cầu các nước đối tác cải thiện quyền làm người không chỉ dừng lại ở việc “hàm ý”. Thực tế, nó được xem như một điều kiện trước khi tiến đến những sự hợp tác có tính quan trọng, sâu rộng hơn và Hoa Kỳ luôn thẳng thắn về yêu cầu này.
Ngay sau khi rời Việt Nam sang Bangkok, cả đoàn gồm 4 thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã chính thức đánh tiếng về khả năng bán một số loại vũ khí mà theo họ là “chết người” cho Việt Nam, nhưng những nhân vật này cũng không ngần ngại cho biết việc này sẽ không xảy ra nếu Việt Nam không cải thiện nhân quyền.
Trong cuộc họp báo tại Bangkok tuần trước, thượng nghị sĩ Joe Lieberman nói “Có một số loại vũ khí mà Việt Nam muốn mua của chúng tôi hoặc nhận từ chúng tôi; chúng tôi cũng mong có thể giao các thứ ấy, nhưng chuyện đó sẽ không xảy ra cho tới khi nào Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền”.
Trong khi đó, thời gian gần đây, Hoa Kỳ cũng ra sức kêu gọi Miến Điện thực hiện cải cách dân chủ. Trong trạm dừng chân ở Miến Điện, thượng nghị sĩ John McCain một lần nữa hé lộ khả năng bãi bỏ cấm vận lên Miến Điện nếu nước này thực hiện bầu cử bổ sung một cách tự do và công bằng. Ông John McCain còn yêu cầu cho quan sát viên quốc tế đến giám sát cuộc bầu cử bổ sung, dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới.
Vai trò của Hoa Kỳ
Thực chất, dân chủ, nhân quyền từ lâu đã là một giá trị ngoại giao của Hoa Kỳ và luôn được Washington sử dụng như một đòi hỏi trong quan hệ với các chính khách. Và khi trở lại Châu Á thì đây chắc chắn là một trong những giá trị chính mà Hoa Kỳ mang đến. Ông Andrew Shearer, hiện là Giám đốc nghiên cứu viện Lowy (Úc) về Chính sách Quốc tế cũng từng công nhận điều này trong một cuộc trao đổi với RFA vào cuối năm ngoái:
“Ngoài những vấn đề ấy, còn một vấn đề rất quan trọng nữa là vấn đề dân chủ, nhân quyền để bảo vệ tự do cá nhân. Đó hầu như là những giá trị ngoại giao của Hoa Kỳ. Những điều này đã được biết đến, cụ thể là tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, cũng đã có những đồng thuận về việc thay đổi dân chủ tại các nước trong khu vực này. Và dĩ nhiên là rõ ràng Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò xúc tác trong sự thay đổi ấy”.
Chính sách ngoại giao với dân chủ, nhân quyền là một điều kiện được Hoa Kỳ tận dụng hầu như trong bất cứ tình huống nào khả dĩ. Chính vì thế mà ngoài việc gây áp lực đối với những nước có thành tích kém về nhân quyền, Hoa Kỳ còn tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong khu vực Châu Á.
Hồi trung tuần tháng này, ông William Cohen, đồng Chủ tịch Ủy ban Chiến lược Hoa Kỳ-ASEAN, công du Indonesia. Một trong những nội dung chính của chương trình nghị sự là làm thế nào để Indonesia tiếp tục phát triển và thu hút đầu tư. Tại Jakarta, ông William Cohen cũng không quên đưa ra thông điệp về sự trở lại Châu Á của Hoa Kỳ vì “lợi ích chung và thịnh vượng” khu vực.
Vị nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, cũng từng là dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, cũng đã mạnh dạn kêu gọi Indonesia “vận động tiến đến một cộng đồng ngày càng thống nhất trong hành động, đặc biệt trong những vấn đề nhân quyền, tự do và dân chủ”.
Thêm vào đó, hồi tuần trước, giới thạo tin cũng không ngạc nhiên khi biết rằng trước khi chính thức gặp mặt Thủ tướng Thái Lan, bốn vị thượng nghĩ sĩ Hoa Kỳ đã gọi vào “phòng tím” của bà Yingluck Shinawatra.
Cái còn quan trọng hơn cả quân đội và nền kinh tế của chúng ta, tài sản vững chắc nhất của quốc gia chúng ta là sức mạnh của những giá trị – cụ thể, là sự ủng hộ kiên định đối với vấn đề dân chủ và nhân quyền.
NT. Hillary Clinton
Theo thông cáo báo chí đăng chiều ngày 20 tháng 1 trên website chính phủ Thái, trong cuộc gọi này, một trong những vấn đề được thảo luận là vấn đề “dân chủ, nhân quyền”. Webiste chính phủ Thái cho biết ông John McCain “Nói về trình trạng dân chủ Miến Điện và rằng Hoa Kỳ muốn thấy sự phát triển dân chủ mặc dù Miến Điện chưa sẵn sàng cho một cuộc chuyển biến dân chủ toàn diện”.
Dân chủ, tự do, nhân quyền từ lâu đã trở thành một giá trị của dân nước Mỹ thể hiện ở tinh thần dân chủ và bản hiến pháp dân chủ ra đời từ thế kỷ thứ 18. Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng từng khẳng định trong bài “Thế kỷ Thái bình Dương” rằng “Cái còn quan trọng hơn cả quân đội và nền kinh tế của chúng ta, tài sản vững chắc nhất của quốc gia chúng ta là sức mạnh của những giá trị – cụ thể, là sự ủng hộ kiên định đối với vấn đề dân chủ và nhân quyền”.
Một mối quan hệ sâu rộng và bền vững khó lòng tồn tại trên những mâu thuẫn, trên những giá trị khác nhau hay trên cách đánh giá sự việc khác nhau. Cho nên khi trở lại Châu Á, việc làm đầu tiên của Hoa Kỳ là khắc phục sự khác biệt. Việc Hoa Kỳ đang mang đến Châu Á những giá trị mà ông Barack Obama gọi chung là “giá trị con người” là điều không còn nghi ngờ gì. Câu hỏi trước mắt là Châu Á đón nhận nó như thế nào.
0 comments:
Post a Comment