Lời phi lộ: Roesler, một chính trị gia người Đức gốc Việt, như tôi đã giới thiệu, được bầu vào chức chủ tịch đảng FDP giữa tháng 05-2011 sau khi ông Westerwelle từ chức. Ngoài ra với chức vụ chủ tịch FDP, Roesler trở thành phó thủ tướng Đức, một hãnh diện lớn đối với người Việt chúng ta. Nhận xét và theo dõi tình hình chính trị Đức, có thể nói không đơn giản nên tôi mạo muội giới thiệu thêm về vai trò cùng những sự chờ đợi dành cho “chủ tịch Roesler” nay mai dựa theo vài nguồn tin thu thập đối với đảng Tự Do Dân Chủ Đức để từ đó độc giả có được một cái nhìn tổng quát, tương đối trung thực hơn, không vì cảm tính riêng. (LNC)
*Hình: Lindner, Bahr và Roesler
Chúng ta đã biết qua nhiều bài giới thiệu, Dr. Philipp Roesler là một trong những chính trị gia hàng đầu của đảng Tự Do Dân Chủ Đức (FDP), lên thay Tiến Sĩ Westerwelle trong chức vụ chủ tịch đảng, kế vị Westerwelle từ chức vì áp lực nội đảng. Người bác sĩ gốc Việt được đánh giá là chính trị gia có khả năng nhưng ai theo dõi tình hình chính trị Đức đều nhận thấy là sức ép, gánh nặng đang chờ đợi ông ta rất lớn. Câu hỏi được đặt ra: “Liệu một trung niên trẻ, mới gần 40 tuổi có thể cứu được FDP?. Và liệu Roesler có “đủ bản lãnh” để đưa FDP ra khỏi cơn khủng khoảng trầm trọng hiện nay, hầu như mất đi sự ủng hộ của cử tri Đức so với kỳ bầu cử quốc hội Đức năm 2009?
Philipp Roesler, sinh năm 1973, 39 tuổi, là người “di dân” đầu tiên đã có sự thăng tiến vượt bực trên con đường chính trị. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ, tỉnh bộ FDP tiểu bang Niedersachsen đã bầu Roesler vào chức “bí thư” khi mới vừa 27 tuổi. Tháng 10-2009 Roesler trở thành bộ trưởng y tế Cộng Hoà Liên Bang Đức.
Cựu chủ tịch đảng FDP, Westerwelle tỏ ra tin vào khả năng của Roesler, người kế vị ông ta. Qua báo Spiegel Online, Westerwelle trong cuộc họp chung giữa khối dân biểu của FDP tại quốc hội và ban lãnh đạo FDP tại Bá Linh Westerwelle đã nói: “Tôi tin tưởng, người mà tự mình muốn đứng ra đảm nhận vai trò lãnh đạo FDP sẽ làm được việc!”
Ngay cả chính trị gia lão thành của FDP, ông Klaus Kinkel qua cuộc phỏng vấn của đài phát thanh Deutschlandfunk cũng nhận xét, đánh giá Roesler là một ứng cử viên xứng đáng trong chức vụ chủ tịch FDP. Kinkel giải thích:” Roesler mang theo nhiều điều kiện tiên quyết, để từ đó có thể giải quyết được một cách chắc chắn, can đảm những công việc khó khăn. Ngoài những kinh nghiệm nghề nghiệp khác, Roesler có kinh nghiệm chính trị nội đảng, từng là tỉnh bộ trưởng FDP và xa hơn nữa Roesler có kinh nghiệm chuyên môn. Kinkel khen Roesler thông minh, thận trọng, điềm tỉnh, là người có khuynh hướng gia đình.
Mặc dù được khen nhiều hơn chê nhưng ngay trong nội đảng FDP ai cũng lo ngại là ban tân lãnh đạo chưa đủ sức chấn chỉnh và cứu vớt nổi tình trạng nguy cập của FDP đang có dựa theo kết quả bầu cử nghị viện các tiểu bang Sachsen-Anhalt, Baden-Wuerttemberg và Rheinland-Pfalz trong quý I/2011.
Người ta tự hỏi và cả người viết cũng hoài nghi rằng liệu Roesler trong cương vị tân chủ tịch FDP có thể chỉnh đốn nội đảng, từ nội dung cho đến nhân sự kịp thời, nhằm lấy lại uy tín đã mất hầu vượt qua mức tối thiểu 5% cử tri ủng hộ cần phải có để một đảng được tham chính?
Khối đối lập của chính quyền đương nhiệm giữa CDU/CSU+FDP thì đánh giá hoàn toàn ngược lại. Đảng Xã Hội Đức (SPD) nhìn vấn đề hoàn toàn khác hẳn. Như báo Zeit Online ghi lại thì ông F. W. Steinmeier, chủ tịch khối dân biểu của SPD tại quốc hội Đức nói rằng với Philipp Roesler trong chức chủ tịch chưa đủ để đưa FDP ra khỏi ngõ cụt hiện tại!.
