Tuesday, March 8, 2011

Vinashin – chạy làng !?

Vinashin ‘không thể gặp chủ nợ’

BBC – Các chủ nợ của Vinashin sốt ruột vì tập đoàn đóng tàu Việt Nam ‘không thể gặp và bàn việc tái cơ cấu’ với họ, theo báo Anh, tờ Financial Times.

Bài của phóng viên Ben Bland từ Hà Nội hôm 7/3/2011 cho rằng một giám đốc quỹ đầu tư rủi ro (hedge fund) không nêu tên bày t̉o sự thất vọng về Vinashin, tập đoàn nổi tiếng vì thua lỗ trên 4 tỷ đô la.

Người này cho hay phía chủ nợ “sẵn sàng ngồi xuống với tập đoàn [của Việt Nam] và thảo ra kế hoạch tái cơ cấu nhưng họ nói chúng tôi không thể gặp các vị vào lúc này”.

Họ cũng dọa sẽ có “hành động về mặt pháp lý” để thúc đẩy vụ việc.

Hết kiên nhẫn?

Các quỹ đầu tư rủi ro nằm trong nhóm chủ nợ thực hiện kế hoạch của Credit Suisse nay tỏ ra “không còn kiên nhẫn”.

Theo kế hoạch được chính phủ Việt Nam ủng hộ, Vinashin mời công ty tư vấn tài chính KPMG tham gia kế hoạch tái cơ cấu.

Tập đoàn này cũng từng xin giãn tiến độ trả nợ.

Vẫn Financial Times nói hãng tin Bloomberg từng được Vinashin cho hay là tập đoàn này sẽ báo cáo lại cho các chủ nợ vào tháng 5 hoặc 6.

Chừng 3000 tỷ đồng Việt Nam ở dạng trái phiếu được ngân hàng Deutsche Bank đồng ý lo liệu đưa ra trong kế hoạch từ 2007.

Vinashin có 16,2 nghìn tỷ đồng ở dạng trái phiếu và các khoản vay đáo hạn vào năm 2017, theo số liệu của Bloomberg.

Ông Fred Burke, từ văn phòng Việt Nam của hãng luật Baker & McKenzie được trích lời nói “điều không thể tránh khỏi là sẽ có một số hành động về mặt pháp lý”, một khi các bên không đồng ý được giải pháp chung.

Thời gian cho các giải pháp này dự kiến là mất tháng tới.

Tuy nhiên, Ben Bland cho rằng các nhà băng lớn như Credit Suisse và Standard Chartered vốn có quyền lợi lâu dài tại Việt Nam sẽ không mặn mà với chuyện va chạm với chính phủ.

Theo nhiều bình luận trong và ngoài nước từ trước tới nay, Vinashin mắc nợ biểu lộ căn bệnh trầm kha của kinh tế do nhà nước chủ đạo ở Việt Nam.

Đó là việc đầu tư công quỹ vào các dự án lớn nhưng kém hiểu quả.

Việc đầu tư bừa bãi của Vinashin ra ngoài cả ngành đóng tàu cũng là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng “gần phá sản”.

Trên thực tế, tập đoàn này chỉ không phá sản vì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chính phủ Việt Nam quyết định đổ tiền vào cứu.

Mới hôm cuối tháng 2/2011, chính phủ Việt Nam đã hủy một dự án luyện kim của Vinashin với đối tác Lion Group của Malaysia, trị giá 9,8 tỷ đô la.

Nhiều nhân vật lãnh đạo cũ của Vinashin thì đã bị bắt hoặc đang bị điều tra.

Các vụ việc nhằm chứng minh chủ trương từ trên luôn đúng đắn và các ‘sai phạm’ là do cấp dưới gây ra.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2011/03/110307_vinashin_creditor_impatient.shtml

*

Liên doanh 10 tỷ USD đổ bể ‘do Vinashin’

Dự án liên doanh nhận giấy phép từ năm 2008.

Tập đoàn Lion của Malaysia đổ lỗi các vấn đề tại tập đoàn đóng tàu nhiều bê bối tài chính Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam là những yếu tố dẫn tới việc đổ bể liên doanh nhiều tỷ đôla.

Dự án liên doanh 9.8 tỷ đôla giữa Vinashin và Lion nhận giấy chứng nhận đầu tư vào tháng Chín năm 2008, đặt mục tiêu xây một nhà máy thép qui mô, các nhà máy điện và một cảng biển ở tỉnh Ninh Thuận ở miền nam.

