Wednesday, June 27, 2012

Đường Về Biên Giới QL.13


* * *
Nguyễn Ngọc Tùng
Cũng là một lối nói, nhiều người đã quyết đoán rằng “Tháng 4” thường xẩy ra vô số nỗi bất hạnh trong những năm cuối cùng của miền Nam, miền đất nước tự do dưới thể chế VNCH. Có lẽ bản thân họ vốn sẵn được chứng kiến, hoặc đã trải qua những kinh nghiệm sống, trước một số sự kiện trùng hợp, xẩy ra xen kẽ nhau, cho nên mới khiến đã có lối kết luận tóm gọn như trên.

Trước khi đưa đến biến cố 30-4, Ngày Quốc Hận, một trong những sự kiện khiến người viết không thể nào quên cứ mỗi lần tháng 4 lại trở về trên tấm niên lịch treo tường.
Lúc đó, trong tuần lễ đầu của tháng (4-75), tôi chưa kịp về Bộ TTM theo Xếp, vì còn đang có mặt tại Trường Bộ Binh Long-Thành chờ ngày bế giảng Khóa Huấn luyện SQ Bộ Binh Trung Cấp.
Long-Thành là tên gọi sau này của Trường SQ Trừ Bị Bộ Binh của QL VNCH. Vì sau khi trường sở rời về địa điểm tại Chi khu Long Thành, nên đã được gọi tên theo địa danh mới, thay vì gọi là “Quân Trường Thủ Đức” như trước kia (1).
Nội tình xẩy ra trong quân đội lúc bấy giờ, do lệnh lạc bất nhất ban hành từ cấp chỉ huy tối cao, khiến các binh sĩ thuộc cấp hoang mang, mất tin tưởng nên không còn  tinh thần chiến đấu. Đó chính là nguyên nhân tạo ra cảnh hỗn loạn cho những cuộc triệt thoái các đơn vị của hai quân đoàn tiền phương giáp ranh Bến Hải.
Mức độ tổn thất lần lượt của các cuộc triệt thoái đã không thể liệt kê nỏi.
Rút cuộc, sau 21 năm trời được trường tồn, mặc dù bị CS Hà Nội không ngớt lén lút gửi “bộ đội bác hồ” vào quấy phá; người dân Việt nam dưới Vĩ tuyến 17 vẫn thụ hưởng được cuộc sống an lạc. Nhưng không may, sự cáo chung của cà 2 nền Cộng Hòa miền Nam coi như được quyết định kể từ lúc TT Nguyễn văn Thiệu ban lệnh rút quân khỏi cao nguyên, xẩy ra ngày 14-3 -1975, thuộc Vùng ÌI Chiến thuật.
Cũng như phần đông dư luận lúc đó chăm chú theo dõi tình hình qua các đài truyền thông và báo chí, tôi đột nhiên được nghe một “hung tín”: Ngày 8-4, Tướng Tư Lệnh Phó QĐ III bị mưu sát tại ngay trong VP của ông (?)
Đó là tất cả là những gì người ta còn nhớ được thêm cho Tháng 4 bất hạnh!
Đối với cá nhân người viết, những trăn trở của “Tháng Tư Đen” do đó còn bị hằn xâu thêm bởi cái chết tức tưởi và bí ẩn của Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, TL Phó QĐ III và Quân Khu 3. Sự kiện này còn được hiểu ngầm, Tướng Hiếu đã ra đi (?) theo cùng với vận mệnh của đất nước!
Hôm nay, Ngày 8-4 của năm 2012, nhân ngày giỗ thứ 37 của cố Trung Tướng Nguyễn Văn Hiếu, một vị “Tướng tài ba và đức độ” của tập thể quân đội VNCH; Nhân đây, tôi muốn ghi lại kỷ niệm của một trong những lần được gặp Tướng TL Sư Đoàn 5/BB, mỗi khi ông có cuộc hội đàm với Tư Lệnh QĐ III và QK 3, tức Trung Tướng Nguyễn Văn Minh.
Những hình ảnh trong sáng hào hùng như thế, của một thời chinh chiến ngoại biên, kế hoạch “Đuổi giặc Cộng qua biên giới” của cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí, đã trở lui quá xa vào dĩ vãng. Nhưng có một điều chắc chắn, hình ảnh lý tưởng đó vẫn được giữ mãi trong tâm khảm của người viết lẫn người đọc!
1. CÒN GIỮ TRONG KÝ ỨC:
 Hầu như đó là phần trách nhiệm của vị chị huy tổng quát mặt trận.
Mỗi ngày lên xuống trực thăng, bay bao vùng để quan sát, theo dõi lực lượng Bạn; Trực thăng cất cánh từ Tây Ninh qua khu Mỏ Vẹt (Perrot beak) lên Suong, qua Chup, rồi Krek, theo huớng Đông qua Memot bay dọc theo QL 7 vào vùng Lưởi Câu (Fish Hook)…Đó là dịp để vị tư lệnh chiến trường liên lạc, thu thập thêm ý kiến của cấp chỉ huy đơn vị Bạn ở dưới đất. Phi hành đoàn sau đó đưa Tướng Minh trở về đáp tại Bộ CH Tiền phương của QĐ III, lúc đó được đặt tại căn cứ Trảng lớn, thuộc phi trường Tây Ninh East.