Mặt khác, những ai theo dõi tình hình chính trị Đức đều có thể tiên đoán được rằng khối đối lập vì muốn thay thế lên cầm quyền nên trước sau cũng sẽ tìm mọi cách công kích Roesler thuộc liên minh chính phủ gồm CDU+CSU+FDP; mục đích ngoài việc làm giảm uy tín vị “tân chủ tịch đồng thời cũng là phó thủ tướng Đức” còn muốn qua đó FDP sẽ mất đi sự ủng hộ của cử tri Đức.
Và như chúng ta biết, Dr. Philipp Rösler, tân chủ tịch đảng Dân Chủ Tự Do Đức (FDP), người Đức gốc Việt đã được bà thủ tướng Đức Angela Merkel bổ nhiệm làm phó thủ tướng trong chính phủ liên minh giữa liên đảng CDU + CSU và đảng FDP hôm 18-05-2011, trở thành nhân vật quan trọng thứ nhì trong liên minh chính phủ đang cầm quyền.
Trước đó, Rösler đã được bổ nhiệm làm bộ trưởng kinh tế liên bang, thay thế ông Rainer Brüderle (FDP). Kể từ hôm nay, trong các buổi họp nội các Rösler sẽ được sắp chỗ ngồi bên tay phải của thủ tướng Merkel.
Như đã nói trước kỳ đại hội đảng, FDP sẽ trẻ trung hóa ban lãnh đạo. Lindner, một thành viên rất trẻ, Tổng Thư Ký được tín nhiệm vào chức vụ cũ (Generalsekretär, hay còn được gọi là Tổng Bí Thư, danh từ mà các nước xã hội chủ nghĩa hay sử dụng!) của đảng Tự Do dân Chủ Đức (FDP). Kể từ đó, FDP đặt nhiều hy vọng vào tân ban lãnh đạo gồm những đảng viên chưa đầy 40 tuổi.
Tuy nhiên tất cả đã không xảy ra đúng như FDP mong đợi. Dưới sự lãnh đạo của “nhóm chính trị gia trẻ” FDP đã gánh chịu liên tục vài thất bại trong các cuộc bầu cử nghị viện sau đó.
Đảng FDP nói riêng đã bị loại ra khỏi chính quyền tại vài tiểu bang dưới triều đại Roesler. Sự thất bại trong cuộc bầu cử ở Saarland vừa qua chỉ trong vòng một năm kể từ khi Roesler nắm quyền đảng trưởng là sự thất bại cay đắng thứ tư của FDP nói chung và dưới sự lãnh đạo của Roesler nói riêng!
Để quý độc giả tiện theo dõi, người viết sơ lược vài cuộc bầu cử nghị viện kể từ khi Roesler làm chủ tịch.
Đầu tiên là sự thất bại thê thảm trong cuộc bầu cử nghị biện tiểu bang Bremen. Đúng như dự đoán của các chuyên gia phân tích tình hình chính trị Đức, hai đảng SPD và Xanh đã thắng lớn, sau khi đánh bại CDU và FDP tại tiểu bang Baden-Wuerttemberg, Hamburg và Rheinland-Pfalz trước đó.
Kết quả thê thảm đối với FDP. Không những mất phiếu mà còn bị loại ra khỏi chính quyền tiểu bang Bremen. Sự ủng hộ cử tri dành cho FDP tại đây chỉ còn có 2,9%, mặc dù ban lãnh đạo FDP đã tuyên bố thay đổi nhân sự cũng như đường lối chính trị của FDP sau kỳ đại hội đảng vào tháng 05-2011.
Thành viên FDP tỏ vẻ thông cảm sự thất bại nêu trên, cho rằng còn bị ảnh hưởng do sự mất uy tín của Westerwelle để lại. Chưa hết, trong kỳ bầu cử nghị viện ngày 05-09-2011 tại tiểu bang Mecklenburg-Vorpommern thuộc vùng cực đông bắc nước Đức, đảng Tự Do Dân Chủ Đức FDP (đang phân quyền trên bình diện liên bang trong liên minh chính phủ CDU/CSU + FDP) với ứng cử viên sáng giá Christian Ahrendt cũng đại bại thê thảm, văng khỏi chính trường tiểu bang với 2,8% (-6,8% so với 2006 là 9,6%). Tổng bí thư đảng FDP, ông Christian Lindner đã lên tiếng trấn an ngay sau khi ông Ahrendt tuyên bố từ chức lãnh đạo tỉnh bộ FDP, nhận trách nhiệm sự thất cử nặng nề. Đây còn là kết quả thảm bại chua cay cho FDP kể từ lúc thay đổi nhân sự lãnh đạo cao cấp từ Ngoại trưởng Guido Westerwelle sang Philipp Rösler (chủ tịch FDP kiêm bộ trưởng Kinh tế liên bang hiện nay). Ông Wolfgang Kubicki, một trong số thành viên nồng cốt trong hội đồng trung ương đảng FDP cho hay sự kiện mất sự ủng hộ của cử tri không phải chỉ do uy tín của Westerwelle đang xuống mà ra!.
