Saturday, June 2, 2012

BA THẾ HỆ PHỤ NỮ VIỆT NAM


Tác giả Nguyễn Nhơn gửi trực tiếp đến BBT-HNSG

MẸ ƠI!
Khi con gặp nguy nan, cất tiếng kêu hai tiếng “Mẹ ơi!”
MẸ VIỆT MAM ƠI!

Khi toàn dân gặp cơn nguy biến, đồng cất tiếng kêu “Mẹ Việt Nam ơi!”
Mẹ thương con như biển hồ lai láng. Dù đắng cay, khổ cực trăm đường vẫn vì thương, mẹ cam chịu được để nuôi con nên vóc, nên hình.
Mẹ Việt Nam nghìn đời nhẫn nhục, bao dung. Khi hưng thịnh, mẹ cho con dân mùa màng tươi tốt, vườn tược sum xuê. Khi gặp ách ngoại xâm dày xéo lên thân mẹ, mẹ vẫn kiên trì chảy dòng nước ngọt, lúa thóc đầy đồng để con mẹ no lòng, diệt giặc.

Phụ nữ Việt Nam, qua bao thế hệ cũng nhọc nhằn như vậy, vì thương. Nhìn tấm hình chị Phạm Thị Lài và cháu nhỏ Hồ Nguyên Thủy bị bạo quyền vùi dập không thương tiếc, bỗng nhớ những người phụ nữ ngày xưa, gặp lúc vận nước suy vi, cũng từng trải qua thảm cảnh như vậy!

