Sunday, January 1, 2012

Chuyện “tấm thiệp Giáng Sinh” gởi các thanh niên công giáo, tin lành bị bắt!

(TNCG) - “Lễ Giáng sinh” là một trong những ngày lễ lớn của những người tin vào Chúa Kitô. Lễ giáng sinh không còn là của riêng người theo đạo Thiên Chúa. Khắp mọi nơi trên thế giới đều chung niềm vui với người tin vào Chúa trong ngày lễ Giáng Sinh. Ở Việt Nam cũng vậy, mọi người trên khắp nước Việt đang chuẩn bị lên kế hoạch cho ngày lễ lớn. Đặc biệt ở những ngôi thánh đường nhỏ bé, hàng ngàn chiếc hang đá nhỏ nhắn, xinh xắn được dựng lên để tái diễn lại bối cảnh Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế làm người tại BeLem trong máng cỏ, hàng ngàn băng rôn, biểu ngữ được dựng lên khắp nơi. Hòa vào niềm vui chung với mọi người, tôi cũng “dọn mình” để đón chờ ngày “Lễ Giáng Sinh”.(Khi tôi viết lên những dòng này thì Giáng Sinh đã qua rồi, đã qua rồi).

Từ đầu cuối tháng 7.2011 đến nay, đã có 15 thanh niên công giáo, tin lành bị bắt, tôi nghĩ mình phải làm một việc gì đó dù nhỏ bé đối với 15 người anh em đang bị cầm tù, vì họ bị cáo buộc là vi phạm điều 79, điều 88 bộ luật hình sự. Ý nghĩ đó cứ luẩn quẫn trong đầu tôi, tôi là một kẻ thấp hèn, một kẻ bất tài! Tôi không là Ông Nguyễn Tấn Dũng, Ông Nguyễn Tấn Sang để làm những việc như Ông Gopbachop đã từng làm đối với sự sụp đổ bức tường Berlin; Tôi không là một vị luật sư để có thể dùng tài hùng biện của mình để biện minh cho những người anh em đang bị cầm tù; Tôi cũng không là một Linh mục, một Giám Mục để dâng thánh lễ cầu nguyện cho 15 người anh em; Tôi cũng không phải một thầy phù thủy tài ba để “làm ảo thuật” để giúp 15 người anh em! Tôi lại càng không phải một tên khủng bố để lao vào chốn ngục tù để cứu 15 người anh em! Tôi vẫn là tôi, tôi chỉ biết dùng chút tài mọn mà Chúa đã ban cho tôi để làm nên “Tấm Thiệp Giáng Sinh” gởi hết tâm tình cảm mến, tình yêu, nỗi nhớ, và nỗi bất lực của bản thân trước “thể lực của bóng tối”.


Trần Hữu Đức đang tẩm liệm một em bé bị giết hại tại Trung Tâm Bảo Vệ Sự Sống Gioan Phaolo II

Bắt đầu công việc làm thiệp, tôi đi tìm những tấm hình của 15 người anh em bị bắt (thời điểm đó anh Phêrô. Nguyễn Đình Cương và Jb. Hoàng Phong chưa bị bắt) để ghép lên cây thông noel!, mỗi tấm hình tôi cắt, tôi đều chau chuốt, ngắm thật kỹ. Đặc biệt khi cắt mỗi tấm hình, nhìn vào mỗi người anh em, những kỹ niệm, những cảm xúc lại trào lên trong tôi. Cắt đến tấm hình của em Phero Trần Hữu Đức, 22 tuổi và Anton Đậu Văn Dương, 23 tuổi (đây là hai anh em họ với nhau, quê ở xứ Vạn Lộc – Hạt Vạn Lộc – Giáo phận Vinh), Dương trước đây học tại trường Cao Đẳng Du Lịch tại Thị xã Cửa Lò – Nghệ An, còn Đức học tại trường Cao Đẳng Nghề Việt Đức. Tôi nhớ lại những kỹ niệm của tôi và các em, đã không biết bao đêm, tôi ngủ chung với các em trên những mảnh chiếu mỏng manh, anh em nằm tâm sự với nhau về ước mơ nhỏ bé của mình, về trách nhiệm của mình đối với Giáo hội cũng như xã hội, đặc biệt là Sinh viên Công giáo tại Vinh. Các bạn có tin không?: “Mỗi tháng tiền thức ăn của anh chỉ vọn vẹn 15.000 VNĐ?” (Một tháng tiền ăn của các em chỉ bằng một gói thuốc lá và một chiếc bật lửa của tôi). Gạo, trứng gà, vịt, thì ở quê gởi lên, các hũ dưa nhỏ cũng được gởi lên cho các em sử dụng, vậy nên các em không mua thêm gì cả, suốt ngày cơm nước mắn dưa, trứng. Hai em là người nhiệt tình trong công tác Sinh Viên Công Giáo, hai em là tổ trưởng của 2 tổ sinh viên công giáo tại Vinh, hai em còn là Ban điều hành Câu Lạc Bộ giáo dục Vinh, câu lạc bộ này hoạt động mang tính giáo dục cao, những buổi thuyết trình về các vấn nạn của giáo hội, xã hội đều được đề cập bằng những buổi thuyết trình. Hai em còn là thành viên nhiệt thành của Trung tâm Bảo Vệ Sự Sống Gioan Phaolo II, Hai em tham gia Trung tâm từ ngày thủa mới thành lập nhóm, một buổi các em đi học còn một buổi các em trở về với Trung tâm để làm việc, sinh hoạt, để làm công việc của trung tâm. Từ việc đóng những chiếc hòm nhỏ nhắn cho tới việc, đi gom xác các em ở bệnh viện về để chôn cất, không từ một việc gì không đến tay các em. Cứ nhìn lên tấm ảnh, tôi lại nhớ những đêm mưa gió hay không mưa gió, chúng tôi đều đi khắp tp. Vinh để gom những mảnh vỏ chai, những thứ có giá trị mà người ta vứt ra đường, chúng tôi gom về để bán kiếm tiềm gây quỹ cho các phong trào sinh viên cũng như các chương trình thiện nguyện về sau. Nước mắt tôi cứ trào dâng sau mỗi lần rê chuột để nắt nót cắt những tấm hình của hai em!