Chỉ có “ban lãnh đạo trẻ” vẫn nuôi hy vọng từ từ khá hơn, nghĩ rằng FDP sẽ vượt qua được cơn khủng hoảng nhưng sự xuống giốc của FDP không ngừng lại ở đó.
Kế tiếp, trong cuộc bầu cử nghị viện tại Bá Linh, thủ đô Đức quốc xảy ra ngày 19-09-2011, đúng như dự đoán của các chuyên gia phân tích tình hình chính trị Đức, hai đảng SPD và Xanh đã thắng lớn. Kết quả bầu cử tại thủ đô Bá Linh là các đảng SPD, CDU, Xanh và Tả Khuynh (die Linke) được tham chính tuy mất phiếu. Điểm đặc biệt, lần đầu tiên đảng có tên là “Cướp Biển” (hay Hải Tặc = Piratenpartei) tham gia bầu cử nghị viện và đạt ngay 8,9% sự ủng hộ của cử tri, được quyền tham chính tại nghị viện Bá Linh.
Thê thảm nhất vẫn chỉ là FDP, hầu như mất hẳn đi sự ủng hộ của cử tri!. Không những mất phiếu kỷ lục (-5,8%) mà FDP thêm lần nữa bị loại ra khỏi nghị viện Bá Linh. Sự ủng hộ dành cho đảng này tại đây chỉ còn có 1,8%. Sau cuộc thất bại thê thảm trong cuộc bầu cử tại Bá Linh, FDP cũng mất hẳn đi sự ủng hộ của cư tri Đức trên bình diện liên bang. Qua kết quả thăm dò ý kiến của “Stern-RTL” công bố hôm 21-09-2011 thì chỉ còn chưa đến 3% dân Đức ủng hộ FDP. Mức tối thiểu để được tham chính tại tiểu bang cũng như liên bang ít nhất phải là 5%.
Sự phê phán ban lãnh đạo khai mào từ kết quả những cuộc bầu cử nêu trên. Rồi sự khủng hoảng tài chánh của Hy Lạp, thành viên của Liên Hiệp Âu Châu đã đưa đến sự tranh chấp liên quan đến biện pháp cứu nguy EU và Hy Lạp và từ đó sự bất đồng chính kiến trong nội đảng FDP càng lên cao.
Cuối cùng, việc gì đến, phải đến. Bất thình lình Lindner bỏ cuộc, không nói rõ lý do làm cho chủ tịch Roesler cũng như ban lãnh đạo FDP lâm vào tình trạng khủng hoảng. Sau khi tổng thư ký của đảng Dân Chủ Tự Do Đức (FDP), Lindner từ chức hôm 14-12-2011 thì sự chỉ trích ban lãnh đạo đảng FDP mạnh mẽ hơn bắt đầu xảy ra.
Chủ tịch khối dân biểu nghị sĩ tiểu bang Nordrhein-Westfalen (NRW), ông Gerhard Papke tỏ bày sự tiếc nuối qua sự từ chức của Lindner, đồng thời cũng lên tiếng đòi hỏi Roesler, chủ tịch FDP phải có khả năng thực hiện và rõ ràng hơn trong liên minh phân quyền với CDU/CSU. Chúng ta (FDP) phải cứng rắn đối với liên đảng mà FDP đang liên minh. Ông Papke còn nói thêm qua báo Financial Times Deutschland: “Đây là nhiệm vụ của chủ tịch đảng và đương kim phó thủ tướng Đức“.
Tổng bí thư của đảng CSU, ông Alexander Dobrindt qua cuộc phỏng vấn của đài truyền hình ZDF thì đánh giá rằng sự từ chức của Lindner chẳng ảnh hưởng gì xấu đến chính phủ đang cầm quyền. Theo ông, chúng tôi (CDU/CSU+FDP) là một liên minh có thể làm việc với nhau. Chính phủ đương nhiệm có một nền tảng (Fundament) vững chắc.
Thêm một sự phê bình khác. Cựu tổng trưởng bộ tư pháp tiểu bang Baden-Wuerttemberg, ông Ulrich Goll (FDP) giải thích, cho biết là “nhóm trẻ” xung quanh chủ tịch Roesler đã thất bại! Tổng thư ký Christian Lindner cuối cùng phải bỏ cuộc vì ông ta nhìn thấy rằng không đạt được mục đích! Ông Goll còn nói thêm qua báo “Stuttgarter Zeitung” là sự thất bại này không phải chỉ dành riêng cho Lindner. Nhóm trẻ chưa thể đứng vững được. Vì lý do đó mà ông Goll nghĩ rằng, trong tương lai cần phải có sự phối hợp làm việc giữa hai thành phần: trẻ và những chính trị gia lão luyện! Hiện tại FDP vẫn còn cơ hội để thay đổi và có lẽ đây là cơ hội cuối cùng cho Philipp Rösler.