Bãi đáp trực thăng nằm ngay sát Bộ Tư lệnh Tiền phương, lúc bình thường có thể đi bộ từ sân bay vào trong căn cứ. Tây Ninh East tọa lạc ở một khu đất gần đầu phi trường của Tỉnh, được xử dụng như là một sân bay nhỏ, thích hợp với loại phi cơ thám thính L19 cùng các trực thăng đủ loại. Phẩn lớn nhiều chỗ vẫn còn trải nhựa; nhưng sau này vì không kịp tu bổ nên nơi nào bị hư hỏng, tức khắc được thay thế bằng những bửng sắt dày có khoét lỗ. Mỗi miếng có kích thước cỡ 5 ft x 10 ft (tức 1.5m x 3.0m); lúc đó có tên gọi là PSP (Perforated Steel Plates), đan vào nhau bằng những cái ngàm tựa như bản lề. Đấy là một loại vật liệu nhẹ, được xử dụng rất thông dụng của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh tại miền nam VN; đặc biệt dùng thiết lập những phi đạo dã chiến (bãi đáp = Landing Zone) cho các phi cơ trực thăng trên thế đất thiên nhiên, loại đất mềm.
Hơn nữa, với mục đích tăng cường an ninh, cũng như để chống pháo kích hay phá hoại; chỗ đậu trực thăng của Tư lệnh được bao bọc quanh một ụ xây bằng bao cát chất theo hình chữ “U”, bề dầy cỡ 1 m có chiều cao ngang vị trí cánh quạt trên nóc máy bay.
Tiếp theo chuyến bay quan sát bao vùng, trở về BCH Tiền phương vào xế chiều. Như thường lệ Tướng Minh triệu tập một cuộc họp ngắn nhằm phối hợp nhận định của các đơn vị bạn đang tham chiến, để bổ túc hoặc sửa đổi, nếu thấy là cần thiết, cho kế hoạch hành quân của Bộ Chỉ Huy được hoàn bị. Sau đó Xếp thích ngồi lại nói chuyện với thẩm quyền thuộc các đơn vị tham dự chiến dịch HQ Toàn thắng lúc bấy giờ. Nhiều khi câu chuyện trao đổi qua lại cũng chỉ kéo dài chừng mười lăm, hai mươi phút là ban tham mưu cáo từ Xếp để về nhiệm sở lo hoàn tất công việc.
Lúc đó trong VP Tư Lệnh Tiền phương chỉ còn lại hai thày trò.
Tướng Minh sau khi châm điếu thuốc lá, chậm giãi đứng lên, tiến về phía các tấm bản đồ hành quân. Vẫn trong dáng trầm ngâm, đôi mắt Xếp không dời cái nét vẽ nhỏ như sợi chỉ, mầu đỏ chạy dọc theo chiều nam-bắc; Đó là QL 13 (chưa ai đoán được chỉ một năm sau đó (’72) đã trở thành con đường máu trong kế hoạch giải toả Thị trấn An-Lộc); một liên Tỉnh Lộ nối dài từ quận Bến Cát chạy thẳng lên Lai Khê, Chơn thành, An lộc qua cầu Cần Lê, băng qua Lộc Ninh trước khi đổi hướng Tây Bắc qua căn cứ hỏa lực Alpha (hay Anh Dũng) rồi đâm thẳng sang vùng bên kia biên giới thuộc đất Miên.

 * * *
–“ Mình có còn gì ăn không?”
Tướng Minh cất tiếng hỏi nhưng mắt vẫn không dời khỏi tấm bản đồ treo trước mặt.
Tôi hơi giật mình vì không khí im lặng bị phá vỡ bởi tiếng nói bất chợt; bèn vội ngưng sắp xếp mớ hồ sơ trên bàn giấy của Xếp, và ngẩng lên trả lời:
–“ Dạ, trình Xếp vẫn còn. Nếu Xếp cần dùng, tôi sẽ đi lấy?”
Vốn sẵn hiểu tính ông thày, tôi không đợi câu trả lời, tiến lại chỗ dựng túi sách tay, lựa một trong hai gói Sôi (được cẩn thận gửi đem theo hồi sáng). Tôi cầm lấy một gói đưa cho ông. Đây là phần ăn sơ-cua của cả hai thày trò, dự trù cho những lần làm việc trễ, gần sát bữa cơm buổi chiều.
Một lúc sau đó, Xếp mới thắc mắc hỏi tôi:
–“ Sao bữa nay lại có Sôi?”
–“ Dạ thưa Xếp, vì hôm nay là ngày Mùng 1.” Tôi đáp.
–“ Uả tôi nhớ bữa quà sáng cũng như trưa nay, chúng cho tôi ăn bánh mì chả?”
Ông vừa nói vừa đưa mắt nhìn tôi chăm chăm, dường như muốn có một câu trả lời thỏa đáng.
–“ Trình Xếp, giò kẹp bánh mì là thứ giò “Chay”. Chị Ba cho mang lên Biên hòa hồi sớm mai. Thưa, vì bữa nay là Mùng 1”.
Tôi nhắc lại, chậm giãi và rõ ràng, để ông biết là tôi không quên,
Như thường lệ, vì Xếp nguyện ăn chay hai ngày trong tháng, tức ngày 15 (Rằm) và ngày Mùng 1; đương nhiên trong số SQ Tùy viên, hễ người nào lên “ca” đúng vào hai cái ngày đó thì cũng phải theo dõi để nhớ và tự giác “ăn chay” theo thày!
Đấy là nguyên do khiến tôi vẫn không quên, bữa đó là ngày Thứ Hai 24-5-71 Dương lịch, tức theo ngày Ta (1-5-71 Âm lịch); có nghĩa là Mùng 1.
