Tác Giả: Ngô Nhân Dụng
Một bài trên mạng VietNamNet mới phỏng vấn và nêu lên các con số cho thấy người Việt Nam hiện nay rất ít đọc sách.
Theo bài này thì trung bình mỗi năm một người Việt Nam chưa “đọc hết”
một cuốn sách. Ðem tổng số sách (không kể sách giáo khoa) chia cho dân
số, tính bình quân cứ mười người Việt đọc được bảy cuốn sách. Trong số
đó, phần lớn chỉ là sách giải trí mà không bồi bổ trí thức. Một giám đốc
nhà sách bi quan hơn nữa, nghĩ rằng chắc số sách đọc còn ít hơn nữa.
Những cuốn sách có giá trị trên thế giới, được dịch ra tiếng Việt chỉ in
chừng 500 cuốn, trong một nước dân số 85 triệu. Có người so sánh, cho
biết dân Thái Lan mỗi năm trung bình một người đọc khoảng năm cuốn sách,
tức là đọc nhiều gấp bảy lần một người Việt.
Người ta đọc sách nhiều thì chắc trình độ hiểu biết cao hơn, cách suy
nghĩ cũng chín chắn hơn. Nói chung, việc đọc sách chắc chắn phải ích lợi
cho cả nền kinh tế quốc dân. Các nhà nghiên cứu phát triển cho biết khi
dân một nước đọc sách nhiều hơn thì họ dễ gia nhập vào đời sống kinh tế
hiện đại hơn vì bây giờ làm nghề gì cũng phải có kiến thức. Ở các nước
chậm tiến thì dân ít đọc sách. Nhưng việc đọc sách đem tới ích lợi kinh
tế nhiều hơn khi phổ cập trong toàn thể xã hội chứ không tập trung trong
một tầng lớp “ưu tú” ở các thành phố. Bài báo trên VietNamNet đã nêu
thí dụ về nước Mỹ, nhận định: “Cái hay ở Mỹ là tri thức sách vở, kiến
thức của mọi người được lan tỏa đến số đông hơn là chỉ một nhóm người
như ở Châu Âu.” Vì trình độ kiến thức chung cao cho nên “Chỉ có nước Mỹ
mới sinh ra những tỉ phú như Bill Gates, Steve Jobs… – những người sống
bằng khoa học, trí tuệ.”
Người Việt Nam bây giờ ít chịu đọc sách, chắc vì người lớn thì coi
phim bộ, thanh niên thì coi trình diễn nhạc trẻ và coi báo đăng hình
quần áo giầy dép mốt mới nhất. Cho nên mới có cảnh các thiếu nữ tôn thờ
ca sĩ ngoại quốc, ôm hôn cả cái ghế mà thần tượng mới ngồi lên. Mới có
cảnh một cô chủ tịch công ty xây dựng đi thăm công trường đầy xi măng,
nhôm với sắt mà lại mặc váy hồng, đi giầy cao gót cũng màu hồng giống
như đang đi mua sắm.
Nhưng không nói gì đến người dân thường, mà cả những người lãnh đạo
đảng cộng sản cũng không chịu đọc sách nữa. Như ông Nguyễn Phú Trọng
chẳng hạn. Trong hội nghị Trung Ương Ðảng mở rộng vừa rồi, ông tổng bí
thư khẳng định đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ không chấp nhận “tam quyền phân
lập”. Riêng câu này đủ để ghi tên Nguyễn Phú Trọng vào lịch sử sự thoái
hóa trong nhân loại. Loài người tiến bộ, mình không theo kịp, rồi còn
đi thụt lùi, cho nên gọi là thoái hóa. Từ thế kỷ 17, 18, trong nhân loại
đã nẩy ra ý kiến phải đặt giới hạn trên quyền hành của những người cai
trị. Vì thế phải tách ra ba thứ quyền: Có người soạn ra luật pháp; có
người chỉ lo thi hành luật pháp; và những người khác nắm quyền phán đoán
xem có hành động nào sai luật luật pháp hay không. Từ thế kỷ 18 đã
nhiều quốc gia thí nghiệm ý kiến này trong tổ chức chính quyền. Ðó là
những quốc gia đạt được tiến bộ nhanh nhất và cao nhất về kinh tế, văn
hóa, và xã hội. Loài người đã rút kinh nghiệm như vậy hơn 200 năm nay.
Bây giờ ông Nguyễn Phú Trọng nhất định bác bỏ không chấp nhận “phân
quyền!” Như vậy chẳng phải là thoái hóa thì gọi là cái gì? Ðiều đáng
kinh ngạc là, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng nói trâng tráo như thế, không
thấy có ai trong Quốc Hội và trong tòa án tối cao ở Việt Nam mở miệng
bàn một câu nào cả! Trên lý thuyết họ nắm quyền lập pháp và tư pháp;
nhưng đành ngậm miệng. Tình trạng thoái hóa không phải là độc quyền của
ông tổng bí thư đảng cộng sản!
Lời tuyên bố trên cũng chứng tỏ ông Nguyễn Phú Trọng không chịu đọc
sách. Có một cuốn sách bán đầy ở Hà Nội, ai có thời giờ làm ơn mua một
cuốn gửi cho ông tổng bí thư đọc để giúp ông mở mắt ra. Ðó là cuốn
“Người Trung Quốc và những căn bệnh trong nhân cách” của Hà Tông Tư, do
Phạm Bá dịch, nhà xuất bản Công An Nhân Dân in năm 2007. Ông Hà Tông Tư
kịch liệt đả kích chế độ chuyên chế ở Trung Quốc trong hơn 2,000 năm
lịch sử. Cho nên ông viết rõ ràng chỉ có phân quyền mới thật sự dân chủ.
