Saturday, January 7, 2012

GIẢI PHÁP CHO CÁCH MẠNG VIỆT NAM Phần 8: Chính sách kinh tế và văn hóa

Để vượt qua một hệ thống kinh tế yếu kém, lạc hậu và bị biến dạng bởi nền kinh tế định hướng XHCN do chế độ cũ đề xướng chúng ta cần phải xây dựng lại một hệ thống kinh tế hiện đại, phù hợp với các tiêu chuẩn kinh tế thị trường của quốc tế. Một nền Văn hoá tiến bộ, có thể bắt kịp thế giới nhưng đồng thời vẫn giữ gìn được bản sắc văn hoá dân tộc cũng sẽ được chúng ta thiết lập. Điều cần thiết là phải nhanh chóng xây dựng một chính sách Kinh tế – Văn hoá phù hợp với thời đại và tôn vinh được các giá trị Việt.

Về chính sách phát triển Kinh tế:

- Việt Nam cần có hai hệ thống kinh tế song hành: Nền kinh tế Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ cần được duy trì và phát triển hiện đại để tạo công ăn việc làm cho đa số dân chúng. Các ngành Công nghiệp nặng, kỹ thuật, thông tin, dịch vụ được chú trọng. Đào tạo và thu hút lực lượng chuyên viên giỏi để phục vụ cho các ngành này.

- Đầu tư cấp tốc để xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở: Đường bộ, đường sắt, hải cảng, phi trường, hệ thống điện nước, điện thoại nội địa, viễn liên và mạng lưới internet toàn cầu. Tạo điều kiện cho phát triển kinh tế và đầu tư quốc tế.

- Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế ở các địa phương. Từ đó tạo công ăn việc làm ổn định cho lực lượng lao động địa phương.

- Thiết lập « Viện nghiên cứu phát triển kinh tế Quốc gia », với trách nhiệm nghiên cứu chiều hướng kinh tế thế giới, của khu vực và các nước láng giêng cũng như nền kinh tế nội địa. Đồng thời cung ứng cho các giới kinh doanh, thương mại những dữ kiện, thông tin cần thiết cho việc đầu tư, sản xuất, buôn bán hay xuất nhập cảng.

- Giảm thuế một cách đặc biệt cho những địa phương thiếu sự ưu đãi của thiên nhiên, nhằm hấp dẫn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

- Thiết lập hệ thống trường quản trị kinh doanh ở mỗi tỉnh để tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn cho thành phần chuyên viên địa phương và khả năng tiếp nhận dự án kinh tế.

- Soạn thảo Luật Đầu tư và chính sách thuế hợp lý, có khả năng thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế nội địa và đầu tư, mậu dịch từ các công ty nước ngoài.

- Soạn thảo Bộ Luật Lao động tương đồng với các nước phát triển để đảm bảo quyền lợi của thành phần Công nhân.

- Soạn thảo bộ luật Ngân hàng để khuyến khích đầu tư của nhân dân, đồng thời tạo điều kiện để phát triển lĩnh vực kinh doanh với ngoại quốc.

- Thiết lập trục lộ kinh tế giáp ranh với các nước láng giềng để phát triển kinh tế khu vực cận biên.

Về Chính sách Văn hóa:

Văn hoá không chỉ là những di sản tinh thần mang tính truyền thống, mà nó được thể hiện sinh động qua cách suy nghĩ, lối sống và ứng xử của con người. Vì vậy mà nó mang tính tiêu biểu cho một cộng đồng dân tộc. Nhiệm vụ của chúng ta là phải phát triển một nền văn hoá tiến bộ cho các thế hệ tương lai, đồng thời kế thừa một cách xuất sắc những di sản văn hoá của tiền nhân:

- Lập danh sách bảo tồn, phát huy và phát triển văn hoá của quốc gia. Lập chương trình giới thiệu văn hoá Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

- Phục hồi các sinh hoạt văn hoá truyền thống, đặc biệt trên các phương tiện thông tin, bào chí của quốc gia.

- Xuất bản các tác phẩm nghiên cứu có giá trị về văn hoá nước nhà. Tài trợ các công trình nghiên cứu và phát huy văn hóa nước nhà một cách đặc sắc.

- Khích lệ những sáng tạo mới có khả năng đóng góp vào nguồn văn hoá dân tộc, từ mặt tinh thần đến vật chất.

- Tuyên dương và tài trợ các hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

- Tiếp nhận và bổ sung những cải tiến để nền văn hoá nước nhà ngày một thêm phong phú, song vẫn giữ được bản sắc dân tộc.

Với những chính sách phát triển tiến bộ và mang tính thời đại trên, chúng ta tin tưởng rằng Nền Kinh tế và Văn hóa Việt Nam sẽ được phát triển một cách lành mạnh. Xứng tầm với các giá trị và tiêu chuẩn của thời đại, đưa đất nước tiến lên và hội nhập thành công với cộng đồng quốc tế tiến bộ. Đồng thời xoá bỏ được nền văn hoá tuyên truyền, áp đặt và mị dân của chế độ độc tài. Văn hóa là tự do, tự do là văn hoá. Điều đó sẽ được minh chứng trong một xã hội Tự do, dân chủ trên đất nước Việt Nam chúng ta ở một tương lai gần. Điều đó cần có sự chung tay góp sức xây dựng của mọi tầng lớp nhân dân, vì đó là trách nhiệm cao quý của tất cả mọi người dân Việt Nam. Chúng ta cần xây dựng và phát triển một đất nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh và tiến bộ. Mà trong đó các giá trị Văn hoá tốt đẹp của cha ông được thế hệ hôm nay phát triển, để được cộng đồng quốc tế biết đến và tôn vinh.

Ngày 07/01/2012

Hoàng Minh (Hà nội, Việt Nam)

  • Giải Pháp cho Cách Mạng Việt Nam là một nghiên cứu dựa trên tinh thần Đề Cương Việt Nam Mới, và bao gồm nhiều đề tài tiếp nối nhau. Kính mời quý vị tiếp tục theo dõi nội dung những bài viết liên hệ trong thời gian tới.

0 comments:

Powered By Blogger