ChânNhư | Source: RFA | Posted on: 2016-04-01 |
Các bạn trẻ hát trong một cuộc biểu tình phản đối chính quyền chặt cây xanh ở Hà Nội vào ngày 22 tháng 3 năm 2015. AFP photo
Chân Như và các bạn trẻ khách mời thảo luận về chủ đề ý thức trách nhiệm cộng đồng và làm thế nào để nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng giúp cho xã hội VN bớt đi những bất trắc do sự vô ý thức gây nên.
Chân Như: Các bạn có suy nghĩ gì về vụ nổ tại Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội vừa qua khiến 5 người tử vong?
Gia Bảo: Theo suy nghĩ của em, vụ nổ tại Văn Quán, Hà Nội vừa qua thứ nhất do ý thức người dân kém, thứ hai do nhà nước quản lý lỏng lẻo, em thấy ở Việt Nam không hề an toàn. Nói về khủng bố thì không có nhưng những cái chết lãng nhách nhất có lẽ VN đứng vị trí quán quân.
Bảo Linh: Với em, vụ nổ ở Hà Đông do thiếu ý thức dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ý thức ở đây trước hết đối với bản thân người đó vì mưu sinh, kiếm tiền mà quên đi an toàn trong lao động. Điều này xuất phát từ ý tưởng làm giàu mà bất chấp tất cả, bất chấp nguy hiểm hay tác hại công việc, miễn sao làm có tiền. Ý thức thứ hai là về cộng đồng. Khi họ làm, họ không nghĩ đến việc tác hại lên những người xung quanh. Nếu một người ở xã hội hiện đại họ sẽ cân nhắc giữa việc làm của bản thân mình với việc phải dung hòa với lợi ích của những người xung quanh, mới xây dựng được xã hội tốt đẹp và không xảy ra chuyện đáng tiếc như vậy.
Chân Như: Các bạn nhận xét thế nào về ý thức trách nhiệm cộng đồng của một bộ phận người Việt Nam qua các trường hợp như vụ nổ Văn Quán, ngư dân cắt trộm cáp quang internet ngoài biển để bán ve chai, ăn trộm thiết bị phóng xạ bán ve chai ...
Phan Duy: Theo em, ở đây mình dùng từ “một bộ phận người Việt Nam”, em thấy chưa thể hiện đúng với con số. Thực chất, đa số người Việt Nam là như vậy không bị nhiều cũng ít, tức là có ý thức cộng đồng rất kém. Em dùng từ kém bởi vì nó thể hiện việc họ suy nghĩ cho bản thân họ nhiều hơn là nghĩ đến lợi ích chung của cộng đồng, nói thẳng ra là họ ích kỷ. Và vị vậy vô tình tác hại rất nhiều đến cộng đồng.
Vừa mới đây em có đọc tin năm người Việt Nam sang Singapore ăn cắp đồ ở trong một cửa hàng và bị bắt giam. Họ nghĩ làm việc đó vì lợi cá nhân của họ nhưng sau khi tin tức được loan ra thì chẳng khác nào khiến người nước ngoài khi nghĩ đến người Việt Nam thì họ nghĩ người Việt Nam rất hay ăn cắp, gặp người Việt Nam phải đề phòng. Nó ảnh hưởng đến cả một đất nước, một dân tộc chứ không phải vì bản thân họ. Nên đối với em những hành vi này không thể chấp nhận được.
Bảo Linh: Vấn đề nói ra hết sức phũ phàng: ở Việt Nam có câu “thân ai nấy lo”. Đó là một căn bệnh vô cảm ăn sâu vào người Việt từ nhiều năm nay. Giống như ra đường thấy người gặp nạn không giúp hay làm ngơ hoặc thấy người có tai nạn thì nhào vô hôi của và những hình ảnh xấu xí của người Việt nơi công cộng xảy ra nhan nhản hằng ngày trên mặt báo.
