Trần Khải
BƯỚC QUA DÒNG SÔNG BẾN HẢI
Cuộc nội chiến tại Việt Nam đã sang trang mới kể từ ngày 30-4-1975.
Tới khi lằn ranh 2 miền đã không còn chia cách, những sự thật về chế độ
độc tài độc đảng đã và đang dần dần hiển lộ.
Không đơn giản là những cách biệt kinh tế hay phương thức kinh doanh,
mà còn dị biệt hiển lộ từ những xa rời văn hóa. Và trong tận cùng của
nền tảng văn hóa là một ước mơ sâu thẳm về quyền con người, nghĩa là về
nhân quyền. Từ đây, mỗi người đã có những cách rất riêng để bước qua
dòng sông Bến Hải.
Những người Hà Nội đã nghĩ gì về ngày 30 tháng 4… là một câu hỏi thường đặt ra hàng năm trong tháng tư.
Một điển hình nổi bật được chú ý là Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, người
sinh trưởng trong lòng chế độ Hà Nội, trong một gia tộc xuất thân từ Xô
Viết Nghệ Tĩnh thời đầu thế kỷ thứ 20 và do vậy có 4 đời là cộng sản
nòi.
Tiến sĩ cũng là người mời gọi người dân Miền Bắc nhận thức đúng đắn
về cuộc chiến VN, và từ đó ông bị nhà nước CSVN trù dập, chụp mũ và tống
giam. Cụ thể, tội của Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ là tội yêu nước.
Trong dịp tưởng niệm 30-4, nơi đây chúng ta đọc lại một phần cuộc đời
của tù nhân lương tâm Cù Huy Hà Vũ, một người đang chiến đấu bằng chính
sinh mệnh của ông vì ước mơ một đất nước dân chủ, tự do, nhân quyền và
toàn vẹn lãnh thổ. Các thông tin sau trích từ Tự điển Bách Khoa Mở, và
dẫn về cái nhìn của Tiến Sĩ về Cuộc Chiến VN và về tranh chấp Biển Đông.
Cù Huy Hà Vũ (sinh ngày 2 tháng 12 năm 1957; nguyên quán xã Ân Phú,
huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) là một tiến sĩ luật học, tiến sĩ văn
chương, họa sĩ, và là nhân vật bất đồng chính kiến với Nhà nước Cộng hòa
Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bị bắt ngày 5 tháng 11 tại thành phố Sài Gòn, Cù Huy Hà Vũ đã bị khởi
tố ngày 15 tháng 11 năm 2010 về tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng
hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông Vũ hiện đang thi hành án tù 7 năm sau
khi tòa sơ thẩm ngày 4 tháng 4 năm 2011 tuyên án, và phiên tòa phúc
thẩm diễn ra ngày 2 tháng 8 giữ nguyên bản án. Tiến sĩ Hà Vũ đã được Tổ
chức Ân xá Quốc tế công nhận là tù nhân lương tâm; Hoa Kỳ, Liên Hiệp
Châu Âu và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã liên tiếng kêu gọi Việt Nam
trả tự do cho ông vì cho rằng việc bắt và kết án ông Vũ là trái với
Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự
và Chính trị mà Việt Nam đã ký kết.
Quan điểm về Chiến tranh Việt Nam
Trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA ngày 29 tháng 4 năm
2010, Cù Huy Hà Vũ đã bình luận về Chiến tranh Việt Nam và nói lên chính
kiến của mình:
- Ngày 30/4/1975 là ngày kết thúc cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại
Việt Nam, đồng thời cũng là ngày kết thúc cuộc nội chiến giữa những
người Việt.
- Chủ nghĩa Cộng sản dưới màu sắc Chủ nghĩa Xã hội chưa bao giờ là
một hiện thực ở Việt Nam vì đến nay vẫn chỉ mang tính “định hướng”.
- Tính ưu việt của Chủ nghĩa Xã hội so với Chủ nghĩa tư bản mà Hoa Kỳ
đại diện chưa bao giờ được chứng minh ở Việt Nam, nên không thể nói bên
chiến thắng trong cuộc chiến tranh Việt Nam là hệ tư tưởng cộng sản;
bằng chứng là sự sụp đổ của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu
vào cuối những năm 80 của thế kỷ 20.
- “Giải phóng Miền Nam” là giải phóng Miền Nam Việt Nam khỏi chế độ
tư bản, kẻ thù của chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác – Lê nin.
- Cốt lõi của chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác-Lê Nin là kinh tế
Nhà nước chỉ huy hay kinh tế tập trung, kinh tế tư nhân được coi là “bóc
lột người” bị loại trừ. Thế nhưng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã phá
sản tuyệt đối vào năm 1985 khi chính sách giá-lương-tiền của Chính phủ
Việt Nam gây lạm phát tới 900%, dẫn đến kinh tế tư nhân hay kinh tế thị
trường được Đảng cộng sản Việt Nam phục hồi tại Đại hội VI của Đảng vào
năm sau, 1986.
- Tại thời điểm hiện nay, Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã công
khai đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Đại hội X của Đảng Cộng sản
Việt Nam đã hoàn tất công cuộc phá bỏ chủ nghĩa xã hội bằng cách chính
thức cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân. 2 giai cấp được coi là nòng
cốt xây dựng chủ nghĩa xã hội và là đối tượng được hưởng sự chăm sóc
đặc biệt của chế độ này là công nhân và nông dân (Búa và Liềm ấy), trên
thực tế lại thuộc những người cùng khổ của xã hội.