An tôn Đậu Văn Dương trong cuộc chuyến phát quà tết giúp đồng bào thiểu số tại huyện Tân Kỳ - Nghệ An(Năm 2010)

Về mặt xã hội cũng vậy, tôi còn nhớ cái lần chúng tôi đi quay phim, chụp ảnh trước UBND tỉnh Nghệ An về vụ việc “100 dân oan của Hợp Tác Xã Trung Đô biểu tình trước UBND tỉnh Nghệ An”[1]. Các em đã cùng tôi thực hiện ghi những tấm hình của bà con Hợp tác xã Trung Đô để lên án những việc làm sai trái của một số kẻ cậy quyền, cậy thế để hà hiếp dân lành. Nhìn các em cầm máy ảnh xông pha trước hàng trăm công an thường phục và sắc phục để ghi hình đưa lên các trang mạng. Hai em đã từng tham gia phiên tòa sơ thẩm Ts. Cù Huy Hà Vũ vào ngày 04/04 tại Hà Nội. Em Dương và Em Đức bị bắt vào ngày 02/08/2011.


An tôn Chu Mạnh Sơn và Phero Trần Hữu Đức trong chuyến thăm Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt (19.03.2011)


An tôn Chu Mạnh Sơn và Phero Trần Hữu Đức, An tôn Đậu Văn Dương trong chuyến thăm Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt (19.03.2011)

Tôi lại tiếp tục công việc làm thiệp giáng sinh, cắt đến tấm hình của anh Anton Chu Mạnh Sơn, 22 tuổi, Sơn là người con của Giáo xứ Đức Lân – Hạt Đông Tháp – Giáo phận Vinh, Sơn đang học năm cuối tại trường Đại Học Y Nghệ An. Những kỹ niệm của Tôi và Sơn lại hiện lên! Tôi nhớ lần đầu tiên Tôi gặp Sơn trong chuyến cứu trợ miền trung tại Huyện Hương Khê – Hà Tĩnh do Trung tâm Bảo Vệ Sự Sống Gioan Phaolo II tổ chức. Hôm đó, toàn bộ anh em bận bịu đi dựng nhà cho bà con sau cơn lũ (số 6) cho bà con vùng lũ, đến giờ nghỉ trưa, tôi tranh thủ chợp mắt một tỷ vì đã thấm mệt, Sơn và mấy người bạn thấy tôi ngủ say quá, nên đã chọc tôi bằng cách lấy vài miếng than củi vẽ lên mặt tôi, (vẽ hình con mèo), đó là kỹ niệm đầu tiên về em đối với tôi. Rồi những buổi sinh hoạt tại Câu Lạc Bộ Giáo Dục Vinh, sinh hoạt tại tổ Kỹ Thuật(một trong 15 Sinh viên Công giáo), Sơn luôn là người đi trước, gương mẫu trong việc soạn đề tài để thảo luận vào mỗi buổi sinh hoạt. Tôi còn nhớ như in cái niềm vui sướng của Sơn khi Sơn cầm bút và gởi bài cho trang chuacuuthe.com[2] được đăng, Sơn mừng rỡ và ôm quàng lấy tôi và nói: “Em cảm ơn anh”! Cảm xúc dâng trào hơn nữa là vào ngày 19.06.2011, sau khóa học Truyền thông Công giáo tại Thái Hà, Sơn và Dương có tham gia cuộc biểu tình chống Trung Quốc, ra về Sơn khoe với tôi rằng: “Em thích lắm anh à, các cô, các chú, và các bạn tham gia biểu tình thật tuyệt, nếu có điều kiện em sẽ đi tiếp”. Tôi im lặng và mừng thầm vì đứa em đã trưởng thành, đã biết sống vì và sống cho người khác.


