Dân Nga xuống đường phản đối kết quả bầu cử 21/12/2011 (REUTERS)
Tháng 12 vừa qua, người dân Nga rầm rộ xuống đường biểu tình phản đối ông Putin. Đây là lần đầu tiên kể từ khi ông lên nắm quyền, có nhiều người dân lên tiếng phản đối ông một cách công khai và quy mô đến thế. Le Figaro đăng bài phân tích của sử gia Hélène Carrrère d’Encausse, thuộc Viện Hàn lâm Pháp, đề tựa : “Có phải đó là một mùa xuân theo kiểu Nga”.
Tác giả nhắc lại, trước cuộc bầu cử Hạ viện Nga diễn ra ngày 4/12, ông Putin đã từng hứa sẽ cho tiến hành hiệp thương để công bố tên ứng cử viên tổng thống chính thức của đảng ông sau cuộc bầu cử hạ viện. Thế mà, đột nhiên ông đã tuyên bố là ứng viên trước cuộc bầu cử nói trên nhiều tuần. Ông và tổng thống Medvedev còn chính thức tuyên bố sẽ đổi vị trí cho nhau sau khi ông Putin thắng cử năm 2012.
Tức nước vỡ bờ, người Nga kéo nhau xuống đường biểu tình tố cáo gian lận bầu cử, và thậm chí còn chính thức phản đối ông Putin đeo bám quyền lực. Theo tác giả, hai vụ biểu tình hồi tháng 12 của người Nga có ba đặc điểm đáng ghi nhận, đó là cách tổ chức hoàn hảo, thái độ ôn hòa của người biểu tình, và nhất là thành phần xã hội tham gia biểu tình.
Theo kết quả thăm dò, 70% trong số họ dưới 40 tuổi, hơn 70% đã tốt nghiệp hoặc đang học đại học, 25% là chủ doanh nghiệp hoặc đang giữ vị trí lãnh đạo ở các công ty, 70% không đảng phái, 24% thiên tả và 6% là những người theo chủ nghĩa dân tộc. Số liệu trên cho thấy, người biểu tình không phải là những người bị đẩy ra bên lề xã hội, cũng không phải là tuổi trẻ thất vọng về tương lai, mà hoàn toàn ngược lại, họ là « đội tiên phong của xã hội trí thức Nga », một thành phần mà nếu thiếu nó, bất kỳ xã hội nào cũng không thể tồn tại lâu dài.
Đa phần người biểu tình thuộc thế hệ hậu Liên Xô, thuộc thành phần trung lưu, có điều kiện vật chất khá tốt. Nói về những người thuộc thế hệ trước, tức thế hệ cha mẹ ông bà của những người biểu tình, họ không xuống đường, nhưng vẫn tuyên bố đồng lòng với người biểu tình. Như vậy, tuổi trẻ xuống đường để yêu cầu sự cải tổ, trong khi thế hệ trước vẫn ủng hộ ý nguyện cải tổ đó, nhưng đồng thời cũng giữ thái độ e dè do muốn duy trì sự ổn định đất nước và những thành quả xây dựng của mười năm qua.
Người biểu tình thật sự muốn gì ? Theo tác giả, họ muốn cải tổ hệ thống hiện tại, muốn xã hội dân sự được tôn trọng và được tham gia thật sự vào đời sống chính trị của đất nước. Họ không thiên về một đảng phái nào, bằng chứng là trong những cuộc biểu tình, một vài gương mặt thuộc hàng cộm cán của phe đối lập đã đăng đàng diễn thuyết, nhưng đám đông biểu tình chẳng mấy quan tâm.
Trước làn sóng biểu tình, chính quyền Nga đã có phản ứng khôn ngoan là « lấy tỉnh chế động » và tránh mọi cuộc đối đầu không cần thiết. Đối với thủ tướng Putin, tác giả cho rằng, ông này đã có phản ứng đáng ngạc nhiên là vẫn sử dụng phương tiện truyền thông truyền thống, đó là xuất hiện trên truyền hình để diễn thuyết theo lối quen thuộc của ông. Tổng thống Medvedev, khi thông báo muốn cải tổ, cũng thông qua các kiểu truyền thông truyền thống. Điều đó cho thấy sự không hiểu nhau giữa tầng lớp lãnh đạo và thành phần năng động nhất của xã hội, một thành phần đã tiếp thu công nghệ mới là thảo luận và tìm kiếm thông tin qua Internet.
Ba bài học rút ra từ các cuộc biểu tình
Tác giả rút ra ba bài học lớn từ các cuộc biểu tình vừa qua tại Nga. Bài học thứ nhất cho thấy, người Nga không phải tuýp người thụ động trước chế độ, nhất là thế hệ trẻ, họ được học hành và có điều kiện vật chất, họ muốn tiếng nói của họ được lắng nghe. Bài học thứ nhì, theo tác giả, làn sóng biểu tình vừa qua không phải là biểu hiện của sự thất vọng của những thành phần xã hội không thể kiểm soát, mà nó cho thấy ý nguyện đổi mới mà không làm phương hại đến những thành quả đạt được bấy lâu nay. Bởi thế, làn sóng này không chấp nhận những hành động theo kiểu tự phát và tránh mọi hành động cực đoan.
Bài học thứ ba, theo tác giả, đó là, dù ông Putin có vẻ bất động, nhưng sự thay đổi dường như đã được thông báo trước. Trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, có lẻ ông Putin đã nắm chắc phần thắng. Nhưng dù ông có được tái đắc cử, thì việc ngự trị điện Kremlin lần này của ông sẽ hoàn toàn khác so với hai lần trước. Đó sẽ là một cuộc bầu cử có tranh cãi, chứ không còn là « một sự tôn thờ thần tượng » theo kiểu trước kia.
Chỉ số tín nhiệm của người dân đối với ông Putin cũng sẽ không còn ở mức 60-70% mà sẽ tuộc dốc còn khoản từ 35 đến 40%. Như vậy, ông sẽ không còn ở thế « độc quyền », mà sẽ phải chia xẻ số phận với những lãnh đạo khác. Đặc biệt, theo tác giả, không ai dám chắc rằng ông sẽ tiếp tục được hai nhiệm kì tổng thống nữa, và những tiếng kêu phản đối Putin vừa qua đã phát họa trước viễn cảnh đó.
Còn đối với tổng thống Medvedev, tác giả cho rằng ông sẽ được xem là một vị tổng thống của một thời kì quá độ của nước Nga về phía một hệ thống chính trị mới, về phía những nhà chính trị mới biết hòa nhập với thế hệ xuống đường vào tháng 12 vừa qua. Với ý nghĩa đó, tác giả nhận định : « Tháng 12/2011 đã thật sự là một mùa Xuân Ả Rập theo kiểu Nga ».
0 comments:
Post a Comment