Tóm lại, sự từ chức của Lindner mà thành viên FDP có người lên tiếng cho rằng Lindner đã “đào ngũ” xảy ra trong thời điểm hoàn toàn bất lợi cho FDP. Cũng có nguồn tin cho rằng vì Lindner bất đồng tư tưởng với Roesler nên rút lui trước để sau này ra tranh chức chủ tịch đảng với Roesler.
Đang trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng chưa biết mất còn, sự từ chức của Lindner làm cho Roesler và toàn bang lãnh đạo FDP rối trí hơn. Mặc dù Roesler phản ứng nhanh, tìm ra người thế Lindner ngay, đó là ông Patrick Doering, 38 tuổi, đương kim Thủ quỷ của FDP nhưng sự từ chức của Lindner ít nhiều cũng ảnh hưởng đến “số phận và uy tín của Roesler”.
Nhiều chính trị gia của đảng FDP đã công khai lên tiếng chỉ trích Roesler. Phó chủ tịch FDP, ông Holger Zastrow cho biết qua Deutschlandfunk về tình trạng của đảng FDP như sau: “Mức độ nhạo báng mà chúng ta (tức FDP) hiện đạt được, đã làm cho người ta cảm thấy khó thở !”.
Trong khi đó Tổng thư ký của đảng đối lập SPD, bà Andrea Nahles thì nói: ” Tôi nghĩ rằng Philipp Rooesler không vượt qua được sự khủng hoảng hiện tại và tiên đoán Roesler sẽ từ chức sau cuộc bầu cử nghị viện tiểu bang Schleswig-Holstein vào ngày 06-05-2012. Theo Nahles, FDP sẽ là một vấn đề (problem) cho bà Merkel ”.
Trở lại với tiến trình của FDP sau Westerwelle, dưới thời đại Roesler.
Hôm 25-03-2012, ba tháng rưỡi sau khi Liên minh Jamaica đầu tiên tại Đức gồm CDU, FDP và đảng Xanh tan vỡ, 800 ngàn cử tri thuộc tiểu bang Saarland bầu lại nghị viện, nhiệm kỳ 5 năm. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên trong năm 2012 vì thế gây sự chú ý của các đảng tranh cử cũng như giới chuyên gia nghiên cứu và phân tích tình hình chính trị Đức. Kế đến là hai cuộc bầu cử nghị viện khác sẽ xảy ra vào ngày 06-05 tại Schleswig-Holstein và ngày 13-05-2012 tại tiểu bang Nordrhein-Westfalen (NRW).
Kết quả là bà cựu thống đốc Annegret Kramp-Karrenbauer (CDU) đã thắng cử tại tiểu bang Saarland: CDU đạt 35,2%, SPD chỉ có 30,6%. Tả Khuynh: 16,1%. Xanh 5%. Đảng “Cướp Biển” là lần đầu tiên tranh cử tại Saarland nhưng bất ngờ vào nghị viện với 7,4%. Riêng đảng Dân Chủ Tự Do (FDP) lần nữa thất bại thê thảm chỉ còn chiếm được 1,2%, vị chi mất đi đến 8% cử tri ủng hộ và đúng như phỏng đoán không được tham chính tại tiểu bang nhỏ nhất nước Đức.
Ngay sau khi kết quả bầu cử sơ khởi (thường thì nhờ kỹ thuật cao nên không sai lệch lắm so với kết quả chính thức) được công bố thì Kramp-Karrenbauer (CDU) tỏ vẻ “vô cùng hạnh phúc”. Bà ta nói rằng dân chúng Saarland muốn có sự ổn định chính trị tại đây! Kramp-Karrenbauer cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ARD: “Chúng tôi đã đạt được nó và điều này làm cho chúng tôi vô cùng hạnh phúc”. Cử tri Saarland muốn có một mối quan hệ mạnh mẽ, họ muốn có một liên minh lớn và họ muốn Annegret Kramp-Karrenbauer làm thống đốc. CDU liên bang đánh giá sự thành công của tỉnh bộ CDU tại Saarland như là dấu hiệu ủng hộ đường lối chính trị dành cho nữ thủ tướng Angela Merkel (CDU) cũng như tạo sự tin tưởng đối với CDU trong hai cuộc bầu cử nghị viện khác vào tháng 05-2012 sắp tới.
Ngược lại FDP tuy thất bại thảm thương nhưng đặt sự hy vọng trong các cuộc bầu cử tiếp theo. FDP liên bang cho biết sẽ chú tâm vào hai cuộc bầu cử tiểu bang ở Schleswig-Holstein và NRW. Trong khi chủ tịch Roesler không xuất hiện thì Tổng thư ký Patrick Doering cho biết rằng các cuộc thăm dò ý kiến cử tri tại đó làm cho FDP hy vọng sẽ có được kết quả tốt hơn. Sự thất bại của FDP tại Saarland, theo Doering thì do môi trường chính trị khó khăn ở đó và điều này khác hẳn so với NRW và Schleswig-Holstein. Doering nói: “Chúng tôi sẽ chứng minh cho thấy rằng đảng dân chủ tự do có đủ sức mạnh mẽ ở cả hai tiểu bang này, sẽ giữ vai trò trong nghị viện và nhận lãnh trách nhiệm quan trọng. Cho đến lúc đó, chúng tôi phải làm việc vững chắc, tin cậy lẫn nhau. Nhìn về Duesseldorf (NRW) và Kiel (Schleswig-Holstein) thì FDP tỏ vẻ lạc quan, cố gắng dồn hết sức vận động cho hai cuộc bầu cử sắp tới tại đây.