Thông lệ một số người theo đạo Phật nếu đã quy y, tức có Pháp danh, thì muốn “giữ giới”; có nghĩa là ăn chay hai ngày trong một tháng: Mùng 1 và Rằm (tức ngày 15 Âm lịch); đó là trường hợp của Xếp (Pháp danh Hằng Minh), tức Trung Tướng Nguyễn văn Minh (TL QĐ III và QK 3) như vùa kể.
[Sự kiện xẩy ra vào bữa đó tại Tây Ninh, thuộc BCH hành quân Tiền phuơng của QĐ III,  khiến tôi còn ghi rõ được ngày tháng; có thể nói, cho đến nay vẫn không quên]
Lát sau, Xếp lên tiếng hỏi:
–“ Thế anh đã có gì ăn chưa?”
–“ Dạ có, cám ơn Xếp tôi có đồ ăn mang theo đây”.
Tôi trả lời, trong lúc mở phích nước trà nóng (Lipton) rót ra một ly, đưa cho Xếp.
–“ Thiếu tá Cửu có mặt ở đây không?” Ý ông muốn nhắc đến tên Phi công trưởng.
–“ Dạ, thưa có ”
–“ Anh gọi vào đây gặp tôi.”
Sau khi Thiếu tá Cửu, SQ trưởng toán phi hành đoàn, vào trình bầy rõ ràng là mỗi lần đưa Xếp đến một địa điểm, Phi hành đoàn thường đem trực thăng ghé các bồn nhiên liệu của KQ tại địa phương đổ thêm cho đầy săng để dự trù cho lộ trình kế tiếp. Do đó bình săng trên tầu coi như lúc nào cũng được đổ đầy (khoảng chừng 800 Pounds săng JP-4).
Trong lúc SQ phi công dời khỏi phòng, Tướng Minh ngả lưng trên ghế, dáng mệt mỏi.
Chừng vài phút sau ông cất tiếng dặn tôi:
–“ Anh dùng máy Hotline hỏi xem Thiếu Tướng Hiếu có trên BCH Lộc Ninh không? Tôi muốn nói chuyện”.
Tôi lật đật tiến đến nhấc chiếc ống nghe màu đỏ trong dẫy máy điện thoại đặt trên bàn; tức khắc kêu lên BCH Nhẹ (Tiền phương) của Sư Đoàn 5/ Bộ Binh tại Lộc Ninh.
–“ A lô! A lô! Tr. Úy Liên đó có phải không? Tôi T. đây, Thiếu Tướng Tư Lệnh có mặt ở đó không anh? Anh trình có ông thày tôi muốn nói chuyện.”
….
–“ A lô! Kính trình Thiếu Tướng có Tr. Tướng TL QĐ III đang hiện diện ở đầu máy.”
Khi nghe tôi xưng chức vụ, ông khẽ lườm nhẹ một cái rồi mới chịu cầm lấy ông nghe tôi đang trao qua tay ông.
–“ A lô! Anh Hiếu hả! Tôi, Minh đây anh! Sao tình hình ở trển thế nào?  Mấy thằng nhỏ của anh đang làm ăn ra sao ?…
…….
–“ Tôi hiện đang ở Trảng Lớn (Tây Ninh). Trên đường về Biên Hòa tôi muốn ghé gặp anh ở trển. (tức Lộc Ninh, BCH Nhẹ của SĐ 5/BB).”

–“ A lô! A lô! Sao?… Anh nói sao? Muốn gặp nhau ở Lai Khê hả?

–“ Được mà anh Hiếu ! Cứ theo như vậy đi! Khoảng nửa giờ nữa tôi sẽ đến nơi. Thôi nha, chào anh! chấm dứt!”
………
2. THẾ NGHI BINH VÀ RÚT THEO ĐỘI HÌNH “VẾT CHÂN CHIM” !
So sánh hàng tướng lãnh trong QL VNCH, Thiếu Tướng Nguyễn văn Hiếu Tư Lệnh SĐ 5/ BB (8-69/ 6-71) được nể trọng vê cả tư cách lẫn đạo đức; đặc biệt tài “điều binh, khiển tướng” của ông trong suốt thời gian qua.
Vào năm gần đây (2008) tôi lại có dịp liên lạc được hầu hết các vị SQ cao cấp, Trưởng phòng, trong thời gian phục vụ tại Bộ Tư Lệnh QĐ III (2/71-10/73). Mọi người vẫn giữ thái độ kính trọng khi nghe tôi nhắc đến Thiếu Tướng Nguyễn văn Hiếu. Họ tưởng nhở tới ông như một cấp chỉ huy tài đức song toàn. Một vài vị còn nói là: “Ông ấy (Tướng Hiếu) hiền quá!”. Trong câu chuyện tôi đã ngưng ở đó, vì thấy không cần thiết hỏi để hiểu thêm (?)

Thời gian lúc đó vào cuối tháng 5-71, “ngày” dường như đã trở nên dài thêm ra, đúng nghĩa với câu nói “Tháng 5 chưa nằm đã sáng”; để chỉ sự kiện đêm ngắn ngày dài, do sự thay đỏi trục quay của trái đất vì thời tiết đã bắt đầu chuyển qua mùa Hạ chí (Summer Solstice).
Mùa mưa tại miền nam, hàng năm thường khởi sự đúng vào lúc này.
