Paulus Lê Sơn – Tuy thân xác ông Trịnh Xuân Tùng đã nằm yên nơi nấm mộ nhưng còn đó nguyên cả một nỗi đau, oan khiên và uất hận cho gia đình, anh em họ hàng, bạn bè bằng hữu và cho cả xã hội Việt Nam. Cái chết quá bất ngờ, đường đột của ông Tùng là sản phẩm man rợ của đảng viên trung tá công an Nguyễn Văn Ninh gây ra, một cái chết tiếp nối nhiều cái chết khác bởi công an. Đến khi nào mới chấm dứt tình trạng công an giết dân đây?
Viếng xác kẻ chết cùng thăm kẻ tù rạc, cầu cho kẻ sống và kẻ chết là lời phúc thật của người Công giáo. Sau khi ông Tùng được chôn cất về nơi an nghỉ cuối cùng, chúng tôi tiếp tục đến với gia đình để chung chia sẻ nỗi đau mà người sống đang gánh chịu và cầu nguyện cho kẻ đã chết. Một buổi tối và những lời uất nghẹn.
Đến với gia đình, một nén nhang với tấm lòng thành cho linh hồn ông Tùng, lời cầu kinh của những người công giáo cho một người không phải công giáo, dù bất cứ ai, bất cứ là ở đâu, tin vào thần linh nào nhưng đối với người Công giáo thì tất cả đều là con của Thượng Đế, của Trời, của Thiên Chúa. Nhìn lên di ảnh của ông nơi ban thờ hương khói nghi ngút, chúng tôi không khỏi xót xa, rơi lệ, nhìn ông Tùng còn trẻ lắm, còn sung sức lắm, ấy vậy mà giờ đây ông đã phải nằm yên nơi nấm mồ. Ông chết không nguyên bởi cái chết tự nhiên mà là ông chết bởi bàn tay thủ ác của đảng viên trung tá công an Nguyễn Văn Ninh.
Không thể cầm lòng trước sự vật vã của bà cụ 90 tuổi thương khóc đứa con trai mình. Thân mẫu của ông Tùng như muốn gào lên thảm thiết hơn khi thấy chúng tôi đến với Linh hồn ông Tùng, đến với bà cụ, đến với gia đình và những đứa con còn thơ dại của ông Tùng. Bà cụ…bà cụ…khóc nức nở gọi tên con, trong hư vô, trong tuyệt vọng, “con ơi, Tùng ơi, sao bỏ mẹ mà đi, oan nghiệt quá con ơi”. Bà cụ trông mỗi ngày hốc hác hơn.
Cố cầm lòng chúng tôi vấn an bà cụ, sức của cụ cũng kiệt dần, không còn sức để khóc thương con nữa, bà cụ được đưa đi ngủ. Chúng tôi được cô Trịnh Kim Tiến là con gái của ông Tùng tiếp chuyện, cùng với những thân nhân trong gia đình ông Tùng. Tiến cho chúng tôi xem bộ ảnh của đám tang ông Tùng và kỷ niệm một DVD về những giây phút cuối cùng của bố em trên cõi đời. Qua những câu chuyện chúng tôi được biết thêm về diễn biến của đám tang cũng như các sự liên hệ khác chung quanh sự kiện ông Tùng bị đảng viên công an Nguyễn Văn Ninh đánh cho tới chết, chết một cách không toàn thây, oan khiên.
Được biết, kết quả bên pháp y cho hay, theo ngôn ngữ chuyên môn của pháp y, ông Tùng chết là do ngoại lực tác động, không có kết quả nồng độ cồn trong máu.
Nói chuyện về đầu nguồn câu chuyện dẫn đến cái chết của ông Tùng do công an Ninh gây ra mới thấy rằng ông Tùng là một người rất hào hiệp, hiểu biết pháp luật và đầy tình thương, tính nhân văn. Công an Ninh đòi bắt phạt lỗi ông Hùng là tài xế xe ôm, ông Tùng thấy rằng không có lỗi gì nên đứng ra để phản biện, viên công an vẫn cố tình đòi tiền, ông Tùng chấp nhận đưa 100 nghìn đồng thay cho anh Hùng, nhưng công an Ninh vẫn không chịu và đòi thêm 50 nghìn nữa, thấy đó là một sự lỗ nghịch của công an, ông Tùng không chấp nhận và kết quả là ông bị đánh đến chết.
Cũng có nhiều thông tin tại Hà Nội mấy ngày này được dư luận bàn tán xôn xao, đó là việc gia đình nạn nhân được bồi thường với khoản tiền rất lớn, khoảng 1 tỉ đồng, 800 triệu là tiền bồi thường, còn 200 triệu là tiền tôt chứng đám tang ?. Chúng tôi xác minh thông tin này tại gia đình thì được khẳng định là không có. Và gia đình cho rằng đây có thể là một chiêu bài tinh vi của một ai đó tung ra dư luận để nhằm đánh lừa, pha loãng và gây nhiều ghi ngờ, phản cảm cho gia đình.
Cô Kim Tiến cho hay từ khi xảy ra vụ việc đã có rất nhiều cơ quan chính quyền đến nói chuyện, vận động gia đình hòa giải, bãi nại nhưng cô cương quyết sẽ đòi lại công lý cho bố đến cùng. Không có chuyện bãi nại, hòa giải hay bồi thường gì hết. Chuyện bồi thường có hay không là phải tòa án phán quyết hành vi đánh người đến chết của công an Ninh đối với bố cô. Cô còn muốn Pháp luật truy cứu và đòi hỏi những người liên quan như các dân phòng cùng tham gia đánh chết bố cô. Hiện tại mới chỉ có đảng viên công an Ninh bị truy tố, còn những người khác không hề hấn gì cả.
