Sunday, March 13, 2011

Lượm và bài học truyền thông thực chứng

Nếu nói rằng Thùy Dương gian dối, vậy xin hỏi các vị phương phi, bụng phệ trán hói; các vị ăn mặc áo veston loại business, mặt hoa da phấn, tóc nhuộm màu nâu màu vàng đó; các vị tiến sĩ giáo sư khệnh khạng xuất hiện trên truyền hình hàng ngày có nói thật không? Họ cũng đóng kịch và nói láo (phần lớn) cả thôi. Vậy thì trước khi cầm viên đá ném vào Thùy Dương, những người đó nên nhìn lại mình. Vấn đề không phải là đóng kịch hay không đóng kịch, mà mục đích của kịch bản là gì…

Mấy năm gần đây, người ta thấy xuất hiện một khái niệm truyền thông gọi là evidence based journalism, mà tôi tạm dịch là “truyền thông thực chứng”. Những lùm xùm chung quanh “câu chuyện Lượm” trên VTV1 có lẽ là một bài học về truyền thông thực chứng.

Trong hai thập niên qua, xuất hiện phong trào y học thực chứng (evidence-based medicine) và trở thành một chuẩn mực trong y khoa. Nói là “thực chứng” bởi vì cơ sở triết lí của evidence based medicine là chủ nghĩa thực chứng (tức là positivism). Thật ra, y học thực chứng là một một học thuyết mà cũng là một cách thực hành nghề y dựa vào bằng chứng. Bằng chứng phải được đúc kết từ những công trình nghiên cứu khoa học có chất lượng cao. Theo y học thực chứng, ý kiến của cá nhân, chuyên gia, dù là chuyên gia mang hàm giáo sư, không có giá trị khoa học bằng chứng cứ khoa học. Do đó, y học thực chứng trao thẩm quyền cho khoa học, thay vì cho một cá nhân.

Song song với y học thực chứng, mấy năm gần đây, người ta hay nghe hay thấy khái niệm evidence-based journalism, mà tôi tạm dịch là truyền thông thực chứng. Thật ra, truyền thông thực chứng bắt đầu từ truyền thông khoa học (tức là science journalism) ra đời, khi mà các phóng viên chịu sự ảnh hưởng của giới khoa học trong việc chuyển tải thông tin khoa học đến công chúng. Trong truyền thông khoa học, bằng chứng đóng vai trò quan trọng nhất. Bằng chứng phải được dúc kết từ những nghiên cứu có chất lượng, chứ không phải từ ý kiến chuyên gia, càng không phải là những giả thuyết. Bất cứ phát biểu nào cũng phải dựa vào dữ liệu, chứ không nói “khơi khơi” như truyền thông thông thường được. Truyền thông thực chứng lấy truyền thông khoa học làm một mô hình hành nghề.

Những thông tin trên chắc đủ làm nền cho câu chuyện tôi muốn bàn qua: đó là câu chuyện Lượm. Bây giờ thì cái tên mộc mạc đó chắc đã trở thành cái tên quen thuộc trong mỗi gia đình người Việt.

Tôi phải ghi lại vài dòng để các bạn cảm nhận được câu chuyện, bởi vì đọc báo thì có khi rối cả lên và chẳng biết đầu đuôi ra sao. Lượm là tên của một cô gái có thật ngoài đời, nghèo khổ, và đáng thương. Câu chuyện đời của Lượm được hư cấu hóa trong một câu chuyện có tựa đề là Tình đầu bất hạnh của cô bé bụi đời gửi đăng dự thi trên báo mạng Tin thức online. Tác giả bài dự thi đó là Trần Thị Thùy Dương, người quê quán ở Thuận An, Huế. Thùy Dương rõ ràng là người có tài viết văn. Chỉ nghe qua câu chuyện của Lượm trong một lần đi thăm nuôi con trai ở bệnh viện mà Thùy Dương đã chấp bút thành một câu chuyện làm cho độc giả cảm động, và thu hút sự chú ý của biên tập viên chương trình Người xây tổ ấm của đài truyền hình VTV1. Biên tập chương trình Người xây tổ ấm mời Thùy Dương lên chương trình chia sẻ và giao lưu cùng khán giả toàn quốc. Chương trình còn có những đoạn quay cảnh nhà của Thùy Dương (trong vai Lượm), và Thùy Dương tỏ ra xuất sắc trong vai Lượm, làm cho bao nhiêu khán giả sụt sùi. Có người còn cho tiền, và số tiền lên đến gần 10 triệu đồng. Có thể nói chương trình Người xây tổ ấm đã thành công về mặt cảm tính.

