Friday, June 28, 2013

“Made in Italy” : Đích ngắm mới của giới đầu tư Trung Quốc

Rượu vang Chianti của Ý trưng bày ở triển lãm Quảng Châu, ngày 04/06/2013. Rượu này  đã lọt vào tầm kiểm soát của Trung Quốc.
Rượu vang Chianti của Ý trưng bày ở triển lãm Quảng Châu, ngày 04/06/2013. Rượu này đã lọt vào tầm kiểm soát của Trung Quốc.
Reuters
Nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay có bài viết đáng chú ý mang tựa đề « Made in Italy : Đích ngắm mới của các nhà đầu tư Trung Quốc ». Mục tiêu của các doanh nhân Trung Quốc là tìm kiếm các công nghệ mới, các nhãn mác danh tiếng và các liên minh chiến lược với doanh nghiệp Ý.
Tại nước Ý, hiện tại có tổng cộng 41.000 doanh nghiệp do người Trung Quốc lập ra,tăng gấp 2,3 lần so với cách đây 10 năm. Từ hai năm trở lại đây một loạt các doanh nghiệp hàng đầu của nước Ý, như Ferretti – tập đoàn đóng tàu du lịch, công ty giày dép hạng sang Ferragamo, rượu vang Chianti … lần lượt rơi vào tay giới chủ Trung Quốc. Và trong thời gian tới, không loại trừ các công ty như nhà sản xuất lốp (vỏ) xe hơi Pirelli hay công ty điện thoại di động Telecom Italia Mobile. Một ví dụ nữa là, sau khi nắm được Cifa – nhà sản xuất bê tông và máy xây dựng đứng đầu nước Ý – tập đoàn Trung Quốc Zomlion đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới.
Làn sóng đầu tư ồ ạt từ Trung Quốc gây lo ngại. Ông Giorgio Squinzi, nhân vật số một của Confindustria, một tổ chức của giới chủ Ý, cảnh báo : « Dưới áp lực của chính sách khắc khổ và thắt lưng buộc bụng, chúng ta đứng trước nguy cơ mất đi những cổ phiếu tốt nhất với giá bèo ». Tuần báo Ý L’Espresso số ra mới nhất đưa ra thống kê : Tại nước Ý, hiện tại có tổng cộng 41.000 doanh nghiệp do người Trung Quốc lập ra, tăng gấp 2,3 lần so với cách đây 10 năm.
Việc Dagong Europe – công ty thẩm định tài chính Trung Quốc – bắt đầu chính thức hoạt động từ đầu tháng này tại thành phố Milan nước Ý, được báo giới rất chú ý. Công ty thẩm định tài chính Dagong Europe có thể được các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng như một hoa tiêu để tìm kiếm các công nghệ mới và sở hữu các nhãn mác uy tín. Trong một trả lời phỏng vấn báo giới, đại sứ Trung Quốc tại Ý không che giấu việc các doanh nghiệp Trung Hoa coi Ý là một trong các quốc gia châu Âu có nhiều khả năng nhất trong việc giúp cho Trung Quốc chuyển từ vị trí « phân xưởng của thế giới » trở thành nơi sản xuất các ý tưởng mới.
Ông Lorenzo Stanca, đồng sáng lập Dagong Europe, khẳng định nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đang sẵn sàng mua lại các cổ phần trong lĩnh vực cơ khí và điện tử. Tuy nhiên, ông Lorenzo Stanca cũng nhấn mạnh đến thái độ rất thận trọng của các doanh nhân Trung Quốc khi quyết định đầu tư vào « các nền kinh tế trưởng thành » như ở Châu Âu, « họ cảm thấy (đầu tư) ở Châu Phi thoải mái hơn ». Theo báo Les Echos, làn sóng đầu tư từ Trung Quốc gần đây có thể gây rất nhiều chú ý, dường như chưa đủ lớn để bị người Ý gọi là « razzi » (xâm lược). Cuối năm 2012, có tổng cộng 79 nhà đầu tư Hoa lục và 52 công ty đa quốc gia Hồng Kông trực tiếp nắm các cổ phần trong các doanh nghiệp Ý, với doanh số tổng cộng 6 tỷ euro.
