Wednesday, June 13, 2012
Sứ Mạng Của Hai Người Phụ Nữ - Nạn Buôn Người và Số Phận Người Tị Nạn tại Thái Lan
Hai người có hai số phận, hai tính cách, hai gia thế và hai hoàn cảnh sống khác nhau. Một người là luật sư tốt nghiệp tại Hoa Kỳ thông thạo song ngữ Anh-Việt, một người vừa đang đi học ESL vừa đi làm nhiều công việc khác nhau, để trang trải cuộc sống mới nơi xứ sở tự do mới gần 2 năm. Họ đều là hai người phụ nữ có vóc hình nhỏ bé, mới ngoài ba mươi, khuôn mặt khả ái, trái tim mạnh mẽ và tấm lòng thiết tha với sứ mạng mà họ đang dấn thân. Họ quyết tâm phổ biến đến đồng hương Việt Nam để mọi người biết đến nhiều hơn về nạn buôn người, buôn lao động từ Việt Nam, về số phận của những người Việt tị nạn đang chờ đợi trong vô vọng tại Thái Lan xin quy chế tị nạn để đến được đất nước tự do làm lại cuộc đời. Qua câu chuyện với hai người phụ nữ này, người viết càng cảm phục hơn những trọng trách mà cả hai đang gánh vác trên đôi vai bé nhỏ của mình. Tên của cả hai đã trở nên khá nổi tiếng với đồng hương Việt Nam qua nhiều chương trình đã phổ biến trên các cơ quan truyền thông tại hải ngoại.
Luật Sư An Phong (trái) - Cô Vũ Phương-Anh (phải) - ảnh do người được phỏng vấn cung cấp.
Người thứ nhất là nữ Luật Sư An Phong, thuộc BPSOS, viết tắt của Boat People SOS, một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận có tên tiếng Việt là Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển của những người Mỹ gốc Việt, trụ sở chính tại Falls Church, Virginia, do Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng làm chủ tịch, kiêm giám đốc điều hành. Tổ chức này là một trong bốn thành viên của Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Châu Á (CAMSA).
Người thứ hai là cô Vũ Phương Anh, vốn có mẹ là người sắc tộc Hmong. Cô là nạn nhân của vụ buôn lao động ở Jordan vào tháng 2 năm 2008, khi cô và 175 nữ công nhân Việt Nam khác đình công sau 10 ngày làm việc trong quy chế lao động khổ sai từ 7 giờ 30 sáng tới 12 giờ đêm và chỉ được lãnh có 10 Mỹ kim. Tất cả đã đồng lòng phản đối sự bóc lột và ngược đãi của W&D Apparel, một hãng may do người Đài Loan làm chủ. Hãng này chuyên cung cấp đồng phục cho hai đại công ty ở Hoa Kỳ. Tổng giám đốc hãng W&D Apparel đã huy động nhân viên bảo vệ và cảnh sát Jordan đến hành hung các chị em phụ nữ này một cách thô bạo. Năm nữ công nhân bị thương nặng, bị hôn mê và nằm liệt giường sau đó. Cô Tuyết, một cô thợ may trong nhóm đã gọi về cho người chị là một ký giả báo Tuổi Trẻ ở Hà Nội loan tin trên báo. TS. Nguyễn Đình Thắng, đại diện cho BPSOS và là thành viên của CAMSA, đã đọc được tin này và tìm cách liên lạc với những người thợ may ở Jordan, rồi gửi tặng họ 3.000 Mỹ kim, sau đó thực hiện việc giải cứu cho nạn nhân và lên tiếng trước công luận. Cô Phương Anh được xem là người đứng đầu trong số 11 người bị tình nghi là lãnh đạo cuộc đình công khi phái đoàn chính phủ liên ngành ở Việt Nam sang giải quyết vụ này. Trên chuyến bay hồi hương, cô Phương Anh đươc BPSOS sắp xếp để trốn thoát và xin sự bảo vệ của Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ở Thái Lan, và phối hợp với luật sư tình nguyện để lập hồ sơ xin tị nạn cho cô Phương Anh. Sau gần ba năm lánh nạn và trú ẩn ở Thái Lan, ngày 7 tháng 7 năm 2010 cô đã đến định cư tại Hoa Kỳ sau khi được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc và chính phủ Hoa Kỳ thừa nhận tư cách ti nạn. LS. An Phong và cô Vũ Phương Anh cho biết, vào lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật, 3-6-2012, tại hội trường Lê Đình Điểu ở cuối đường Moran, sẽ có một buổi gặp gỡ đồng hương. LS. An Phong sẽ trình bày về người Việt tị nạn ở Thái Lan và cô Vũ Phương Anh sẽ nói về nạn buôn người, buôn lao động từ Việt Nam bằng chính kinh nghiệm đau đớn của bản thân cô.