Trần Thị Thùy Dương

Tuy nhiên, hình như nhận thức được sự việc đã đi quá xa, nên Thùy Dương chủ động nói thật. Tác giả câu chuyện Lượm viết thư cho biết cô không phải là Lượm; cô xin lỗi khán giả, và tìm cách trả lại số tiền khán giả đã cho, dù cô thật sự cần tiền cho ca phẫu thuật tim của con trai cô. Người biên tập chương trình Người xây tổ ấm có lẽ rất giận, nên không tiếc tuôn ra những tính từ nặng nề cho Thùy Dương. Điều đáng nói và cần phải nhấn mạnh là người biên tập Người xây tổ ấm không xin lỗi khán giả. Không xin lỗi, hay không muốn/dám xin lỗi? Dù tình huống nào đi nữa, thì thái độ của người biên tập thiếu tính chuyên nghiệp.

http://bee.net.vn/dataimages/201103/original/images658370_1.jpg

Biên tập viên chương trình Người xây tổ ấm (ảnh: bee.net)

Nếu phóng viên tác nghiệp theo nguyên lí của truyền thông thực chứng. Trước một câu chuyện cảm động như thế, phóng viên phải đặt câu hỏi: đây là hư cấu hay là sự thật. Đã viết bài dự thi thì ai cấm tác giả không được hư cấu. Đáng lẽ phóng viên phải tìm hiểu thêm về tác giả và những chi tiết liên quan đến câu chuyện, tiếng Anh gọi là “cross-check”. Phóng viên sẽ tìm cách liên lạc những người chung quanh hay quen biết để có thêm thông tin, chứng cứ, và câu chuyện sẽ sống động hơn. Rất tiếc, phóng viên hình như đã không làm theo nguyên lí của truyền thông thực chứng, và sự việc dẫn đến một kết cục chẳng mấy gì hay ho.

Có thể hiểu được khán giả nổi giận. Dĩ nhiên, người ta cảm thấy bị “take for a ride” :-) . Những người đã động lòng bỏ tiền ra cho cũng cảm thấy mình bị lừa. Nhưng có thật sự Thùy Dương có ý định lừa khán giả không? Tôi không nghĩ như thế. Nếu có ý định lừa gạt thì chắc chắn chị ấy không viết lá thư trần tình và xin lỗi mọi người. Tôi thấy Thùy Dương giống như người leo lưng cọp, và phải theo kịch bản của cọp. Đến khi xuống lưng cọp mới thấy việc mình làm là không đúng. Cái hay của Thùy Dương là cô có can đảm và tự trọng để xin lỗi. Ngược lại với thái độ của Thùy Dương, người biên tập VTV1 tỏ ra hung hãn và có vẻ khá ác độc với Thùy Dương. Tại sao chương trình Người xây tổ ấm không đủ can đảm để xin lỗi khán giả?

Người ta không tiếc lời mỉa mai rằng Thùy Dương đóng kịch hay. Tôi nghĩ sẽ rất không công bằng cho Thùy Dương phải hứng nhận những búa rìu dư luận như thế. Đã lên đài truyền hình, ai mà không đóng kịch theo kịch bản? Ngay cả trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta vẫn đóng kịch đó chứ. Nếu nói rằng Thùy Dương gian dối, vậy xin hỏi các vị phương phi, bụng phệ trán hói; các vị ăn mặc áo veston loại business, mặt hoa da phấn, tóc nhuộm màu nâu màu vàng đó; các vị tiến sĩ giáo sư khệnh khạng xuất hiện trên truyền hình hàng ngày có nói thật không? Họ cũng đóng kịch và nói láo (phần lớn) cả thôi. Vậy thì trước khi cầm viên đá ném vào Thùy Dương, những người đó nên nhìn lại mình. Vấn đề không phải là đóng kịch hay không đóng kịch, mà mục đích của kịch bản là gì.

