Friday, June 29, 2012

“Đổi mới”



Sông Tiền (Danlambao)
Không nói đổi mới cái gì, thứ gì, khiến người ta hiểu đổi mới toàn diện mạng nội dung cải tổ. Ứng nghĩa với cải tổ là Pérestroika. Theo thuật ngữ của người Hy Lạp, Pérestroika là xây dựng lại cái đã xây dựng không còn phù hợp, kể cả con người.
Đảng Cộng Sản Việt Nam chủ trương không đổi mới toàn diện (cải tổ) mà chỉ đổi mới về kinh tế – từ kinh tế XHCN tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường.
Người ta lấy làm lạ là từ nền kinh tế thị trường vốn có ở Nam Việt Nam, Đảng Cộng Sản Việt Nam chê nó, cải tạo nó thành nền kinh tế XHCN dẫn đến thất bại, giờ đây trở lại kinh tế thị trường rồi gọi là đổi mới, thật là kỳ lạ – Đổi cũ mới đúng chớ?

Người ta cũng ngạc nhiên: Đã là kinh tế thị trường còn định hướng XHCN – đã là đĩ mà nói còn trinh! Kinh tế thị trường định hướng XHCN là một chủ trương không có đích đến, bởi vì mặt này chế ngự mặt kia? Nói nôm na: kinh tế thị trường là chia, kinh tế XHCN là cộng, chúng trái ngược nhau – đi đàng Tây mà nói sẽ tới đàng Đông, hoang đường hết chỗ nói?! Đi đến CNXH ư? – Còn lâu. Đi đến Tư bản hiện đại ư? – Không bao giờ. Có chăng đến Tư bản hoang dã. Thứ nửa nạc nửa mỡ này rất khó xơi!

Nguyên lý: Tồn tại quyết định ý thức hay nói cách khác Hạ tầng quyết định thượng tầng. Hạ tầng là kinh tế thị trường thì thượng tầng không thể là CNCS được – phải là CNTB mới đồng bộ. Chủ nghĩa Cộng sản không thể đứng vững trên cái nền (thị trường) không phải của nó – Tồn tại nào phải ý thức ấy? Đổi mới kinh tế mà không đổi mới chính trị là không đồng nhất, trái với nguyên lý, sẽ rối loạn.
Phải chăng Đảng Cộng Sản Việt Nam kéo thòng cái đuôi định hướng XHCN để đỡ sĩ diện, duy trì quyền lực và kéo dài sự sống của kinh tế Quốc doanh nhằm vụ lợi riêng? – nếu lỗ lấy công quỹ (tiền thuế của dân) bù, lời thì chia chác nhau như tập đoàn Vinashin hay tập đoàn Dầu khí chẳng hạn?
Thử đặt vấn đề: Đảng Cộng Sản Việt Nam có dám xóa kinh tế thị trường để trở lại con đường XHCN (tập trung bao cấp) cho đồng bộ hay không? – Ai cũng có thể trả lời rằng không. Bởi vì: đó là Con đường đau khổ mà nhân dân Việt Nam nói chung đã hứng chịu nhiều năm và Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng hú vía vì nó?
Vậy Đảng Cộng Sản Việt Nam phải làm thế nào để hạ tầng và thượng tầng đồng bộ? Theo thiển nghĩ của tôi có 2 cách: Một, cải tổ chính trị, thực hiện dân chủ, đa nguyên chính trị, thiết lập Nhà nước pháp quyền: của dân, vì dân, do dân thay cho Nhà nước Đảng trị: của Đảng, vì Đảng, do Đảng hiện nay. Hai, những người lãnh đạo tiếp tục lợi dụng chức quyền vun vén cho đầy túi tham, sớm trở thành những nhà tư sản đỏ. Khi thấy không còn vét gì được nữa, hô đằng sau quay là xong chuyện. Khi ấy con họ đi học nước ngoài thành tài về, có sẵn vốn mà cha mẹ chúng dày công tích góp được, cùng nhau đổi màu thành những nhà tư sản có vốn tư bản kết xù tha hồ mà chạy đua với thiên hạ, mặc cho những Đảng viên ngu trung, những người dân ngu muội ngã ngửa, coi như việc đã rồi, đành vậy!
Thiển nghĩ này của tôi, chắc cũng còn ai đó cho là suy luận mò, chẳng lẽ lãnh đạo mà chơi trò hèn hạ thế? Tôi sẽ nói thêm rằng, suy nghĩ của tôi là có cơ sở bởi vì: Suốt 30 năm, hàng mấy triệu người chết và bị thương cho cuộc cách mạng Dân tộc Dân chủ, vừa hoàn thành vế Dân tộc thì người ta không thực hiện vế Dân chủ, dám xây ngang cướp công, cướp quyền, xưng hùng xưng bá một thời thì việc này có gì mà không dám? – Hãy đợi đấy! Đoạn văn dần lân sau đây ngẫm cũng thú vị:
Chế độ cộng sản,
Kinh tế tư bản,
Hàng hóa nhập cảng,
Cán bộ tư sản,
Nhân viên chán nản,
Nhân dân di tản.