THẾ HỆ PHỤ NỮ THỜI TÂY THUỘC ĐỊA
Quê tôi Miền Đông Nam bộ đồng khô, cỏ cháy, ruộng gò, đất cứng, phụ nữ thường mua gánh, bán bưng. Mẹ tôi, thời thanh nữ, lặn lội gánh gồng, giúp mẹ nuôi các em. Khi lập gia đình, mở quán nhỏ bán bì, phụ thêm lương chồng, nuôi bầy con nhỏ. Người thôn nữ bình thường đó, cả cuộc đời chừng như không có mấy ngày vui. Lớp lo cho chồng con, lớp lo chiếu cố cha già, mẹ yếu, các em còn nhỏ dại. Nhưng bà mẹ Miền Đông của tôi cũng còn may mắn, không phải ly cách gia đình, đổ máu vì mảnh vườn, miếng ruộng như những dì, những chị Miền Tây, Miệt thứ.
Nọc Nạn, quyển sách cấm của Phúc Vân, thuở học trò cũng có lén lút đọc. Ngày nay, lâu quá, quên mất rồi. Chỉ nhớ lại khi tiếng súng hoa cải Đoàn Văn Vươn, Tiên Lãng nổ vang. Nghe câu nói lẫm liệt của chị Hiền, nội nhân Đoàn Văn Quý, rằng: “Gia đình em chấp nhận chịu thiệt để cho xã hội được,” bỗng nhớ tới những người phụ nữ trong gia đình Biện Toại, trên cánh đồng Nọc Nạn, xứ Bạc Liêu, gần trăm năm về trước.
Hồi tôi ra tỉnh, học lớp Nhứt, ba tôi vốn là công chức Phòng Điền thổ, mỗi khi có tranh chấp đất đai, thường nghe ông nói ba chữ “Khẩn úp bộ,” nghĩa là: Bọn người giàu có không động móng tay, ngồi chực đó, thấy ai quê mùa khai khẩn đất đai, vun bồi tốt đẹp mà vì không biết chữ để lo xin lập bằng khoán, văn tự sở hữu chủ khoảnh đất nhiều năm khai phá, gieo trồng là chúng bỏ tiền ra mua chuộc cường hào xã, quận để toa rập lập bằng khoán cho chúng đứng tên để cướp khống ruộng, đất của người ta.
Gia đình Biện Toại là lâm cảnh nầy đây. Bang Tắc làm trồng, làm tréo lập văn tự mua mảnh đất kế bên, rồi kê diện tích lấn hết khoảnh ruộng của gia đình Biện Toại. Bị chống đối, xem bề không ăn được, nó đem bán phứa cho con mẹ có nhiều thế lực. Tới mùa thu hoạch lúa, con mẹ chủ dổm nầy mua chuộc cò Tây đem mã tà vô “cưỡng chế” thu lúa tô, coi như Biện Toại thuê ruộng của nó.
Đêm trước ngày cò Tây vô cướp lúa, cả nhà Biện Toại họp nhau, lạy chào vĩnh biệt mẹ già để hôm sau liều thân với đám Tây tà ăn cướp. Trước bàn thờ gia tiên, anh em bắt thăm để xem ai là người ra trận đầu. Cả hai lần cô Trọng đều trúng thăm.
Sáng ngày định mạng ấy, cô dắt đứa em nhỏ ra coi Tây đong lúa. Thằng cò Tournier làm phách, nạt nộ, bạt tai cô Trọng, không cho cô chứng kiến vì cô tuổi vị thành niên. Cô Trọng ức lòng mới rút dao nhỏ ra huơ lụi nó. Thằng cò Tây Bouzou thấy vậy, nhảy tới chụp dao, bị thương nhẹ. Thằng kia rảnh tay, trở bá súng đập vô đầu cô Trọng té xỉu. Bé gái chạy về nhà la ó. Cả nhà bèn xông ra, xung trận. Dẫn đầu phe nam là mười Chức, bị cò Tournier bắn trọng thương, nhưng trước khi ngã xuống vẫn lụi được cò tây một mác khiến hôm sau thằng nầy chết tốt. Dẫn đầu phe nữ là bà Nghĩa, vợ Mười Chức đang mang thai cũng sát cánh cùng chồng chiến đấu.
Kết quả là nhà Biện Toại có 4 người đem thân đổi mạng cò Tournier gồm Mười Chức và vợ, cùng hai người anh là Nhẫn, Nhịn.
Vậy đó, người phụ nữ Việt Nam là như vậy đó! Bình thường, nhẫn nhục lo cho chồng con. Khi nguy biến, liều thân chia sẻ!
Đó là phụ nữ thế hệ đầu thế kỷ trước. Bây giờ là thế hệ phụ nữ thời nam Bắc phân ly.
PHỤ NỮ THỜI NAM BẮC PHÂN LY
Tôi chỉ tính viết về thân phận và cách hành xử của hai thế hệ phụ nữ Việt Nam: Bà Nghĩa và cô Trọng hối đầu thế kỷ trước và chị Thương, chị Hiền thời nay, nhưng bạn vừa gởi cho bài viết “Thân phận người con gái của Cần Thơ” của tác giả Đặng Mỹ Dung. Bài tự truyện ngắn của tác giả “Ngàn giọt lệ rơi,” (A Thousand Tears Falling) đẹp như bài thơ trữ tình, kể câu chuyện của cha mẹ mà cũng là thân phận của chính mình: Hai người phụ nữ, hai mảnh đời khoắc khoải giữa thời chinh chiến điêu linh, mẹ chờ chồng, con trông ngóng cha. Khởi đầu chia cách không vì hoàn cảnh mà vì lòng người ngăn cách, khi bà mẹ của bé gái Cần Thơ từ chối mang con theo người chồng “cách mạng” tập kết ra Bắc vào nắm 1954, do Hiệp định Genève chia cắt hai Miền Nam-Bắc. Người phụ nữ cương nghị Miền Nam khẳng khái nói với chồng: ”Con tôi còn nhỏ quá để tôi nuôi. Nếu để Bác Hồ của anh nuôi chúng nó sẽ hư hết.”