Câu chuyện Lượm làm tôi nhớ đến chuyện trong khoa học, tuy không có cùng tình tiết, nhưng nói lên qui trình làm việc thiếu chuyên nghiệp tính của VTV1. Chuyện cũ kể rằng giáo sư vật lí Alan Sokal chơi xỏ giới hậu hiện đại bằng cách viết một bài báo “rất kêu”, dùng toàn những ngôn từ đao to búa lớn và trừu tượng nhưng chẳng có ý nghĩa gì. Bài báo được một tập san hậu hiện đại đánh giá cao và cho công bố. Sau đó, Giáo sư Sokal viết một bài khác cho rằng bài ông viết trên tập san hoàn toàn vô nghĩa, vì chính ông cố ý sáng chế ra những từ ngữ đó một cách vô nghĩa để làm như ta đây là trí thức hậu hiện đại! Một xì căng đan lớn làm bẽ mặt ban biên tập của tập san. Ở đây, Thùy Dương không có ý chơi xỏ ai (tôi tin như thế), nhưng qua vụ việc, chúng ta thấy rõ ràng rằng VTV1 chằng khác gì một vị “hoàng đế cởi truồng”*!

Tôi nghĩ cả Thùy Dương và ban biên tập Người xây tổ ấm chỉ là nạn nhân của một kịch bản quá vội vã, một nạn nhân của cách tác nghiệp không theo nguyên lí truyền thông thực chứng. Sự việc này (và nhiều sự việc trước đây) đặt ra một nhu cầu cấp bách cho truyền thông thực chứng.

http://nguyenvantuan.net/news/6-news/1218-luom-va-bai-hoc-truyen-thong-thuc-chung

=====

*Từ truyện cổ Andersen

Dưới đây là truyện dự thi của Thùy Dương (kí tên Bé Lượm):

http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/moitinhdau/469723/index.html

Tình đầu bất hạnh của cô bé bụi đời
17/11/2010 07:55 (GMT +7)

Tôi là một cô bé mồ côi cả cha lẫn mẹ. Không nhà, không bà con thân thích họ hàng. Không có gì cả ngay cả một cái tên đầy dủ. Chỉ là “Lượm”. Bà đặt tên tôi như thế vì bà bảo ”Bà đã lượm con ở ghế đá công viên đối diện trường Quốc học”. Từ đó tôi đã ở với bà bằng nghề hành khất, nói hai từ hành khất cho hoa mĩ, chứ thật ra đó là một nghề “ăn xin”. Thế mà tôi rất tự hào và sống với bà, chính bà đã cứu sống và nuôi tôi đế khi lớn lên.

Hằng ngày hai bà cháu lang thang từ đầu đường xó chợ để ngả nón mong nhận được vài đồng tiền lẻ và những bữa cơm thừa của những tấm lòng hảo tâm. Tối đến khi thì ngủ ở công viên, nhà ga và các chợ.. Cuộc sống tuy cực khổ và đói rét nhưng thật bình lặng cứ thế trôi đi…

Ảnh minh họa

Một đêm, đó là cái đêm kinh hoàng và nỗi đau đầu tiên đã đến với cuộc đời tôi. Huế năm đó bị lụt rất lớn, hai bà cháu chẳng có một nơi nào để trụ ngụ, đành vào ở tạm trong một ngôi trường. Đêm đó nước dâng lao lắm, tôi và bà bị kẹt ở đó hai ngày, không có gì ăn và vì trời quá lạnh, sức khỏe của bà đã già nên không chịu nổi dần dần bà yếu đi. Tôi nhớ mãi lời nói của bà lúc đó ”Con hãy nhớ giữ mình trong sạch, đói cho sạch, rách cho thơm nghe con”. Tôi gật đầu lia lịa và nức nở “Bà ơi, bà đừng bỏ con, con chỉ có một mình bà trên cõi đời này thôi, bà bỏ con con biết sống làm sao, sẽ ở với ai, sẽ làm gì…?”.

