Hàng trăm người dân Hà Đông mặc áo đỏ đã đi biểu tình ở trung tâm Hà Nội để đòi lại đất đai trong đó có cả đất họ nói được ‘Bác Hồ’ giao từ những năm 1960.
Những người này đều mặc áo đỏ tự may với hình sao vàng và búa liềm trước ngực còn phía sau là những dòng chữ tố cáo chính quyền phường Kiến Hưng, quận Hà Đông “ăn cướp đất” của dân.
Bà Lê Thị Chưa từ phường Kiến Hưng và cũng là người tham gia biểu tình sáng 27/6 nói:
“Hôm nay tham gia thì cũng phải gần một trăm các ông các bà lứa tuổi già trẻ có… mặc áo đỏ, đi quanh Bờ Hồ, rồi đi quanh cả Lăng Bác, rồi đi khắp phố phường, đi diễu binh, diễu hành,”
“Sau đó chúng tôi quay về 34 Lý Thái Tổ chúng tôi gửi đơn thì họ hướng dẫn làm lại đơn [cho] các loại đất mà chúng tôi đòi hỏi và thứ Năm [tuần sau] mang ra lại.”
Bà Chưa nói nhiều người dân đã khiếu nại đòi đất từ bốn năm nay nhưng chính quyền địa phương không giải quyết ngay cả khi có văn bản yêu cầu xử lý của chính quyền Hà Nội.
Đất ‘Bác Hồ’
Khi được hỏi về các đòi hỏi của gần 100 người biểu tình áo đỏ, bà Chưa nói:
“Chúng tôi đòi nhiều loại lắm, loại thứ nhất là đất 5% đã bị thu hồi rồi đang muốn đòi [để] tái định cư. Tại vì có trả một hộ rồi nên dân người ta biết trả một hộ ấy người ta đòi.
“…Đất 5% là cái năm 60 Bác Hồ cho cả nước, có nơi thì hai thước, có nơi thì hai thước rưỡi, có nơi thì thước rưỡi, có nơi thì một thước, đại khái là theo đất nông nghiệp…Người ta cứ gọi vắn tắt là đất Bác Hồ, Bác Hồ cho năm 60, có đẻ ra cũng không được thêm, có chết đi rồi cũng không rút ra.
“Ở Mậu Lương chúng tôi là có một số làm nhà rồi, một số chưa làm nhà, còn các nơi họ làm nhà hết rồi.
“Nhưng ở đây họ cứ bảo là đất nông nghiệp để họ lấy của dân.”
Bà Chưa nói đối với loại đất “Bác Hồ” nhà nước sẽ đền bù cho người dân bằng 5% đất thu hồi và sẽ cấp cho họ sổ đỏ. Nó cũng tương tự như đất 10%.
Bà nói: “Còn đất dịch vụ là theo văn bản 1098 của tỉnh Hà Tây và cái 72 của Thành ủy Hà Đông và 1130 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nên là trả đủ chúng tôi 10%.
“Phường bớt xen 2,3% thì chúng tôi không nghe, một số nghe, một số không nghe, hiện giờ đang đi đòi.
“Cái thứ ba là cái quyền sử dụng đất, năm 1993 cấp quyền sử dụng đất cho cả nước mà trong đó có thôn Mậu Lương cũng đã được hơn 100 hộ rồi, còn hơn 500 chưa phát, thế bây giờ lại bảo hủy đi thì hủy mỗi làng Mậu Lương này thì dân chúng tôi không nghe, lại đòi tiếp.”
‘Trăm ngàn tỷ’
Bà Chưa nói cuộc biểu tình hôm 27/6 vẫn diễn ra bất chấp sự ngăn cản và theo dõi của chính quyền Hà Đông.
“Các ban ngành của phường, các ban ngành của quận, cả công an, cũng chẳng làm gì chúng tôi đâu nhưng họ cứ đi đằng sau như là đi xem chúng tôi đi vào đâu.
“Đi vào đâu họ đi vào đấy, đi đến đâu họ đi đến đấy. Chúng tôi cứ mặc kệ thôi, việc của chúng tôi thì chúng tôi làm.
“…Chúng tôi đi xe buýt, chúng tôi đi từ 4h sáng và về đến nhà gần 2h chiều.”
Bà nói trước đó chính quyền cũng tìm cách ngăn chặn người dân lên Hà Nội:
Người biểu tình nói cơ quan tiếp dân của Hà Nội sẽ nhận đơn của họ vào 5/7
“Hôm qua chắc là nghe tin là chúng tôi sáng nay 5h sáng chúng tôi tập trung để đi bộ đi sang bên đường Lê Trọng Tấn để đi ra ngoài Hà Nội, thì … họ họp ban ngành vào, họ ngăn chặn là sẽ không cho đi.
“Thế chúng tôi lại phải không đi 5h nữa, chúng tôi đi 4h mà chúng tôi đi mỗi chỗ một người, mỗi tốp 2, 3 người thì cuối cùng lên tập trung ở ngoài Quốc Tử Giám, chứ còn ở đây họ ngăn chặn không cho đi.
“Chúng tôi đi biểu tình để cho tất cả nước Việt Nam, kể cả nước trong, nước ngoài, kể cả các ngành của nhà nước, chính phủ, quay trên camera họ nhìn thấy để họ nghĩ đến cái phường Kiến Hưng của chúng tôi để họ giải quyết thôi.
“Chứ còn thực tế chúng tôi không hành hung gì cả.”
Theo bà Chưa, có hộ dân “mất” hàng trăm mét đất và tính thành tiền thì “nói kể thì vô cùng nhiều, chúng tôi không biết trăm ngàn tỷ nào.”
Tin BBC
0 comments:
Post a Comment