Trong khi cử tri Đức không còn tin tưởng, ủng hộ FDP như trong cuộc bầu cử quốc hội 2009 (lúc đó FDP được 15,6%) và đã thất bại liên tục trong các lần bầu cử nghị viện tiểu bang từ 2011 cho đến nay thì tin cựu tổng thư ký Lindner của FDP trở lại chính trường được loan đi hôm 16-03-2012 đã làm cho thành viên FDP vui mừng và giới chính trị gia Đức ngạc nhiên không ít.
Ngay cả đảng trưởng FDP Philipp Rösler cũng tỏ vẻ “hài lòng và biết ơn” khi cựu Tổng thư ký Christian Lindner đứng ra nhận lãnh trọng trách là ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân Chủ Tự Do (FDP) trong cuộc bầu cử lại nghị viện tiểu bang Nordrhein-Westfalen (NRW), một tiểu bang đông dân nhất của nước Đức vào tháng 5-2012. Roesler nói qua “Tạp chí Buổi Sáng” trên ARD đó là “dấu hiệu của sự tin tưởng” khi đưa ra một ứng cử viên sẳn sàng làm việc hết lòng cho NRW. Ngoài vai trò ứng cử viên, Lindner còn đảm nhận luôn cả chức chủ tịch FDP tại tiểu bang NRW, thay thế Bộ Trưởng Y Tế Liên Bang Daniel Bahr.
Roesler còn nói thêm rằng những gì xảy ra trong cuộc bầu cử ở tiểu bang NRW ảnh hưởng nhiều đến tương lai của FDP. Cho nên tất cả mọi thành viên FDP phải “lên tàu” nhập cuộc và vận động cho sự tăng trưởng, cho nền “kinh tế có lý trí ” và tự do xã hội.
Nói chung, tuy FDP hiện đang mất đi sự ủng hộ của cử tri nhưng Roesler vẫn còn lạc quan trong các cuộc bầu cử tại tiểu bang sắp tới tại NRW và Schleswig-Holstein. Roesler còn nghĩ rằng FDP có cơ hội thành công trong cả hai cuộc bầu cử nghị viện sắp tới mặc dù kết quả thăm dò ý kiến cử tri Đức cho thấy FDP đang lo sợ sẽ thất bại không được tham chính tại 2 tiểu bang này.
Như chúng ta biết, Lindner đã từ chức tổng thư ký FDP trước Giáng sinh 2011 và từ đó gây ra sự bất bình trong nội đảng, lý do dường như Lindner bất mãn với cuộc khủng hoảng đang diễn ra của FDP cũng như bất đồng với chủ tịch đảng Rösler. Lindner cũng cho biết chính bản thân ông sẽ dồn hết nổ lực vào cuộc tranh cử ở NRW. Ông nói thêm, ông ra tranh cử với mục đích muốn đưa FDP vào nghị viện NRW để tham chính.
Tôi xin mở ngoặc ở đây, giới thiệu sơ về ông Christian Lindner
Tổng Thư Ký FDP, Christian Lindner, năm nay 33 tuổi, là người có đầu óc sáng suốt, một chiến lược gia của FDP. Lindner còn được đánh giá là một nhà chính trị đầy triển vọng, tuy nhiên vì còn quá trẻ nên giới chuyên gia nghĩ rằng còn quá sớm nếu bây giờ Lindner lên làm chủ tịch đảng Dân Chủ Tự Do Đức.
Lindner theo học chính trị và triết học tại đại học Bonn và là 1 sĩ quan trừ bị với cấp bực trung uý. Con đường chính trị của Lindner thăng tiến rất nhanh trong nội đảng FDP. Gia nhập đảng FDP từ khi 15 tuổi, bẩm sinh giỏi nên 4 năm sau đã là thành viên trong ban lãnh đạo tỉnh bộ NRW. Từ năm 2000 là nghị viên trẻ tuổi nhất tại quốc hội tiểu bang Duesseldorf, mới 21 tuổi. Từ 2009 (31t) là thượng nghị sĩ tại Quốc Hội Đức/Bá Linh. Chính Westerwelle đã đề cử Lindner vào chức tổng bí thư FDP, kế vị Dirk Niebel và được sự tín nhiệm của 95% đại biểu tham dự vào chức vụ này trong kỳ đại hội đảng tại Koeln tháng 04.2010, vừa mới 31 tuổi!.