Nhưng mặc cho những lời năn nỉ, van xin bà vẫn xa lìa tôi. Nhìn bà chết dần trong tay tôi mà không thể làm được gì, tôi đau đớn, gào thét lên giữ dội để cầu mong ai đó nghe thấy. Nhưng vô ích, xung quanh tôi chỉ toàn là nước mênh mông và tiếng mưa xé nát cả đất trời. Mắt bà khép lại, thân hình mễm nhũn, tôi không thể khóc thành tiếng nữa, một nỗi đau đến quá bất ngờ và tột độ, tôi ôm thi thể lạnh lẽo của bà vào lòng để sưởi ấm và cầu mong trời mau sáng để nhờ bà con chôn cất bà cho tử tế.

Từ đó tôi đã lầm lũi một mình, tôi đã từ giã nghề ăn xin vì lúc đó tôi đã 15 tuổi. Tôi đi bán vé số, bán báo dạo, lượm ve chai…Cuộc sống kéo dài như thế cho đến năm tôi 18 tuổi, tôi cũng có một vóc dáng như bao cô gái 17,18 tuổi khác. Cuộc sống bắt đầu kéo tôi vào những nghề nhơ bẩn và xấu xa, nhưng nhớ đến những điều bà trăn trối tôi thà chịu đói, chịu bị tụi bụi đời đánh vẫn không làm gì có lỗi với bản thân, với bà.

Thế là đêm đó đã khuya lắm rồi, tụi nó không tha cho tôi, một đám thanh niên đến tìm tôi, tôi sợ hãi và bỏ chạy ra khỏi công viên thì thấy một chiếc xe máy đi ngang qua, tôi đón đầu chiếc xe máy lại và cầu cứu. Chính người đó đã giải cứu tôi thoát ra khỏi đám du côn đê tiện đó, tôi thành thật kể với anh rằng ”tôi là một con bé mồ côi, là bụi đời”. ”Thế em ở đâu”,anh hỏi. Tôi bảo ”nhà em là công viên, là vỉa hè là bến tàu xe lửa...”.

Anh nhìn tôi từ đầu đến chân “Thân em con gái dặn trường, anh e rằng sẽ không ổn nếu em cứ tiếp tục sống như thế”. Nước mắt tôi ứa ra ”Em không còn con đường nào để đi đâu”. Anh trả lời ”Nếu em tin anh thì đi theo anh, anh sẽ tìm giúp cho em một chỗ ở tử tế, đàng hoàng”. Linh tính trong tôi mách bảo anh là người tốt, tôi gật đầu đi theo anh.

Anh dẫn tôi đến một khu tập thể ở đường Đống Đa, căn phòng cũng cũ kỹ và nứt nẻ lắm rồi, nhưng với tôi đó là cả một thiên đường. Anh bảo ”đó là căn phòng bạn anh thuê nhưng đã chuyển đi nơi khác rồi, từ nay em cứ ở đây”. Thế là đêm đó, tôi đã ngủ một giấc ngủ thật ngon trong một căn phòng đàng hoàng.

Tiếp theo những ngày sau đó, anh giúp đỡ tôi rất nhiều, anh giúp tôi xin vào làm công nhân trong một xưởng may, mua cho tôi chiếc xe đạp, giúp tôi tập viết, tập đọc chữ… Từ khi có anh cuộc sống của tôi thay đổi hoàn toàn, đó là những giấc mơ mà tôi đã từng ngủ và ước ao được có, anh là vị cứu tinh đã mang đến giấc mơ đó cho tôi, tôi cám ơn và mang ơn anh suôt đời.

Anh bên tôi 4 năm, dạy bảo biết bao điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tôi nhớ có một ngày khi đi làm về anh đã đón tôi trước cổng công ty và đưa cho tôi một cài bì ni lông và bảo ”Em về thay cái áo này rồi chờ anh đến chở đi chơi”. Tôi gật đầu và làm theo anh như một cái máy. Đó là chiếc váy màu vàng nhạt rất đẹp, tôi mặc vào và hồi hộp ngồi chờ anh, cái cảm giác thật khó tả, nó không giống như những lần chơ anh trước đó.

