Wednesday, January 11, 2012

CẢI CÁCH MIẾN ĐIỆN ẢNH HƯỞNG DÂN CHỦ HÓA VN?



Hoàng Đình Khuê - Cách đây chưa đầy một năm, khó có ai tin rằng chuyến thăm Miến Điện của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và nhất là cuộc gặp mặt lịch sử của hai “phu nhân” nổi tiếng trên chính trường quốc tế có thể xảy ra, nhưng điều này đã hiện thực qua chuyến thăm viếng của Bà Hillary Clinton từ ngày 30/11/2011 đến ngày 2/12/2011.

Miến Điện đổi mới:
Sau ngày 3/2/2011 Quốc hội Miến Điện bầu Ông Thein Sein làm Tổng thống dân sự sau gần 50 năm Miến Điện rơi vào tay cai trị của giới tướng lãnh quân phiệt.
Tháng 3 năm 2011, Thống tướng Than Shwe bắt buộc về hưu không còn giữ chức vụ gì và tập đoàn quân phiệt giải tán.
Ông Thein Sein là vị tướng về hưu, sinh năm 1945 cùng tuổi với bà Aung San Suu Kyi, được coi là người có kiến thức, sùng đạo Phật và sống rất bình dị. Ông có tinh thần quốc gia dân tộc, luôn hướng về tổ quốc và đồng bào.
Một nhà báo nổi tiếng ở Úc tên Andrew Selth viết trên tờ Asia Times nhận xét ông Thein Sein có thể là một “Gorbachov của Miến Điện” có khả năng lãnh đạo công cuộc đổi mới và hội nhập quan hệ với thế giới bên ngoài.
Nhận định của nhà báo Andrew Selth có giá trị đứng đắn vì ông từng sang Moscow nghiên cứu sưu tầm tài liệu về nhân vật Gorbachov, người đã có công kết thúc chế độ cộng sản ở Liên Xô. Ngoài ra Ông Andrew Selth còn đáng giá Tổng thống Thein Sein có tinh thần độc lập, yêu chuộng công lý, có tài nhận định tình thế và xoay chuyển khéo léo (xu hướng biến cải).
Chỉ vài tháng sau, Tổng thống Thein Sein đã làm cho cả thế giới ngạc nhiên về một nước Miến Điện độc tài quân phiệt, thường xuyên vi phạm nhân quyền, đàn áp bắt giam các nhà dân chủ, nay đang đổi mới và đang trong tiến trình dân chủ hóa.
Trước khi phân tích động lực nào đưa đến đổi mới ở Miến Điện, chúng ta đề cập vài nét về Miến Điện.
Lịch sử Miến Điện:
Miến Điện nằm ở Tây bắc VN, diện tích 678,500 km2, dân số khoảng 60 triệu, thủ đô là Naypyidaw. Trong quá trình lập nước, Miến Điện từng bị Mông cổ và Trung quốc xâm chiếm nhiều lần nhưng đều bị Miến Điện đánh bại. Từ thế kỷ XIX cho đến năm 1947 Miến Điện là thuộc địa của vương quốc Anh cho đến năm 1948 mới tuyên bố độc lập.
Khoảng thời gian 1948-1962 là thời kỳ vàng son của Miến Điện với một thể chế dân chủ, kinh tế phát triển và xã hội an bình. Nhờ đó Ông U Than được bầu làm Tổng thơ ký Liên Hiệp Quốc trong 10 năm.
Nhưng đến năm 1962, tướng Ne Win làm cuộc đảo chánh quân sự, lật đổ Thủ tướng U Nu và quân đội đứng lên nắm chính quyền, đàn áp dã man các phong trào dân chủ và đưa đất nước Miến Điện vào thảm họa nghèo đói bất công.
Từ 1962-1988, Miến Điện do Tướng Ne Win cầm đầu tuyên bố theo chế độ XHCN, dân chúng bất mãn đứng lên đòi lật đổ chế độ độc tài quân phiệt và cuối cùng Tướng Ne Win phải thoái vị.
