Bãi đá ngầm Scarborough, nơi tranh chấp chủ quyền giữa
Philippines và Trung Quốc. (Trong ảnh: Các nghị sĩ Philippines ra thăm
bãi đá ngầm ngày 17/05/1997.
Reuters
Đức Tâm (RFI)
Cho dù cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi đá
Scarborough ở Biển Đông có phần dịu đi, chính quyền Manila vẫn có ý định
sẽ đưa hồ sơ tranh chấp chủ quyền này ra trước Tòa án Quốc tế về Luật
Biển – ITLOS – để giải quyết. Trung Quốc đã từng bác bỏ đề nghị của
Philipines đưa hồ sơ Scarborough ra trước Tòa án Quốc tế về Luật biển,
có trụ sở tại Hamburg, Đức.
Theo báo mạng Inquirer, hôm qua, 13/06/2012, Ngoại trưởng Philippines
Albert del Rosario đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có trung gian
quốc tế để giải quyết dứt điểm vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa nước này
và Trung Quốc tại bãi đá Scarborough ở Biển Đông mà chính quyền Manila
gọi là biển Tây Philippines.
Ông Rosario khẳng định : « Tiếp tục cơ chế giải quyết các bất
đồng theo tinh thần Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển để thừa nhận
các đòi hỏi (về chủ quyền) của chúng tôi tại biển Tây Philippines, là
cách tiếp cận pháp lý của chúng tôi hướng tới một giải pháp hòa bình và
bền vững ».
Ngoại trưởng Philippines cũng cho biết thêm, đây là một sự lựa chọn
được nhiều đối tác quốc tế khuyến khích nhằm giải quyết các tranh chấp,
phù hợp với các quy định được ghi trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật
biển.
Cuối tháng Tư vừa qua, Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị của Philipines
đưa hồ sơ Scarborough ra trước Tòa án Quốc tế về Luật biển, có trụ sở
tại Hamburg, Đức.
Cũng liên quan đến Biển Đông, trang báo mạng Business Mirror của
Philippines cho biết là trong cuộc thảo luận lần thứ 7 của nhóm công tác
về bộ Luật ứng xử ở Biển Đông (COC), thuộc cơ chế Cuộc gặp các quan
chức cao cấp ASEAN (SOM), tổ chức tại Phnom Penh, Cam Bốt ngày 23/05 vừa
qua, các nước ASEAN đã đồng ý là COC phải bao hàm các điều khoản của
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển – UNCLOS.
Theo thông báo của ASEAN, nhóm công tác đã đồng ý đệ trình một dự
thảo của ASEAN đề xuất các yếu tố chính trong bộ Luật ứng xử tại Biển
Đông, lên Cuộc gặp của các quan chức cao cấp ASEAN – SOM vào tháng Bẩy,
để xem xét.
Dự thảo này bao gồm các khuyến nghị của các Ngoại trưởng ASEAN trong
cuộc họp hồi tháng Giêng năm nay, theo đó, bộ Luật ứng xử tại Biển Đông
phải dựa trên tinh thần Tuyên bố chung về ứng xử của các bên tại Biển
Đông – DOC, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.
Một trong những nội dung của bộ luật mang tính ràng buộc này là xác định các khu vực có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Xin nhắc lại là Philippines luôn luôn phản đối việc để cho Trung Quốc
tham gia vào các cuộc thảo luận của ASEAN trong quá trình soạn thảo bộ
luật ứng xử tại Biển Đông và nhấn mạnh, đây là công việc của 10 nước
thành viên ASEAN. Sau khi có đồng thuận trong ASEAN, văn bản này sẽ được
đưa ra thương lượng và ký kết với Trung Quốc.
0 comments:
Post a Comment