Chu chi Nam -
Nhiều người cộng sản hiện nay, nhất là giới có đặc quyền đặc lợi, cùng
một số trí thức được hưởng bổng lộc, nghĩ rằng chủ nghĩa cộng sản có thể
tự sửa sai, vì chủ nghĩa tư bản đã sửa sai ; và một khi sửa sai rồi,
thì chủ nghĩa cộng sản có thể trở thành chủ nghĩa dân chủ xã hội, như
những nước Bắc Âu , với mục đích duy nhất là duy trì đặc quyền, đặc lợi
và bổng lộc, và cố tình quên đi hay dấu nhẹm hoàn cảnh lịch sử, tinh
thần và tâm lý vô cùng khác biệt giữa lãnh đạo các nuớc Bắc Âu và 2 nước
cộng sản hiện nay.
Có những người nghĩ khác, mà tiêu biểu là ông
Boris Eltsine, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên sô, cựu Tổng
thống Nga, thì cho rằng : « Chủ nghĩa cộng sản không thể sửa sai. Nó
chỉ có thể thay thế. »
Chúng ta nghĩ gì về vấn đề trên ?
Tại sao chủ nghĩa tư bản có thể sửa sai, mà chủ nghĩa cộng sản không thể sửa sai
Không có chủ nghĩa tư bản. Cụm từ « Chủ nghĩa
tư bản « là do Marx và những người cộng sản gán cho các nước dân chủ,
tự do tây phương
Thực ra những nước Tây phương, bắt đầu từ Anh
qua Hoa kỳ, tới Pháp Đức và những nước còn lại, họ không bao giờ nhận
mình là đi theo chủ nghĩa tư bản, như Marx và những người cộng sản gán
cho họ.
Nếu nói đến chủ nghĩa, về kinh tế, thì trước đó
có chủ nghĩa Trọng Nông ( Physiocrate) vào thế kỷ thứ 18, gồm những nhà
kinh tế như Quesnay, Baudeau, Mirabeau, Condorcet, Gournay và Turgot,
cho rằng canh nông là nguồn tài nguyên chính của một quốc gia. Tuy nhiên
họ đã chủ trương kinh tế tự do để phát triển canh nông.
Ngoài ra còn có trường phái kinh tế Trọng Thương
( Mercantilisme), cũng vào thế kỷ thứ 18 ; và người dùng chữ Trọng
Thương ( Mercantilisme) là Mirabeau của chủ nghĩa Trọng Nông, vào năm
1763.
Sau đó là Adam Smith đã bình dân hóa và phổ biến
tư tưởng trọng thương qua quyển La Richesse des Nations ( Sự Giầu có
của những Dân tộc), vào năm 1776. Adam Smith cho rằng một quốc gia giầu
có không phải chỉ là một quốc gia trọng nông nghiệp, hay trọng thương
nghiệp, mà là một quốc gia biết khai thác sở trường tối đa của dân tộc
mình, từ đó ông chủ trương phân chia công việc, người nào, vùng nào giỏi
về nghề nào thì làm nghề đó, rồi từ đó có sự trao đổi, thương mại. Rộng
hơn, ở trên bình diện quốc gia, ông chủ trương quốc gia nào có khả năng
nào thì khai thác khả năng đó, rồi trao đổi. Tuy nhiên phải là một sự
trao đổi trung thực, không lừa dối.
Người ta chỉ nói đến quyển Sự giàu có của Dân
tộc, mà nguời ta quên đi trước đó Adam Smith có viết quyển Théorie des
sentiments moraux, vào năm 1759, ông chủ trương sự trao đổi phải có đạo
đức qua câu châm ngôn của tây phương, nhưng đông phương cũng có. Đó là
« Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân « , cái gì mình không muốn, thì đừng làm
cho người khác. Trong buôn bán, người ta bỏ tiền ra để mua đồ của mình,
đồng tiền là mồ hôi, nước mắt của người ta, thì đừng nên bán cho người
ta đồ giả, cái mà ngày hôm nay, một số thương gia Tàu và Việt nam đang
làm, đi theo câu nói của Đặng tiểu Bình « Mèo trắng, mèo đen không cần
biết. Miễn là mèo bắt chuột « , hay « Làm giàu là quang vinh « , đi
theo « Chủ nghĩa tư bản « một cách rừng rú ; cộng thêm với quan niệm
chủ nghĩa duy vật hạ cấp, chỉ có vật chất là quan trọng, làm cho tình
trạng đạo đức, nhân bản của 2 xã hội Tàu và Việt Nam xuống cấp một cách
trầm trọng, thảm thương.