Những tài sản công bị ăn cắp như vậy người ta không nghĩ cho xã hội, cho cộng đồng mà chỉ nghĩ lợi ích cho cá nhân, Không nghĩ những tác hại mà ngay chính bản thân họ cũng phải chịu trách nhiệm từ việc làm của họ nhưng họ không nghĩ tới tại vì trước mắt, họ nghĩ đến việc có lợi cho bản thân trước. Từ những tư duy xấu mà họ đã hình thành trong đầu óc, nó ảnh hưởng đến sự giáo dục con cái của họ, điều này rất nguy hiểm sẽ làm cho thế hệ tiếp theo bị ảnh hưởng.
Gia Bảo: Em cũng đồng tình với ý kiến của hai bạn. Em thấy có một thực tế đáng buồn không thể chối cãi đó là ý thức trách nhiệm của người dân Việt Nam rất kém, có thể gọi đó là căn bệnh nan y mà dân trí thức và dân lao động Việt Nam đều mắc phải. Và cũng từ đó cho thấy rằng có học thức chưa chắc có ý thức tốt.
Chân Như: Theo các bạn, điều gì khiến ý thức trách nhiệm cộng đồng của họ lại kém như vậy?
Phan Duy: Em nghĩ có rất nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân lớn nhất bao trùm hết tất cả nguyên nhân là do giáo dục kém, có thể giáo dục từ gia đình, từ cộng đồng, hoặc từ trong nhà trường không được tốt. Nguyên nhân thứ cấp cụ thể hơn là vì lợi ích cá nhân của bản thân họ nên dẫn đến hành vi của họ vì tất cả những hành vi này đại đa số vì lợi ích cá nhân. Từ đó, mình có thể suy ra có thể họ nghèo, hay do thói quen, họ nghĩ nhiều người cũng làm nên tôi cũng phải làm giống như họ vì không muốn thua thiệt.
Em có nghe một câu chuyện về một cô thu ngân người Việt Nam: cô ấy có thói quen gom những đồng bạc thừa khách không lấy gom bỏ túi riêng, cô nghĩ việc đó không phải là chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, việc cô ấy sử dụng đồng tiền vì lợi ích cá nhân của cô ấy, hành vi cũng không phải là tốt vì đồng tiền ấy không phải dotự tay cô làm ra. Đó chỉ là một việc nhỏ em lấy làm ví dụ. Và chưa chắc gì cô ấy cần đồng tiền đó, chưa chắc cô ấy nghèo nhưng vì thói quen, cho là đồng nghiệp cũng làm, tôi thấy việc bình thường đó là lợi ích nhỏ.
Ngay cả việc năm người sang Singapore ăn cắp đồ rồi bị bắt giữ thì em nghĩ có nhiều ý kiến cho rằng họ có tiền sang du lịch hay làm ăn, tức họ là những người có điều kiện chứ không phải đến mức đói kém. Do vậy, em nghĩ là xuất phát từ việc nghèo cũng chỉ là một nguyên nhân nhỏ mà còn xuất phát từ lòng tham, từ lợi ích cá nhân, từ thói quen và từ ý thức của họ. Họ nghĩ việc đó không phải là hành vi phạm pháp, hành vi xấu. Chung quy nguyên nhân lớn nhất vẫn là do giáo dục, em nghĩ như vậy.
Bảo Linh: Ý thức trách nhiệm cộng đồng của người Việt kém như vậy do xuất phát từ nền giáo dục không tốt. Kế đến đời sống xã hội Việt Nam rất thực dụng đã hình thành nên một bộ phận người Việt kém ý thức như vậy. Nó gây phiền toái cho những người Việt sống ngay thẳng trong nước và lan tỏa ra nước ngoài. Có nghĩa là những người Việt xấu đó đã làm cho thế giới nhìn vào người Việt có một tư duy rất tiêu cực hoặc những chính phủ rất khó khăn để cho người Việt xin visa nhập cảnh.
