Wednesday, January 25, 2012

Giải mã những cử chỉ thông thường của người Việt

Hay cười, xỉa răng, ngồi xổm là ba hành vi đặc trưng của người Việt.

Lỗ Tấn từng viết về những người nhà quê của A.Q thái hành dài bằng đốt ngón tay, trong văn chương Tự lực văn đoàn cũng có những cảnh hài hước khi muốn chế giễu những người được cho là quê mùa nào đó, ví dụ cho một anh nông dân nhảy đầm.

Từ hoang dã đến con người hiện đại là quãng thời gian hàng vạn năm, rất nhiều hành vi đã ngưng đọng lại không bao giờ thay đổi nữa. Đó chính là cử chỉ thông thường của một dân tộc, không bao giờ đánh giá theo thang giá trị đẹp hay xấu.

Cũng giống như tất cả người Việt khác, tôi ít khi để ý đến hành vi thường ngày của mình, nhưng dần dà cũng có những phân biệt nhất định, nhất là khi đi sơ tán, tôi thấy người sống ở nông thôn có những cách hành xử khác với người ở thành thị. Tiếp xúc với những người thuộc các sắc tộc khác nhau, lại thấy những hành xử khác nữa, rồi gặp người nước ngoài lại là một cách sống khác. Cái gì tạo nên những phong cách sống, như một số người có đầu óc kỳ thị thường phân biệt giữa người nhà quê và người thành phố, giữa người da trắng và người da màu, mà về bản chất nó không phản ánh sự tốt xấu, sang hèn chỉ là hệ quả của cả hành trình dân tộc.

Bà tôi và những cụ già khác thường nhai trầu bỏm bẻm, khi răng yếu các cụ có chiếc cối nghiền trầu nho nhỏ và ngoáy vào đó suốt ngày. Tôi thấy một cụ già nhờ nhà sư chùa làng nhai trầu hộ, rồi bà ăn sau, một hôm nhà sư bận nên nói bà nhờ cô gái này này.

Bà cụ bảo: “Cô này miệng hôi tôi không ăn được.”

Nhà sư: “Miệng tôi mới hôi, còn miệng các cô ấy thơm lắm.”

Bà cụ nói: “Các thầy là người tu hành nên khí chất thơm tho, còn các cô ấy có tu gì đâu mà thơm hay hôi.”

Như vậy cách quan niệm của các cụ già xưa thật khác thường, đạo đức quyết định tất cả những phẩm chất còn lại, mà thực tế thì không hẳn như vậy.

Dưới cái mũi của con người động vật nói chung rất hôi hám, nhưng chúng không liên quan gì đến giá trị thiện ác cả, và nếu có thì động vật rất thiện so với con người. Lỗ Tấn cũng viết một cách hài hước rằng có lẽ mồ hôi của cô tiểu thư thành thị thì thơm hơn mồ hôi của anh công nhân chăng?

Hay cười, xỉa răng, ngồi xổm là ba hành vi đặc trưng của người Việt.



1- Hay cười

Dù ngày nay đã thay đổi chút ít. Gặp bất cứ ai, dù không quen biết, người Việt có thói quen hay cười, rồi cả quen nhau rồi, mỗi khi kết thúc công việc gì đó lại cười. Bắt tay cười, mua hàng cười, nói chuyện cười, xem đám đông cười, thắng lợi cười, thất bại cũng cười… nghĩa là cười ở bất cứ đâu, với bất cứ ai, trong đó có cả cười một mình và lẩm bẩm một mình.


Cười trở thành một thói quen bắt đầu cho một giao tiếp, đến nỗi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cho rằng hay dân tộc mình còn trẻ con. Cái cười này không nhất thiết bộc lộ niềm vui, nó giống như lời chào thôi, để kết thúc một việc, nhất là khi gặp gỡ quan lại sai nha xưa để giải quyết hành chính, cười còn có tính nịnh nọt, nhằm lấy lòng cho được việc. Song trong cuộc sống thường nhật, không nhất thiết phải cầu cạnh ai người ta vẫn cười, điều đó cho thấy cười đã trở thành một hành vi vô thức, không nhất thiết phải có việc hay thái độ gì. Cười là sự tự kỷ của người Việt.

2- Xỉa răng


Xỉa răng chỉ là một việc rất nhỏ sau khi ăn của người Việt, nhưng được người phương Tây nhìn nhận như một đặc trưng tính cách, như trên đã dẫn, họ cho rằng người Việt hay ăn cỗ, và ai ăn xong rồi thì được đánh dấu bằng một cái que cắm vào mồm. Hầu hết người Việt lớn lên đôi chút là chân răng thường hở, khiến cho khi ăn thức ăn giắt vào kẽ răng và phải xỉa răng. Tập tục ăn trầu có chất vôi và nhuộm răng đen làm cho răng chắc khỏe, với những ai giữ được thói quen truyền thống này thì có thể giảm xỉa răng.

