“Án dân sự ở ta xử sao cũng được”, nhiều năm trước, Chánh toà tối cao Trịnh Hồng Dương đã có câu nói để đời. Hôm nay, đến lượt Chánh án Trương Hoà Bình cũng có câu nói lạ: Nếu thấy quyết định rõ ràng trái pháp luật thì toà sơ thẩm có quyền huỷ, trừ quyết định của Thủ tướng.
Ông không giải thích vì sao. Cũng không nói là cấp nào thì có quyền, hoặc không ai có quyền huỷ quyết định của Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Việt Nam mình nó thế. Đối với các quyết định của các vị lãnh đạo thì làm sao mà sai được. Hơn nữa, nếu có “nhầm” thì chim to bằng cái phích cũng bố thằng thẩm phán nào dám tuyên huỷ.
Mấy thằng phóng viên lác đác ở Quốc hội hôm nay chơi trò ghép chữ, được một câu rất hay “Chánh án Trương Dương: Ở ta, án dân sự xử sao cũng được, chỉ có điều Thủ tướng thì không bao giờ sai”.
Nhân đây mới nói lại cái hồi luật sư Cù kiện quyết định của Thủ tướng, mình thấy lão này đúng là một con kiến lẩm cẩm. Cùng lắm chỉ “kiểm điểm nghiêm túc”” “rút kinh nghiệm sâu sắc” chứ làm sao mà Thủ tướng, hay quyết định của ngài ra toà được. Không biết các học vị tiến sĩ luật kiểu gì mà đến thực tế ở Việt Nam luật sư Cù còn chả tường.
Sáng nay, Quốc hội của chúng ta thảo luận một cách nguội ngắt, uể oải và rời rạc về Luật tố tụng dân sự sửa đổi. Dăm người, vài ý kiến, và có lẽ ngày mai cũng chỉ vài chục chữ trên báo, nếu căn cứ vào số lượng phóng viên có mặt ở Trung tâm báo chí.
Bác Nguyễn Đăng Trừng cách tân một cách cố chấp, đòi đuổi hết các viên kiểm sát áo xanh ra khỏi toà, vì theo bác “Việc dân sự cốt ở đôi bên”, là vì nguyên tắc của dân sự là coi trọng quyền tự thoả thuận, tự định đoạt. Bác Trừng còn viện dẫn nghị quyết 49 về cải cái tư pháp ra để cãi nhau tay đôi với các Trương Hoà Bình, rằng: Dần dần rồi sẽ thế. Các nước trên thế giới giờ VKS chỉ còn giữ vai trò công tố (tức là chỉ tham gia các vụ án hình sự). Bác Trần Đình Nhã còn khuyên một câu cực hay: “Chúng ta nên hoà nhập dần với thế giới”.
Mình tự hỏi không hiểu các vị dân biểu cứ bàn đi bàn lại cái này làm quái gì khi mà trong thực tế nó rất ngớ ngẩn.
Bác Trần Quốc Vượng cho biết có những VKS cấp huyện đến 3 năm không có nổi một cái kháng nghị. Ngay bác Trừng cũng đã dẫn báo cáo nhiệm kỳ của Viện trưởng VKS, rằng VKS chỉ tham gia được có 0,44% phiên toà sân sự sơ thẩm. Chưa hết, còn đối với cấp toà thì kể từ khi pháp lệnh thủ tục giải quyết các phiên toà dân sự- được Uỷ ban thường vụ QH của các bác- ban hành năm 1989, cho đến nay “Không có trường hợp nào toà án thuỷ quyết định trái pháp luật”. Thế là có mấy cái tít hay: VKS 3 năm không một kháng nghị. Toà án 22 năm không hủy một quyết định trái pháp luật nào.
Nhưng cuối cùng thì Bác Vượng, một cách vô tình đã giúp bác Hoà Bình trả lời câu hỏi vì sao: “Với cơ quan Tòa án gắn liền với cơ quan hành chính thì một thẩm phán ở Tòa án huyện không thể hủy quyết định của Chủ tịch huyện, vấn đề này vừa có pháp lý, vừa có thực tế…Nguyên tắc chung ở nước ta chỉ có cấp trên mới hủy được cấp dưới, ngay cả cơ quan quyền lực Nhà nước, Hội đồng nhân dân hay Quốc hội đối với những quyết định cũng chỉ giám sát rồi có kiến nghị, không thể trực tiếp hủy được”.
Đặt ra thẩm quyền của toà án làm gì nữa nhỉ khi mà chánh toà cấp huyện nhìn Chủ tịch như nhìn thấy cọp, khi chánh toà cấp tỉnh muốn tuyên tử hình một thằng cướp-giết-hiếp-kiêm ma tuý cũng phải cắp cặp mang hồ sơ sang họp 3 ngành, nghe chỉ đạo của thường vụ tỉnh uỷ. Và Quốc hội… có lẽ chỉ “mần luật trên lý thuyết”.
0 comments:
Post a Comment