Đến năm 1990 có cuộc tuyển cử. Tổ chức đối lập Liên Minh Dân tộc vì Dân chủ (NLD) của Bà San Suu Kyi thắng lớn, nhưng chính quyền quân sự không công nhận và bắt giam Bà San Suu Kyi.
Đến năm 1992, chánh quyền chuyển giao cho Tướng Than Shwe, một nhà độc tài quân phiệt rất tham nhũng. Hai vợ chồng Than Shwe còn nổi tiếng là mê tín dị đoan và rất độc ác, bà vợ đã từng xui chồng ra lệnh xả súng vào các sư sãi biểu tình. Tướng Than Shwe đã đàn áp các tôn giáo như Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo, xua đuổi các sắc tộc thiểu số như Wa, Shan, Karen, Mon… lên đến hàng trăm ngàn người vượt biên giới vào lãnh thổ Bangladesh.
Đặc biệt đối xử tàn bạo và giam lỏng bà Aung San Suu Kyi tại gia trong suốt 15 năm mặc cho sự phản đối của quốc tế và sự can thiệp của HK, Liên Hiệp Quốc; vì vậy HK và Liên Hiệp Âu Châu đã trừng phạt kinh tế Miến Điện từ thập niên 90.
Bà Aung San Suu Kyi sanh năm 1945, là con gái của vị anh hùng dân tộc tên là Aung San (1915-1947). Lúc trẻ Ông đã hoạt động chống thực dân Anh. Ông là cha đẻ nền độc lập dân tộc và sáng lập ra quân đội quốc gia, nổi tiếng chống Nhật thời Đệ II thế chiến.
Ông bị ám sát tháng 7/1947 được làm quốc tang, lúc đó cô bé Suu Kyi mới được 2 tuổi. Vợ ông là bà Khin Kyi từng làm dại sứ tại New Dehli-Ấn Độ.
Năm 1988 bà San Suu Kyi tốt nghiệp cử nhân triết học, chính trị, kinh tế tại đại học Oxford (Anh quốc). Chồng bà là nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, quốc tịch Anh.
Năm 1988 bà San Suu Kyi bắt dầu hoạt động chính trị, làm Tổng thơ ký phong trào dân chủ toàn quốc. Bà nổi tiếng là nhà dân chủ tranh đấu đòi tự do dân chủ cho người dân.
Bà được giải Nobel Hòa Bình năm 1991.
Năm 1997 ông chồng người Anh bị ung thư chờ chết ở London, nhóm quân phiệt cho bà đi London thăm chồng và được phép trở về Miến Điện, nhưng bà không đi vì không tin tưởng lời hứa của họ.
Sau đó chính quyền Miến từ chối không cấp chiếu khán cho chồng bà vào Miến Điện gặp bà lần chót, mặc dù có lời yêu cầu của Tổng thơ ký LHQ Kofi Annan, của Đức Giáo Hoàng Joan Phaolo II và của các chánh phủ Anh, Mỹ.
Bà đã hy sinh tình cảm gia đình để tranh đấu cho một đất nước Miến Điện được tự do dân chủ. Bà thách thức chế độ quân phiệt và bị bắt giam nhiều lần, sau đó bị giam lỏng tại gia cho đến ngày 18/11/2010 được trả tự do.
Nguyên nhân Miến Điện đổi mới:
Trong suốt 50 năm dưới chế độ độc tài quân phiệt, Miến Điện trở thành một đất nước chậm tiến, người dân nghèo khó, đất nước chia rẻ với nhiều sắc tộc địa phương và các nhóm phản loạn tranh đấu lẫn nhau. Người dân trong nước bất mãn, kiên cường tranh đấu không ngừng nghỉ nhất là Liên Minh Dân Tộc vì Dân chủ (NLD) do bà San Suu Kyi lãnh đạo.
Thế giới cô lập Miến Điện, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế. Trung cộng và Nga lợi dụng áp đặt ảnh hưởng lên Miến Điện, sau này Miến Điện hoàn toàn lệ thuộc vào Trung cộng.