Vị Tư lệnh chiến trường tiền nhiệm, cố Đại Tướng Đỗ cao Trí, khai diễn cuộc Hành quân Ngoại Biên trong mùa khô ráo năm trước (’70). Bây giờ đến lượt Trung Tướng Nguyễn văn Minh, kế thừa cố Đại Tưóng Trí, đã không có lựa chọn, phải mặc nhiên “Đình chỉ cuộc tiến quân và tìm cách đem toàn bộ lực lượng trở về nội địa; với mức an toàn tối đa cần thiết ” (?); theo như ý muốn của thượng cấp (Vị Tổng Tư Lệnh tối cao của quân lực VNCH) vào thời điểm Tướng Minh trình diện tại Bộ TTM, buổi sáng cùng ngày với tai nạn trực thăng xẩy ra cho Tướng Đỗ Cao Trí.
Tình hình chiến sự lúc bấy giờ, ngoài cuộc hành quân Toàn Thắng (‘71) thuộc QK 3 và Lam sơn 719, tại QK 1. Quân CS Bắc việt còn mở thêm mặt trận ở Vùng 2, khu Tam biên, nhằm tấn công vào Tỉnh Kon-tum; với ý đồ chi phối nổ lực yểm trợ của các lực lượng Tổng trừ bị, trực thuộc Bộ TTM quân lực VNCH. Cùng lúc, do sự rối rắm của nội tình chính trị tại Mỹ, xuất hiện các cuộc biểu tình chống đối của phe phản chiến, thái độ công kích từ Đảng đối lập, đã giữ vai trò quyết định cho một cuộc chiến, từng kéo dài hàng chục năm qua tại VN. Không những thế, đặc biệt vấn đề ngân sách ngoại viện, hỗ trợ VNCH, lúc đó đang ở tình trạng bấp bênh. Sự mặc cả giá trên số ngân khoản viện trợ, tất nhiên do quyết định của lưỡng viện Hoa Kỳ, nơi tập trung quyền Lập pháp; tọa lạc cách xa Việt nam đúng một nửa vòng trái đất!
Theo lời hẹn qua máy Hotline, trực thăng của TL Quân đoàn, có sơn dấu hiệu “QD III” ở đầu phi cơ, xuống thấp cao độ từ Chi khu Bến Cát, dọc theo hướng Bắc QL 13, rồi từ từ hạ cánh trên bãi đậu được lát bằng bửng sắt PSP.
Đây cũng là loại phi trường dã chiến (do đơn vị Mỹ để lại), chủ yếu giành cho trực thăng các loại, nhằm vào việc đổ quân và di tản thương binh; cũng đôi khi xử dụng cho các máy bay nhỏ như loại thám thính L-19 (Cessna). Chỗ đó là ngã 3 đường, nơi phát xuất nhánh đường nhựa, cắt QL 13, dẫn thẳng vào căn cứ Lai Khê, bản doanh của SĐ 5 /BB do Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, làm Tư Lệnh.
Tướng Hiêu được Cố Đại Tướng Đỗ cao Trí triệu hồi về từ Vùng II, sau khi nắm chức  Tư Lệnh Sư đoàn 5/ BB (8/1969), ông đã trực tiếp nhận bàn giao căn cứ Lai Khê từ một lực lượng Hoa Kỳ, là Sư Đoàn 1/ BB (The BIG One). Từ đó căn cứ này được dùng làm Bộ chỉ huy của Sư đoàn 5/ BB thuộc Quân Đoàn III, QL VNCH.
Lúc đó vào khoảng gần 6 giờ chiều.
Những rặng cây cao của rừng cao xu trồng dọc theo QL 13, phản chiếu ánh nắng, bóng ngả dài trên mặt nhựa đường của Liên Tỉnh Lộ (LTL) hay Quốc lộ 13.
Tướng Hiếu đứng đón Tướng Minh tại ngay bãi đậu trực thăng. Có lẽ vị Tư Lệnh Sư đoàn cũng vừa mới từ trên Lộc Ninh trở về đến nơi; vì lúc đó đà quay của cánh quạt trên nóc trực thăng, có vẽ huy hiệu “SĐ 5”, vẫn còn chưa ngưng hẳn.
Trên đường vào BCH Lai Khê, ngồi cạnh Tr. Úy Liên (Tùy viênTLSĐ5/BB) ỏ băng sau chiếc xe díp do đích thân Tướng Hiếu lái chở Xếp.
Tôi ghé sát tai người bạn đồng nghiệp hỏi:
–“ Tình hình trên đó ra sao?”
–“ Còn nhiều chuyên phải làm lắm!”
Anh bạn không trả lời thẳng vào câu tôi hỏi. Sẵn đà xe đang chạy, không tiện hỏi thêm nhưng tôi tự nghĩ, tinh hình bên kia biên giới chắc chưa thu gọn được như ý muốn của các vị chỉ huy trưởng đơn vị.
Không để mất thời giờ, nên khi vừa bước vào trong văn phòng, hai vị tướng lãnh cùng bước ngay tới tấm bản đồ hành quân; đặc biệt với phóng đồ tỷ lệ tương đối nhỏ, phát hiện bao quát toàn thể khu vực phía nam Thị trấn Snoul; dọc theo QL 13, cắt TL 7 (trên đất Miên), trước khi xuống tới lằn mức biên giới QK 3, cách căn cứ hoả lực “A”, Alpha chừng vài cây số. Bộ chỉ huy nhẹ của SĐ 5/BB lúc đó được đặt tại Lộc Ninh, khoảng cách độ chừng hơn 10 cs tới biên giới Việt-Miên.
Vừa rồi trong cuộc điện đàm, Tướng Hiếu đề nghị sẽ trở về Lai Khê để gặp Tướng Minh; được coi như là một sự lựa chọn thích hợp cho cuộc gặp gỡ giữa riêng của hai người.
