Đặng Mỹ Dung - Yung Krall
Tôi chào đời trong khói lửa chiến tranh, anh chị em tôi lớn lên trong
cái nôi của cách mạng. Những bàn tay kháng chiến đã ru ngủ, bao bọc
chúng tôi cho đến lúc chúng tôi thành người.
Cha tôi là một nhà cách mạng, một người đàn ông lý tưởng, thơ mộng,
yêu quê hương, yêu gia đình. Từ một thanh niên chống Pháp dành tự do độc
lập cho nước nhà, ông trở thành một đảng viên cao cấp của đảng Cộng Sản
Việt Nam, và giữ chức Đại Sứ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tại Liên
Xô 7 năm ròng rã cho đến ngày miền Bắc thôn tính miền Nam.
Mẹ tôi là một người can đảm, chung thủy với gia đình và đất nước. Bà
yêu chuộng tự do, tôn thờ đạo làm người, như hàng triệu đàn bà Việt Nam
thuần túy khác. Má tôi vừa làm mẹ vừa làm cha, nuôi một đàn con thơ
trong suốt khoảng thời gian chiến tranh, từ trong bưng biền cho đến
những năm khó khăn chốn thị thành.
Năm 1954 ba tôi quyết định tập kết ra Bắc. Tình nước đã nồng mà tình nhà
cũng đậm nên ba tôi muốn đem cả vợ và 7 con ra Bắc. Năm đó má tôi 37
tuổi đời, không có một tuổi đảng nào, không một chức tước gì trong chánh
phủ cách mạng. Nhưng má tôi đã hiểu rộng, đã biết nhìn xa mà lo sợ và
chán ngán cuộc sống trong chế độ mà ba tôi đang thờ phượng. Má tôi can
đảm từ chối lời mời của đảng và của chồng. Bà nói nhỏ với ba tôi:
- “Con tôi còn nhỏ quá để tôi nuôi. Nếu để Bác Hồ của anh nuôi chúng nó sẽ hư hết.”
Ba tôi muốn chồng đâu vợ đó, muốn cho chúng tôi được đi học ở ngoài
Bắc rồi có thể được du học bên Tàu bên Nga. Nghe nói vậy, má tôi còn sợ
hơn nữa. Thế là ba tôi đành đi tập kết một mình và dắt người anh lớn của
tôi theo và hứa sau hai năm sẽ trở về với gia đình sau cuộc tổng tuyển
cử mà ông tin là cộng sản chắc chắn sẽ thắng.
Cuộc chia ly nào cũng đau buồn, cũng mất mát. Kể từ ngày ba tôi ra đi
má tôi mất đi cái diễm phúc được làm vợ của một nhà cách mạng, của một
người đàn ông đẹp trai, lãng mạn, yêu vợ thương con. Nhưng bù lại má tôi
được tự do chọn lựa. Kết quả của sự lựa chọn đó là chúng tôi được sống ở
miền Nam, được hít thở không khí tự do và hiểu được thế nào là dân chủ.
Ba tôi đi rồi má tôi rời khỏi bưng biền, trở về làng sống với cha mẹ.
Lúc đó tôi mới có 9 tuổi, hai người chị lớn 16, em trai kế tôi 6 tuổi, em gái 3 tuổi và đứa em út vừa được 6 tháng.
Má tôi gặp biết bao khó khăn trong đời sống cô đơn ở một hoàn cảnh
nhiều thử thách. Nào là một đàn con nhớ cha cứ hỏi “Chừng nào ba về?”,
nào là bị công an miền Nam theo dõi, điều tra về ông chồng tập kết của
bà.
Trong khi đó bọn Việt Cộng nằm vùng cũng thường gõ cửa sau kêu gọi
đóng góp cho cách mạng. Là một người đàn bà có bản tánh thẳng thắn, dứt
khoát, má tôi một mực trả lời với công an quốc gia rằng:
- “Tôi lo may vá nuôi đám con nít phá gạo còn không nổi làm sao có thì giờ đi kiếm chồng tôi được.”
Khi phải giáp mặt với bọn Việt Cộng nằm vùng, má tôi thành thật nói:
- “Ba của sắp nhớ để lại sáu đứa con chỉ dặn mẹ con tôi chờ hai năm ổng
về. Vì con còn nhỏ quá nên ổng không dặn tôi phải tham gia tổ chức nào,
chỉ mong cho tôi mạnh giỏi nuôi con ăn học tới nơi tới chốn.”