Nhưng quan hệ với Bắc kinh cũng gặp nhiều trở ngại với sách lược bành trướng Đại hán, với việc Trung cộng nuôi dưỡng các nhóm sắc tộc bạo loạn ở biên giới như Shan, Karen và xã hội Phật giáo không thích hợp với chủ nghĩa Cộng sản vô thần…
Kể từ khi Miến Điện có một chánh quyền dân sự, Tổng thống Thein Sein cũng bị ảnh hưởng ngọn gió Mùa xuân Á rập và đang biến Mùa xuân Á rập thành Mùa xuân Châu Á.
Các nhà ngoại giao Tây phương và LHQ rầm rộ kéo đến Yangon gặp gỡ các nhà lãnh đạo dân sự và bà Aung San Suu Kyi, đặc biệt chuyến đi của Ngoại trưởng Hillary Clinton lần đầu đến Miến Điện kể từ năm 1955 sau chuyến thăm viếng cuối cùng của Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles.
Trong Diễn đàn hợp tác kinh tế Á châu APEC và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 19 ở Bali vừa qua, Miến Điện được đề cử chủ trì tổ chức Sea Games 2013 và là chủ tịch luân phiên hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2014.
Ngoài ra Miến Điện có một hậu thuẩn lớn mạnh ở hải ngoại, đó là cộng đồng người Miến ở Anh, Hoa Kỳ và Ấn Độ. Cộng đồng này có trình độ học vấn khá cao, thái độ chính trị rõ ràng: chống quân phiệt độc tài và ủng hộ tự do dân chủ, có ảnh hưởng đến giới trẻ và trí thức trong nước.
Sau ngày Tổng thống Thein Sein lãnh đạo chánh quyền dân sự, cộng đồng người Miến hải ngoại đã dấy lên lòng yêu nước trong dân chúng, trở về với giá trị tinh thần còn tồn tại trong xã hội hiện đại.
Trong nước báo chí nhắc lại các nhân vật lịch sử đã bị cấm đề cập trong hơn 20 năm qua, như người anh hùng dân tộc Aung San (thân phụ của bà San Suu Kyi), như nguyên Thủ tướng U Nu bị tướng Ne Win đảo chánh, như Tướng Tin Oo nguyên Tổng tư lệnh quân đội năm 1976 và cá nhân bà Aung San Suu Kyi đều là những quyết định có ý nghĩa và mở ra những đột phá mới nhiều triển vọng.
Đột phá đầu tiên mà Tổng thống Thein Sein dành cho dân tộc Miến Điện:
- Ngày 30/9/2011 tuyên bố đình chỉ dự án đập thủy điện Myitsone trị giá 3.6 tỉ đôla do Trung cộng đài thọ vì nhu cầu bảo vệ môi trường cho dân chúng.
- Tháng 10/2011 phóng thích 6,369 tù nhân trong đó có 200 tù nhân chính trị và sẽ tiếp tục trả tự do cho số còn lại trong thời gian tới.
- Nổ lực tiến tới đối thoại và hòa giải dân tộc. Ông đã bổ nhiệm các nhà trí thức, doanh nhân vào các cương vị chiến lược, mời những người lưu vong về tham gia xây dựng đất nước.
- Tiến hành thương lượng hào bình, giải tán các nhóm vũ trang bạo loạn bằng cách sát nhập hàng ngàn tay súng vào quân đội quốc gia, số còn lại được trợ cấp một số tiền trở về với gia đình.
Ý nghĩa chuyến thăm của bà Hillary Clinton:
Không phải ngẫu nhiên, trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Bali-Indonesia, Tổng thống HK Obama đánh giá cao cải cách ở Miến Điện và loan tin chuyến đi Miến Diện của bà Hillary Clinton nhằm để xem lại quyết tâm cải cách như thế nào.
Trong chuyến công du hai ngày, bà Clinton đã gặp Tổng thống Thein Sein và các nhà lãnh đạo dân sự trong ngày đầu tiên tại Naypyidaw.