Rút quân theo đội hình ‘vết chân chim’ là kế hoạch do chính Tướng TL SĐ 5/BB phác họa trong buổi họp hành quân của Bộ TM trước đây. Chiến Đoàn 8/BB, theo đó sẽ đem đội hình này áp dụng cho cuộc chuyển các cánh quân, lúc đó đang hoạt động tại Thị trấn Snoul, trở về vùng nội địa QK 3!
Thật ra đó là phương thức “chuyển quân” rất thông thường của các cuộc hành quân, gồm cả tiến quân lẫn lui binh của mỗi đơn vi.
Với kế hoạch lui binh (hay tiến quân) theo đội hình “Vết chân chim”, vị Chỉ huy trưởng thường chia đơn vị trực thuộc ra từng thành phần (TP); để nhận lãnh nhiệm vụ cho rõ rệt. Cộng thêm các lực lượng tăng phái, cũng được đặt dưới quyền xử dụng của vị chỉ huy trưởng. Thành phần (TP) cơ hữu phải có bổn phận giữ liên lạc (hàng ngang, hàng dọc) để đồng thời nhận lệnh, ban lệnh và yểm trợ lẫn cho nhau như đã hoạch định theo đội hình “bước chân chim”:
-          (1) TP-1 được lệnh di chuyển trước (giữ ấn tiên phong), sẽ ngưng lại tại một địa điểm đã ấn định (được xác nhận trên bản đồ của BTM hành quân). Tại đây, TP-1 ngừng lại, chuyển qua nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực cho TP-2 sẽ di chuyển kế tiếp.
-          (2) TP-2 với sự yểm trợ hỏa lực của đơn vị bạn (TP-1), khởi hành tiếp theo từ điểm xuất phát. Sau khi di chuyển (rút lui) vượt qua khỏi vị trí của đơn vị bạn (tổ y/t hỏa lực TP-1 ); thì TP-2 cũng sẽ ngừng tại vị trí định sẵn và yểm trợ cho TP-1 thực hiện cuộc lui quân trên đoạn duờng kế tiếp…v..v.
………………..
Diễn tiến nêu trên, được mô tả giống như vết chân một con chim đang bước (tuần tự chân trước, chân sau); một đội hình thông thường trong chiến thuật điều quân, như trong chương trình huấn luyện ở quân trường. Kết quả mọi cuộc hành quân, nếu kế hoạch được thi hành đúng đắn theo lý thuyết, ít nhất, sẽ đem lại lợi thế cho đơn vị. Tuy nhiên trên thực tế, sự “thắng hay bại” vẫn còn bị chi phối bởi một trong những yếu tố bất di bất dịch là Thiên thời, Địa lợi và Nhân hoà !
Đặc biệt trong kế hoạch lui binh của Chiến Đoàn 8/BB, muốn cho cuộc rút quân được hiệu quả, vị chị huy mặt trận còn phải xử dụng kế Nghi binh để lừa địch:Tẩu Bắc hay Tẩu Namtrước cuộc “động binh” được khởi sự trong Ngày N và Giờ G.
Tương tự, Tuớng Hiếu đã lừa, dụ địch khi xử dụng mưu kế “Thủ hay Tẩu” để rút lui toàn bộ đơn vị Bạn ra khỏi Chi khu Thuần Mẫn. Trong thời gian xảy ra trận Thuần Mẫn, Tướng Hiéu, lúc đó mang lon Đại Tá và đang nắm giữ chức Tham Mưu Trưởng QĐII. Do những trận thắng hiển hách được đặt dưới sự điều động của Đại Tá Hiếu; nội trong khoảng 3 năm, ông được đặc cách vinh thăng Chuẩn Tướng rồi Thiếu Tướng. Dư luận đã công nhận, mặc dù là người không có phe cánh trong quân đội, nhưng Tướng Hiếu được kể là một trong số những vị Tướng được thăng cấp nhanh nhất và ông được thăng chức vì công trạng ngoài mặt trận !!!
Sau đây là một trích đoạn từ Trang nhà :
“Đem hai cuộc lui binh do Tướng Hiếu thực hiện – (1) Thuần Mẫn tháng 6/1965 trên Cao Nguyên và (2) Snoul tháng 5/1971 tại Cam Bốt – ra phân tách, ta sẽ rút tiả được những yếu tố cần thiết cho một cuộc lui binh thành công. “
Các hình thức đánh lừa đối phương được đơn cử:
- Thế Nghi Binh: Thủ hay Tẩu
- Thế Nghi Binh: Tẩu Bắc hay Tẩu Nam”
Mở coi đầy đủ chi tiết trong bàiNghệ Thuật Lui Binh” do Nguyễn Văn Tín sưu tầm.
http://www.generalhieu.com/retreat-u.htm
1/- Cuộc lui binh xẩy ra tại Chi khu Thuần Mẫn, QK 2 (6/65)
(Trích đoạn):
“……………
Chiều hôm đó, quận trưởng Thuần Mẫn báo cáo bằng vô tuyến là các đơn vị của ông sẽ không thể cầm cự qua một đêm nữa. Vì theo ước tính đoàn quân tiếp viện phải mất ít nhất hai ngày nữa mới tới được Thuần Mẫn, quyết định được chọn lựa là di tản các chiến binh bằng trực thăng chiều hôm đó. Nỗ lực này thất bại. Ngay sau khi các trực thăng dẫn đầu xà xuống bãi đáp gần các vị trí phòng thủ quận, Việt Cộng rót hỏa lực súng cối nặng vào bãi đáp mà các phi cơ chiến đấu yểm trợ không tài trừ khử. May thay, các trực thăng dẫn đầu cất cánh lên được một cách vô sự. Các trực thăng còn lại phải hủy bỏ sứ vụ và quay trở về Cheo Reo.