Lúc 10 hay 11 tuổi, tôi khám phá ra là tôi yêu thương cái làng của
ông bà tôi ở. Thương con sông nhỏ, thương mảnh vườn cam, vườn quít,
thương hàng dừa, thương ruộng lúa từ mùa khô cho đến mùa nước lũ. Tôi
cũng biết tình yêu đó sở dĩ mà có là nhờ được làm con của một người yêu
nước và làm cháu của một gia đình nông dân chất phác. Bà ngoại tôi
thương từ hột lúa giống, tới trái cam, cây quít trong vườn. Tôi nhớ lại
những năm mà cách mạng lấy nhà, lấy đất của chủ điền cho những người đi
theo cách mạng và gia đình họ trú ngụ, chủ điền bị đuổi ra khỏi nhà tạm
thời. Tôi so sánh giữa đời sống trong vùng được gọi là giải phóng dưới
chế độ của Hồ Chí Minh và đời sống của ông bà tôi ở một nơi mà cộng sản
chưa tới được, tôi bỗng rùng mình vì không ngờ các cán bộ cách mạng lại
hà hiếp người dân như vậy!
Tôi may mắn được lớn lên trong một đại gia đình mà vận nhà, vận nước
gắn liền với đời sống của chúng tôi. Bà con họ hàng xa gần, phần đông là
nông dân, thường đến nhà ông bà tôi để bàn luận về việc nước, chuyện
thời sự, chuyện phân chia Bắc Nam. Người thì sợ lính của ông Hồ kẻ thì
nghe ông ngoại tôi đọc nhựt trình rồi bàn chuyện nước non. Đặc biệt là
dòng họ tôi không ai có ý nghĩ chánh phủ nào cũng vậy. Họ là những người
thấu hiểu thời sự nhờ giao thiệp, gần gũi với ông ngoại tôi, với các
cậu của tôi và với ba tôi.
Ai tin tưởng ở ông ngoại tôi thì chống cộng, ai ngưỡng mộ ba tôi và
các cậu tôi thì một mực tin cộng sản dưới lốt Việt Minh là những người
chống xăm lăng cứu nước.
Tôi nhớ năm 1955 hay 1956 gì đó, dân trong làng họp nhau ở nhà ông bà
tôi chờ sao chổi mọc lên. Có người muốn cán chổi xoay về hướng Bắc để
lính ông Hồ quét sạch miền Nam, Nhưng cũng có người lại mong cán chổi
xoay về hướng Nam để đập tan Bắc Kỳ Hà Nội. Tôi không muốn ba tôi chết
nếu người ta đập tan Bắc Kỳ Hà Nội, chỉ muốn ông bỏ đảng về với gia đình
thôi.
Không có cha, tôi quấn quýt bên ông ngoại. Có lần tôi hỏi ông sao ba
tôi đi ra Bắc mà bè bạn đồng chí của ba không còn ai giúp đỡ chúng tôi
như trước nữa? Ông ngoại tôi nói họ cũng đã đi hết với ba tôi rồi. Có
hơn 180,000 người tập kết ra Bắc. Mấy ngày sau tôi hỏi ông là má không
theo ba tập kết ra Bắc thì má có sai không? Ông tôi khuyên: “Ráng siêng
học lẹ lên để đọc nhựt trình mà biết thêm tin tức với người ta. Ngoài
Bắc có 7, 8 trăm ngàn người di cư vô Nam. Họ sợ cộng sản quá họ mới phải
bỏ làng bỏ xóm ra đi thì má con ngu dại gì mà đi nạp mình cho thằng già
Hồ?”
Ông tôi rất trọng việc học nên đã kèm cho một đàn cháu 15 đứa đi học.
Ông khuyên chúng tôi phải chăm học và ngoan ngoãn để má tôi an tâm và
sau này có thể giúp đỡ má. Ông tôi chỉ cấm chúng tôi có một điều là
không được theo Việt Cộng. Chỉ có bọn tôi, con của má tôi, là không một
ai theo Việt Cộng. Nhưng năm người chị, con của cậu tôi, đều nối gót cha
chống Mỹ cứu nước.
