Quỳnh Chi, phóng viên RFA- Cuộc chính biến đang xảy ra tại Libya tiếp tục là đề tài được cả thế giới chú ý tới, và có thể nói là mọi người đều chờ xem phản ứng và kế hoạch của Hoa Kỳ đối với nhà độc tài Gadaffi như thế nào?
AFP PHOTO
Chiến hạm USS Kearsarge tiến vào Địa Trung Hải thông qua kênh đào Suez hôm 02-03-2011.
Từ Washington, Quỳnh Chi của Ban Việt Ngữ chúng tôi có tường trình chi tiết sau đây.
Kêu gọi quốc tế đoàn kết
Phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Hoa Kỳ Susan Rice kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết để cùng cất tiếng nói trước những hành động tàn bạo mà chính phủ Libya đang làm với những người biểu tình.
Bà Rice nói rằng bất cứ chính phủ nào nổ súng bắn người dân của mình đều không xứng đáng để tiếp tục góp mặt trong Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và đã đến lúc phải bỏ phiếu loại trừ Libya ra khỏi Hội Đồng.
Kết quả cuộc bỏ phiếu cho thấy đề nghị của Hoa Kỳ được các nước tán thành, cho dù vẫn chưa ở mức mà Washington chờ đợi. Đại Hội Đồng Liên Hiêp Quốc chỉ không cho Libya tham dự các cuộc họp của Hội Đồng Nhân Quyền, nhưng không trục xuất Libya ra khỏi Hội Đồng.
Bà Đại Sứ Mỹ cũng nhắc lại những gì đã nói với báo chí một ngày trước đó ở Washington sau khi tham dự phiên họp khẩn của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, nói rằng không chỉ người dân Libi mà cả thế giới đều muốn thấy nhà độc tài Gadaffi từ chức, đừng tiếp tục “sống trong ảo tưởng là dân chúng vẫn ủng hộ hay sẵn sàng chết cho ông ta như ông ta nói với báo chí”.
Bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất, ông Ban Ki-moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nói rằng việc sử dụng võ lực để trấn áp các đoàn biểu tình đòi tự do, dân chủ và công bằng là “tội ác chống nhân loại” và những hành động tàn bạo như chính quyền Gadaffi đang làm “sẽ bị trừng phạt.
Giải pháp quân sự?
Tại Washington, Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Robert Gates cho biết mặc dù giải pháp quân sự đã được bàn thảo, nhưng Liên Hiệp Quốc vẫn chưa đưa ra quyết định có nên dùng quân đội can thiệp ở Libya hay không.
Ông Gates cũng cho biết với đại ý rằng trước khi nghĩ đến việc đưa quân vào Libi hay vào bất kỳ một quốc gia nào ở Trung Đông, chính phủ Hoa Kỳ phải cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau, xem liệu điều đó có thể thực hiện được hay không, thực hiện như thế nào, và lợi hại về mặt ngoại giao cũng như chính trị ra sao.
Mặc dù phát biểu của người đang điều hành Lầu Năm Góc cho thấy chính phủ Mỹ ngần ngại về việc sử dụng giải pháp quân sự với Libi, nhưng ông Gates cũng loan báo đã chỉ thị 2 chiến hạm USS Kearsarge và USS Ponce tiến vào Địa Trung Hải, phối hợp với chiến hạm USS Barry đang hoạt động gần đó để gia tăng áp lực quân sự lẫn ngoại giao buộc Gadaffi phải từ chức. Ít giờ đồng hồ trước đây, các viên chức quốc phòng Mỹ cho biết các chiến hạm của Hoa Kỳ chở theo 2.000 binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến đã vào kinh đào Suez, trên đường sang Địa Trung Hải.
Các giới chức Nhà Trắng nói rằng mặc dù các chiến hạm của Hoa Kỳ được bố trí ở Địa Trung Hải để thực hiện những công tác nhân đạo khi cần thiết, nhưng cũng nói rõ là “tất cả mọi giải pháp đều được đặt trên bàn của Tổng Thống, chờ quyết định của Tổng Thống Barack Obama”. Ngay chính ông Gates cũng nói nhiệm vụ của Lầu Năm Góc là tạo cơ hội dễ dàng hơn cho vị Tổng Tư Lệnh Quân Đội quyết định những gì phải làm trong thời gian tới.
Trong tuyên bố mới nhất, Bà Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng điều bà lo âu nhất là “Libya có thể trở thành một quốc gia dân chủ hòa bình hoặc cũng có thể sẽ trở thành một cuộc nội chiến dai dẳng”. Quốc Hội Liên Bang Mỹ cũng vừa đã thông qua nghị quyết lên án nhà độc tài Gadaffi và những hành động tàn bạo mà ông này đang làm với người dân Libya.
Quỳnh Chi tường trình từ Washington.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/libya-us-reactions-qchi-03022011173023.html
0 comments:
Post a Comment