……..
“ Để đánh lừa Việt Cộng, lệnh được chuyển đi cách công khai trên vô tuyến là trại quân phải cầm cự cho đến khi đoàn quân tiếp cứu đến vào ngày hôm sau. Thêm vào đó, một loạt oanh kích giáng xuống các vị trí Việt Cộng vào xế chiều. Kế hoạch cũng đưọc thiết lập để cung ứng yểm trợ bằng trực thăng võ trang và chiến đấu cơ vào sáng sớm hôm sau dọc theo đường rút quân cho đến địa điểm bảo ninh của các đơn vị DSCĐ Buôn Brieng. Tiếp đó họ di chuyển lui về trại DSCĐ tại Buôn Brieng và rồi được di tản bằng máy bay vận tải Caribou trở về Cheo Reo.”
.……..(Ngưng trích)
2/ – Cuộc lui binh xẩy ra tại Snoul, Cam-bốt (5/71)
Mở coi bài viết của cựu Đ/Úy TĐT 1/8 Trần văn Thưởng.
http://www.generalhieu.com/snoulthuong-u.htm

(Trích đoạn)
Khoảng 08:00G ngày 28/5/71, tiểu đoàn nhận được mật điện từ BCH/CĐ8, cho lệnh bỏ căn cứ và rút quân về giao tiếp với Tiểu đoàn 2/7 tại chợ Snoul vào ngày mai, 29/5/71.
 “Khoảng 17:00G, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1/8 xin gặp Thiếu tá Hùng, Trưởng ban 3 Trung đoàn 8, để nói chuyện bằng bạch văn trong máy truyền tin. TĐT nói, “Tôi đă nhận lệnh tử thủ cũng như tin mừng là chúng mình sẽ có B52 yểm trợ.”
 “Sự chủ quan của địch cũng làm địch bị lầm lẫn trong kế nghi binh của quân trú phòng. Từ ngày 25/5/71 đến ngày 28/5/71, các đại đội luôn luôn than phiền về BCH/TĐ về việc thiếu nước uống, một số binh sĩ đă ngă bịnh và mất tinh thần. Ngoài ra các đại đội đồng thanh xin tiếp tế nước uống khẩn cấp, hay phải đánh gấp vào con suối để lấy nước uống. Địch hoàn toàn tin tưởng vào các cuộc đàm thoại trong máy truyền tin của quân trú phòng, bởi vì chúng thừa hiểu rằng các LLKK Hoa Kỳ đă không thể tải thương hay tiếp tế cho TĐ1/8 vì hỏa lực phòng không và trận địa pháo của chúng quá mạnh. Do đó địch chủ quan tin rằng cứ việc bao vây, pháo kích mạnh để ngăn chặn trực thăng tiếp tế và tải thương, là đủ để quân trú phòng đầu hàng vì thiếu nước uống. Sự thật, địch đă mắc mưu quân trú phòng trong kế hoạch “Trì Hoăn Chiến” để chờ tăng viện, theo kế hoạch “Điệu Hồ Ly Sơn” của Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 và tướng Hiếu.”
……….(Ngưng trích)
 3. “THIÊN THỜI- ĐỊA LỢI VÀ NHÂN HÒA”!
Buổi nói chuyện giữa cá nhân hai vị tư lệnh mặt trận vào chiều ngày hôm đó (Thứ Hai 24-5-71) tại căn cứ Lai Khê được coi như đã kế cận Ngày N; thời hạn ấn định cho cuộc lui binh của Chiến Đoàn 8/BB, từ Thị trấn Snoul trở về biên giới.
Nếu tính theo Âm lịch tức hôm đó là Mùng 1 Tháng 5, tôi vẫn nhớ đó là ngày Xếp ăn chay. Sự kiện này tuy không phải vừa mới xẩy ra, nhưng cho tới nay, theo tôi nghĩ, sẽ không có sự nhầm lẫn trong ký ức sau bấy nhiêu năm trời (?). Trong mục “Lá Thư Từ Chiến Trường”, căn cứ tài liệu của ông Nguyễn văn Tín (bào đệ của cố Trung Tướng Hiếu), ngày hôm sau cũng tại Lai Khê, Thứ Ba 25-5-71 (trước khi trở lên BCH nhẹ của SĐ 5/ BB tại cứ điểm Lộc Ninh), Tướng TL Sư Đoàn đã viết thư về Sàigòn cho gia đình, đề tên Madame Hiếu, trong nội dung có đoạn như sau:
(Trích đoạn)
Lá Thư Từ Chiến Trường:
Lai Khê 25-5-1971
“………
Hành quân sau vụ này có lẽ sẽ dễ chịu hơn vì sắp đến mùa mưa.
…..”
(Ngưng trích)
Cũng như mọi lần, lá thư viết từ mặt trận của Tướng Hiếu, mặc dù Ngày N xuất quân của CĐ 8/BB được kề cận ngay đó; nhưng với bản tính điềm đạm, mẫu mực; ông đã không biểu bộ mảy may sự bồn chồn, lo âu. Những đức tính này đã giúp Tướng Hiếu giành được cảm tình cũng như sự nể phục của hầu hết giới quân nhân cùng thời.
