Monday, January 9, 2012

Không thể sống chung với độc quyền

Tác Giả: Văn Quang – Viết từ Sài Gòn 07-01-2012

Cái “Tết Tây” vừa qua, cái “Tết Ta” đang tới. Khung cảnh những đường phố lớn ở VN thật nhộn nhịp với đèn hoa tưng bừng, với những “Hội Hoa Xuân”, với những đại siêu thị đại hạ giá, hàng đoàn người lũ lượt, chen chúc nhau chờ mua hàng xịn, hàng rẻ.

Từ cổng chợ đến các hàng quán vỉa hè cũng bày bán đủ mặt hàng tết, xanh đỏ, hoa hòe hoa sói trông thật vui mắt. Nhìn cái khung cảnh “thanh bình hoan lạc” ấy, ai cũng cho rằng người VN đang hưởng một mùa xuân no đủ, hạnh phúc và chúng ta cũng mong như thế.

Nhưng thật ra đó chỉ là cái bề ngoài. Nếu đọc tin ở các tờ báo trong nước thì hầu như tất cái xanh đỏ ấy toàn là “nhiệm độc nặng”, ăn vào sinh bệnh và có thể “ra đi” ngay. Mời bạn đọc qua mấy hàng tin sẽ thấy ngay sự “rùng rợn” như thế nào.
"Đậm đặc" phụ gia độc trong thực phẩmKiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Nhâm Thìn, thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết có đến hơn 61% cơ sở vi phạm. Đây là các cơ sở sản xuất các loại mặt hàng mứt, lạp xưởng, hạt dưa, rau câu.

Trong đó, 9 trong 21 mẫu thực phẩm được thanh tra kiểm nghiệm có các phụ gia, hóa chất không được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Cụ thể: 4 mẫu mứt có chứa chất tẩy trắng công nghiệp; 4 mẫu chả có chứa hàn the và 1 mẫu rau câu chứa đường hóa học.
Rồi đến thực phẩm còn nhiễm độc nặng hơn như “phụ gia + mỡ thối = lạp xưởng”
Theo thông tin từ Cảnh sát môi trường TP.HCM, từ đầu tháng 12.2011 đến nay, lực lượng này đã tập trung kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Tết.

100% cơ sở được kiểm tra đều vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm

"Rùng rợn" nhất là "công nghệ" sản xuất lạp xưởng theo công thức: phụ gia + mỡ thối = lạp xưởng. Kiểm nghiệm ATVSTP các tỉnh phía nam của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.Sài Gòn, cho kết quả: Hơn 58,6% các mẫu thịt và sản phẩm từ thịt được kiểm nghiệm không đạt chỉ tiêu ATVSTP.
Trong đó, tại TP.Sài Gòn, gần 89% mẫu thịt heo được kiểm nghiệm có chứa vi khuẩn E.coli (loại vi khuẩn gây bệnh cơ hội và là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tiêu chảy) và tụ cầu vàng S.aureus (gây nhiễm khuẩn); 83,3% mẫu chà bông có chứa vi khuẩn E.coli, đường hóa học cyclamate.

Tại Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre: 100% các mẫu thịt heo được kiểm nghiệm đều phát hiện vi khuẩn E.coli và tụ cầu vàng S.aureus.
Một số thực phẩm chế biến phục vụ cho Tết tại TP Sài Gòn: 80% mẫu lạp xưởng sử dụng phẩm màu vượt mức cho phép, nhiễm độc chì và các chỉ tiêu vi sinh khác; 76,67% mẫu xúc xích thanh trùng, jambon có vi khuẩn E.coli, S.aureus, chì; 20/21 (95,24%) mẫu chả lụa chứa hàn the, chì và một số phụ gia vượt chỉ tiêu cho phép của Bộ Y tế…

Gần 61% sản phẩm bia, rượu được kiểm nghiệm có hàm lượng aldehyde, mentanol, ethanol, độ a-xít vượt quá quy định.
Hơn 91% mẫu rau được kiểm nghiệm bị phát hiện có chất tẩy trắng, vi khuẩn E.coli, natri benzoate…
Đó mới chỉ là sơ lược những báo động đỏ, còn nhiều những hàng tin như vậy về đủ mọi loại thực phẩm có chứa đủ lọai chất độc mà người ta có thể mua được dễ dàng ở các cửa hàng bán hóa chất tại các chợ. Chỉ cần lướt qua mấy hàng tin này, dân Sài Gòn… hết muốn ăn Tết. Ăn Tết là ăn chất độc, chưa biết vào bệnh viện hay ra nghĩa địa lúc nào!
Vài hàng để bạn đọc thông cảm với dân Sài Gòn, nhưng chuyện đáng nói nhất là chuyện tăng giá điện với những lo ngại của người dân.