An tôn Chu Mạnh Sơn tham gia biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội vào ngày 19.06.2011

Khi cắt đến tấm hình của hai anh FX. Đặng Xuân Diệu và anh Gioan Nguyễn Văn Oai, nước mắt tôi lại dâng trào khi nhìn tấm ảnh của hai anh. Anh FX. Đặng Xuân Diệu, 34 tuổi là một người con của Giáo xứ Xuân Mỹ – Hạt Nhân Hòa – Giáo phận Vinh. Anh đã tốt nghiệp đại học bách khoa Đà Nẵng, hiện anh đang là giám đốc công ty TNHH xây dựng Tiến Thành; Còn anh Gioan Nguyễn Văn Oai, 30 tuổi(thuộc Giáo xứ Yên Hòa – hạt Thuận Nghĩa – Giáo Phận Vinh) anh là cử nhân Toán Tin – Đại Học Vinh, Anh đã từng là Ban điều hành Sinh viên Công giáo tại Vinh, anh là người yêu mến sự thật công lý, hoạt động bảo vệ quyền lợi công nhân trong các nhà máy xí nghiệp ở Bình Dương, anh cũng đã tham gia biểu tình chống TQ xâm lược ở SG. Hai anh bị bắt vào ngày 30/07/2011 tại sân bay Tân Sơn Nhất – Sài Gòn.


Anh Fx. Đặng Xuân Diệu trong khóa Truyền thông Công giáo tại nhà thờ Thái Hà do dòng Chúa Cứu Thế tổ chức(2011)

Anh Diệu, anh Oai là người bạn, người anh của tôi, Anh Diệu chỉ bảo cho tôi và các bạn của tôi từng li, từng tý, giống như người anh cả đang chăm sóc những đứa em của mình, mặc dù giữa chúng tôi không có máu mủ ruột thịt gì? Đến phòng trọ của Anh tại Tp.Vinh tôi thấy toàn sách là sách, vào nhà câu nói đầu tiền làm tôi để ý: “Người lười thì không thể thành công – Người thành công thì không thể là người lười” Từ đó tôi chuyên đọc sách hơn. Có những đêm, tôi anh Diệu, Anh Oai, và rất những người bạn của tôi đã đến nhà anh Diệu để tâm sự, chia sẽ những khó khăn của cuộc sống sinh viên chúng tôi! Các anh ân cần, lắng nghe và cùng chúng tôi tìm ra hướng giải quyết. Mỗi lần có món gì ngon, nhất là mỗi chuyến đi công tác xa, các anh đều dành cho chúng tôi những món quà nho nhỏ, hay là một nồi cháo bé tý và 1 chai rượu bé xíu với quy định: “bay còn trẻ, uống ít thôi, mỗi đứa 1 ly, rót 3 lần nhé”. Anh Diệu, Anh Oai luôn đồng hành với các phong trào sinh viên khi các anh còn ở Vinh! Kỹ niệm sâu xa mà tôi có về các anh là lúc UBND Tp. Vinh cho người đến quậy phá, đập đánh, các bạn sinh viên khi họ sinh hoạt tôn giáo tại nhà bà Lâm[3]. Các anh còn đồng sáng lập ra: “Quỹ phát triển con người”, công việc của Quỹ là hướng tới giáo dục, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, giúp các em sinh viên khó khăn bằng những suất học bổng nhỏ nhoi, để giúp đỡ các em sinh viên, từ những đồng lương ít ỏi của mình. Tôi không tiện nói tên của quỹ đó ra, vì tôi nghĩ rằng: “Âm thầm làm việc vẫn có ích hơn” tôi luôn nhớ tới câu kinh thánh mà hai anh thường nhắc nhở tôi mỗi lúc làm việc thiện nguyện:


“…Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Các con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con…”(MT: Mt 6,4)


Anh Fx. Đặng Xuân Diệu tham gia thắp nến cầu cho sự sống tại Cầu Rầm (2009)