Hôm nay, 01-04-2012, sáu tuần trước khi cuộc bầu cử ở tiểu bang NRW xảy ra, đúng như sự chờ đợi, tỉnh bộ FDP của tiểu bang NRW đã bầu cựu tổng thư ký Christian Lindner làm ứng cử viên hàng đầu, lãnh đạo FDP trong cuộc bầu cử lại nghị viện NRW vào ngày 13-05-2012 sắp tới. Trong đại hội bất thường của tỉnh bộ FDP ở Duisburg có 99,7% đại biểu phiếu bầu cho Lindner, đã chiếm được 394 trong tổng số 395 phiếu bầu hợp lệ, chỉ có 1 phiếu chống. Và cũng trong hội nghị này Christian Lindner đòi hỏi ưu tiên đầu tiên là phải củng cố ngân sách công chúng tiểu bang, phải “giải thoát” sự lệ thuộc vào các thị trường tài chính. Lindner còn nói thêm,: “sau đó chúng ta mới có thể suy nghĩ về các biện pháp giảm thuế”. Thái độ này được xem như là “một loại tự sửa chữa của FDP!”
Trong bài phát biểu dài 40 phút tại hôi nghị, Lindner đã nhắc lại”năng suất lịch sử của FDP”, ví dụ, trong các diễn tiến đưa đến sự thống nhất nước Đức và châu Âu. Tuy nhiên kể từ hai năm qua, FDP đã đánh mất niềm tin. Vì vậy, đề nghị đối với đảng Tự Do Dân Chủ (FDP) hiện tại là: “bên cạnh ý thức tự giác cũng cần có chút khiêm tốn!”. Lindner nói: “Nếu sự tự ý thức và khiêm tốn hòa đồng với nhau, thì có nghĩa đó là chủ quyền (Souveränität= sovereignty)”.
Thay lời kết:
Sau nghị viện tiểu bang Saarland kế đến là NRW giải tán để bầu lại, chọn tân đại biểu dân cử để lều lái chính quyền tiểu bang khi thống đốc và nghị sĩ các đảng phái tham chính tại đó nhận thấy không thể làm việc theo đúng nguyện vọng của họ hầu mang lại lợi ích cho dân chúng.
Theo sự phỏng đoán của tôi (mặc dù Roesler là đồng hương, ai lại không muốn ông ta là phó thủ tướng Đức!) của chúng ta nhưng đối với Roesler, nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra và FDP bị thất bại trong hai cuộc bầu cử vào tháng 05-2012 sắp tới thì áp lực dành cho Westerwelle trước đây sẽ đến với Roesler. Người viết nghĩ rằng, đứng trước cuộc bầu cử Quốc Hội Đức vào mùa Thu 2013 và đứng trước sự “sống còn của đảng FDP” trên chính trường Đức thế nào thành viên FDP cũng sẽ lên tiếng phản đối Roesler và đòi hỏi này kia. Chắc chắn điều này sẽ xảy ra vì điều mà FDP lo sợ nhất là bị loại ra hẳn khỏi chính quyền Đức! Cũng có thể đảng viên FDP lên tiếng chính thức yêu cầu Roesler phải từ chức đảng trưởng FDP.
Cho tôi được mở ngoặc. Không phải vì thành kiến hay khoe khoang nhưng nhờ làm việc lâu năm với bạn học Đức, đụng chạm khá nhiều với người bản xứ nên tôi có thể không nhầm lẫn cho lắm khi nói rằng dân là Đức vốn chăm chỉ, giỏi, cao ngạo, đặc biệt tinh thần trách nhiệm cao nên họ “cũng còn đầu óc kỳ thị”. Khác với “hiệp chủng quốc” Hoa Kỳ hay Úc, Gia Nã Đại thì người ngoại quốc tại Đức khó thăng tiến trên nhiều lãnh vực. Những người thành đạt ở Đức phải nói là ngoại lệ, đáng phục, trong đó có ông Roesler. Chính vì “còn kỳ thị ít nhiều” nên sự “ganh tỵ” trong các hãng xưởng khó tránh khỏi, huống chi là trên chính trường Đức. Như đã nói, FDP ví như con thuyền sắp chìm và nhìn đi nhìn lại chẳng ai có đủ can đảm đứng ra lều lái nên đã đưa Philipp Roesler, một chính trị gia gốc Việt có khả năng lên làm chủ tịch FDP rồi hạ hồi phân giải. Thành công tốt, còn nếu thất bại thì vấn đề đòi hỏi Roesler phải từ chức sẽ tính sau.
Ngoài ra, theo cảm nhận riêng của tôi, nếu trong trường hợp hai ứng cử viên hàng đầu của FDP, Christian Lindner tại NRW và ông Wolfgang Kubicki tại Schleswig-Holstein thắng lớn trong ký bầu cử tháng 05-2012 thì có lẽ Roesler không tránh khỏi được sự phê bình mãnh liệt hơn từ nội đảng. Lúc đó thành phần ủng hộ Lindner trước đây sẽ lên tiếng và thành viên “thiếu thiện cảm với Roesler” trong đó có Kubicki sẽ không im lặng, liên quan đến kỳ bầu cử quốc hội Đức vào mùa Thu 2013.
