Wednesday, June 13, 2012

Chất vấn làm sao cho thực chất?

Nguyễn Gianh(BBC)
Tòa ở London mời nhiều chính khách ra trả lời về quan hệ với nhà Murdoch
Trong lúc Quốc hội ở Việt Nam đang bước vào ‘mùa chất vấn’ thì tại Anh Quốc, một loạt chính khách hàng đầu cũng được mời ra trả lời điều trần về quan hệ của họ với tập đoàn truyền thông News Corp và với báo giới nói chung.
So sánh Anh Quốc và Việt Nam, hai đối tác chiến lược, là để thấy rằng ở thế kỷ 21 này, chính trị gia ở đâu cũng cần chứng tỏ họ dám chịu trách nhiệm trước công luận về mọi hoạt động của mình, dù mỗi bên có cách làm riêng.
Ở Anh, sau khi các cựu thủ tướng Tony Blair, Gordon Brown và đương kim Bộ trưởng tài chính George Osborne vừa phải ra trước cuộc điều trần Leveson, tuần này, Thủ tướng David Cameron cũng sẽ phải ra.
Thủ tướng trả lời
Ông Cameron sẽ là thủ tướng Anh đương quyền đầu tiên bị chất vấn trong một cuộc điều tra liên quan đến đạo đức nghề báo và tính liêm chính của chính phủ.
Về nguyên tắc thì ông Cameron không ra cũng không được. Dùng quyền tư pháp, một trong ba quyền quan trọng nhất của nền dân chủ, thẩm phán Brian Leveson có thể triệu tập bất cứ ai ở Anh và cả người nước ngoài – như cha con tỷ phú Murdoch – ra khai báo.
Rộng hơn, chính giới Anh phải đối mặt với câu hỏi là dù không phạm luật, họ có phải đã quá “thân mật” với một tập đoàn tư bản truyền thông tư nhân nên mất đi tính trung dung cần có khi ra quyết định về chính sách.
Ở Việt Nam, câu hỏi này là không cần thiết vì các tập đoàn kinh tế là do chính chính phủ lập ra và công khai được sự hỗ trợ của hệ thống chính trị cả về vị thế độc quyền, ưu đãi vốn và chính sách. Tức là ở Anh, các chính khách bị “rọi đèn” vì làm thân với một tập đoàn hùng mạnh, giàu có của tư nhân.
Còn ở Việt Nam, các quan chức phải giải thích vì sao họ kiên định nuôi dưỡng các doanh nghiệp làm ăn sai, thất thoát hoặc tham nhũng, gây ra nợ nần.
“Cuộc điều tra sẽ xem xét mọi vai trò của các chính trị gia, công chức và bất cứ ai khác trong mối liên quan đến các sai phạm của News Corp”
Thẩm phán Brian Leveson . Ở Anh, chính khách bị nghi là ưu ái “đại gia” để duy trì ảnh hưởng chính trị.
Báo The Sun của ông Murdoch từng được cho là có quyền khuynh loát bầu cử ở Anh, và đảng nào cũng muốn lấy lòng hoặc ít ra không làm mất lòng các chủ báo.
Còn tại Việt Nam, theo nguyên tắc cộng sản cổ điển quyền lực mang tính chuyên chế, cách mạng nên về lý thuyết là thứ không sản sinh ra lợi nhuận riêng tư. Sang thời thị trường, chính khách cần nắm các doanh nghiệp để tạo ra nguồn lợi tiền bạc, hoặc tạo môi trường cho các vụ làm ăn của những nhóm lợi ích nằm trong tay thân hữu, thân nhân.
Tuy khác nhau, các cuộc điều trần ở Anh và chất vấn tại Việt Nam cũng đều có chung điểm tích cực là giúp môi trường chính trị thoáng đãng hơn.
Thủ tướng Anh trả lời chất vấn hàng tuần tại Quốc hội
Cần diễn cho tốt