Đội hình “vết chân chim” được công nhận là cách rút quân thích nghi do Tướng Hiếu đề ra trước Bộ TM của Chiến dịch Toàn Thắng, cuộc hành quân ngoại biên năm’71. Kế hoạch này do đó được nghiên cứu cẩn thận, ngõ hầu giúp Đại tá Bùi Trạch Dzần đem đuợc toàn bộ đơn vị cơ hữu ra khỏi Thị trấn Snoul, an toàn trở về nội địa.
Đây không phải là lần đầu tiên hai vị tư lệnh mặt trận thảo luận quanh vụ rút quân của Chiến đoàn, hiện đang hoạt động trên lãnh thổ Cam-Bốt. Ngược lại kế hoạch lui binh của Tướng Hiếu đã được đem thảo luận với mức độ: Khẩn/Mật trong BTL Tiền phương của QĐ III; bao gồm Lệnh hành quân trong đó có Ngày N “xuất phát”, sẽ được vị Chiến Đoàn trưởng cùng Tướng Hiếu quyết định tối hậu; tùy thuộc hiện tình lúc đó tại vùng trách nhiệm (tức phải gom quân trước khi xuất phát). Các đơn vị được tăng phái cũng được chỉ định rõ rệt trong Đặc lệnh HQ gồm có: KQ, yểm trợ phi pháo và LLXK QĐ III trực tiếp yểm trợ hỏa lực, trên đường rút lui của CĐ 8/BB v..v. Nói tóm lại, đó là kế hoạch của Bộ TM phối hợp Hành quân (Quân đoàn và Sư đoàn) mục đích yểm trợ hữu hiệu cho cuộc lui binh của Chiến Đoàn 8 thuộc SĐ 5/BB; vào lúc đó còn đang hoạt động rải rác quanh Thị trấn Snoul, trong lãnh thổ Cam-Bốt.
Thấy tôi vừa ló mặt trở lại văn phòng, Tướng Minh đang ngồi nói chuyện với Tướng Hiếu tại sa-lông, liền ngẩng mặt nhìn lên, hỏi:
–“ Đi đâu đó cha?”
[Có nhiều lúc Xếp thích ‘kêu’ chúng tôi bằng “cha”, có lẽ là “cha nội” theo cách nói của người miền nam].
–“ Dạ, thưa tôi sang bên tư thất Thiếu Tướng xin nước sôi, pha trà…”. Tôi vội trình bầy.
–“ Ủa, anh Hiếu vẫn chưa đưa gia đình về Sàgòn sao ?” Xếp không cần nghe tôi nói hết, đã xoay câu chuyện qua hỏi Tướng Hiếu đang ngồi kế bên.
–“ Nhà tôi cùng mấy cháu đã về Sàigòn bữa trước”. Vị Tư lệnh SĐ thủng thẳp trả lời.
Vừa rồi nhìn thấy bình nước uống mang theo đã cạn, tôi lợi dụng hai vị tướng lãnh còn đang chăm chú nói chuyện, nên lén bước ra ngoài nhờ Tr.U Liên kiếm dùm nước đun sôi để châm thêm vào bình trà Lipton cho Xếp. Người bạn rất có ý tứ, ra dấu cho tôi theo anh sang bên tư thất của TL Sư đoàn để lấy nước. Anh Liên muốn chính tôi tự tay rót ấm nước vừa được đun sôi vào trong bình thủy. Tôi thông cảm với người bạn đồng nghiêp, vì đó là cách bảo đảm an toàn cho các yếu nhân, chính chúng tôi (là những SQ phụ tá) phải tự giữ phần trách nhiệm.
Tướng Hiếu, kịp lúc đó đưa mắt nhìn tôi và nói:
–“ Anh ra gọi Tr. Úy Liên dùm tôi!”
Trước khi mở cửa văn phòng bước ra, tai tôi còn nghe tiếng ông nói tiếp:
–“ Để tôi tiễn Trung Tướng ra máy bay”.
Trong nhật ký Hành quân của Bộ Tư Lệnh QĐ III và QK 3, kế boạch rút quân từ Thị trấn Snoul của CĐ 8/ BB được ghi nhận bắt đầu từ 24-5; thời gian kéo dài cho tới tận cuối tháng (31-05-71). Tính ra tổng cộng khoảng 1 tuần lễ, dự trù gồm cả những ngày dùng cho “kế hoạch gom quân”. Được biết một số lực lượng trực thuộc CĐ 8, lúc bấy giờ vẫn còn đang hoạt động rải rác ngoại vi Thị trấn Snoul; Vị Chiến Đoản trưởng cần phải tập trung các đơn vị này lại (vào những Ngày N-3, -2, -1..) để sửa soạn cuộc rút lui đã được ấn định theo Ngày N+0 trong Lệnh hành quân.
Ngay trong thời kỳ còn trong quân trường, mỗi tân binh khóa sinh, đặc biệt được huấn luyện để trở thành cấp chỉ huy; Ít nhất cũng được hướng dẫn kỹ thuật “lượng giá” sự Thắng/Bại trên chiến trường. Một trong những lý thuyết về chiến thuật, rút tỉa từ Binh Thư cổ điển giữa Đông và Tây; căn cứ trên 3 yếu tố: Thiên-Địa-Nhân; tức Thiên thời; Địa lợi và Nhân hòa.