Người tiếp theo trong tấm thiệp đó là Em Paulus Trần Minh Nhật, 23 tuổi, Nhật đang sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ tin học (HUFLIT – Sài Gòn). Tôi được quen biết Nhật qua khóa truyền thông online lần thứ nhất do VRNs tổ chức, Nhật tốt nghiệp khóa học truyền thông của VRNs, còn tôi không theo hết khóa. Sau này Nhật còn là thành viên của gia đình Truyền thông Chúa Cứu Thế, còn tôi vẫn dậm chân tại chỗ. Nhật là con người có đức tin rất mãnh mẽ, Tôi cảm phục đức tin của Nhật, trong mọi hoàn cảnh, Nhật luôn trông cậy vào Chúa, tôi xin trích một đoạn thơ của Nhật:


Chúa vẫn bên ta

Người yêu có thể phản bội ta
Bạn bè có thể xa lánh ta
Gia đình sẽ có lúc cách xa
Mọi người có lúc chẳng thiết tha
Mọi thứ xung quanh như chống phá
Có lúc tưởng không ai bên ta
Nhưng Chúa vẫn hằng theo bước ta”

Paulus Trần Minh Nhật tại Thánh địa La Vang trong thánh lễ Bế mạc năm thánh(2011)

Tôi nhớ lần Nhật về thăm quê cũ của mình là Giáo xứ Ngọc
Long – Hạt Bảo Nham – Giáo Phận Vinh, tôi đã cùng với Nhật đi trong mưa gió từ Vinh ra đến Giáo xứ Ngọc Long, quảng đường tuy không dài, nhưng những tâm tình của hai anh em tôi, tôi xin khắc mãi trong tim. Trong công việc, Nhật là người nhiệt thành, tôi nhớ lúc Nhật đi đến Giáo xứ Ngọc Long, sau khi đưa ý kiến với Cha Giuse Trần Văn Phúc về vấn đề Radio An Phong, và Cha Giuse đã nhận lời mở chương trình Radio An Phong mỗi ngày trên Radio của Giáo xứ! Nhật khoe với tôi: “Anh ơi! Chuyến trở lại thăm cố hương của em xem như không uổng phí”. Tôi chung niềm vui với Nhật và rất mừng vì mình được quen biết Nhật! Em là người đã gởi cho tôi đoạn audio của người công an có tên là Phan Nguyễn để tôi tham khảo và cho em một vài ý kiến. Tôi đã cản em đừng nên đi thi cuối năm, vì tụi công an ko bao giờ tử tế đến mức gọi điện hỏi thăm và tặng ảnh cho em đâu? Em vẫn thản nhiên, ung dung, tự tại, em cười với tôi và nói rằng: “Anh ơi: Nếu đó là ý Chúa thì em xin nhận và em vui vẽ gánh lấy, tại sao em lại phải trốn chạy, em ko làm gì sai! Anh hãy xem đây là thử thách của Chúa gởi cho em. Em cảm ơn anh về sự quan tâm và lo lắng cho em, em sẽ làm theo ý Chúa. Anh đã ghé quan blog của em thì anh nhớ đến câu trích kinh thánh mà em thích nhất: ‘Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi (2 Cr 5, 15)’. Đó là con đường em đã chọn anh ạ! ”. Tôi không biết nói hơn nữa, vì tôi biết rằng Nhật đã chọn cho mình một con đường, một con đường mà ngay cả tôi khi nghe đến và tưởng tượng cũng có phần e ngại. Tôi hết sức bàng hoàng khi nghe tin em bị bắt ngày 27/08/2011, tôi không cầm được nước mắt, tôi nhớ lại bức thư gởi cho gia đình[4], mà em đã gởi cho tôi trước kia, tôi lại trào lên những giọt nước mắt, tôi bất lực quá, tôi nhỏ bé quá, tôi chỉ biết cầu nguyện cho em mà thôi.
Tấm thiệp của tôi còn thiếu nhiều gương mặt anh – chị – em khác, nhưng tôi không thể viết tiếp được vì chỉ cần nhìn tấm ảnh của anh em, cảm xúc lại trong tôi lại dâng trào, tôi không cầm được nước mắt để viết thêm được. Trời cũng đã gần sáng, tôi gói lại tâm tình của mình gởi cho 6 người anh em. Tôi sẽ thực hiện công việc làm thiệp của mình vào kỳ sau của câu chuyện “tấm thiệp Giáng sinh” của mình.

Nghệ An, ngày 30.12.2011. Giuse. Nguyễn Bình An.

---------------------------------


Chú thích:

[1] – Cướp đất HTX cho "con quan" - Dân Oan tại Vinh đấu tranh

[2] – Lửa thiêng dâng mẹ.

[3] – Sinh viên Công giáo ở Vinh bị cản trở không cho sinh hoạt

[4] – Thư của Paul Trần Minh Nhật gởi bố mẹ trước lúc bị bắt

0 comments:

Powered By Blogger