LS. An Phong vừa mới trở về lại Hoa Kỳ được 2 tuần sau thời gian cô ở Thái Lan 9 tháng hỗ trợ người Việt tị nạn về mặt pháp lý, giúp họ có cơ hội đi phỏng vấn với Cao Ủy Tị Nạn và xin quy chế tị nạn để được định cư tại Hoa Kỳ, hoặc giúp những người bị Cao Ủy Tị Nạn từ chối, làm lại hồ sơ để xin phỏng vấn.
Cô chia sẻ niềm vui với phóng viên Viễn Đông về việc BPSOS đã đưa được gia đình của một giáo dân Cồn Dầu thoát khỏi đời sống tị nạn tại Thái Lan đến thành phố Raleigh, North Carolina (Hoa Kỳ), để ổn định cuộc sống tự do. Theo LS. An Phong, hiện nay có khoảng 900 người tị nạn Việt Nam đang trốn tại Bangkok, trong đó có một số người Khmer Krom, 80 người trong nhóm Cồn Dầu, một số người từng sống tại trại tị nạn Sikew ở Thái Lan, vài người từng là nạn nhân buôn người, những người đấu tranh dân chủ, và gần 300 người H'mong, 100 người từ vùng cao nguyên, v.v.. Họ không được bảo vệ, lúc nào cũng có thể bị cảnh sát Thái bắt bỏ tù. Họ không được đi làm, con cái không được đi học.
LS. An Phong cho biết: “Nhiều gia đình gặp gỡ chúng tôi thiết tha mong xin được quy chế tị nạn (hiện nay để xin quy chế tị nạn rất khó khăn) để có cơ hội đi định cư và con cái có cơ hội học hành”. Từng là một thuyền nhân theo gia đình vượt biển đến trại tị nạn ở Malaysia năm 1989, bị kẹt lại lại đây trong 3 năm rưỡi, trước khi định cư Hoa Kỳ, trong ký ức của cô bé 9 tuổi An Phong lúc bấy giờ là nỗi tuyệt vọng trên gương mặt của bố mẹ khi bị Cao Ủy Tị Nạn đánh rớt trong lần phỏng vấn. Giờ đây, bản thân cô nhìn thấy những người Việt tị nạn ở Thái Lan có cảnh ngộ khó khăn hơn gia đình mình trước đây, giúp cô thêm kiên trì đeo đuổi công việc cô đang phụng sự.
Bên cạnh việc giúp đỡ pháp lý cho người Việt tị nạn tại Thái Lan, LS. An Phong còn quan tâm đến công tác phòng và chống nạn buôn người từ Việt Nam. Đây là một vấn nạn lớn mà quốc tế đang gia tăng nỗ lực để bài trừ, và cũng là mối ưu tư lớn nhất của cô vì ngay tại Việt Nam nhiều người vẫn không biết đến. Vấn nạn này đang diễn ra “dưới nhiều hình thức phức tạp, trong đó, hành động đem con bỏ chợ qua chương trình xuất khẩu lao động của nhà nước CSVN, đã tiếp tay với tệ nạn buôn người”.
Cô nói: “Nếu giả sử là mình, mình biết ra nước ngoài làm việc sẽ gặp phải những tệ nạn buôn người, buôn lao động thì mình có đi hay không? Nếu mình trong hoàn cảnh của họ, mình cũng phải đi, vì gánh nặng kinh tế từ gia đình, vì không ai nghĩ bản thân mình sẽ trở thành nạn nhân của nạn buôn người cả. Dẫu thực tế không phải ai đi lao động nước ngoài cũng trở thành nạn nhân buôn người, vẫn có những công ty làm ăn đàng hoàng. Nhưng vẫn có nhiều người bị bóc lột trầm trọng, bị lường gạt hay cưỡng bách vào tình trạng bị bóc lột, họ không thể thoát khỏi cảnh bóc lột vì bị tịch thu giấy tờ, bị đe doạ, bị khống chế, hay bị nợ nần do số tiền cầm cố nhà cửa để vay ngân hàng đóng cho cơ quan môi giới làm thủ tục. Nhiều người phụ nữ còn bị người chủ, quản lý cưỡng hiếp, nhưng khi lên tiếng thì không được giúp đỡ mà còn bị đe dọa, đành phải cắn răng làm việc. Đôi khi chúng tôi cũng giúp họ, nhưng nhiều người không dám lên tiếng tố cáo để chúng tôi lập hồ sơ, vì họ sợ nếu không thành công, thì họ sẽ mất hết tất cả”.