Rồi tiếng gõ cửa, tôi biết là anh đến, một cảm giác thật khó tả, tôi run người và chậm chạp mở cửa cho anh. Anh nhìn tôi từ đầu đến chân như cái lần đầu tiên anh nhìn tôi và bảo, ”mẹ em chắc là một người phụ nữ đẹp và quý phái”. Rồi anh đưa cho tôi bó hoa, đó là bông hoa lần đầu tiên tôi được tặng.

Anh nói ”Em có biết hôm nay là ngày gì không?”. Tôi lắc đầu, anh cốc lên đầu tôi và bảo ”Là ngày Valentine đó”, tôi ngơ ngác ”Ngày Valentine là ngày gì?”, “Là ngày lễ tình nhân”, tôi lại thắc mắc ”Lễ tình nhân là ngày gì?”. Anh cười và ấn tôi ngồi đối diện với anh, ánh mắt anh trìu mến và giọng nói ấm áp lạ thường ”Là ngày giành cho những đôi nam nữ yêu nhau, họ tặng quà là những thanh kẹo sôcla”. Tôi mơ hồ hiểu ra và một cảm giác kỳ lạ xâm chiếm làm tim tôi rung động, xao xuyến…Sau cái ngày đó, tôi và anh dường như khác hơn, dè dặt, nghiêm túc và ít nói hơn, có lẽ anh cũng thế.

Đêm hạnh phúc hay định mệnh… Tôi nói như thế, bởi không biết đó là cái đêm anh đem đến cho tôi hạnh phúc đầu tiên trong đời hay là cái đêm để lại kết quả nghiệt ngã sau này dẫn tôi đến con đường nhơ bẩn, cùng cực nhất. Cũng như bao chiều trước đó, đi làm về anh đến chơi với tôi, nhưng lần này anh không vui đùa như trước nữa mà nghiêm túc dặn dò tôi đủ thứ.

Tôi cảm động và nước mắt rơi không biết tự lúc nào, anh ghì chặt tôi vào lòng và vỗ về ”Anh sắp phải đi xa rồi, bé ơi!,anh phải đi Mỹ đoàn tụ với gia đình, dòng đời còn nhiều chông gai em nhớ phải sống tốt nha…”. Tôi lặng người đi và bất động, nức nở trong vòng tay anh: “Sao lại như thế, em lại bơ vơ một mình giữa dòng đời này sao anh?”. Anh hôn lên trán, lên những giọt nước mắt và an ủi ”anh sẽ về thăm em, nhất định thế, hãy ở đây chờ anh”.

Giữa chúng tôi lúc đó không còn giữ khoảng cách nữa, tôi ở gọn trong tay anh như thể chúng tôi đang thu giữ, đang níu kéo tất cả một cách nâng niu, trân trọng, chúng tôi đã vượt qua ranh giới mà suốt gần 5 năm qua anh và tôi gìn giữ. Tôi không hề nuối tiếc, bởi với những gì anh làm cho tôi vẫn không đủ để đáp đền, và tôi tin anh, tin anh yêu thương tôi thật lòng.

Một tháng sau rồi anh đi, trước khi đi anh đã dạy tôi đánh máy tính, tạo cho tôi cái nick chat để tiện liên lạc với anh, tôi yên tâm và nhủ lòng chờ anh. Nhưng rồi một tháng…hai tháng…ba tháng, hàng ngày tôi lên mạng chờ tin của anh nhưng vẫn im bặt, tôi lo sợ có điều gì bất trắc xảy ra với anh, chứ không hề trách và nghi ngờ anh, bởi anh tốt với tôi thế mà.