Ba điểm vừa nêu theo chiến lược, thiết tưởng thời nào cũng được kể là quan trọng; đã góp tích cực vào sự thành bại. Những điểm nồng cốt này, tất nhiên các vị SQ cao cấp, với kinh nghiệm vài chục năm trong chức vụ chỉ huy, như Tướng Trí, Tướng Minh và 3 vị Tư Lệnh sư đoàn gồm Tướng Hiếu (SĐ 5), Tướng Thịnh (SĐ 25) và Tướng Thơ (SĐ 18)… tất nhiên đều đã thấu hiểu kỹ lưỡng !
Tuy nhiên cuộc rút quân của Chiến đoàn 8/BB từ Thị trấn Snoul, đã diễn tiến trong một tình huống tương đối khá ngặt nghèo bởi 2 lý do sau đây (Nhận định sẽ được khai triển  trong bài viết kế tiếp của cùng tác giả):
(i) Thành phần yểm trợ , LLXK QĐ III, tham chiến quá trễ tại mặt trận.
(ii) Các Thành phần rút lui (TP-1, TP-2..) bị địch quân cố “bám như sát đỉa đói”, khiến binh sĩ của Chiến đoàn mất tinh thần (?).
Do nguyên nhân “bộ đội bác hồ“ sợ bom của B-52, nên liều sống bám theo cuộc lui binh, để giữ khoảng cách “càng gần lực lượng VNCH chừng nào càng tốt chừng nấy”.
Được biết các phi tuần B-52 chỉ “Ok!” thả bom trong mức an toàn cho quân bạn; với khoảng cách đòi hỏi tối thiểu từ 500 thước (chừng 1600 bộ, feet). Mặc dú có chủ ý muốn tấn công hay không, các cán binh CS Bắc việt vẫn phải cố “bám sát để sống” [“They (VC) run like hell for their lives! # ? %”]; tức duy trì sự “tiếp cận” với binh sĩ VNCH, khiến họ sẽ tránh được mức tác hại của các Box B-52, do các phi tuần không quân chiến lược Hoa Kỳ đánh xuống.
TẠM KẾT, PHẦN I:
Đoạn đường suốt 10 cây số trải dọc trên QL.13, từ Thị trấn Snoul trở về biên giới Miên-Việt, nói đúng ra không dài hơn khúc xa lộ đi từ Sàigòn lên Thủ Đức (trước năm 75). Đó là khoảng cách mà Đại Tá Bùi Trạch Dzần nhận lãnh trách nhiệm đưa Chiến Đoàn 8/BB, triệt thoái khỏi Snoul để trở về vùng nội địa thuộc Quân khu 3.
Được biết Chiến đoàn Đặc nhiệm này (Task Force) được bao gồm khoảng vài ngàn tay súng cá nhân và một số vũ khí cộng đổng, cùng các đơn vị yểm trợ cơ hữu (công binh, pháo binh, thiết giáp …). Hơn nữa  CĐ 8/BB còn được thêm các đơn vị biệt lập tăng phái, yểm trợ hoả lực như: Phi pháo (KQ Việt và Mỹ) và LLXK QĐ III (Thiết giáp)..v..v
Trong phần lý thuyết, trường hợp rút quân theo đội hình “vết chân chim”, với đoạn đường dài cỡ 10 cs; có thể cả  Chiến đoàn chỉ cần “Đi” chừng 3 bước (3 X 3 cs = 10 cs). Tại mỗi địa điểm dừng chân (khoảng cách 3 cs), mỗi Tiểu đoàn cơ hữu sẽ duy trì hoả lực, hỗ trợ cho Tiểu đoàn bạn “Đi” theo sau, di chuyển theo bước kế tiếp.
Cuộc chuyển quân dọc theo QL.13, cứ thế tiếp tục cho tới khi Đại Tá CĐT Bùi Trạch Dzần hoàn tất kế hoạch đưa toàn bộ lực lượng của CĐ 8/BB về tới biên giới, trên lãnh thổ QK 3.
Thực chất của trận đụng độ trên QL.13 (có bài viết lấy tên “Cuộc triệt thoái Snoul”) là cuộc phục kích của địch, CS Bắc việt, nhắm tấn công vào CĐ 8/BB; trong lúc đơn vị  này xúc tiến cuộc hành quân lui binh.
Từng đợt giao tranh được gọi là khốc liệt, xẩy ra vào những ngày cuối cùng của tháng 5-71 trên đường rút quân; được một phóng viên ngoại quốc mệnh danh là “cuộc di chuyển qua cửa ải địa ngục”. Dư luận vào thời đó cũng có một số nhận xét “Cuộc triệt thoái Snoul” không thể so sánh được với những trận đánh khác (?) đã xẩy ra trước kia tại Pleime, Đức Cơ (QK II) hay Đồng Soài, Bình Giả (QK III). Tuy nhiên “Cuộc triệt thoái Snoul” gần đây mới được khơi động lại, do một số “comments” khá mạnh mẽ nhưng lại không đồng nhất về nhận xét Thắng/Thua; của một số các bài viết đăng trên mạng lưới điện tử, đặc biệt là Trang nhà generalhieu.com, do ông Nguyễn văn Tín, bào đệ Tướng Hiếu thực hiện.
Người viết mong có dịp được đóng góp thêm ý kiến, đặc biệt đối với những tác giả đã đề cập tới “mặt trận S.n.o.u.l”; một “sự kiện” đã trải qua 41 năm mà tớí tận bây giờ cũng vẫn còn có người muốn nhắc tới; Câu hỏi được nêu ra: liệu có cần thiết không (?) —-
(Hết Phần I)
Hồi ký – (Tháng 4, 2012)
 GHI CHÚ:
Hình ảnh mang tính cách minh họa.

0 comments:

Powered By Blogger