Sự tranh cử của cựu Tổng thư ký FDP, Christian Lindner ở tiểu bang NRW cho đảng của ông đã đem lại thắng lợi nhỏ trên bình diện liên bang trong cuộc thăm dò dư luận cử tri của viện nghiên cứu Forsa cho đài RTL công bố hôm 28-03-2012, so với kết quả tại Saarland, tuy nhiên vẫn còn cách xa mức ấn định tối thiểu để được tham chính là 5%. Xếp của Forsa, Manfred Gullner đánh giá đó là “hiệu ứng Lindner” (Lindner’ s Effect). Theo nhận xét của người viết, có thể Gullner gián tiếp muốn lang xê Lindner.
Trong khi đó, ứng cử viên hàng đầu của FDP tại Schleswig-Holstein, Wolfgang Kubicki, đã lên tiếng chỉ trích sự lãnh đạo FDP của Philipp Rösler. Kubicki cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Bunte là đối với ông ta: “Rösler trở thành chủ tịch đảng quá sớm, vì vậy anh ấy đã hành xử “đôi khi không chắc chắn và tự tin cho lắm,”. Rất tiếc là ông Roesler không còn “xốp” (phóng dịch từ locker=loosely) nữa!.
Liền sau đó, Roesler bác bỏ những lời chỉ trích của Kubicki về phong cách chính trị của mình. Roesler nói qua báo “Neue Westfälische”.: “Không nên đánh giá thấp FDP và cá nhân tôi!”. Cùng với FDP tôi (Roesler) đã chứng minh với đảng trong công tác chống lại “Eurofonds” và trong việc đề cử thành công ông Joachim Gauck vào chức vụ Tổng thống Cộng Hoà Liên Bang Đức.
Dưới cái nhìn của Wolfgang Kubicki, có lẽ FDP sẽ chiếm vị trí tốt hơn trên chính trường Đức nếu chính trị gia hàng đầu của FDP, ông Jürgen Möllemann còn sống. Kucbicki còn nói thêm với Bunten: “Chúng ta (ý nói FDP) sẽ không nhận một kết quả thăm dò ý kiến cử tri với con số xấu như vậy, nếu Jürgen Möllemann vẫn còn sống!. Möllemann không cho phép để FDP bị sa sút như thế trong “thị trường công luận”.
Cũng nên nhắc lại, nguyên phó chủ tịch liên bang của đảng FDP, Möllemann sau các cuộc đụng độ gay cấn trong nội bộ đã bị tai nạn khi nhảy dù và bị chết trong năm 2003. Tại Bá Linh, chủ tịch khối dân biểu thượng nghị sĩ của FDP tại quốc hội Đức, ông Brüderle tuy được hỏi đến nhưng đã không bình luận trực tiếp lời phát biểu của Kubicki. Ông Brüderle chỉ cho biết, Kubicki và Möllemann là bạn thân với nhau!.
Đức nói riêng, lập hội hay đảng là muốn hội và đảng thăng tiến, bằng mọi cách cố gắng tạo uy tín cao để thu hút thành viên và cử tri Đức. Đảng viên của họ đa số là người có khả năng và kinh nghiệm thật sự; họ có cố vấn giỏi (cũng là sự thật) nhưng đôi lúc không tránh khỏi thất bại. Khi thấy rằng đảng hay chính cá nhân họ không còn đủ uy tín để được dân chúng ủng hộ, họ cố gắng tìm đủ mọi cách mời người có tinh thần trách nhiệm và khả năng cộng tác hầu củng cố lại thực lực. Chắc quý độc giả đồng ý phần nào thiển ý của người viết là nếu một hội, đảng nào mà mời người làm cố vấn thiếu kinh nghiệm chính trị, kém tài đức, thất nghiệp này kia thì làm sao mà khá được.
Với Đức chưa hề thấy chuyện này xảy ra vì họ quan niệm rất đơn giản, nhân tài như sung rụng, thiếu gì đó tại sao không tìm, chọn lựa người giỏi hợp tác làm việc?. Đảng nào lại không hãnh diện nếu một người có thực tài của họ nắm trong thành phần lãnh đạo một nghị viện hay chính quyền liên bang. Có lẽ chúng ta nên học từ họ để tránh (như có thể) cái trò bá đạo “xứ mù thằng chột làm vua”!.
Làm thế nào đạt được niềm tin của cử tri, chẳng hạn như đảng x,y hay hội a, b … khi giải quyết chuyện nội bộ tại làng xã chưa xong, thành viên thì èo ụt có thể đếm được trên đầu ngón tay (chưa đề cập đến khả năng làm chi!) và ngay tại địa phương hay tiểu bang chưa làm nên trò trống gì mà đòi lãnh đạo cả guồng máy chính trị liên bang?. Người đời thường hay nói (nôm na) :”anh nói với tôi bạn anh là ai, tôi sẽ đánh giá anh như thế nào (sic)”. Đi xa hơn tí nữa, khi nhìn thấy thành viên, hội viên, cố vấn của đảng, nhóm, hội anh là ai (tạm gác qua chuyện quá đát (date) khi không thiếu người trẻ khả năng hơn) người ngoài, nhất là ai đã từng sinh hoạt, theo dỗi tình hình chính trị lâu năm đều có thể đánh giá được khả năng và uy tín của đảng, nhóm, hay hội a, b này ngay! Cho nên nếu dậm chân tại chỗ cũng dễ hiểu.