Ngày 28 tháng Tư 1975, khi Miền Nam đang hấp hối, chàng rể người Mỹ của bà mẹ của Mỹ Dung, liều lĩnh từ Mỹ sang VN, rước bà mẹ và các em vợ đi Mỹ.
Người chồng lúc nầy là cán bộ cao cấp cs đang có mặt ở Paris, mới nhắn vợ sang gặp mặt. Sau mươi ngày vui sum họp, bây giờ phải quyết định ở lại Mỹ hay về VN với chồng. Lần nầy người vợ cũng quả quyết như hồi 21 năm về trước. Xin trích lại đoạn văn về cuộc chia tay lần cuối: “Khi má tôi đã sẵn sàng theo ba tôi về Việt Nam, bà bỗng nửa đùa nửa thật hỏi: “Tôi về Sài Gòn mấy thằng cán ngố sẽ làm gì tôi, anh biết không?”Ba tôi chau mày nói: “Sao em dùng những danh từ chữ không đẹp đẽ gì hết vậy?” Má tôi liền đáp:“Trong Nam của tôi chỉ có những chữ đó để kêu họ thôi, tôi đâu biết tiếng gì khác hơn.” Suy nghĩ một lát ba tôi nhìn về phía thật xa rồi nói: “Em về thì mấy anh sẽ mời em lên nói chuyện… Chắc là em sẽ phải đi học tập ít ngày.” Má tôi tỏ ý không bằng lòng nhìn thẳng vào mắt ba tôi, rồi hỏi: “Tôi khôn hơn mấy thằng cán ngố của anh, lại không làm gì ác độc như anh Ba Duẫn của anh, thương nước thương nòi hơn cậu Hồ của anh, thì ai mà dạy tôi học với tập được? Mà tôi đâu có tội gì với Đảng với Bác của anh?” Ba tôi bụm miệng má tôi lại vì hai người đang ở trong villa của cộng sản, nơi mà Nguyễn thị Bình và Lê Đức Thọ đã từng ở trong thời gian hội nghị Ba Lê. Rồi ba tôi hạ giọng nói nhỏ: “Em bỏ nước ra đi khi toàn dân chào mừng cách mạng, em còn để cho con lấy chồng Mỹ.” Má tôi cười ngạo: “Dạ thưa đồng chí, nhưng người Mỹ nầy là cha của cháu ngoại đồng chí. Còn nói chào với đón… thì ai chào ai đón mấy ông rồi sẽ hối hận ê chề sau tuần trăng mật.” Thế là cuộc xum họp tan vỡ. Má tôi trở về Mỹ như một con chim đại bàng bị thương. Ba tôi về Sài Gòn như một hiệp sĩ thua trận. Nhưng tình nghĩa giữa cha mẹ tôi vẫn nồng vẫn đậm.”
Câu chuyện chia tay tuy không có nước mắt nhưng chừng như có “ngàn giọt lệ rơi” trong lòng.
Mà đâu phải chỉ có câu chuyện tang thương của giới thượng lưu kể trên, còn biết bao chuyện đời thường, đau đớn hơn, mang nhiều hệ lụy hơn, nào ai biết!
THẾ HỆ PHỤ NỮ THỜI “CƯỠNG CHẾ”
Bà Nghĩa, cô Trọng vì đất đai, kẻ chết, người đi tù thời Tây thuộc địa. Ngày nay, dưới thời xã nghĩa hiện đại, thân phận người phụ nữ ê chề hơn, tủi nhục hơn. Biết bao người, vì sinh kế bán thân, bán thân từ trong nước ra nơi hải ngoại, Đài Loan, Trung cộng, Triều Tiên…
Tục ngữ có câu: “Đất đai không bao giờ dối trá.” Đất thì không dối trá, nhưng cường hào, tư bản đỏ lọc lừa, dối trá, dùng mọi thủ đoạn cướp đất, phá nhà.
Người phụ nữ VN thời cưỡng chế bao phen chống trả cường quyền, xoay trở đủ đường tìm phương giữ ruộng đất của cha ông. Máu chưa đổ chan hòa, người chưa gục ngã như trên cánh đồng Nọc Nạn ngày xưa, nhưng đau đớn, nhọc nhằn kéo dài như vô tận.
Hai chị Thương, Hiền, nội nhân của Vươn, Quý, nơi vùng ao đầm Tiên Lãng, gia đình chỉ có 4 người đàn ông đều lâm vòng lao lý. Nhà cửa tan nát, ao đầm thủy sản bị cướp trắng, hai người phụ nữ dựng lên chiếc lều con, tảo tần nuôi đàn con nhỏ dại. Vậy mà nào đâu đã được yên thân. Cường quyền vẫn bám theo hành hạ. Chiếc lều tạm bợ qua ngày, chúng nhẫn tâm sai bọn côn đồ, xã hội đen đập phá. Bàn thờ gia tiên chúng đem ném xuống đầm. Nhìn tấm hình chị Thương, nâng niu ảnh thờ của đứa con gái nhỏ chết chìm từ những ngày đầu khai phá ao đầm thấy thật đau lòng.