Gia Bảo: Ý kiến của hai bạn vừa rồi cũng có lý. Theo em, nguyên nhân thứ nhất cũng là do người Việt Nam nghèo, vì nghèo nên bất chấp kiếm tiền. Nguyên nhân thứ hai do không được giáo dục tốt, từ đó khiến họ không nhận thức được nguy hiểm và làm nghiêm trọng trong những việc họ đang làm. Còn nguyên nhân thứ ba là do các cơ quan nhà nước chưa thực hiện tốt việc quản lý cũng như răn đe trước việc làm của người dân.
Chân Như: Làm thế nào để nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng và làm cho xã hội VN bớt đi những bất trắc do sự vô ý thức gây nên.
Phan Duy: Em nghĩ, việc này cần có thời gian lâu dài để thay đổi tính cách bị ăn sâu vào trong máu của một dân tộc. Do vậy, việc trước nhất chính phủ Việt Nam nên ban hành những luật đối với những hành vi này và nghiêm trị kể cả những hành vi được thực hiện ở nước ngoài hay trong nước đều phải có những luật để chế tài nhắm làm cho họ cảm thấy sợ không tái phạm. Bên cạnh đó, còn phải do ý thức của mỗi cá nhân nữa. Ngày nay, chúng ta có nhiều phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội để tuyên truyền những hành vi nào tốt, xấu, và ngay cả trẻ em hay người lớn đều có thể tiếp cận được.
Thông qua những kênh đó mình có những bài học tuyên truyền, nhưng phải khéo léo tuyên truyền làm sao mà cảm thấy họ có thể tiếp thu được, cảm thấy dễ dàng chứ không phải tuyên truyền một cách cứng nhắc, nhàm chán. Vì vậy,để khéo léo hơn thì làm những tiểu phẩm hoặc nêu lên những hành vi tốt của những dân tộc đất nước khác mà Việt Nam cần phải noi gương theo để học tập, để người Việt không trở nên những người mọi rợ trong mắt người nước ngoài.
Bảo Linh: Đối với giới trẻ thì cải cách giáo dục là một điều cần thiết để cho giới trẻ thay đổi những tư duy. Thay vào những bài học giáo điều ru ngủ bằng những bài học thực tiễn nhằm đưa giới trẻ đến chiều hướng tích cực hơn, học tập theo những giáo dục của những nước hiện đại. Chẳng hạn như em thấy trong trường cho học sinh làm kế hoạch nhỏ phải gom giấy vụn theo quy định bao nhiêu ký mỗi học sinh một năm thì học sinh không đủ giấy phải về xin tiền cha mẹ để mua giấy vụn từ bên ngoài lại tốn tiền cho gia đình.
Thay vào cách giáo dục như vậy thì thay đổi tí xíu là hướng cho học sinh dạy các em biết phân loại rác hữu cơ, rác vô cơ, giấy vụn, sẽ giúp ích bảo vệ môi trường hơn. Còn đối với những người lớn do họ đã định hình vào việc vô ý thức sẵn thì phải áp dụng những chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn để làm họ sợ, không dám tái phạm hành vi thiếu ý thức nữa.
Gia Bảo: Thật sự, việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân rất khó bởi vì nó là cả một quá trình lâu dài,có khi mất mấy chục năm chứ không phải một sớm một chiều và cần phải kết hợp giáo dục tuyên truyền và xử lý hợp pháp. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi vẫn là nghèo, bởi vì người ta hay nói “có thực mới vực được đạo” cho nên em thấy nhà nước cần phải tạo công ăn việc làm cho người dân. Khi cuộc sống của họ khá giả hơn thì những chuyện đáng tiếc như vụ nổ Văn Quán, Hà Nội sẽ tự nhiên biến mất thôi.
Chân Như: Xin cám ơn các bạn Gia Bảo, Phan Duy và Bảo Linh đã dành thời gian cho chương trình tuần này.
--------------
0 comments:
Post a Comment