Được biết hiện tại bên Mã Lai có 120 ngàn công nhân lao động Việt Nam, ở Đài Loan có 80 ngàn công nhân. Hai nước này là 2 nước đứng nhất nhì con số người Việt qua lao động, chưa kể những nước như Jordan, Singapore… cũng có người Việt Nam đi bán sức lao động của mình.
LS. An Phong nói thêm: “Điều đau lòng là khi có sự ngược đãi công nhân, đại diện của chính quyền Việt Nam đã không giúp giải cứu người lao động, mà còn đồng tình với cơ quan môi giới lao động, buộc công nhân phải trở lại làm việc, nếu người lao động muốn về lại Việt Nam thì phải nộp phạt…
“Trong thời gian qua, Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu (CAMSA) đã phổ biến trên trang http://www.camsa-coalition.org/ danh sách các công ty tuyển và xuất khẩu lao động Việt Nam kèm với thông tin về hành vi vi phạm luật pháp, vi phạm hợp đồng, hay toa rập trong vấn đề buôn lao động của từng công ty. Nhưng chính quyền Việt Nam đã không hề điều tra, thì nói gì đến truy tố các công ty này. Các công ty vẫn hoạt động công khai, tiếp tục tuyển lao động mới. Khi họ không bị trừng phạt, thì vẫn còn tiếp tục có nhiều nạn nhân nữa”.
LS. An Phong cho hay: “Chúng tôi đã phổ biến trên mạng lưới toàn cầu những điều cần biết trước khi người lao động quyết định ra nước ngoài làm việc, và những tổ chức có dính đến nạn buôn người để họ tránh, cũng như những thông tin để giúp họ khi trở thành nạn nhân của nạn buôn người… nhưng không biết sự phổ biến tại Việt Nam ra sao. Dù có cơ quan vô vị lợi ở nước ngoài giúp nạn nhân, nhưng khi đã là nạn nhân thì đã quá trễ rồi”.
LS. An Phong nói thêm, theo phúc trình hàng năm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, thì trong năm 2008 và 2010, Việt Nam bị xếp vào danh sách hạng 2, vì nhà cầm quyền CSVN chưa tuân thủ đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu, để ngăn chặn việc buôn người ra nước ngoài, làm nô lệ tình dục và cưỡng bức lao động. Nếu họ vẫn tiếp tục không thay đổi, thì họ sẽ bị chế tài. Dù rằng họ đã ra đạo luật chống nạn buôn người, nhưng chưa thấy hoạt động cụ thể gì hết. Cô nói: “Chỉ mong rằng họ thực sự làm việc để chống vấn nạn này, thì mới mong không còn nạn nhân nữa”.
Lòng dũng cảm và niềm tin trong công cuộc đấu tranh chống nạn buôn người của một nạn nhân
Kể về câu chuyện của mình, cô Vũ Phương Anh nói với phóng viên Viễn Đông: “Khi còn sống ở trong nước, Phương Anh cũng như những người dân khác, không biết gì nhiều về những sai trái ở Việt Nam. Lúc đó nhà Phương Anh ở Lào Cai, không có internet để tìm hiểu, khi biết có chuyến đi lao động xuất khẩu với mức lương hứa hẹn, 300 Mỹ kim/tháng. Phương Anh đã được hướng dẫn cầm cố sổ đỏ (bằng khoáng đất) để vay 2.000 Mỹ kim nạp vào làm thủ tục xuất khẩu.
“Khi đến Jordan thì mọi người bị thu giữ tất cả giấy tờ tùy thân, phải làm việc 16 giờ/ngày và lãnh tiền 1 Mỹ kim/ngày. Trước sự lường gạt đó, Phương Anh cùng những công nhân khác cầu cứu với đại diện công ty và Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội nhưng vô vọng. Khi phái đoàn đại diện cho chính phủ Việt Nam qua giải quyết sự việc, mới biết họ tàn ác như thế nào. Trong thời gian tị nạn ở Thái Lan, Phương Anh càng biết rõ hơn chính phủ Việt Nam ra sao, khi họ liên tục hăm dọa bản thân Phương Anh và mẹ của Phương Anh ở Việt Nam. Sau khi qua định cư Hoa Kỳ, Phương Anh càng hiểu được nhiều điều về chính phủ cộng sản Việt Nam”.