Chuyện Cống Rộc, Tiên Lãng, dù sao cũng là chuyện hai gia đình đơn lẻ. Chuyện Văn Giang quan hệ cả làng. Trước bầy quỉ dữ thi hành cưỡng chiếm, các bà, các chị tay không tấc sắt, chỉ biết rên siết, van cầu. Chúng chẳng tha, lựu đạn cay ném tới. Vậy mà chị Ngô Thị Ánh chẳng quản thân mình, lại đi hô hào binh vực hai phóng viên, người nhà nước, đến nỗi bị bọn “chỉ biết còn đảng, còn mình” bắt bớ, đánh đập. Vậy đó, người phụ nữ Việt Nam, tấm lòng thương người là như vậy đó! Bọn cường quyền chúng bây có biết vậy hay không? Đất Phụng Công, Văn Giang là đất lịch sử, vết tích nơi Hai bà Trưng khao quân trước khi tiến đánh Luy Lâu, lần đầu tiên thu hồi Độc lập, thu lại nghiệp xưa họ Hùng, từ non hai ngàn năm trước. Bọn cs vô học ngày nay bất biết, đem sắt thép chồng lên xây lầu các, xóa sạch vết tích lịch sử tổ tiên. Tội ác nầy “Trời không dung, Đất không tha.”
Chuyện cưỡng chiếm đất Vụ Bản, Nam Định còn tàn bạo hơn! Mặc cho các bà, các chị, trẻ em chít khăn thề chết với mảnh đất bao đời lập nghiệp, bọn ưng khuyển xông vô đánh đập chẳng nương tay. Bà lão bảy mươi đánh bể đầu, thanh niên đập cho gãy cẳng.
Chuyện người phụ nữ Cái Răng, sông Hậu mới thật là thê thiết! Cũng giống như Đoàn Văn Vươn, vợ chồng Phạm Thị Lài dày công, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, khai phá mảnh đất, cất nhà, sinh sống an lành từ mười mấy năm nay. Ngày nay đất bằng, bỗng nhiên dậy sóng. Cường quyền xông tới đuổi đi để chúng xây binh đinh phục vụ nhà giàu. Quá ức lòng, người chồng mấy phen uống thuốc rầy, tự vận. Mẹ con Thị Lài, Nguyên Thủy biết tính sao đây? Kháng cự bằng súng hoa cải như nhà anh Vươn không được. Phòng thủ thụ động như bà con Văn Giang, Vụ Bản cũng chẳng xong. Thôi thì mẹ con là phụ nữ, dùng vũ khí nguyên thủy của phụ nữ, may ra khuất phục bạo quyền? Mẹ con bèn cởi truồng ăn vạ. Chẳng ngờ rằng phỉ đồ vô học, trơ tráo, đâu biết gì lễ nghĩa, liêm sỉ, giữa thanh thiên, bạch nhựt chúng nhào vô bốc hốt, rờ rẫm như chốn không người.
Xưa nay người phụ nữ Việt Nam truyền thống, vóc ngọc, thân ngà, tuyết sạch, giá trong, muốn khoe vẻ đẹp, nhiều lắm là kín đáo mặc “áo lụa mỏng Hà Đông“. Ngày nay, mẹ con chị Lài làm như vậy là vì cùng đường, coi như thân mình đã chết, kể gì tấm thân ngà ngọc!
Đây là vết ô nhục của bạo quyền cs ngàn năm khôn bề rửa sạch. Dẫu cho ngay ngày mai đây, độc tài toàn trị cs sụp đổ, tội ác nhục nhã nầy vẫn còn ghi lại chẳng bỏ qua.
HÃY VÙNG LÊN CỨU MẸ VIỆT NAM
Mấy bữa nay bọn tình báo, phản gián tổng cục 2 cs tung ra cái gọi là “Bản đánh giá của Mỹ về tình hình Việt Nam” với câu kết luận như vầy:
“Trước mắt, Mỹ (mà trực tiếp là Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội) đang tìm cách xây dựng các mạng lưới xã hội VN, khai thác, lôi kéo và chuyển hóa giới trẻ VN; đẩy mạnh tuyên truyền, kích động gây chia rẽ mối quan hệ Việt-Trung… nhằm thực hiện được mục tiêu chuyển hóa, lật đổ chính quyền VN trong 20 năm tới.”
Tung tài liệu nầy ra, bọn phản gián tính chuyện gì vậy? Với câu kết luận kể trên, ý đồ của chúng thấy rõ bông: Làm nản lòng những ai hiện nay đang dấn thân tranh đấu nhằm giải trừ chế độ toàn trị cs vì phải cần 20 năm nữa Mỹ mới chuyển hóa, lật đổ csvn.
Hiện nay, bọn csvn đang tứ đầu thọ địch: Bên ngoài chúng bị cả Mỹ, Trung Cộng thúc ép như gọng kềm siết chặt. Bên trong, vấn đề cưỡng chế đất đai bùng nổ, kinh tế đang trên bờ vực thẳm, giống như cuồng phong, vũ bão chực chờ càn quét hàng triệu gia đình vào cơn tuyệt vọng. Chỉ cần một tia lửa kích phát, thùng thuốc súng nổ bùng là chế độ bạo ngược cs sụp đổ, diệt vong.
Cho nên:
DÙ AI NÓI NGỬA, NÓI NGHIÊNG
VỮNG TÂM KHÁNG CỘNG NHƯ KIỀNG BA CHÂN

Nguyễn Nhơn
(Quyết tâm đánh đổ bạo quyền cs )
2/6/2012

0 comments:

Powered By Blogger