Các quan chức Việt Nam hồi tháng trước nói rằng giấy phép đầu tư dự án bị hủy vì điều họ mô tả là “các nhà đầu tư đã không thực hiện cam kết của họ”.

“Tập đoàn Lion mong muốn làm rõ rằng thực trạng trì trệ là do các vấn đề về tài chính và quản lý ảnh hưởng đến việc Vinashin không đảm bảo tính liên tục của dự án,” công ty của Malaysia cho biết trong một thông báo gửi hãng thông tấn AFP.

Thông báo nói thêm rằng Lion yêu cầu có các điều kiện nhất định, bao gồm cả việc đảm bảo đầy đủ về biểu thuế quan nhập khẩu, sẵn sàng cho dự án đầu tư lớn như vậy.

“Vì những yêu cầu này đã không được đáp ứng, do đó Tập đoàn đã quyết định không tiến hành dự án,” thông báo nói.

Giám đốc Sở Kế hoạch Ðầu tư tỉnh Ninh Thuận Phạm Ðồng trước đó nói với hãng tin tài chính Dow Jones rằng Tập đoàn Lion đã nắm 75% cổ phần trong dự án nhưng “có khó khăn tìm kiến nguồn vốn”.

Ông Đồng cũng nói thêm là cũng có “trục trặc” với các công nghệ đã được lựa chọn.

Do thay đối tác?

Theo luận chứng, dự án liên doanh bao gồm khu liên hiệp thép, nhà máy nhiệt điện và cảng biển với tổng diện tích lên đến 1.650ha mặt đất và 330 ha mặt biển.

Công suất nhà máy thép giai đoạn một là 4,5 triệu tấn/năm dự kiến sẽ nâng công suất lên 10 triệu tấn/năm giai đoạn hai.

Báo Lao Động ngày 24/02 đưa tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận đề nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc thu hồi giấy phép đầu tư của Liên doanh Vinashin- Lion, đầu tư vào khu liên hiệp thép Cà Ná, Ninh Thuận.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn cũng trong ngày 24/02 nói tháng Chín năm ngoái, UBND tỉnh Ninh Thuận từng đề nghị Bộ Công Thương giới thiệu nhà đầu tư mới cho dự án.

Bài báo nói khi đó, tỉnh cũng muốn Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) là nhà đầu tư thay thế.

Báo này trích dẫn Bấm Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Ninh Thuận Phạm Ðồng nói có thể vị trí của dự án khu liên hợp thép huyện Ninh Phước này không mời gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sắt thép nữa và thay vào đó là sẽ chuyển đổi công năng và lĩnh vực thu hút đầu tư không gây ô nhiễm môi trường.

“Trong đó sẽ phát triển cảng biển nước sâu, và thu hút các ngành công nghiệp sạch, khu công nghiệp cho doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như phát triển khu công nghiệp cơ khí phục vụ cho việc phát triển ngành công nghiệp năng lượng sạch ở khu vực Nam trung bộ…

Theo ông Đồng, do vị trí của dự án rất thuận lợi, nên đã có một số nhà đầu tư làm việc với tỉnh để đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh mong muốn kêu gọi đầu tư, Thời báo Kinh tế Sài Gòn đưa tin.

Hồi tháng 12 Vinashin không trả được khoản 60 triệu đôla, phần trả góp đầu tiên trong tổng số khoản đi vay ở nước ngoài 600 triệu đôla trong năm 2007.

Công an Việt Nam đang điều tra và đã bắt giam ông Phạm Thanh Bình, cựu Chủ tịch HĐQT Vinashin, người bị cáo buộc vi phạm quy định quản lý kinh tế.

Những người khác trong hàng ngũ lãnh đạo tập đoàn cũng bị bắt trong vụ bê bối được cho là ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín riêng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Các nhà kinh tế hàng đầu trong nước cũng như giới phân tích nước ngoài tỏ ra quan ngại về việc nhà nước dồn tín dụng cho các tổng công ty để kinh doanh vì kém hiệu quả.

Tuy nhiên báo cáo của Chính phủ Việt Nam nói năm 2010 có 20/21 đơn vị thuộc khối tập đoàn, tổng công ty 91 làm ăn có lãi, trừ Vinashin.

Báo cáo này không nói rõ về thực trạng vay nợ của các tổng công ty.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2011/03/110308_lion_vinashin.shtml

0 comments:

Powered By Blogger