- Lời nói và việc làm của Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam không
nhất quán là vì sợ mất quyền lợi của bản thân. Nếu chính thức tuyên bố
từ bỏ chủ nghĩa xã hội thì Đảng cộng sản Việt Nam sẽ mất độc quyền lãnh
đạo đất nước trong khi quyền lực lại là phương tiện làm giàu của đại đa
số đảng viên có chức vụ.
- Hoà hợp, hoà giải dân tộc là xuất phát từ lợi ích chung, lợi ích
quốc gia, là biết tôn trọng và nhân nhượng những quan điểm chính trị
khác biệt, kể cả đối lập để phụng sự Tổ quốc Việt Nam một cách tốt nhất,
hiệu quả nhất.
Quan điểm về tranh chấp trên Biển Đông
Trước khi sự kiện Tranh chấp biển Đông giữa Việt Nam với Trung Quốc
năm 2011 diễn ra gần 1 năm, trả lời phỏng vấn đài VOA về cuộc tranh chấp
chủ quyền Biển Đông, Cù Huy Hà Vũ từng cho rằng tham vọng của Trung
Quốc ở biển Đông là “quá rõ ràng” với sơ đồ gồm 9 đoạn hình “lưỡi bò”,
và đồng hành quân sự với Hoa Kỳ để đối phó với Trung Quốc là “mệnh lệnh
của thời đại”.
Ông Vũ cho rằng chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc sau khi Đông Âu sụp đổ
đã biến tướng thành chủ nghĩa đế quốc cổ điển hay chủ nghĩa Tân Đại Hán
với đặc trưng là sự bành trướng lãnh thổ và Trung Quốc đang trở thành
mối đe dọa quân sự có tính toàn cầu, nên Việt Nam không thể “tự lực cánh
sinh” mà phải dựa vào liên minh quân sự với cường quốc hạt nhân khác.
Hiện nay lực lượng phòng thủ biển của Việt Nam là vô cùng yếu kém, “bằng
chứng là Quốc hội Việt Nam đã buộc ngư dân phải tự bảo vệ mạng sống của
họ khi ra khơi”; trong khi đó chi quá nhiều tiền vào quốc phòng và mua
sắm phương tiện chiến tranh sẽ đẩy Việt Nam vào khủng hoảng kinh tế sâu
sắc.
Theo ông Hà Vũ, nếu không có Hoàng Sa và Trường Sa thì sẽ không có
đường lưỡi bò, do vậy Trung Quốc phải chiếm hữu hai quần đảo này của
Việt Nam bằng mọi giá; và để đối phó với việc Trung Quốc xâm lược lãnh
thổ Việt Nam như đã làm vào năm 1974 ở Hoàng Sa, và năm 1988 ở Trường
Sa, Cù Huy Hà Vũ cho rằng liên minh quân sự với Mỹ sẽ giúp Việt Nam
khẳng định và bảo vệ thành công chủ quyền của mình đối với quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa. Liên minh quân sự giữa Việt Nam và Mỹ theo ông Vũ
sẽ có bản chất tương tự như liên minh song phương hiện có giữa Nhật,
Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Thái Lan với Mỹ.
Về phía Mỹ, Cù Huy Hà Vũ phân tích rằng liên minh quân sự với Việt
Nam sẽ giúp Mỹ có điều kiện hoàn tất chiến lược quân sự Đông Á của mình,
và khép kín “vành đai” ngăn chặn bành trướng trên biển của Trung Quốc
được cấu thành bởi các liên minh quân sự hiện hữu giữa Mỹ với Nhật Bản,
Hàn Quốc, và Đài Loan.
Cù Huy Hà Vũ từng đấu tranh để đòi lại Đàn Âm hồn – Đài liệt sĩ chống
ngoại xâm đầu tiên của Việt Nam, và đề nghị công nhận liệt sĩ cho các
chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh khi đánh nhau với Trung Quốc ở
Hoàng Sa năm 1974…
Vâng, như thế, chúng ta càng đọc về cuộc đời Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ,
càng thấy rằng ông thực sự là người đã nhìn vượt xa hơn tất cả những kẻ
đang ngồi ở Ba Đình.
Họ Cù là một người có học vị 2 bằng Tiến Sĩ, một người thuộc hàng
“Thái tử đảng,” lẽ ra đã có thể lặng lẽ theo bước Bộ Chính Trị CSVN để
chia phần lợi tức ở các khu đô thị mới như Ecopark nếu nhắm mắt trước
các trấn áp như ở Văn Giang, Thái Bình…
Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ đã nổi bật như một người khổng lồ tự bước qua
con sông Bến Hải bằng bước chân riêng của ông, không phải nhờ ngày thống
nhất 30-4-1975, mà bằng chính các suy tư đầy trí tuệ, nhân bản và ái
quốc.
Không chỉ thống nhất qua một chiếc cầu sắt, mà còn qua chiếc cầu ngăn
cách lòng người. Và Cù Huy Hà Vũ đã đặt chân của ông lên lịch sử nhiều
thế hệ sau, khi lời nói của ông, và bản thân lựa chọn đầy định mệnh của
ông đã gắn liền với cuộc chiến cho sự thật. Ông đã có một cách rất riêng
để bước qua dòng Bến Hải.
0 comments:
Post a Comment