Đám tang của ông Tùng được ví như một đám tang của một tướng lĩnh công an. Nhưng công an đến để làm gì? Trong đám tang của ông Tùng, công an thường phục, sắc phục đủ mầu mè len lỏi khắp nơi, từ người của ban tổ chức, đến người khâm liệm thi hài, người lái xe tang, người chỉ đạo giật xé những dòng chữ trên các vòng hoa, v.v… Gia đình cho chúng tôi biết, trong đám tang thậm chí có những người lạ mặt không phải là thân nhân trong gia đình nhưng vẫn đeo khăn trắng trên đầu, lên lỏi khắp nơi để nghe ngóng thông tin và phân hóa đám đông. Người lái xe tang đều là của công an, họ đi với vận tốc khá nhanh trên quãng đường đưa ông Tùng về nơi an nghỉ cuối cùng. Tất cả các vòng hoa của các phái đoàn như dân oan Vũng Tàu, Giáo dân Hà Nội đều bị giựt bỏ các dòng chữ.
Một chi tiết khá đặc biệt mà gia đình cảm nhận rất kỳ quặt và quái gở của “một số người”. Đó là việc họ dò hỏi xem trong gia đình của ông Tùng có người thân nào có đạo không. Các người này xúi giục gia đình nên đuổi những Giáo dân Hà Nội ra khỏi đám tang. Nhưng gia đình đã phản ứng, thứ nhất là họ đến để chia sẻ với gia đình trong lúc tang gia, nhất là một đám tang đặc biệt này, thứ hai là gia đình không có quyền đuổi bất cứ một ai đến tham dự đám tang trừ phi có những kẻ cố tình làm điều bất chính, thứ ba họ là những công dân Việt Nam, là nhân dân thủ đô Hà Nội, là anh em bằng hữu thì tại sao lại xúi chúng tôi đuổi họ đi ?.
Kim Tiến cũng cho hay có một người anh em họ suýt chút nữa bị tai nạn trong lúc đi đưa tang ông Tùng. Có lẽ chính vì những cản trở giao thông của một số xe của công an mà nhiều người đã ghi lại khiến cho người tham gia đưa tang ông Tùng gặp nhiều nguy hiểm.
Cũng trong câu chuyện đòi lại công lý với một quyết tâm rất lớn của gia đình. Kim Tiến luôn hi vọng vào sự “nghiêm minh của pháp luật”. Cô cho rằng bằng chứng và nhân chứng đã rõ ràng cụ thể như ban ngày. Việc đảng viên công an Ninh và đồng phạm không thể chối tội, hoặc không có thể bao che được nữa hay là chạy tội. Nếu mà vụ án này công an Ninh và đồng phạm không bị xử nghiêm minh thì hỏi là pháp luật tại Việt Nam là loại pháp luật gì ? cô cũng cho rằng sẽ không có chuyện ông Ninh chỉ bị xử nhẹ hay là giống như công an Nguyễn Thế Nghiệp, Bắc Giang giết người chỉ bị 7 năm tù thôi. Cô còn tin tưởng vào pháp luật lắm, dù là ai đi chăng nữa thì cũng phải bị Pháp luật phân xử công minh.
Cô cũng tin rằng khi ra tòa các nhân chứng sẽ nói đúng lương tâm của mình khi chứng kiến những cảnh man rợ côn đồ của đảng viên công an Nguyễn Văn Ninh và đồng phạm ra tay giết bố cô. Cô nhắc đến ông Hùng, xe ôm là người đi cùng và cũng là nạn nhân như đã trả lời phỏng vấn trên mấy trang mạng về diễn biến sự việc mà ông chứng kiến. Mặc dù vậy, nhưng thời gian gần đây theo cô Kim Tiến được biết thì ông Hùng khá tinh thần khá hoảng loạn và hay được nói chuyện với công an. Kim Tiến cho biết, ông Hùng cho rằng nếu bây giờ mà ông Hùng có chuyện gì chắc dư luận quá biết là ai gây ra cho ông.
Liệu khi ra tòa các nhân chứng có nói khác đi những gì mà mình đã chứng kiến ?, có thể họ dám can đảm nói lên sự thật, nhưng có thể họ đã bị đe dọa ?. Hi vọng, ánh sáng vẫn nhiều hơn bóng tối và khỏa lấp đi những điểm đen tăm tối. Hi vọng, Linh hồn ông Tùng sẽ thiêng liêng sáng láng để đòi hỏi công lý cho chính mình, cho gia đình, cho xã hội sẽ được thực thi.
Có thể Linh hồn ông Tùng rất thanh thản trước hành động báo hiếu của con gái mình bằng việc quyết tâm đòi lại công lý cho ông.
Trịnh Kim Tiến! hãy mạnh mẽ, vững vàng. Niềm tin, sự thật chân lý và công bằng là vũ khí sắc bén bên em trên con đường của em, của gia đình trong những ngày này. Em chính là người mà Thượng Đế đã chọn lựa, bố mẹ em đã đón nhận, xã hội đang chờ đợi em. Em có thể trả lại sự thật, công lý về đúng với phẩm trật xã hội vốn có, xây dựng một xã hội nhân văn hơn, góp sức xóa bỏ bất công, đau khổ trên đất nước dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta hay không ?. Hãy hướng về mọi người yêu sự tự do và sự thật vì mọi người đang hướng về bố em, gia đình em, và chính em.
Hà Nội 27/3/2011
Paulus Lê Sơn
0 comments:
Post a Comment