Tôi sống trong một giai đoạn của lịch sử Việt Nam mà ngày hay đêm
không phân biệt được, phải hay trái, trắng hay đen đều mịt mù, không rõ
ràng đối với tôi. Nhưng điều dễ nhận thấy nhứt trước mắt tôi là những
cán bộ Việt Cộng nằm vùng đã có những hành động bạo ngược. Dù còn nhỏ
tôi cũng hiểu rằng cái gì bạo ngược là phi nghĩa, là trái lòng dân, là
ghịch ý trời.
Từ năm 1954 cho đến 1975, má tôi một lòng chung thủy chờ chồng dù
suốt thời gian đó má tôi không nhận được một lá thơ, một lời nhắn hay
một bức hình nào của ba tôi. Nhưng bà vẫn tin là ông còn sống. Chúng tôi
cũng muốn tin ba mình còn sống.
Tháng Tư năm 1975, chồng tôi về Việt Nam để tìm cách rước má tôi, mặc
dầu lúc đó sĩ quan Mỹ không được vô Sài Gòn nếu không có sự vụ lịnh.
Nhưng chồng tôi nói thà bị ra tòa án quân sự Mỹ còn hơn là để má và các
em tôi ra tòa án nhân dân của cộng sản.
28 tháng Tư năm 1975 má tôi và hai đứa em rời Sài Gòn. Trong một buổi
sáng mặt trời chưa lên má tôi mất nước, mất dịp được gặp lại đứa con
trai lớn theo cha đi tập kết. Bà không được đem theo hành lý, chỉ có 1
cái valise nhỏ, trong đó má tôi gói ghém hết những kỷ niệm của đứa con
trai tử nạn vì máy bay trực thăng.
Má tôi bỏ đi là một hình thức của cái thau nước tạt vào mặt đồng chí
của ba tôi. Nhưng ba tôi kiên nhẫn, thông cảm và ước mong má tôi quay
trở về Việt Nam với ông. Ba tôi yêu cầu vợ chồng tôi đưa má tôi qua Pháp
để ông rước má tôi về Việt Nam sống với ông và anh cả của tôi. Lúc đó
tôi không biết có một phép lạ nào đã giúp tôi lo được giấy tờ đưa má tôi
qua Pháp gặp ba tôi. Thời thế tạo anh hùng chớ tôi không biết hóa phép.
Chị em tôi không muốn má về Việt Nam mà chỉ muốn ba má được sống bên
nhau trong những năm còn lại của hai người. Nhưng chúng tôi cùng đồng ý
rằng để má tự quyết định. 21 năm về trước má đã tự quyết định cho đời má
và quyết định cho chị em chúng tôi. Lúc đó má tôi mới có 37 tuổi. Tất
cả trong tay má, tất cả trong tim má và bài học lịch sử của đất nước má
đã thuộc lòng.
Phút giây tái ngộ của hai vợ chồng được kiểm soát bằng cặp mắt của
tình báo cộng sản. Tôi muốn họ đi chỗ khác để ba má tôi tự do nói chuyện
nhưng họ nói họ có bổn phận phải giữ an ninh cho hai ông bà. Sau hơn
một tuần gặp nhau, tiếng khóc xen tiếng cười của cha mẹ tôi làm cho tôi
tưởng tôi đang sống trong mơ hay lạc vào một thế giới thần tiên nào đó.
Từ thơ mộng đến ác mộng chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Khi má
tôi đã sẵn sàng theo ba tôi về Việt Nam, bà bỗng nửa đùa nửa thật hỏi:
- “Tôi về Sài Gòn mấy thằng cán ngố sẽ làm gì tôi, anh biết không?”
Ba tôi chau mày nói:
- “Sao em dùng những danh từ chữ không đẹp đẽ gì hết vậy?”
Má tôi liền đáp:
- “Trong Nam của tôi chỉ có những chữ đó để kêu họ thôi, tôi đâu biết tiếng gì khác hơn.”
Suy nghĩ một lát ba tôi nhìn về phía thật xa rồi nói:
- “Em về thì mấy anh sẽ mời em lên nói chuyện… Chắc là em sẽ phải đi học tập ít ngày.”
Má tôi tỏ ý không bằng lòng nhìn thẳng vào mắt ba tôi, rồi hỏi:
- “Tôi khôn hơn mấy thằng cán ngố của anh, lại không làm gì ác độc như
anh Ba Duẫn của anh, thương nước thương nòi hơn cậu Hồ của anh, thì ai
mà dạy tôi học với tập được? Mà tôi đâu có tội gì với Đảng với Bác của
anh?”
