Tuesday, January 10, 2012

2012 - Năm Của Bầu Cử

Trần Việt Trình

Năm 2011 vừa mới đi qua. Năm vừa rồi đúng là năm của những biến chuyển thế giới, năm của thay đổi lịch sử. Trong năm qua, chúng ta đã chứng kiến các cuộc nổi dậy của người dân dẫn đến chấm dứt nhiều chính phủ trong thế giới Ả rập. Chúng ta cũng đã thấy tình trạng quản lý kinh tế yếu kém ở châu Âu dẫn tới những thay đổi về lãnh đạo ở các nước Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha. Trước đó, không ai có thể đoán biết được những sự kiện này. Không ai có thể tưởng tượng ra được có bao nhiêu nhà lãnh đạo sẽ mất chức.

Năm 2012 này cũng vậy. Cũng sẽ có nhiều sự kiện khó đoán. Khó ai có thể tiên đoán được những sự kiện gì sẽ xảy ra trong năm này. Bộ máy lãnh đạo của nước nào sẽ phải thay đổi và lãnh tụ quốc gia nào sẽ phải ra đi?

Khó ai có thể cam chắc được điều gì. Chỉ có một điều chắc chắn, đó là 2012 là năm của bầu cử. Phân tích gia Fareed Zakaria của thông tấn xã CNN của Mỹ đã nhận xét như vậy trong bản tin cuối năm.

Đúng vậy. Chúng ta sẽ chứng kiến một loạt các cuộc bầu cử quan trọng diễn ra trong năm 2012 này.

Chúng ta có 193 quốc gia trên thế giới. 59 quốc gia sẽ tiến hành bỏ phiếu ở cấp địa phương, tiểu bang hay cả nước. Như vậy thì sẽ có đến 1/3 quốc gia trên thế giới có bầu cử. Trong số này, 26 quốc gia có thể sẽ chứng kiến sự thay đổi về mặt lãnh đạo. Những thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến 53% dân số thế giới, đại diện cho một nửa tổng sản lượng (GDP - Gross Domestic Product) của thế giới.

Điều đáng lưu ý là rất nhiều thay đổi sẽ xảy ra ở những quốc gia hùng mạnh hàng đầu thế giới như Nga, Trung Quốc, Pháp và Mỹ. Các quốc gia này là 4 trong số 5 quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC - United Nations Security Council). Chỉ riêng 4 nước này đã chiếm đến 40% GDP của thế giới rồi.

Trong các quốc gia này thì đương nhiên là Trung Quốc sẽ không có cuộc bầu cử dân chủ. Tuy nhiên, chúng ta hy vọng sẽ thấy những thay đổi lớn ở bộ máy lãnh đạo với 70% sẽ là người mới. Tháng 10 năm nay, Trung Quốc sẽ tiến hành đại hội đảng lần thứ 18. Tập Cận Bình (Xi Jinping) gần như chắc chắn sẽ thay thế Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao), Lý Khắc Cường (Li Keqiang) sẽ kế nhiệm Thủ tướng hiện thời là Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao).

Cuộc bầu cử Tổng thống ở Nga vào ngày 4 tháng 3 sắp tới sẽ dễ đoán nhất. Hầu như ai cũng biết Thủ tướng Putin sẽ trở thành Tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa, nhiệm kỳ thứ 3, kéo dài tổng cộng 6 năm liền. Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Moscow và nhiều thành phố khác 3 tháng sau bầu cử Quốc hội đã mang đến cho nước Nga một sắc thái mới. Người dân đã xuống đường phản đối kết quả bỏ phiếu. Họ cho rằng thắng lợi thuộc về đảng cầm quyền là do gian lận bầu cử. Hàng chục nghìn người đã xuống đường tại Moscow với các khẩu hiệu mạnh mẽ chưa từng thấy. Người biểu tình đòi chính quyền hủy bỏ kết quả bỏ phiếu hạ viện và tổ chức cuộc bầu cử mới. Họ còn thậm chí đe dọa, nếu chính quyền không đàm phán, họ sẽ tiếp tục phản đối mạnh mẽ hơn. Dường như đây là lần đầu tiên việc chỉ trích Kremlin được thấy ở Nga. Putin đã phản ứng bằng cách bác bỏ những lời kêu gọi xem xét lại kết quả bầu cử và ông cứ tiến hành phân công lại bộ máy chính trị trung ương của mình. Putin sẽ phải đối mặt với những thách thức từ tỷ phú Mikhail Prokhorov, được dự đoán sẽ là đối thủ nguy hiểm trong kỳ bầu cử sắp tới cũng như sẽ phải đối mặt với những phản đối trong nước.

Còn tình hình ở Mỹ thì sao? Tại Washington, bầu cử Tổng thống và cơ quan lập pháp sẽ diễn ra vào tháng 11. Mỹ sẽ có một Tổng thống mới. Một là Mitt Romney, hai là Newt Gingrich hay ba là Tổng thống Obama sẽ đảm nhiệm thêm một nhiệm kỳ nữa.