Bà cho biết cuộc nói chuyện rất là thẳng thắn và cởi mở. Bà nói với chánh quyền Miến Điến là HK sẵn sàng yểm trợ nếu việc cải cách tiến xa hơn nữa và có thể bãi bỏ lệnh trừng phạt.
Bà khuyến khích chính quyền trả tự do cho tất cả tù chính trị, chấm dứt những cuộc xung đột sắc tộc kéo dài hàng chục năm nay.
Trong cuộc họp báo, bà nhấn mạnh quan hệ tốt đẹp chỉ có thể thực hiện được khi Miến Điện ngưng giao dịch với Bắc Hàn về những vi phạm chương trình chế tạo hạt nhân.
Bà cho biết Tổng thống Thein Sein cũng hy vọng xây đắp mối quan hệ hữu nghị và bà bảo đảm rằng HK sẽ yểm trợ công cuộc cải cách này.
Sau đó bà đã bay đi thủ đô Yangon, tại đây bà đi thăm ngôi chùa Shwedagon nơi bà Aung San Suu Kyi đã diễn thuyết đòi tự do dân chủ vào năm 1988.
Sau đó Bà Clinton đã có hai buổi gặp mặt với nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi.
Tối ngày 1/12/2011 hai bà đã gặp nhau ở nơi trọ của phái đoàn ngoại giao Mỹ, các nhà báo có vài phút chụp hình trước khi hai bà dùng cơm tối chỉ dành riêng cho hai người.
Sáng hôm sau ngày 2/12/2011, hai bà chính thức gặp nhau ở căn nhà ven hồ của bà Suu Kyi nơi bà đã bị giam lỏng trong 15 năm.
Hai bà và các vị phụ tá đã dành cho báo chí chụp hình thoải mái, nhưng các phóng viên không biết rõ nội dung bàn thảo của buổi họp này.
Sau vài giờ thảo luận, hai bà lại xuất hiện để cho các nhà báo chụp hình và mỗi người đọc một bài diễn văn ngắn.
Sau cuộc gặp gỡ tại căn nhà ven hồ, nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi nói với báo chí rằng bà hy vọng chuyến đi Miến Điện đầu tiên của một vị Ngoại trưởng Mỹ sau hơn 50 năm gián đoạn sẽ nối lại các quan hệ hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau.
Bà Suu Kyi còn nói rằng những hoạt động ngoại giao của HK đang góp phần thúc đẩy cho dân chủ hóa ở Miến Điện.
Tuy nhiên nhà lãnh đạo dân chủ cũng dè dặt nói rằng Miến Điện chẳng những cần sự giúp đỡ của HK mà cũng cần sự hổ trợ của các thành viên khác trong cộng đồng quốc tế .
“Điều này chứng tỏ chúng tôi có sự ủng hộ của toàn thế giới. Tôi đặc biệt vui mừng và chúng tôi hy vọng duy trì mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Trung quốc, nước láng giềng rất gần gủi với chúng tôi.”
Phần bà Clinton đã tiết lộ: “Sự cởi mở gần đây của nhà cầm quyền Miến Điện là niềm hy vọng cho mọi người và chuyến đi của bà có mục đích tìm lộ trình để tiến tới nền dân chủ cũng là mục tiêu tối hậu.”
Bà cho biết còn nhiều việc phải làm để Miến Điện phát triển dân chủ và HK sẵn sàng trợ giúp.
Bà không quên lên tiếng ca ngợi cá nhân bà Suu Kyi là một nhà lãnh đạo dân chủ bất khuất. Bà cảm nhận bà Suu Kyi là một niềm hứng khởi cho mọi người, đứng lên tranh đấu cho mọi người là những người xứng đáng có các quyền tự do như tất cả mọi người ở khắp nơi trên thế giới.
Người dân Miến Điện đã can đảm và kiên trì trong lúc đương đầu với những khó khăn vô cùng to lớn trong một thời gian quá dài và HK muốn thấy đất nước này có một chỗ đứng xứng đáng trên thế giới.