Tuy nhiên trong quá khứ, thuốc đánh răng và bàn chải chỉ xuất hiện khi người phương Tây sang, còn người Việt cổ chỉ có xúc miệng bằng nước chè, rượu, đánh rằng bằng than hay múi cau khô. Ngoài bốn mươi, sự lão hóa bắt đầu và răng bắt đầu rụng cũng như doãng ra, người ta buộc phải xỉa răng. Người Việt cổ già tương đối sớm, cũng như lập gia đình sớm. 50 tuổi là ra đình lên lão. 60 tuổi là hết vòng hoa giáp có thể chầu trời. 70 tuổi là rất hiếm.

Tục xỉa răng không phổ biến ở người phương Tây và ngay cả người Trung Hoa, nên được coi là cử chỉ riêng của người Việt. Xỉa răng sau khi ăn thực ra liên quan đến cách thức nấu nướng hằng ngày.

Chúng ta không rõ thời trung cổ người phương Tây ăn những tảng thịt nướng to tướng thì họ sẽ xử lý răng miệng thế nào, nhưng về sau nhiều các đồ ăn phương Tây chuyển sang hầm nhừ, bộ răng không quá vất vả.

Món ăn Trung Hoa cũng vậy, không nhiều đồ luộc như Việt Nam. Người Việt ăn nhiều chất sơ và đồ luộc, chất sơ từ rau cỏ, lại ăn nhanh và không nhai kỹ, lại luôn mồm nói chuyện trong khi ăn, nên luôn làm cho bộ răng ngứa ngáy. Vả lại đàn ông xỉa răng để nói nốt câu chuyện tào lao rồi uống trà, đàn bà che miệng xỉa răng lộ vẻ kín đáo.


3- Ngồi xổm

Ngồi khoanh chân xếp bằng như tọa Thiền là tính cách riêng của người phương Đông. Đầu gối người phương Tây do quá trình sống riêng rất khó gập được như vậy. Nhưng ngay cả người phương Đông hiện đại không phải ai cũng ngồi xếp bằng được, bởi thói quen mới ngồi duỗi chân với bàn ghế cao và bệnh béo phì, còn người xưa ngồi chiếu là phổ biến. Cái chiếu phổ biến đến mức nó trở thành khái niệm tượng trưng, xác định vị thế xã hội của con người.

Người ta gọi là “hộ tịch,” tức là góc chiếu của gia đình và cá nhân nào đó, trong đó “hộ” là cái cửa nhà, cái nhà, còn “tịch” là cái chiếu. Người đứng đầu gọi là “chủ tịch,” nhưng người khác gọi là “tịch viên.” Và người có mặt nhưng không có quyền như những người trong cuộc khác thì gọi là “liệt tịch.”

“Liệt tịch” bao gồm cả con ngựa ta cưỡi đến dự một cuộc khai hội (họp), nghĩa là chúng có đến cùng với chủ nhưng không được quyền phát biểu. Ra đình bạn sẽ được ngồi xếp bằng trên một góc chiếu, đó là vị thế của bạn. Có chiếu trên chiếu dưới phân cấp. Chiếu trên thì gần bàn thờ Thánh, càng xa bàn thờ thì càng là chiếu thấp, thấp nữa là chiếu ngoài sân đình.

Riêng những người làm mõ thì ngồi chiếu riêng, ăn mâm riêng được coi là những người hạ đẳng xuất thân từ dân ngụ cư. Chiếu cao hơn thì cỗ cũng to hơn, nhiều món hơn. Kẻ thấp sẽ ghen tức vì mâm kẻ cao thật nhiều sơn hào hải vị.

Mới có câu “Bầu dục không đến bàn thứ tám.” Cái văn hóa góc chiếu giữa đình này chưa hề mất đi, ngày nay nó được thay thế bằng “văn hóa phong bì,” nghĩa là ăn tiệc sẽ như nhau, nhưng tiền thưởng theo đẳng cấp.

Những người tập “yoga” và những bậc Thiền sư dùng ngay thế ngồi xếp bằng đặc trưng làm kỹ thuật tu luyện, hoặc bắt chéo cả hai chân lên nhau (gọi là “kiết già toàn phần”), hoặc bắt một chân (“kiết già bán phần”) và đưa vào đó ý nghĩa mới của sự thanh tĩnh hướng nội. Cái bệ rạc nhất trở thành cái cao khiết nhất trong nháy mắt trong cùng một cử chỉ, và vì thế ngồi xếp bằng được coi là một đặc trưng phương Đông về sự an tĩnh đàng hoàng.

0 comments:

Powered By Blogger