Hà Tông Tư nhiệt liệt ca ngợi chế độ tự do dân chủ, thể hiện qua việc
cai trị bằng hiến pháp, luật pháp, mà ông gọi là Hiến Chính. Ở trang 40
cuốn sách trên, tác giả viết: “Nguyên tắc cơ bản của pháp trị là: Mở
rộng tự do cá nhân với khả năng lớn nhất, hạn chế tối đa quyền hạn của
kẻ cầm quyền.” Trang sau, ông nêu ra tiêu chuẩn: “Bản thân hiến pháp có
bao hàm tư tưởng thực sự hạn chế và ràng buộc quyền lực chính trị không.
Và trên thực tế nó có ràng buộc, hạn chế quyền lực chính trị một cách
có hiệu quả hay không?” Và Hà Tông Tư khẳng định: “Nguyên tắc phân quyền
là đặc trưng cốt lõi của Hiến Chính; chủ yếu là tách biệt quyền tư pháp
với quyền hành chính, thể hiện ở chỗ tư pháp phải được độc lập.”
Chắc chắn ông Nguyễn Phú Trọng chưa hề để mắt đến những ý kiến nêu
trên. Mà đây không phải là ý kiến của “những thế lực thù địch” nào cả.
Ðây là một tác giả người Trung Quốc, sách đã phổ biến ở Trung Quốc, lại
được nhà xuất bản Công An Nhân Dân ở Việt Nam in ra. Trong hàng ngũ công
an cũng có những người muốn phổ biến những ý kiến tiến bộ như vậy. Thế
mà cả ông tổng bí thư lẫn những người về họp cùng với Trung Ương Ðảng
chẳng ai chịu đọc sách cả!
Nhân lúc ở Việt Nam đang bàn sửa hiến pháp, cũng xin trích ý kiến của
Hà Tông Tư giải thích tại sao cần phân quyền: “Ràng buộc và hạn chế
quyền hạn và hành vi của chính phủ, đó là nhiệm vụ chủ yếu của hiến
pháp.” Ai đọc qua bản hiến pháp nước Mỹ thì thấy rõ ý Hà Tông Tư. Hầu
hết các điều trong bản hiến pháp ngắn ngủi đó toàn là những giới hạn
quyền hành của chính phủ liên bang. Ðọc cuốn sách của Hà Tông Tư thấy
ông cho là chính chế độ chuyên chế gây ra bao nhiêu điều đáng xấu hổ cho
người Trung Hoa; thí dụ như tính ỷ lại, không có tinh thần trách nhiệm,
nịnh trên nạt dưới, hèn yếu, nhu nhược, vân vân!
Hà Tông Tư trích lời triết gia người Anh John Stuart Mill: “Chế độ
chuyên chế, xét từ bản chất, nó đã có khuynh hướng dùng chính sách ngu
dân!” (trong bản dịch đã viết nhầm tên triết gia Mill thành Miel, nhiều
lần; mặc dù cuốn sách Bàn về Tự Do của J.S. Mill đã được dịch và in ở
Việt Nam). Ở trang 703, Hà Tông Tư còn bình luận: “Chính sách ngu dân
bao giờ cũng đi đôi với việc bế quan tỏa cảng, cấm tự do ngôn luận… cùng
dựa vào nhau mà thành hình.” Mười trang sau, ông viết thêm: “Tội ác
chuyên chế là tội ác lớn nhất trên thế gian! Hạn chế tự do ngôn luận là
thâm hiểm nhất, xảo trá nhất, bỉ ổi nhất, tàn nhẫn nhất trong các thủ
đoạn chính trị!”
Nếu mấy ông bà trong Trung Ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam chịu khó đọc
Hà Tông Tư thì trước hết họ sẽ thấy phải trả lại quyền tự do ngôn luận
cho người dân, để ít nhất tránh khỏi những lời kết tội: “Thâm hiểm nhất,
xảo trá nhất, bỉ ổi nhất, tàn nhẫn nhất;” và cái tội “ngu dân”. Trên
hết, phải bắt đầu tôn trọng và thực hiện quy tắc phân quyền; đừng có
nghe ông Nguyễn Phú Trọng.
Bao giờ đất nước có tự do thì người dân mới có hứng thú đọc sách. Như
tác giả bài trên VietNamNet viết về những Bill Gates và Steve Jobs
thành công trong xã hội Mỹ: “…chỉ ở môi trường đó mới giúp những người
có phát minh, sáng kiến có thể giàu có được. Họ chính là những người
đang làm ra sản phẩm và hàng hóa hỗ trợ con người. Ở Việt Nam thì không
thể có chuyện như vậy.”
Thực ra không thể nói có liên hệ nhân quả trực tiếp giữa trình độ
kiến thức của dân chúng Mỹ với sự thành công của những nhà kinh doanh
Bill Gates và Steve Jobs. Hai hiện tượng diễn ra song song; cả hai đều
cùng do một nguyên nhân gây nên, là xã hội tự do. Khi các ngành báo chí,
xuất bản được tự do thì dân chúng sẽ đọc sách nhiều hơn; khi các nhà
kinh doanh được tự do thì những người có sáng kiến táo bạo dễ thành công
lớn. Muốn bảo đảm xã hội được tự do thì phải tổ chức theo quy tắc phân
quyền, mọi người Việt Nam phải nhắc nhở cho ông Nguyễn Phú Trọng điều đó
để ông đọc thêm. Hy vọng ông sẽ hiểu ra rằng cưỡng lại không phân nhiệm
ba quyền lập pháp, hành pháp, và tư pháp tức là cản trở sự tiến bộ kinh
tế của cả dân tộc.
0 comments:
Post a Comment