Tăng giá điện, cú “đánh úp” lên đầu dân

Không thể hiều nổi tại sao, đùng một cái, ngày 20-12 vừa qua, ông “nhà đèn” đột ngột tăng giá điện lên 5%. Trong khi chính phủ vẫn “kiên quyết kiềm chế lạm phát” và “bình ổn giá cả thị trường”, cú tăng giá điện tất nhiên sẽ gây không ít khó khăn cho quyết tâm của chính phủ VN. Một đằng nói “kiềm chế”, một anh “phá bĩnh” cứ tăng giá. Thế thì làm sao cầm cương được con ngựa bất kham đúng vào thời kỳ “nhạy cảm” nhất trong năm. Sao không thể để sau Tết, các mặt hàng có thể sẽ xuống giá, lúc đó hãy nói chuyện tăng giá điện. Các ông điện lực sợ cái gì mà vội vàng tăng giá đúng vào lúc người dân không ngờ nhất?

Như thế, đúng nghĩa đó là “cú đánh úp” ngoạn mục nhất. Người dân trắng mắt ra nhìn. Ngay lập tức, ngày hôm sau các mặt hàng từ lòng chợ đến đường phố có lý do chính đáng để tăng giá vô tội vạ. “Bác không thấy giá điện tăng đó sao, hàng chúng tôi cũng phải tăng chứ không lỗ vốn à”. Và cứ thế cú đánh úp này, theo đúng sách vở “du kích chiến” mang lại chiến thắng vẻ vang cho các “ông ta nhà đèn”. Một cuộc chiến hoàn toàn không cân sức giữa người dân và ông độc quyền. Dân có muốn phản kháng, có muốn nêu ý kiến cũng chẳng được. Ý kiến thì được cái gì và với ai đây?

Trước những lo ngại và bất bình của người dân, chỉ trong 2 ngày, chiều 22-12 đã có hơn 2.700 câu hỏi gửi đến một tờ báo điện tử “phỏng vấn” những quan chức có trách nhiệm. Có 4 ông thuộc Tổng Cty Điện Lực trả lời trực tuyến, đó là các ông Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN - Đinh Quang Tri, Cục trưởng Cục Quản lý Giá - Nguyễn Tiến Thỏa, và Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Đinh Thế Phúc. Không thấy ông nào của Bộ Công Thương hay của VP Chính Phủ. Những câu hỏi khá gay gắt. Xem ra câu trả lời vẫn chỉ là những “bài ca” cũ như báo chí VN đã giúp phần phổ biến từ trước như sự “lỗ lã của ngành điện” và mức tăng “không đáng kể”, lẽ ra phải tăng 11% kia đấy, và “không gây ảnh hưởng cho những gia đình nghèo…”.

Những câu trả lời thiếu thuyết phục và làm lộ lý do gấp rút tăng giá điện

Hãy cứ lấy thí dụ như người dân nghèo sẽ “thắt lưng, buộc cái bụng đói”, chỉ sử dụng điện trong phạm vi không phải trả thêm xu nào, nhưng điện tác động lên giá cả, con cá lá rau đều tăng giá, nguồn nước tưới cũng phải dùng điện vậy người dân nghèo có chịu ảnh hưởng không? Tất nhiên ai cũng “lãnh cái búa” cả, các ông điện lực không thể không biết đến vấn đề hết sức giản dị này. Vây mà trả lời “không ảnh hưởng” thì làm sao người dân “tâm phục, khẩu phục” được!

Câu hỏi của chị Trần Thị Thanh Thúy ở An Giang làm lộ lý do tăng giá điện gấp rút vào ngày 20-12-2011. Chị Thanh Thủy hỏi:
- Giá điện tăng không quá 5% thì không cần phải báo cáo, vậy liệu 3 tháng sau giá điện có tăng lên nữa không?
- Ông Đinh Quang Tri trả lời: “Tôi biết bạn rất quan tâm nhưng tại thời điểm này, chưa thể khẳng định được có tăng giá hay không sau 3 tháng nữa. Điều đó phụ thuộc vào sự biến động của các thông số đầu vào cơ bản (giá nhiên liệu, tỷ giá, cơ cấu sản lượng điện phát) và điều kiện của kinh tế xã hội tại thời điểm đó. Từ giờ đến hết năm, sẽ không có đợt tăng giá điện nữa. Vì theo Quyết định 24 và Thông tư 31 thì mỗi đợt tăng giá điện cách nhau tối thiểu 3 tháng”.