Theo Les Echos, làn sóng đầu tư vào Ý của doanh nghiệp Trung Quốc có thể mang lại nhiều lợi ích cho chính nước Ý. Việc công ty Trung Quốc SHIG-Weichai mua lại hãng đóng tàu du lịch Ferreti mang lại cho công ty này nhiều đơn đặt hàng từ Trung Quốc. Theo một dự đoán của Lucintel, thị trường Trung Quốc trong lĩnh vực này sẽ tăng vọt từ 1,5 tỷ euro đến 9,2 tỷ trong vòng 10 năm tới. Theo một cựu lãnh đạo UniCredit, trường hợp của công ty đóng giày hạng sang Ferragamo, với 6% cổ phiếu do tỷ phú Hồng Kông Peter Woo nắm giữ, là một ví dụ tiêu biểu cho liên minh đối tác lâu dài Ý – Trung Quốc (« Chinitaly »). Trên thực tế, mác giày nổi tiếng này đã có lịch sử hợp tác 25 năm với Hồng Kông.
Les Echos khép lại với kết luận, việc doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Ý có thể mang lại lợi ích cho cả đôi bên, với điều kiện hai bên khôn khéo trong hợp tác.
Thượng đỉnh Châu Âu
L’Humanité thì tập trung chỉ trích chính sách khắc khổ của Châu Âu nhân cuộc họp của nguyên thủ quốc gia 27 nước với hàng tựa chính trên trang nhất : « Hội đồng Châu Âu : Cặp bài trùng của chính sách khắc khổ » trên nền ảnh tổng thống Pháp François Hollande và chủ tịch Ủy ban Châu Âu Barroso.
« Thượng đỉnh đạo đức giả ở Bruxelles » là tựa đề chính trong hồ sơ này của l’Humanité về cuộc họp các nguyên thủ Châu Âu trong hai ngày hôm qua và hôm nay. Tờ báo mô tả thái độ được coi là giả dối của tổng thống Pháp, làm ra vẻ đối đầu với Liên Hiệp Châu Âu khi ông ở Pháp, để rồi chấp nhận các đòi hỏi của Châu Âu một khi đến Bruxelles, cụ thể trong vấn đề kéo lùi tuổi về hưu.
L’Humanité cũng đưa ra một cái nhìn chung hơn về việc các lãnh đạo Châu Âu buộc phải phê chuẩn các khuyến nghị về chính sách kinh tế do Ủy ban Châu Âu thảo ra, với nội dung chính là « chính sách cải tổ kinh tế tân tự do ». Hôm qua, các chủ tịch Ủy ban, Hội đồng và Nghị viện Châu Âu, đã đạt được thỏa thuận về ngân sách châu Âu 2014-2020, với số tiền 960 tỷ euro, thấp hơn số tiền do Nghị viện Châu Âu đề xuất. Theo các nghị sĩ đảng Cánh tả châu Âu thống nhất, việc chủ tịch Nghị viện đồng ý với thỏa thuận mà không tham khảo các nhóm nghị sĩ trong Nghị viện là « coi thường các nguyên tắc dân chủ ». Bên cạnh đó, Liên hiệp các nghiệp đoàn Châu Âu nhất trí hoàn toàn thông qua một văn bản lên án chính sách khắc khổ áp đặt lên toàn khối hiện nay.
Cũng về chủ đề này, Le Monde có bài : « Bất đồng giữa tổng thống Pháp và chủ tịch Ủy ban Châu Âu gây căng thẳng Hội đồng Châu Âu », với nhận xét là, ngoài sự đối đầu kể trên, giữa ông Hollande và ông Barroso xung quanh chủ đề loại bỏ ngành nghe nhìn ra khỏi các đàm phán mậu dịch tự do với Hoa Kỳ và một số bất đồng khác liên quan chẳng hạn đến phát biểu chỉ trích ông Barrosso của bộ trưởng phục hồi công nghiệp Pháp, thì không có bất cứ một đột phá nào trong các lĩnh vực lớn đang là thời sự, như thất nghiệp ở giới trẻ hay cuộc chiến đẩy lùi khủng hoảng kinh tế. Le Monde ghi nhận, cuộc họp của các nguyên thủ 27 nước không đưa ra được một biện pháp nào, dù là nhỏ nhất, để củng cố liên minh tiền tệ Châu Âu và ngăn ngừa nguy cơ suy thoái kéo dài.
Về hồ sơ này, tờ báo kinh tế Les Echos nhấn mạnh đến khía cạnh tích cực của thỏa thuận vừa đạt được qua bài « Sau một thỏa hiệp về ngân sách, Châu Âu tấn công vào chủ đề thất nghiệp của thanh niên ». Khác với mô tả về không khí căng thẳng của hội nghị theo Le Monde, Les Echos lưu ý đến sự thoải mái của các lãnh đạo 27 nước, sau khi đạt được thỏa hiệp trong nhiều hồ sơ nan giải trong đêm thứ Tư qua ngày thứ Năm, như quy chế phá sản của các ngân hàng và đặc biệt là vấn đề ngân sách nhiệm kỳ tới.
