Tin Hà Nội -
Nền giáo dục Việt Nam vẫn ở trong tình trạng trì trệ và lạc hậu, cản
trở sự tăng trưởng của nền kinh tế. Và tầng lớp trung lưu ngày càng đông
đảo hiện nay rơi vào tình trạng tuyệt vọng vì không thể thay đổi được
tình hình. Tại quốc gia từng theo Nho giáo đề cao giáo dục và thi cử,
các trường học ở mọi cấp đều đối mặt với tình trạng gian lận, hối lộ và
thiếu các nhà nghiên cứu cũng như các chương trình tiêu chuẩn thế giới.
Kết quả là số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam theo học các trường tư
có chương trình quốc tế và sau đó ra nước ngoài học cao đẳng, đại học,
ngày càng tăng. Dù thu nhập trung bình của người Việt Nam chỉ dừng ở mức
1400 đô-la, năm ngoái vẫn có hơn 30,000 người Việt theo học ở các
trường của nước ngoài. Việt Nam xếp thứ 5 về số du học sinh ở Úc và thứ 8
ở Mỹ, trên cả Mexico, Brazil và Pháp. Số lượng du học sinh Việt Nam tại
Mỹ đã tăng gấp 7 lần kể từ con số 2000 học sinh trong thập kỷ vừa qua.
Hầu hết trong số gần 15,000 học sinh theo học ở Mỹ năm ngoái không đi
theo diện học bổng của các trường danh tiếng, mà thay vào đó là ghi tên
vào các trường cao đẳng cộng đồng với học phí do gia đình chi trả, theo
Viện Giáo dục Quốc tế ở New York. Không giống những trường đại học ở
nước láng giềng Trung Cộng, nơi các nhà lãnh đạo đã đi vào cải cách sâu
rộng từ những năm 1980, các trường đại học ở Việt Nam vẫn chưa thể bắt
kịp tốc độ với một thế giới đang toàn cầu hóa không ngừng, các chuyên
gia nhận xét. Thay vào đó, giáo dục ở Việt Nam vẫn duy trì một hệ thống
quản lý tập trung kém hiệu quả và thiếu sự phê phán.
Một chuyên gia giáo dục cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội cho
rằng đó là một cơ hội bị bỏ lỡ. Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của Việt Nam
vẫn ở mức 6%, dù là một trong những nước châu Á có tỷ lệ lạm phát cao
nhất và nền kinh tế đang còng lưng gánh những công ty nhà nước trì trệ.
Nhưng các nhà phân tích nhận định rằng khủng hoảng giáo dục sẽ khiến lực
lượng lao động trong nước cằn cỗi và cản trở sự phát triển của quốc
gia. Intel, nhà sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới, vừa phải vật
lộn để tuyển dụng được các nhân viên lành nghề cho cơ sở sản xuất tại
Saigon, các nhà nghiên cứu từ trường Kennedy thuộc đại học Harvard cho
biết. Tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội cho hay cơ sở hạ tầng nguồn nhân lực của
Việt Nam không hỗ trợ cho nhu cầu giáo dục đang tăng lên của quốc gia,
trong khi các nhà nghiên cứu của Harvard nói việc cải cách hệ thống giáo
dục của Việt Nam đã bị đóng băng dù cho công cuộc cải cách và tự do hóa
bắt đầu vào giữa những năm 1980.
Dù Việt Nam đã đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, tương đương 1% trong
tổng sản phẩm quốc nội, hơn so với nhiều nước khác trong khu vực châu
Á-Thái Bình dương, vấn đề quan trọng nằm ở quản lý kém chứ không do
thiếu đầu tư. Một vấn đề khác là thực trạng các bậc phụ huynh hối lộ cho
giáo viên để con em được điểm cao và khiến bằng cấp trở nên tầm thường.
Trong một báo cáo năm 2010, Tổ chức Minh bạch Quốc tế có trụ sở tại
Berlin đã kết luận rằng giáo dục là ngành tham nhũng thứ hai, sau ngành
hành pháp ở Việt Nam. Truyền thông quốc gia thường xuyên đưa tin về
những vụ bê bối liên quan đến giáo dục, trong đó vụ việc gây xôn xao gần
đây nhất là việc giám thị ở một trường dân lập tại tỉnh Bắc Giang ném
đáp án cho các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp cấp ba.SBTN
0 comments:
Post a Comment