Câu trả lời cho chúng ta niềm “vui to lớn” là từ nay đến cuối năm, tức là đến cuối năm 2011, chỉ còn 8 ngày nữa sẽ không tăng giá điện. Nhưng đến năm 2012 thì khác, nó còn “tùy thuộc” vào các vấn đề phức tạp và mơ hồ như ông Tri vừa trả lời. Nó hàm chứa một ý nghĩa rất… sâu sắc rằng có thể giá điện sẽ tăng, cứ 3 tháng một lần. Sang đến năm 2012, còn những 4 cái 3 tháng nữa đấy bà con ơi! Vì thế tăng giá điện vào dịp cuối năm 2011, là thượng sách!

Theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện Lực VN cho biết, do mục tiêu kiềm chế lạm phát, Chính phủ chỉ cho phép tăng ở mức thấp nhất là 5%. Với mức tăng này, EVN chỉ thu thêm được khoảng 6.000 tỷ đồng, theo ông Tri, đây là một con số rất khiêm tốn và chưa thể bù được khoản lỗ 10.000 tỷ đồng. Vậy là dân còn mệt dài dài.

Cơ chế thị trường và nạn độc quyền không thể sống chung

Không thể phủ nhận quyết tâm và khó khăn của chính phủ VN trong công cuộc “kiềm chế lạm phát” và “ bình ổn giá cả thị trường” trong thời gian vừa qua. Thậm chí đôi khi phải dùng đến những biện pháp hành chính khá cứng rắn như biện pháp đối với lãi suất ngân hàng… Và người dân nào cũng mong mỏi cho những mục tiêu đó thành công. Bởi đó là cuộc sống thiết thực của hơn 80 triệu dân. Quyết tâm và những biện pháp đã và đang áp dụng đã ít nhiều mang lại kết quả đáng khích lệ. Thị trường không xáo trộn quá nhiều như người ta lo sợ, ngân hàng nhỏ không vỡ nợ bởi được “bao bọc” bởi các ngân hàng lớn. Tuy cũng có vài nơi, người dân có vài chục tỷ gửi ngân hàng, đến lúc rút tiền ra, ngân hàng không đủ vốn phải xin khất, nhưng rồi cũng giải quyết được trong một thời hạn ngắn. Bởi các “ông lớn” ngân hàng thừa biết rằng nếu để một ngân hàng “bể” thì mình cũng “bể” theo một sớm một chiều thôi. Đây là vấn đề thuộc phạm vi tài chánh, chúng ta sẽ bàn đến vào một kỳ khác.

Trở lại chuyện giá điện tăng và trước mắt là sẽ tăng theo “cơ chế thị trường”. Như thế có nghĩa là người cung cấp là bên bán điện, người dân là người tiêu dùng, cái cán cân ấy phải cân bằng với lợi ích của cả đôi bên. Chính phủ không tham dự vào sự “mua bán” này, có nghĩa thực tế là chính phủ không thể cứ bù lỗ cho ngành điện mãi được. Đây cũng là điều hợp lý. Tuy nhiên, nếu là cơ chế thị trường thì phải có cạnh tranh, nếu để một anh độc quyền thì không còn là cơ chế thị trường nữa. Anh độc quyền sẽ “bóp chết” anh tiêu dùng. Vậy câu hỏi đặt ra là bao giờ ngành điện mới có cạnh tranh? Nếu người tiêu dùng không đồng thuận với dịch vụ cung cấp thì kiếm đâu ra chỗ thay thế?

Nhớ lại khi ngành viễn thông còn độc quyền, muốn gắn cái điện thoại phải chạy chọt cửa trước cửa sau, mất cả chục triệu đồng mới có được cái a lô. Đến khi thế độc quyền bị phá, các hãng Vinaphone, Mobiphone rồi Viettel, S Phone… ra đời, khách hàng lại là thượng đế, tha hồ lựa chọn với giá rẻ, đến ngay anh phu đổ rác cũng có cái a lô bên mình.

Nhưng ngành điện thì khác. Công cuộc đầu tư vào ngành này không giản dị như viễn thông. Nó sẽ mất một thời gian dài với số vốn khổng lồ. Người dân vẫn chưa thấy hy vọng nào trong một ngày gần đây cái thế độc quyền của ngành điện sẽ bị phá vỡ. Họ sẵn sàng chấp nhận sự công bằng trong kinh doanh và trả tiền điện một cách trung thực. Nhưng là bao giờ? Vẫn còn là một câu hỏi chưa được trả lời. Trong thời gian đó thì cơ chế thị trường vẫn phải sống chung với nạn độc quyền.

Hai doanh nghiệp lớn nhất VN còn độc quyền

Hiện nay ở VN có hai doanh nghiệp lớn nhất, giữ vai trò chi phối trong 2 mặt hàng thiết yếu với cả nền kinh tế và mỗi người dân là điện và xăng dầu đã khiến dư luận nhiều phen bất bình. Một tờ báo đã viết:

“Ông “nhà đèn” tăng giá trong khi vẫn còn dư địa để chưa tăng hoặc tăng ít hơn như Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra trong kết quả kiểm toán báo cáo tài chính của EVN (Tổng công ty Điện Lực) năm 2010. EVN than lỗ để tăng giá điện trong khi vẫn trả lương cao với mức lương bình quân lên tới 13,7 triệu đồng 1 tháng 1 người cho quan chức, nhân viên tại công ty mẹ.