Ba tôi bụm miệng má tôi lại vì hai người đang ở trong villa của cộng
sản, nơi mà Nguyễn thị Bình và Lê Đức Thọ đã từng ở trong thời gian hội
nghị Ba Lê. Rồi ba tôi hạ giọng nói nhỏ:
- “Em bỏ nước ra đi khi toàn dân chào mừng cách mạng, em còn để cho con lấy chồng Mỹ.”
Má tôi cười ngạo:
- “Dạ thưa đồng chí, những người Mỹ nầy là cha của cháu ngoại đồng chí.
Còn nói chào với đón… thì ai chào ai đón mấy ông rồi sẽ hối hận ê chề
sau tuần trăng mật.”
Thế là cuộc xum họp tan vỡ. Má tôi trở về Mỹ như một con chim đại bàng bị thương. Ba tôi về Sài Gòn như một hiệp sĩ thua trận.
Nhưng tình nghĩa giữa cha mẹ tôi vẫn nồng vẫn đậm. Kể từ đó ba tôi
làm thơ lén gởi cho má tôi bằng cách nhờ những người tin cẩn chuyện đến
tay má tôi. Trong khi đó, má tôi vẫn cố gắng bảo vệ tánh mạng của ba tôi
bằng cách ngăn cản, năn nỉ tôi đừng chống cộng công khai. Biết tôi viết
quyển A Thousand Tears Falling bà rất hãnh diện về công trình này của
tôi, nhưng lại năn nỉ tôi đừng xuất bản khi ba tôi bà sòn sống.
Ba tôi qua đời vào mùa hè năm 1986. Tôi xuất bản A Thousand Tears Falling vào mùa Thu năm 1995.
Tiền nhân đã để lại cho chúng ta một kho tàng và kinh nghiệm. Lịch sử
là những bộ sách học làm người cho nhân loại. Quá khứ vẫn sống trong
tôi theo với nhịp sống hằng ngày của tôi. Đó là kinh nghiệm của một
người Việt Nam từng trải qua những giai đoạn thê thảm, tàn khốc nhất của
đất nước. Nhưng những tàn khốc, bạo lực ấy đã không giết được tôi. Trái
lại nó đã tạo cho tôi một sức mạnh, một lý trí, một bài học có thể dùng
làm kim chỉ nam để trở nên con người hữu dụng.
Tôi chỉ là một đàn em nhỏ bé của những người đi trước, lại có người
kêu tôi là thục nữ. Tôi đã ý thức được trách nhiệm của tôi là cùng với
các bậc đàn anh cương quyết giữ cho ngọn lửa thiêng sáng mãi để khỏi phụ
lòng những người đã ngã xuống cho tự do, cho quyền sống của con người.
Tôi cũng có trách nhiệm nhắc nhở tất cả những người đã thành công, đã
được hưởng tự do nơi hải ngoại đừng chà đạp lên giấc mơ Dân Chủ của dân
Việt Nam đang sống trên giải đất phì nhiêu nhưng lại nghèo khổ nhất trên
thế giới. Tiền tài, danh vọng ta đã có hết, có luôn cả tự do nữa. Bắt
tay với cộng sản dưới chiêu bài hòa giải hòa hợp để làm ăn hay kiếm một
chỗ ngồi trong tương lai chúng ta sẽ có thể bị con cháu chất vấn là “Cha
mẹ hay ông bà đã làm gì khi nước mất nhà tan? Cha mẹ hay ông bà đã làm
gì khi dân Việt Nam bị cộng sản áp bức, đọa đày?”
Gia tài để lại cho thế hệ sau không phải là những lời hay, lời đẹp
khắc trên mộ bia của người quá cố mà là hành động của chúng ta lúc còn
sống trong tự do.
Cá nhân tôi, vì tôi là người được hưởng tự do nên tôi không có những
suy nghĩ của người phải sống trong gông cùm nô lệ. Tôi muốn tất cả mọi
người phải được tự do như tôi.
Hãy yêu người như ta yêu ta, đó là lời dạy của một thiền sư.
Đặng Mỹ Dung – Yung Krall
http://www.ngangiotleroi.com
PO.Box. 33391
Decatur, Georgia. 30033
0 comments:
Post a Comment