Theo báo chí chính thức, Trung Quốc không nên từ bỏ các lợi ích về an ninh tại châu Á (Reuters)
Ngay sau khi tổng thống Barack Obama công bố học thuyết quân sự mới của Mỹ, với ưu tiên là châu Á, tờ Hoàn cầu Thời báo, ngày hôm qua, 06/01/2012, với giọng điệu quen thuộc, đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc không nên từ bỏ các lợi ích có liên quan đến an ninh tại châu Á.
Học thuyết mới của Washington dự kiến tăng cường sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở châu Á trong bối cảnh cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Giới chuyên gia cho rằng mối lo của Bắc Kinh là sau khi hoàn tất việc rút quân ra khỏi Irak, Washington sẽ triển khai chiến lược bao vây Trung Quốc. Điều này giải thích thái độ cứng rắn Hoàn cầu Thời báo, xin trích : « Đương nhiên, chúng ta mong muốn tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới với Hoa Kỳ, nhưng đồng thời, chúng ta không được từ bỏ những lợi ích quân sự của Trung Quốc trong khu vực ».
Hoàn cầu Thời báo thuộc tập đoàn truyền thông Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, hãng Reuters lưu ý là Hoàn cầu Thời báo nuôi dưỡng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và quan điểm của tờ báo không phản ánh chính xác thái độ của chính phủ Trung Quốc. Trong ngày hôm qua, bộ Ngoại giao và bộ Quốc phòng Trung Quốc không trả lời các câu hỏi mà Reuters đã gửi đến, liên quan đến những thay đổi chiến lược quân sự của Hoa Kỳ.
Chuyên gia chính trị học Scott Harold, thuộc học viện Brookings, có trụ sở tại Washington, nhận định : « Trung Quốc chú ý theo dõi việc này. Tôi nghĩ là họ quan tâm, nhưng tôi không cho rằng Trung Quốc lo sợ ».
Úc là nước sẽ chứng kiến rõ nhất những thay đổi trong chiến lược quân sự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Trong năm 2012 này, thủy quân lục chiến, tàu chiến và máy bay tiêm kích Mỹ sẽ có mặt ở Darwin, phía bắc nước Úc và nơi đây, trên thực tế, trở thành căn cứ quân sự của Hoa Kỳ.
Đến năm 2016, khoảng 2500 thủy quân lục chiến Mỹ sẽ hiện diện trên lãnh thổ Úc. Mặt khác, hải quân Hoa Kỳ cho biết sẽ có nhiều tàu chiến của Mỹ thả neo ở Singapore và có thể tại Philippines.
Mặc dù tuyên bố muốn hợp tác với Trung Quốc vì sự phồn thịnh và an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương, Washington vẫn khẳng định sẽ tiếp tục phản đối một số khía cạnh trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, đặc biệt trong hồ sơ Biển Đông, nơi có trữ lượng lớn về dầu khí và có nhiều tuyến giao thông hàng hải quan trọng.
Các tranh chấp về chủ quyền tại một số vùng ở Biển Đông giữa Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Brunei, Philippines và Malaysia là vấn đề chính đe dọa an ninh châu Á. Thái độ quyết đoán của Trung Quốc đơn phương tuyên bố có chủ quyền tới 80% diện tích Biển Đông và gia tăng sự hiện diện về quân sự ở đây, đã làm cho tình hình trở nên căng thẳng, sau một loạt sự cố xẩy ra trong năm 2011.
Một quan chức quân sự Trung Quốc đã nghỉ hưu, xin giấu tên, nhận định rằng Bắc Kinh đã có chuẩn bị và không cảm thấy bị đe dọa trước việc Washington điều chỉnh chiến lược, chú ý hơn đến châu Á. Ông giải thích : « Tất cả chúng ta đều biết là việc thay đổi học thuyết quân sự Mỹ không thể được tiến hành trong ngày một ngày hai. Trung Quốc sẽ không cảm thấy bị tấn công một cách công khai bởi diễn tiến này ».
Vẫn theo nhân vật này, Trung Quốc luôn luôn chủ trương phòng thủ và « nếu không có cuộc tấn công nhằm thẳng vào chúng tôi thì chúng tôi sẽ không thay đổi học thuyết ». Đó là những tuyên bố chính thức, nhưng trong nhiều năm qua, việc Trung Quốc liên tục tăng ngân sách quốc phòng, tăng số binh sĩ và hiện đại hóa bộ máy quân sự đã làm cho Hoa Kỳ và nhiều nước châu Á lo ngại.
0 comments:
Post a Comment