Do đó chuyến đi không chỉ là kết quả của những thay đổi của Miến Điện mà còn nói lên tính cách quan trọng trong chánh sách ngoại giao mới của HK ở Châu Á. Đồng thời Tổng thống Mỹ cũng muốn nhắn gởi với đồng minh của Mỹ trong khu vực và cả với Bắc kinh rằng Mỹ đã trở lại Á Châu và sẽ ở lại đây để ổn định an ninh trong khu vực và giới hạn ảnh hưởng của Trung quốc.
Ảnh hưởng đến VN:
Miến Điện là láng giềng gần của VN. Nếu Mùa xuân Ả rập đang trở thành Mùa xuân Châu Á thì VN cũng nằm trong ảnh hưởng đổi mới đó .
Hai nước miến Điện và VN có những tương đồng giống nhau:
Cả hai nước cùng nằm trong khu vực ĐNÁ, cùng cai trị đất nước theo đường lối độc tài, cùng chịu ảnh hưởng của Trung cộng và Nga, và nhất là cùng có chung một chứng bịnh trầm kha là tham nhũng và đàn áp các nhà trí thức.
Kể từ tháng 11/2010 khi Miến Điện có một chánh quyền dân sự thay thế cho chánh quyền quân phiệt thì Miến Điện có nhiều thay đổi:
Hoạt động ngoại giao dồn dập ở Naypyidaw, thủ đô mới của Miến Điện.
Các phái đoàn Miến Điện lần lượt qua thăm Ấn độ, VN, Trung quốc, Nhật bản và Nga, đặc biệt Bộ trưởng quốc phòng Miến Điện, Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing đã phá lệ ghé thăm VN trước khi sang thăm Bắc kinh. Đây là dấu hiệu quân đội Miến Điện đang muốn có liên minh quân sự tại ĐNÁ nhằm tìm giải pháp thay thế Trung quốc.
Theo báo Irrawaddy của Miến Điện, việc ông Ming Aung Hlaing chọn thăm VN trước Trung cộng là có hành động muốn tách khỏi quỷ đạo của Trung cộng và Miến Điện muốn chứng tỏ có thể đặt quan hệ với bất cứ nước nào kể cả có thể mua trang thiết bị quốc phòng của VN trong tương lai.
Tướng Min Aung Hliang cũng gặp Thủ tướng CSVN Nguyễn tấn Dũng, khẳng định ủng hộ trong việc tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước.
Tiếp theo ngày 19/12/2011, Thủ tướng CSVN Nguyễn tấn Dũng tham dự Hội nghị GMS 4 (của các nước thuộc Tiểu vùng sông Mêkông Mở rộng) ở Miến Điện và sau đó gặp Tổng thống Thein Sein thảo luận quan hệ thương mại buôn bán giữa hai nước.
(Không biết VN có học được bài học nào của Miến Điện hay không?)
Tiếp theo thay đổi ở Miến Điện, một số nhà trí thức và các nhân vật tranh đấu trong nước kêu gọi chính quyền VN nên theo gương đổi mới dân chủ của Miến Điện. Họ hy vọng đất nước sớm có một Gorbachov hay Thein Sein VN, nhưng liệu có hy vọng gì không?
Trong khi đó các nhà quan sát và phân tích thời cuộc lại rất nghi ngờ về sự đổi mới dân chủ ở VN với những lý do sau đây:
- Chế độ độc tài ở VN là độc tài đảng trị với một hệ thống công an đàn áp rất tinh vi và bạo lực.
- Tập đoàn lãnh đạo VN còn tham quyền cố vị, muốn duy trì quyền lực và bảo vệ tài sản cũng như mạng sống cá nhân và gia đình. Họ không muốn đổi mới, cũng không dám làm phật lòng quan thầy vì nhà cầm quyền Bắc kinh đang khống chế toàn bộ đất nước.
- Dân chúng thiếu động tính tích cực, chẳng hạn không tạo được các cuộc biểu tình liên tục để nuôi dưỡng quyết tâm tranh đấu lâu dài.