Không tăng giá như EVN nhưng kết quả kiểm tra hoạt động kinh doanh của Petrolimex (Tổng Công ty Xăng Dầu VN) công bố cùng ngày 19-12 cũng khiến dư luận thấy khó hiểu về cung cách kinh doanh của doanh nghiệp này cùng 3 doanh nghiệp lớn kinh doanh xăng dầu khác. Cũng từng than lỗ để “cự nự” với Bộ Tài chính về việc buộc phải giảm giá xăng 500 đồng/lít xăng ngày 26-8 vừa qua song Petrolimex vẫn phóng tay trả thù lao cho đại lý cao hơn quy định của Nhà nước.

Và cho dù “hào phóng” bất thường như vậy thì doanh nghiệp này vẫn lãi lớn, tới cả trăm tỉ đồng trong thời gian chưa đầy 2 tháng (từ ngày 1-7 đến ngày 26-8), chứ không hề lỗ như từng than…
Vậy thì chờ gì nữa mà không phá cái thế độc quyền này để nền kinh tế và người dân cùng được nhờ”.

Lúc này người dân chỉ còn biết răm rắp tuân theo sự lên giá xuống giá của các ông độc quyền. Làm thế nào hơn? Không có cái alô vẫn sống được, chứ không xăng không điện làm sao mà sống? Tôi xin kể lại một câu chuyện khóc dở mếu mếu dở, thật 100/100 đã từng xảy ra.

Cú dằn mặt của ông nhà đèn Kiến An

Bà Trần Thị Sinh Duyên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần “May Hai” ở Hải Phòng, cho biết việc cắt điện đã ám ảnh bà đến nỗi hàng ngày, cứ mở mắt ra đã phải lo bị cắt điện. Lịch cắt điện bắt đầu dày đặc từ đầu tháng 7 với tần suất 2 ngày cắt một lần, thời gian cắt điện kéo dài cả ngày. Hậu quả là đơn hàng bị vỡ liên tục vì lịch giao hàng được thực hiện mỗi tuần một lần.

Ngày 17-7-2008, bà Duyên cử nhân viên đến Điện lực Kiến An (Hải Phòng) đề nghị được thông báo trước về lịch cắt điện để tổ chức sản xuất cho phù hợp thì bị từ chối, với lý do cắt điện bất khả kháng, không thể thông báo trước. Khi đặt vấn đề mềm mỏng hơn là sau mỗi lần cắt điện bất ngờ (ở đây còn thích xài chữ nghĩa gọi là đột xuất), xin sở Điện lực Kiến An xác nhận bằng văn bản về thời gian cắt điện để doanh nghiệp làm căn cứ đàm phán lại về thời gian giao hàng với đối tác. Không ngờ “ông điện” nổi giận. Một nhân viên nói luôn “Muốn được thông báo sẽ thông báo. Hôm nay cũng là ngày cắt điện đấy”. Nói rồi, “ông điện” lập tức cho người xuống cúp cầu dao nguồn điện Cty May Hai của bà Duyên.

Cho biết thế nào là lễ phép với quan nhà đèn

Thế là nhà may tối om, công nhân ngồi chơi xơi nước, ăn lương theo sản phẩm thì đói là cái chắc. Chủ nhà may méo mặt, lại tính đến chuyện đền bù cho đối tác vì chậm giao hàng, chưa biết số tiền sẽ lên đến bao nhiêu chỉ vì sự “ra oai” của ông nhà đèn. Có thể “diễn dịch” nôm na ra rằng: “Cắt đấy, làm gì nào! Cho biết thế nào là lễ phép với quan nhà đèn”.

Công nhân nhìn ra toàn khu vực của nhà may này không nhà nào bị cắt điện, điện sinh hoạt của khu vực dân cư gần đó vẫn không bị cắt thì không có lý do gì để cắt điện sản xuất. Lý do duy nhất chỉ là sự bực mình của ông nhà đèn, dám hạch hỏi “quan nha” về việc công, quan muốn cắt lúc nào thì cắt, chứ việc gì phải trình báo với ai?”. Anh công nhân than thở: “Đúng là… mó dế ngựa”.

Từ câu chuyện này và từ năm 2008 đến nay, bạn đọc thử hình dung ra nếu cứ sống chung với độc quyền thì cơ chế thị trường sẽ mang lại tác dụng gì?

0 comments:

Powered By Blogger