Tôi phát hiện trong người mình khang khác, tôi đi khám thì bác sĩ bảo tôi đã có thai 4 tháng. Một cái tin như xét đánh ngang tai, sao lại trớ trêu như thế. Mọi người khuyên tôi nên bỏ cái thai đó, chứ một mình nuôi con sao nổi. Nhưng hơn ai hết, tôi hiểu được cảm giác bị bỏ rơi là như thế nào, tôi từng là một đứa trẻ bị bỏ rơi, may mà nhờ có bà, bà là người dưng mà còn thương xót, chịu khổ cực nuôi tôi khôn lớn, thì làm sao tôi có thể vứt bỏ đi đứa con ruột của mình, đứa con kết tinh từ tình yêu đầu đời của tôi và anh. Tôi quyết định giữ lại đứa bé và chờ một ngày anh trở lại.

Rồi cũng đến ngày tôi sinh được một đứa bé trai kháu khỉnh, tôi vui mừng và hạnh phúc vô cùng. Thay vì sinh xong người ta ở cữ, còn tôi chỉ mới một tuần tôi phải đi bán báo và vé số, vì như thế tôi mới chăm con được. Hạnh phúc chưa được bao lâu… Cuộc sống lại đến với tôi những cú tát khắc nghiệt buồn rầu, “con tôi bị bệnh tim bẩm sinh”. Lại một nỗi đau nữa cộng thêm vào đời tôi, nước mắt tôi không còn đủ để rơi nữa, tôi nhớ lại lời anh từng nói ”Nếu có quá nhiều nỗi đau nó sẽ tự dựa dẫm nhau mà biết cách vượt qua”, tôi cố gắng kìm nén nỗi đau và lao vào kiếm tiền để chữa bệnh cho con.

Nhờ có sự giúp đỡ của những nhà từ thiện con tôi được miễn phí tiền mổ. Tôi bữa đói, bữa no, số tiền giành giụm ra đi vì tiền thuốc ngoài và tiền truyền máu, tôi đã phải bán máu 2 lần, sức cùng kiệt tận, nhưng không thể bỏ con tôi trong lúc đang nằm viện mà đi làm được, đành chờ về đêm, khi con tôi ngủ say tôi mới đi làm. Nhưng công việc nào sẽ thuận tiện cho tôi trong thời gian ít ỏi để vừa chăm con, vừa có tiền, câu hỏi cứ lập đi lập lại dằn vặt trong tôi.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Chỉ còn một con đường để tôi lựa chọn, đó là làm cave, làm gái đứng đường…, chỉ có thế chứ không còn sự lựa chọn nào hoàn hảo hơn. Xin xã hội đừng chê trách và đay nghiến tôi, tôi biết đó là đồng tiên nhơ bẩn mà tôi đã từng nhủ không bao giờ tôi bước chân vào cái nghề đó, nhưng bây giờ đó là đồng tiền giành lấy sự sống cho con tôi.

Khi tôi viết những dòng tâm sự này. Là con trai tôi 4 ngày nữa bước vào ca mổ, tôi không có ý viết để dự thi và đạt giải mà mong mọi người trên khắp mọi nơi cầu nguyện cho con tôi thoát khỏi bàn tay của tử thần, bởi nó là nguồn sống, là động lực để tôi bước tiếp. Điều thứ 2 tôi cầu mong là biết đâu nơi nào đó anh ấy đọc được những dòng chữ này để anh về với con tôi.

Tôi không mong anh đón nhận tôi nữa bởi thân tôi đã nhơ bẩn không còn xứng đáng với anh, tôi chỉ mong con tôi có một người cha như bao đứa trẻ khác. Điều thứ 3, tôi ước tìm lại ba mẹ mình, biết đâu có một phép màu giúp mẹ tôi đọc được dòng chữ này. ”Mẹ ơi! Mẹ ở đâu, nếu mẹ nhận ra con hãy trở về bên con, con cần mẹ, con luôn khao khát được điều đó,con có một vết chàm ở bên cổ trái, một sợi dây chuyền có cái tượng hình ngôi sao mà khi bỏ con mẹ đã đeo cho con, mà con vẫn mãi mang theo bên mình…”.

Bé Lượm

Bạn đọc có thể theo dõi đoạn clip về Chương trình Người xây tổ ấm: Câu chuyện về Lượm ở đây

*

http://nguyenvantuan.net/news/6-news/1218-luom-va-bai-hoc-truyen-thong-thuc-chung

0 comments:

Powered By Blogger