Nếu ta đồng ý rằng chính trị luôn có ít nhiể̀u tính trình diễn thì chuyện đa số các đại biểu ở Việt Nam đều là đảng viên cộng sản không phải là điều quá quan trọng.
Vì khi bị chất vấn, các bộ trưởng không chỉ trả lời các đại biểu mà còn phải đối mặt với dư luận trong và ngoài nước.
Ở Anh, thẩm phán Leveson cũng do chính Thủ tướng bổ nhiệm nhưng khi ra điều trần được truyền hình công khai, ông Cameron sẽ phải ý thức được ông vừa trả lời vị thẩm phán vừa nói cho toàn dân nghe.
Các đại biểu Việt Nam cũng không nên e ngại rằng hỏi quá khó sẽ bị quy kết là ‘’đối lập’.
“Nếu trong phiên chất vấn các bộ trưởng khác mà đại biểu nào hỏi vấn đề liên quan tới Vinalines thì Bộ trưởng Thăng cũng sẽ phải có trách nhiệm giải trình.”
Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc
Quốc hội ở nước nào cũng mang tính trình diễn, nhưng vì thế ai cũng cần diễn vai của mình cho tốt.
Theo tôi biết, đấu khẩu nảy lửa nơi nghị trường xong, nhiều chính trị gia Bảo thủ và Lao động ở Anh vẫn có quan hệ bạn bè, vẫn dự đám cưới, tiệc sinh nhật gia đình với nhau.
Đấy chính là sinh hoạt chính trị văn minh, chấp nhận thắng thua về lý lẽ và chức vụ nơi công quyền nhưng không biến nhau thành thù địch. Về kỹ thuật, chất vấn tại Quốc hội Việt Nam chắc chắn sẽ tốt hơn nếu diễn ra thường xuyên, liên tục và có lịch trình về thời gian một cách hợp lý.
Các cuộc họp tại Nghị viện Anh ở Westminster diễn ra hàng ngày, còn thủ tướng Anh luôn có buổi ‘bị chất vấn’ hàng tuần, gọi là Prime Minister’s Question Time, được truyền hình trực tiếp. Vì thế, nếu ở Việt Nam thủ tướng, các phó thủ tướng và các bộ trưởng chỉ bị chất vấn một năm vài lần thì quả là quá ít.
Quốc hội ở Việt Nam cũng cần có lịch làm việc hiệu quả hơn về thời gian.
Một ví dụ về tính thiên lệch là Quốc hội đã dành cả một phiên đặc biệt lo xử lý ‘nội bộ’ vụ một nữ đại biểu, bà Đặng Thị Hoàng Yến đã khai báo sai trong lý lịch, một chi tiết chưa thấy có tác động xấu gì đến tình hình kinh tế.
Trong khi đó, các ‘nghi án’ tham nhũng, các vụ thất thoát tài sản công lên tới hàng tỷ đô la của nhiều tập đoàn ‘quả đấm thép’ đem lại nợ nần chồng chất cho Nhà nước và Quốc dân liên tục vài thế hệ lại chưa được dành thời gian mổ xẻ xứng đáng.
Khác biệt Anh – Việt: Bộ trưởng Đinh La Thăng (trái) sẽ không đăng đàn ở Quốc hội
Các căn bệnh trầm kha của giáo dục và y tế, hai ngành gây hại nhất cho hai đối tượng yếu đuối, dễ bị tổn thương nhất của xã hội: bệnh nhân và trẻ thơ, cũng chỉ được Quốc hội chiếu cố một năm hai lần.
Việt Nam từng được giới quan sát nước ngoài khen gợi về ‘cải cách dân chủ hóa nội bộ’, mà các cuộc họp, chất vấn công khai tại Quốc hội là một ví dụ.
Với dư luận trong nước mà gần đây có nhiều cáo buộc rằng nền kinh tế bị tác động xấu của các nhóm ‘tư bản nhà nước thân hữu’, thì chất vấn có thể cũng giúp giải tỏa dư luận, ít ra là trong những giới vẫn đặt niềm tin vào năng lực tự điều chỉnh của hệ thống.

0 comments:

Powered By Blogger