Làm giàu bằng bất cứ giá nào, tham nhũng, hối
lộ, kiếm tiền bằng mọi thủ đoạn, lừa dối lường gạt, ngay cả giết người,
thậm chí giết cả bạn bè và người thân.
Đó là về kinh tế, còn về chính trị và thể chế,
thì các nước tây phương đã đi tìm kiếm mô hình tổ chức nhân xã dân chủ,
tự do và kinh tế thị trường từ lâu :
Ở bên Anh, người ta có thể nói cuộc cách mạng
Cromwell (1599-1658) là một cuộc cách mạng dân chủ, để đi đến nền cộng
hòa. Chính cuộc cách mạng này đã mang vua Charles I ra xử.
Tại Hoa kỳ, cuộc cách mạng độc lập cứu quốc và
dân chủ kiến quốc năm 1776, đã tạo nên nền tảng vững mạnh và đồng thuận
cho mọi sắc dân, mọi dân tộc có thể sống chung, dưới một chính phủ do
dân bầu, được qui định bởi một hiến pháp thành văn đầu tiên trong lịch
sử nhân loại, trong đó qui định những quyền căn bản của con người, qui
định quyền thế, giới hạn của chính phủ. Chính quyền là do dân bầu ra để
mang lại hạnh phúc cho dân. Nếu chính quyền không làm tròn nhiệm vụ này,
thì dân có quyền bãi bỏ chính quyền và lập lên một chính quyền khác. Đó
là tinh thần của Bản Tuyên Ngôn Độc lập và Hiến pháp 1787.
Tại Pháp, cuộc Cách mạng 1789, với những thăng
trầm, nhưng người ta cũng có thể nói bản chất chính của nó vẫn là đi đến
một chế độ dân chủ, tự do, tôn trọng nhân quyền, qua Bản Tuyên Ngôn về
quyền Con Người và quyền Công dân 1792, mà Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân
quyền sau này năm 1948 đã lấy rất nhiều ý trong đó.
Đến cuối Đệ Nhất Thế Chiến (1914-1918), lịch sử
nhân loại vẫn là đi theo con đường chống độc tài, tạo dựng chế độ dân
chủ. Chính vì vậy mà những chế độ quân chủ như đế quốc Phổ, đế quốc Áo
Hung và đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ đều sụp đổ và nhường chỗ cho chế độ dân chủ.
Ngay cả sau đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945), những
chế độ độc tài quân phiệt, phát xít như Hitler, ở Đức, Mussolini ở Ý,
cũng sụp đổ, nhường chỗ cho chế độ dân chủ.
Từ những nhận xét trên, chúng ta mới thấy tư
tưởng của Marx, chủ trương độc tài vô sản, hành động của Lénine, của
Mao, Hồ, tạo dựng lên một nhà nước độc đảng, độc tài, là đi ngược lại
trào lưu tiến bộ của văn minh nhân loại.
Chính vì những nước tây phương, hay bất cứ một
nước nào đi theo chế độ dân chủ, họ mới có thể sửa sai, biết đâu để sửa
sai, và có tiến bộ, vì họ có đối lập. Những giới lãnh đạo là do dân bầu
ra, họ phải tôn trọng ý kiến và bảo vệ quyền lợi của dân, nếu không
nhiệm kỳ sau họ sẽ bị thất cử.
Ngược lại, những chế độ cộng sản độc tài, hay
bất cứ một chế độ độc tài nào khác, không thể sửa sai, vì không có tự do
ngôn luận, không có ai phê bình, chỉ trích, không có đối lập, và tất
nhiên không có tiến bộ, vì giới lãnh đạo không do dân bầu ra, chỉ là do
một nhóm thiểu số chia nhau nắm quyền, đặt quyền lợi của nhóm lên trên
quyền lợi của quốc gia, dân tộc.
Những nước độc tài không có thể tự sửa sai, không có dân chủ và không có tiến bộ là vì lẽ đó.
Nói như Socrate, nhà triết học Hy Lạp, cách đây gần 2500 năm, người được coi như bậc thầy của tư tưởng và triết học, có nói :
« Nơi nào không có đối thoại, nơi đó không có tiến bộ. »
Một chế độ độc tài là một chế độ không có tiến bộ.
Lý thuyết Mác Lê, dựa trên một định đề, hoặc người ta chấp nhận nó, hoặc người ta chối bỏ, chứ không có thể sửa sai.