- Trong nước chưa có người đủ uy tín và đảm lược như Lech Valesa hay bà Aung San Suu Kyi để đứng lên cứu nước …
Từ đó ta thấy tiến trình hóa dân chủ hai nước hoàn toàn khác nhau:
1) Miến Điện ngày càng thuận lợi cho việc dân chủ hóa đất nước qua sự cởi mở của chính quyền dân sự Thein Sein, nhất là cuộc gặp mặt của bà Aung San Suu Kyi với ông George Soros nhà tỷ phú Mỹ vào ngày 02/01/2012 tại Miến Điện.
2) ViệtNam ngày càng bị áp lực mạnh mẽ của Trung cộng qua sự khống chế Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông.
Chuyến đi VN của ông Tập cận Bình ngày 21/12/2011, nhân vật số hai của Trung cộng, người sắp sửa thay Hồ cẩm Đào vào năm tới đã được lãnh đạo VN đón tiếp với cờ TC 6 ngôi sao thay vì chỉ có 5 ngôi sao.
Sự cố cờ TC 6 sao cũng đã xảy ra vào tháng 10/2011 khi đài truyền hình VN sử dụng lá cờ 6 sao tường thuật chuyến thăm viếng của TBT/ CSVN Nguyễn phú Trọng qua Bắc kinh.
Đây là sự thâm hiểm của đảng CSTC và ý đồ của đảng CSVN.
Chuyến đi của Tập cận Bình cũng nằm trong sự tranh chấp biển Đông với sự nhượng bộ và hứa hẹn là vùng lãnh hải sẽ thuộc chủ quyền của Trung cộng.
Đây là công hàm bán nước lần thứ hai sau công hàm của Phạm văn Đồng vào năm 1954.
Đó là lý do tại sao cả 5,6 tháng nay TC không gây hấn với VN, không tàu hải giám TC cắt cáp tàu VN và cũng không còn các vụ đánh đắm tàu và bắt ngư dân VN.
Nhưng chúng ta vẫn tin tưởng vào tiến trình dân chủ hóa trên thế giới.
Theo Alexis de Tocqueville: “ Ngày hôm nay tiến trình hóa dân chủ trên thế giới đã hoàn tất được ớ đoạn đường và đang tiến tới giai đoạn kết thúc.”
Đây là xu thế lịch sử và không một thế lực nào có thể chống lại được. Ý muốn chặn đứng nền dân chủ tức là chiến đấu chống lại Thượng đế.
Có 3 làn sóng dân chủ: …Làn sóng dân chủ thứ ba đang tiếp tục tiến vào Trung Đông
và Bắc Phi, đây có thể là làn sóng dân chủ cuối cùng sẽ quét sạch các chế độ độc tài còn sót lại trên thế giới bất kể Cộng hòa Hồi giáo, Cộng hòa dân chủ nhân dân, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa…
Để kết thúc tôi muốn kể một câu chuyện nực cười mà chỉ có các nước Xã hội chủ nghĩa mới thường xảy ra:
“Trong bài diễn văn khai mạc hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 16 năm 2010 do VN làm chủ tịch luân phiên, Thủ tướng CSVN Nguyễn tấn Dũng đã:
- tố cáo tình trạng vi phạm nhân quyền của Miến Điện dưới chế độ quân phiệt.
- kêu gọi Miến Điện nên có cuộc tổng tuyển cử tự do dân chủ với sự tham dự của mọi đảng phái tổ chức trong nước.
- lên tiếng đòi trả tự do cho các thành phần đối lập trong nước …
Và một năm sau chính quyền dân sự Thein Sein đã thực hiện đổi mới cho Miến Điện. …Nhưng đến năm 2014 khi Miến Điện làm chủ tịch luân phiên của ASEAN ở Nyapyidaw, giả sử Tổng thống Thein Sein sẽ lập lại những lời tố cáo giống như của Thủ tướng CSVN Nguyễn tấn Dũng thì chánh quyền VN sẽ nghĩ sao?”
Đúng là nực cười khi tự mình lại chửi lấy mình!
“Chân mình thì lấm mê mê,
Lại cầm bó đuốc mà rê chân người.”
Hoàng Đình Khuê
01/01/2012

0 comments:

Powered By Blogger