Nằm ở hướng nam của nước Mỹ, Venezuela cũng sẽ tiến hành bầu cử Tổng thống với dự đoán Hugo Chavez sẽ tái đắc cử. Thay đổi cũng có thể sẽ xảy ra sau các cuộc bỏ phiếu ở Mễ Tây Cơ, Ai Cập, Đài Loan và Kenya.

Tại Pháp, bầu cử Tổng thống và Quốc hội cũng sẽ diễn ra. Bầu cử Tổng thống được chia làm hai vòng, vòng 1 vào ngày 22/4 và vòng 2 vào ngày 6/5. Bầu cử Quốc hội cũng sẽ 2 vòng, vòng 1 vào ngày 10/6 và vòng 2 vào ngày 17/6.

Nhìn chung, một số cuộc bầu cử và thay đổi về mặt lãnh đạo không có gì khác ngoài thay đổi về nhân sự. Tuy nhiên, ở một số cuộc bỏ phiếu khác sẽ là cơ hội và tranh luận về tương lai của một quốc gia. Biết đâu sẽ có sự thay đổi và chúng ta sẽ thấy một châu Âu khác, một Trung Quốc khác, và một nước Mỹ khác trong vài năm tới.

Đó là tình hình trong năm qua và những diễn tiến sắp đến trong năm này của các quốc gia trên thế giới. Còn ở Việt Nam thì sao?

Bầu cử ở VN từ hồi nào đến giờ cũng vẫn vậy. Các cuộc bầu cử Quốc Hội ở VN được tổ chức tốn kém hầu mong khoác lên cho chế độ một chút dân chủ nhưng thực chất thì không có liên hệ gì đến chuyện dân chủ cả. Đảng Cộng Sản đã nắm quyền ở VN trong vài chục năm qua, Đảng lãnh đạo toàn diện và triệt để, quyền lực nằm trong tay Tổng Bí thư và Bộ Chính trị, được truyền từ Đại hội đảng này đến Đại hội đảng khác, người dân hoàn toàn không có một chút quyền quyết định nào trong việc lựa chọn người lãnh đạo của mình.

Biểu hiện chính của dân chủ là bầu cử. Sự dân chủ trong việc nắm quyền của một nước là người dân được thể hiện quyền của mình bằng lá phiếu. Chỉ qua bầu cử, một chính phủ thực sự được hình thành mới được gọi là “của dân” và “do dân”. Không có bầu cử tự do, trong sạch và bình đẳng thì những mỹ từ “của dân”, “do dân” và “vì dân” chỉ là những khẩu hiện rỗng tuếch, mỵ dân, thực chất chỉ là gian dối.

Bầu cử ở VN, người thắng lúc nào cũng thắng hết sức vẻ vang, lúc nào cũng thắng đến chín mươi mấy phần trăm, nếu không muốn nói là một trăm phần trăm. Chẳng qua vì nếu nói 100% thì lộ liễu quá mà thôi. Không thắng 100% sao được khi việc đề cử hoàn toàn nằm trong tay của Đảng? Những con gà của Đảng đưa ra thì làm sao có thể để bị thất cử được!? Không những đắc cử mà còn phải thắng lớn, không thể trúng cử với số phiếu thấp được. Vì sao? Vì việc kiểm phiếu cũng do Đảng đảm trách kia mà. Trên lá phiếu, dân muốn chọn ai, gạch tên ai cũng chẳng sao. Các cán bộ Đảng làm nhiệm vụ kiểm phiếu sẽ “xử lý” cách sao để cuối cùng những ai đã được Đảng ấn định đều trúng cử với số phiếu tuyệt vời. Do vậy, việc dân bỏ phiếu cho ai không còn là vấn đề nữa. Dân khỏi phải lo, đã có Đảng và nhà nước lo cho rồi!

Việc bầu cử ở VN, người dân bình thường không còn lạ gì. Bầu cử không có tự do như ở VN hiện nay chung quy chỉ để quyền lực không vuột khỏi tay của những kẻ đang cầm quyền. Do vậy mà chế độ tạo nên một tầng lớp cầm quyền bảo thủ, vô tài, vô đức, bao che tham nhũng, dung dưỡng bất công, chắc chắn sẽ không tránh khỏi sự sụp đổ thảm hại như ở Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu và gần đây nhất là ở các nước Bắc Phi và Trung đông. Sớm hay muộn, nhân dân chắc chắn sẽ đứng lên dành lại quyền chính đáng của mình.

Năm 2011 là năm của biến chuyển thế giới, năm của thay đổi lịch sử. Cách đây một năm, không ai có thể nghĩ ra được sẽ có bao nhiêu chính phủ trong thế giới Ảrập tiêu tan và bao nhiêu nhà lãnh đạo mất chức trong năm qua. Năm 2012 này cũng vậy. Cũng sẽ có nhiều sự kiện khó đoán. Khó ai có thể tiên đoán được những gì sẽ xảy ra ở Việt Nam. Hãy chờ xem ...

Trần Việt Trình
10 tháng 1 năm 2012



Tài liệu:
2012 - the year of elections
Fareed Zakaria, CNN
December 30th, 2011

0 comments:

Powered By Blogger