Cô nghẹn ngào nói: “Hiện nay những người thuộc chính phủ Việt Nam vẫn không buông tha cho gia đình Phương Anh và bản thân Phương Anh. Tại Việt Nam, họ vẫn tiếp tục hành hạ mẹ của Phương Anh, trong khi mẹ của Phương Anh vốn là người rất yếu đuối, bệnh tật. Đỉnh điểm hôm vừa rồi là 23 tháng 3, người ta đã dàn dựng và đâm mẹ của Phương Anh vết thương chí mạng. Mẹ phải nằm bệnh viện tại Hà Nội hơn 2 tháng rồi, vẫn chưa về lại nhà. Ở bên này, Phương Anh nhiều lần bị họ dàn cảnh đụng xe. Nếu đụng xe một cách bình thường thì Phương Anh không nói. Đằng này cứ đụng rồi bỏ chạy, như trước ngày 24-1-2012, khi Phương Anh ra trước Quốc Hội Hoa Kỳ để điều trần về vấn nạn buôn người, Phương Anh đã bị gọi điện khủng bố tinh thần. Bốn ngày sau khi trở về, mẹ Phương Anh bên Việt Nam cũng bị bắt với một lý do vô cớ là nhà mẹ có chứa thuốc phiện. Sau đó, họ cũng thả mẹ Phương Anh ra”.
Cô nói tiếp: “Khó mà kể hết những việc bỉ ổi mà chính quyền trong nước hành xử, họ cho Phương Anh là thành phần theo bọn phản động. Trong thực tế mọi người đều hiểu Phương Anh là một nạn nhân đi xuất khẩu lao động thôi. Chứ không theo thành phần phản động nào cả. Cũng may nhờ có ơn trên và cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại, và một điều không thể quên được là công của TS. Nguyễn Đình Thắng cùng với CAMSA và BPSOS và các anh chị làm việc tại đây giúp đỡ Phương Anh. Nếu chỉ có 2 tổ chức này mà không có cộng đồng chung quanh hỗ trợ, thì Phương Anh cũng không thể nào vượt qua được suốt thời gian gần 3 năm tị nạn ở Thái Lan. Phương Anh luôn ghi ơn”.
Cô nói, chính vì vậy khi qua đến Hoa Kỳ, cô không cho phép mình giờ phút nào nghỉ ngơi, vừa đi học, rồi đi làm để có tiền gửi về mỗi tháng giúp mẹ và nuôi 2 con nhỏ của Ngọc (người bạn công nhân đã bị chết tại Jordan) và gia đình của Luyến (người bạn công nhân tại Jordan khi về lại Việt Nam nộp đơn kiện, đã bị tai nạn xe và bị chấn thương sọ não), cô còn là mạnh thường quân đóng góp cho BPSOS có kinh phí giúp đỡ những nạn nhân khác. Không chỉ thế, Phương Anh còn tham gia các diễn đàn, những buổi nói chuyện để lên tiếng về nạn buôn người. Cô nói những lúc đó, cô luôn luôn nghĩ đến mẹ sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng nếu sợ mà im lặng, thì sẽ biết bao người mẹ khác có con gặp hoàn cảnh như cô. Cô cũng nói rằng cô thấy mình rất may mắn đã được sang bên này, trong khi đó, có rất nhiều người cần đến tiếng nói của cô. Vì cô nghĩ đến những người bạn đã chết như Ngọc. Nghĩ đến những người phụ nữ đi làm nước ngoài nói chung bất hạnh hơn mình.
Từng là người tị nạn tại Thái Lan, cô cho biết cô lên tiếng về nỗi khổ của người tị nạn bằng kinh nghiệm đã trải qua ước mong được cộng đồng chung tay cứu vớt những người tị nạn này, vì nếu không có sự giúp đỡ của cộng đồng, những người đó chỉ còn con đường chết mà thôi.
Hiện nay ước mơ của Phương Anh là mong Việt Nam thật sự thay đổi, để người dân có cuộc sống tốt hơn và không còn người tị nạn nữa.
Cả hai người phụ nữ trẻ này cũng thiết tha mong có thêm sự yểm trợ của đồng hương về tài chính cho BPSOS và CAMSA có kinh phí giúp đỡ những nạn nhân, truy tố tội phạm.
Cả hai cũng mong sẽ có thêm những luật sư tham gia thiện nguyện tại Thái Lan để trợ giúp pháp lý cho những người Việt tị nạn tại đây.
Để biết thêm chi tiết về buổi nói chuyện của LS. An Phong và cô Vũ Phương Anh, quý độc giả có thể liên lạc với cô Holly Ngô (562) 458-2285.
Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:
BPSOS/CAMSA, PO Box 8065, Falls Church, VA 22041 – USA
Hoặc quý vị có thể đóng góp trực tuyến tại: http://www.camsa-coalition.org/en/ - (BH)
Nguồn: machsongmedia.com
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment