Monday, January 23, 2012

Hại Dân Hại Nước

Chính Sách Đối Ngoại của Bắc Kinh Có Hại cho Trung Cộng

Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) – PBD dịch


Việc Đảng Cộng Sản Trung Hoa đặt các quyền lợi an ninh chế độ lên trên an ninh quốc gia là tiêu biểu của các chế độ độc tài chuyên chính. Đường lối này cũng rất nguy hiểm.

Photo Credit: U.S. Navy

Các nhà quan sát kỳ cựu về tình hình Trung Cộng vẫn luôn luôn tự hỏi là liệu Trung Cộng đã áp dụng loại chính sách đối ngoại nào nếu nước này là một chế độ dân chủ. Có hai ý kiến khác nhau. Một là ý kiến theo trường phái thực tiễn, cho rằng ắt cũng không khác gì nhiều. Các quốc gia theo đuổi sức mạnh và tìm kiếm an ninh bất luận loại chế độ chính trị nào đang cai trị. Yếu tố ảnh hưởng đến hành vi của các quốc gia là họ hùng mạnh đến đâu và có các hạn chế nào từ bên ngoài đối với việc sử dụng sức mạnh đó. Nếu xét theo quan điểm này thì hành vi của Trung Cộng sẽ tùy theo sức mạnh của họ chứ không phải chế độ chính trị. Thí dụ, Trung Cộng từ bỏ chính sách đối ngoại âm thầm của họ mà đổi sang một chính sách cương quyết hơn trong những năm gần đây là kết quả của việc gia tăng sức mạnh của Trung Cộng, chứ không phải vì thay đổi hệ thống chính trị trong nước (hệ thống này vẫn như cũ).

Trường phái kia thì lập luận rằng các khác biệt về chế độ chính trị là yếu tố căn bản để hiểu hành vi của một nước. Các quốc gia dân chủ và độc tài mang quan điểm khác nhau về thế giới – các nhận thức của họ về mối đe dọa không giống nhau. Các tiến trình quyết định về chính sách đối ngoại hoàn toàn khác nhau trong hai hệ thống này. Các chết độ dân chủ minh bạch và cởi mở hơn nhiều, ngược hẳn với bản chất mờ ám và đóng kín trong các quyết định của chế độ chuyên chính. Quan trọng nhất là có mâu thuẫn giữa vấn đề an ninh chế độ với an ninh quốc gia trong các chế độ dân chủ vì trong các hệ thống đó thì nền tảng của chế độ chính trị dân chủ là chính đáng và chính danh và được tất cả các thành phần then chốt chấp nhận. Chính phủ có thể ra đi vì thiếu sức ủng hộ của người dân, nhưng hệ thống dân chủ vẫn luôn luôn bền vững. Vì thế, các lãnh tụ trong chế độ dân chủ không phải hy sinh nền an ninh quốc gia để bảo đảm an ninh chế độ.

Ngược lại, trong các chế độ độc tài chuyên chính, vấn đề an ninh chế độ và an ninh quốc gia thường mâu thuẫn nhau. Vì trong các hệ thống đó chính phủ ra đi cũng có nghĩa là chế độ sụp đổ, giới cầm quyền thường dành ưu tiên cao hơn cho việc bảo vệ an ninh chế độ hơn là an ninh quốc gia. Nói cách khác, trong các chế độ độc tài chuyên chính thì các quyền lợi của chế độ vượt lên trên quyền lợi quốc gia. Hơn nữa, các chế độ độc tài chuyên chính hay xem mối đe dọa nặng về bản chất chính trị. Trong khi các chế độ dân chủ xem các mối đe dọa từ bên ngoài thiên về an ninh vật chất thì các chế độ chuyên chính xem các mối đe dọa như vậy là thiên về cả mặt chính trị/ý thức hệ lẫn quân sự. Do đó, các chế độ chuyên chính thường dành tài nguyên tốn kém để bảo vệ chống lại các mối đe dọa chính trị từ bên ngoài và hay vô lối mà coi các nền dân chủ như kẻ thù không phải là vì bị đe dọa quân sự, mà vì mối đe dọa chính trị của chế độ dân chủ. Vì thế, trong việc theo đuổi bảo vệ an ninh chế độ, các chế độ chuyên chính sẽ không tránh được gây phương hại đến nền an ninh quốc gia, cả về mặt phí phạm tài nguyên quốc gia và làm mất lòng các cường quốc dân chủ lớn mà lẽ ra họ nên làm bạn mới phải.

Cách suy nghĩ này có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn các mối căng thẳng liên tục giữa an ninh chế độ của Đảng Cộng Sản Trung Hoa (CCP) và nền an ninh quốc gia của Trung Cộng. Chính sách đối ngoại của Trung Cộng ngày nay thường bị giằng co giữa hai mục tiêu mâu thuẫn nhau này. Có thể nêu hai ví dụ ở đây.

Chính sách của Trung Cộng về Bắc Triều Tiên được nêu ra làm bằng chứng A của tình trạng mâu thuẫn này. Các quyền lợi an ninh quốc gia của Trung Cộng lẽ ra bắt buộc nước phải không dung dưỡng chương trình vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên hoặc hành vi hung hãn với các nước láng giềng. Ấy vậy mà, vì đảng CCP đang cầm quyền xem một nước Triều Tiên dân chủ tái thống nhất và là một đồng minh quân sự sát cánh với Hoa Kỳ là mối đe dọa lớn hơn cho an ninh chế độ của họ so với một triều đại cha truyền con nối có vũ trang nguyên tử (chế độ đó là mối đe dọa đến nền an ninh quốc gia của Trung Cộng, nhưng không đe dọa đến an ninh của chế độ CCP), Bắc Kinh đã theo đuổi một chính sách nhằm duy trì tại vị triều đại nhà Kim với hầu như bất cứ giá nào. Cái giá Trung Cộng phải trả tính về mức suy giảm an ninh quốc gia thật quá đắt – một nước láng giềng không đáng tin có vũ trang nguyên tử, gia tăng các rủi ro đưa đến chiến tranh trong vùng, nguy hiểm thực sự bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh nữa trên bán đảo Triều Tiên, làm mất lòng Nam Triều Tiên trong vai trò một đồng minh chiến lược dài hạn, Nhật Bản tái vũ trang và có thái độ chống đối Trung Cộng, và Hoa Kỳ tăng cường các khả năng tấn công trong vùng này.

Một ví dụ khác là chính sách của Trung Cộng đối với Hoa Kỳ. Có một câu hỏi mà không bao nhiêu người đặt ra về mối bang giao giữa hai nước này, đó là Hoa Kỳ là mối đe dọa đối với Trung Cộng hay đối với CCP. Tuy chắc chắn là việc tranh đua về sức mạnh sẽ vẫn luôn luôn là một yếu tố trong mối bang giao Hoa-Mỹ bất luận chế độ tại Trung Cộng là loại gì, nhưng cũng không thể chối cãi được là việc cạnh tranh đó sẽ tương đối yên lành và khó có thể đưa đến xung đột lớn về sức mạnh nếu Trung Cộng là một nền dân chủ.

Nhưng vì Trung Cộng không phải là một nền dân chủ, nỗ lực cạnh tranh về địa lý chính trị còn khoác thêm lên thái độ chống đối dữ dội về ý thức hệ. Xét từ quan điểm của CCP, Hoa Kỳ, với tinh thần truyền bá dân chủ tự do của họ, không phải đơn thuần chỉ là một siêu cường quân sự, mà còn là một mối đe dọa đến sự sống còn chính trị của họ. Vì quan điểm của Trung Cộng về mối đe dọa này là như thế cho nên không thể nào tin tưởng lẫn nhau và loại đi nhiều biện pháp mà lẽ ra ắt đã nâng cao an ninh quốc gia của Trung Cộng (chẳng hạn như liên hệ mật thiết hơn về mặt quân sự và ấn định các quy luật nhằm ngăn ngừa xảy ra các biến cố ngoài khơi hay cải tiến an ninh mạng). Rõ rệt hơn hết, CCP ngày nay xem chừng như ngờ vực Hoa Kỳ còn nhiều hơn so với Đảng Cộng Sản Liên Xô ngày xưa. Theo một cựu giám đốc cao cấp về Á Châu trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ, Jeffrey Bader, thì Liên Xô trước kia đã có một mối liên hệ quân sự sâu rộng và hữu ích hơn với Hoa Kỳ trong thời kỳ hòa hoãn của Chiến Tranh Lạnh so với Trung Cộng ngày nay.

Các biện pháp được CCP áp dụng để phòng thủ chế độ của họ trước sức mạnh và ảnh hưởng của Hoa Kỳ chắc chắn sẽ đưa đến các hậu quả có hại cho nền an ninh quốc gia của Trung Cộng, vì Hoa Kỳ đáp lại bằng một chính sách hàng rào chiến lược và, gần đây nhất, đặt trọng tâm quay về hướng Đông Á. Khi Hoa Kỳ sau đó tăng cường bố trí lực lượng tiền phương tại Tây Thái Bình Dương, củng cố các liên minh an an ninh của Hoa Kỳ tại Đông Á, và thành lập các liên hệ an ninh mới với những nước địch thủ truyền thống của Trung Cộng như Ấn Độ và Việt Nam thì khó có ai có thể lập luận rằng nền an ninh quốc gia của Trung Cộng được vững chắc hơn.

Tiếc thay, tình trạng đặt vấn đề an ninh chế độ lên trên an ninh quốc gia trong các chế độ độc tài chuyên chính là một đặc điểm thường trực của chính trường quốc tế. Điều làm cho trường hợp của Trung Cộng trở nên độc nhất – và nguy hiểm hơn – ngày nay là mọi bên có nhiều quyền lợi trong đó hơn nhiều. Nếu không được kềm chế khéo léo thì các mối căng thẳng vô lý giữa hai lãnh vực an ninh chế độ và an ninh quốc gia trong chính sách đối ngoại của Trung Cộng có thể hủy hoại mục tiêu “phát triển trong hòa bình” do chính CCP vẫn tự rêu rao.

Source: http://the-diplomat.com/2012/01/20/beijing-foreign-policy-hurts-china/?all=true

0 comments:

Powered By Blogger