Bao giờ ông Võ Văn Kiệt cũng xem tôi là thằng em có tật gợi suy. Khi ông làm Thủ tướng, tôi nói vui với ông ấy: Nếu người nào đó hỏi tôi Những ai chống cộng bạo nhất? Tôi sẽ trả lời: Những người chủ trương làm kinh tế thị trường. Ông Kiệt vò đầu tôi cười nói: Khéo gợi suy. Cũng dễ hiểu thôi, vì tôi là quan mà không có quyền, đàng sau câu nói thường đặt dấu chấm hỏi (?) mang tính chất tham khảo.
Khi công cuộc đổi mới vào đà phát triển, cuộc sống người dân từng bước ổn định, nâng cao, Đảng Cộng Sản Việt Nam tự tâng công: Nhờ Đảng sáng suốt đổi mới…
Nếu nói Đảng Cộng Sản Việt Nam sáng suốt chủ trương đổi mới – tức là Cởi trói làm cho nền kinh tế phát triển, nhân dân thoát khỏi đói khổ… thì chúng ta thử đặt lại vấn đề: Trước đó ai chủ trương trói và trói bằng cách nào? Xin thưa rằng cũng chính Đảng Cộng Sản Việt Nam trói và trói bằng cách cải tạo XHCN, gây khốn khổ cho nhân dân, kéo lùi sự phát triển đất nước? Trước sự phản ứng gay gắt của nhân dân, Đảng Cộng Sản Việt Nam buộc phải (không tự giác) đổi mới – tức là trở lại con đường cũ kinh tế thị trường. Nếu nói cởi trói (đổi mới) là sáng suốt thì trói là mù quáng? Đảng trói, Đảng mở đó là Đảng sửa sai. Để cho vui cửa vui nhà, nhân dân xem hành động đó của Đảng là lấy công chuộc tội – huề. Nghiêm khắc hơn, không dừng ở đó, phải truy cứu trách nhiệm của Đảng: Do Đảng sai lầm trong chủ trương cải tạo XHCN (trói) làm cho nhân dân đói khổ, kéo lùi sự phát triển đất nước suốt 10 năm (1976 – 1986) – công ít, tội nhiều.
Được Đảng Cộng Sản Việt Nam tha mạng cởi trói, dân cố tự bươi để có mổ và góp phần thuế má chớ Đảng có giúp gì đáng nói cho họ đâu?
Việc xây dựng đất nước đàng hoàng hơn là do tiền thuế của nhân dân góp vào và 50.7 tỷ USD vay của quốc tế đến nay chưa trả được. Đáng nói tiền thuế dân góp và khoảng nợ 50.7 tỷ USD ấy Đảng quản lý hời hợt để lọt vào túi riêng, đó cũng là cái lỗi của Đảng? Đảng giành cho mình quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối thì Đảng cũng phải chịu trách nhiệm toàn diện, tuyệt đối? Không phải hiện giờ mà trước đây người ta đã ngân nga:
Thất mùa đổ tại thiên tai
Được mùa do bởi thiên tài Đảng ta

18/6/2012
Sông Tiền

0 comments:

Powered By Blogger