Thật vậy, chúng ta biết trong toán học, định đề
Euclide : « Trên một mặt phẳng, từ một điểm ngoài một đường thẳng,
người ta chỉ có thể vẽ một đường thẳng duy nhất song song với đường
thẳng trước. » Chính định đề này đã xây dựng lên lâu đài toán học
Euclide. Nếu người ta chấp nhận định đề này, thì người ta phải chấp nhận
« Logique « ( sự hữu lý) của Euclide. Nếu người ta không chấp nhận
định đề, như trường hợp nhà toán học Đức Bernhard Riemann (1826-1866),
đã phản bác lại định đề Euclide, lập nên nền tóan học Riemann, trái
ngược hẳn với toán học Euclide.
Lý thuyết của Marx cũng vậy, dựa trên định đề
là trong xã hội cộng sản nguyên thủy không có quyền tư hữu, quyền tư hữu
chỉ xuất hiện với xã hội nô lệ, và từ đó xã hội trở thành xã hội giai
cấp, đưa đến đấu tranh giai cấp, cho đến ngày giai cấp thợ thuyền nổi
lên làm cách mạng tất yếu. Nếu chúng ta không chấp nhận định đề này, thì
cả lâu đài lý luận của Marx sẽ sụp đổ. (1)
Hơn thế nữa, chế độ cộng sản từ ngày được thành
lập ở Nga bởi Lénine, năm 1917 cho tới khi sụp đổ năm 1990, đều là dựa
trên sự dối trá.
Chính vì vậy, mà ông Gorbatchev, cựu Tổng bí Thư đảng cộng sản Liên sô, mới nói :
« Tôi đã bỏ hơn nửa đời người tranh đấu cho lý
tưởng cộng sản ; nhưng ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng : cộng
sản chỉ biết tuyên truyền và nói láo. »
Theo sự nghiên cứu của nhà kinh tế học Nga Girsh
Itsykovich Khanin, công bố năm 1987, thì từ năm 1928 đến năm 1985, tổng
sản lượng Nga không tăng gấp 84 lần, như thống kê chính thức của chính
quyền cộng sản, mà chỉ tăng gấp 6,6 lần.
Sau đây là một vài con số : từ năm 1928 đến năm
1940, theo thống kê chính thức của chính quyền thì tổng sản lượng tăng
13,9%, trên thực tế chỉ tăng 3,2% ; từ năm 1980 đến 1985, con số chính
thức là 3,5%, trên thực tế là 0,6% ( Theo báo Capital-Histoire - số đặc
biệt Mai – Juin 2011 – trang 97).
Những chính quyền cộng sản còn lại như Bắc Hàn, Trung Cộng, Việt Nam, Cu Ba ngày hôm nay vẫn tiếp tục trò lừa gạt, nói dối dân.
Tại những nước cộng sản trên, những ai còn mong
muốn sửa đổi chế độ thì chỉ là ảo tưởng, như Marx đã ảo tưởng sai lầm
nghĩ rằng người ta có thể bãi bỏ quyền tư hữu, ảo tưởng cho rằng sẽ có
một cuộc cách mạng cộng sản tất yếu, do giai cấp công nhân nổi lên làm
cách mạng, bãi bỏ quyền tư hữu, để đưa đến thiên đàng cộng sản, trên
thực tế, quyền tư hữu không thể bãi bỏ mà chỉ có thể chuyển nhượng,
những cán bộ đảng cộng sản, cướp chính quyền, đánh tư bản mại sản, bảo
rằng bãi bỏ quyền tư hữu, trên thực tế là chuyển nhượng quyền tư hữu từ
tay đại đa số dân, vào tay thiểu số đảng đoàn cán bộ, nên ở những nước
cộng sản, đảng đoàn cán bộ vô cùng giàu có, có đầy quyền tư hữu, trong
khi dân thì trở nên trắng tay, nghèo đói, xã hội trở nên vô cùng bất
công, như những xã hội cộng sản còn lại chứng minh, hoàn toàn trái lại
với ảo tưởng của Marx là đi xây dựng một xã hội công bằng.
Vì lẽ đó mà ông Boris Eltsine, cựu Ủy viên Bộ
Chính Trị đảng, cựu Tổng thống Nga, mới nói : « Cộng sản chỉ có thể
thay thế, chứ không thể sửa đổi. »
Paris ngày 27/06/2012
Chu chi Nam
(1) Xin xem thêm những bài phê bình về lý thuyết Mác Lê, trênhttp://perso.orange.fr/chuchinam/
0 comments:
Post a Comment