Ai lại chẳng có tham vọng và vẫn biết vì tham vọng đôi khi nó làm cho kẻ thiếu khả năng mù quáng rồi bá đạo, ma giáo này kia để đạt mục đích nhưng chế độ dân chủ và đa đảng như Đức nói riêng khác một điều là cử tri Đức khi nhận thấy rằng đảng x, y hay thành viên của họ chẳng làm nên việc gì cả thì trong lần bầu cử tới lá phiếu dân chủ sẽ loại “thành phần này”, cho ra chỗ khác chơi. Vì thế chớ đừng coi thường sự nhận xét, quyết định của khối cử tri thầm lặng. Cử tri phản ứng cách khác, họ sẽ “bỏ phiếu bằng chân“. Và đó là sự thật! Điển hình nhất là sự thảm bại của FDP đã được dẫn chứng ở trên.
Một đặc điểm khác mà cá nhân người viết chỉ muốn đưa ra dẫn chứng để chúng ta (nếu muốn) cần lưu ý là cách hành xử của chính trị gia Đức. Những người quyền cao từ chức trọng khi từ chức hay rút lui ra khỏi chính trường hầu như họ đều giữ thái độ im lặng, không chửi bới um sùm. Từ Tổng Thống Koehler, cho đến bộ trưởng Guttenberg hay TT Wulff … Ngay cả Lindner, từ lúc từ chức tổng thư ký FDP ông ta hoàn toàn im lặng, không lên tiếng đả phá Roesler hay ai khác. Lindner sau khi rút lui âm thầm sinh hoạt, chứng tỏ bằng khả năng thật sự của chính mình nên dễ dàng trở lại chính trường và đã được tỉnh bộ FDP tiểu bang NRW tín nhiệm bầu lên làm ứng cử viên hàng đầu của FDP trong cuộc bầu cử 13-05-2012.
Tóm lại, chính trị là vậy. Thành công thì được tán thưởng (Westerwelle, 2009) mà nếu thất bại là bị chỉ trích nặng nề, cuối cùng phải từ chức (Westerwelle, 2011), và công tâm mà nói, đa số chính trị gia Đức (có lẽ vì họ có tay nghề chuyên môn hoặc tốt nghiệp đại học, từng hành nghề trước khi làm chính trị nên sau khi rút lui họ trở về với nghề nghiệp cũ!) hầu như không tham quyền cố vị nếu so với các nước theo chủ nghĩa cộng sản hay độc tài đảng trị.
Chính trị rất đa diện nên chúng ta chờ xem. Chắc chắn sẽ còn nhiều bất ngờ trong tương lai, sau hai kỳ bầu lại nghị viện sắp tới vào tháng 05-2012 tại Schleswig-Holstein và Nordrhein-Wesfalen.
Hiện tại dân chúng Đức, giới chuyên gia phân tích tình hình chính trị Đức đang hướng về Schleswig-Holstein và Nordrhein-Westfalen cũng như chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra cho đảng Dân Chủ Tự Do (FDP) và chính quyền Đức sau hai cuộc bầu cử vào tháng 05-2012 sắp tới. Ngay cả người viết cũng vậy.
Tổng thư ký của đảng đối lập SPD, bà Andrea Nahles đã nói: ” Tôi nghĩ rằng Philipp Rooesler không vượt qua được sự khủng hoảng hiện tại và tiên đoán Roesler sẽ từ chức sau cuộc bầu cử nghị viện tiểu bang Schleswig-Holstein vào ngày 06-05-2012″ (sic). Đó là suy nghĩ của bà Nahles khi NRW chưa giải tán nghị viện để bầu lại. Người viết xin mạo muội được sửa lại: ” Biết đâu đảng Dân Chủ Tự Do Đức (FDP) sẽ không vượt qua được sự khủng hoảng trầm trọng hiện tại và sau cuộc bầu cử nghị viện tiểu bang NRW vào ngày 13-05-2012, FDP sẽ phải cải tổ lại nội đảng thêm lần nữa, trước khi bầu cử quốc hội Đức 2013 ?.
Tôi sẽ đến cùng quý độc giả với “tin nóng mới” nếu có sự thay đổi về thành phần lãnh đạo FDP trong tương lai và mong quý độc giả hoan hỷ cho mọi sơ sót ngoài ý muốn chắc chắn khó tránh khỏi!
* Lê Ngọc Châu (Nam Đức_01042012)
* Tài liệu tham khảo: Yahoo Nachrichten, AFP, ARD, Spiegel Online và Internet.
0 comments:
Post a Comment