Mục tiêu mới số 1 được các thành viên Châu Âu thống nhất là chống nạn thất nghiệp ở giới trẻ, với khoảng 6 triệu công dân Châu Âu dưới 25 tuổi. Như vậy, thỏa thuận mới đạt được là dành 6 tỷ euro để giải quyết vấn đề việc làm cho thanh niên, trong hai năm 2014-2015. Tiếp theo đó, các lãnh đạo Châu Âu cũng cam kết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 95% số doanh nghiệp của Liên hiệp, được tiếp cận dễ dàng với tín dụng. Bên cạnh đó, 3,5 tỷ euro sẽ được dành để hỗ trợ những người khó khăn nhất trong 7 năm (2014-2020). Lãnh đạo hai nhóm chính trị lớn nhất ở Nghị viện Châu Âu, đảng cánh tả Xã hội chủ nghĩa và đảng cánh hữu Nhân dân Châu Âu (PPE), đều tỏ vẻ tương đối hài lòng với thỏa thuận vừa đạt được.
Brazil, khủng hoảng tăng trưởng hay cách mạng ?
Về thời sự quốc tế, phong trào biểu tình chống tham nhũng, dịch vụ công yếu kém và chi phí khổng lồ dành cho giải bóng đá thế giới 2014, kéo dài hai tuần nay tại Brazil, huy động cả triệu người tham gia, được công luận chú ý. Để giải mã về phong trào được coi là có quy mô lớn nhất kể từ 20 năm tại quốc gia Nam Mỹ này, tờ Le Monde có hồ sơ « Brazil, khủng hoảng tăng trưởng hay cách mạng ? », với 5 tiếp cận khác nhau của các học giả, nhà chính trị và nhà văn.
« Dilma Rousseff buộc phải cải tổ khẩn trương », bài viết của giảng viên Pháp Stéphane Monclaire, nhận định, nếu không có cuộc khủng hoảng xã hội và chính trị hiện tại, thì ắt hẳn tổng thống Rousseff đã không có bước đi mạo hiểm đưa cải cách chính trị vào lịch trình hoạt động, bởi có rất nhiều trở ngại trong hệ thống chính trị hiện nay tại Brazil đối với một cuộc cải cách như vậy.
Bài « Cư dân Brazil phải thu được lợi ích từ World Cup » của nghị sĩ đảng cầm quyền Romario de Souza Faria, cựu vận động viên bóng đá quốc tế, thì lưu ý đến tuyệt đại đa số trong 82 công trình phục vụ giải bóng đá thế giới đã không được thực hiện đúng tiến độ và không tuân thủ ngân sách quy định. « Đây là một nỗi ô nhục của chính phủ và điều này trở thành một lý do hoàn toàn chính đáng cho sự phản đối của dân chúng », nghị sĩ nhận xét.
Bài viết của ông Yves Fauré, nhà nghiên cứu – giáo viên thỉnh giảng tại Brazil, thì nói đến vai trò của các thành phần trung lưu mới trong phong trào này. Một trong các lý do chủ yếu để giải thích việc vì sao họ lại đột ngột tham gia đông đảo trong phong trào xã hội này, được nhà nghiên cứu đưa ra, là do trong hoàn cảnh bình thường, những người này không có các phương tiện (áp lực hay đàm phán) để tác động đến các chính sách công của nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ công…
Các kỹ thuật làm lạnh Trái đất : Lợi bất cập hại
« Công nghệ làm lạnh hành tinh đã không ra đời » là bài viết của Le Figaro, giới thiệu một cách giải thích, vì sao một loạt các công nghệ trong lĩnh vực này rốt cuộc lại không được sử dụng vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Vào năm 1991, một hiện tượng được quan sát thấy là tro bụi một núi lửa lớn ở Philippines phun lên bầu trời tạo thành các đám mây bụi, đã làm hạ nhiệt không khí khoảng 1/10°C trong vòng hai, ba năm. Tuy nhiên, các quan sát cho thấy là, điều nay không mang lại lợi ích lâu dài, vì một khi mây bụi biến mất, khí hậu nóng trở lại nhanh chóng, và với cường độ rất mạnh.
Một công nghệ khác là bỏ phosphore và sắt vào nước biển để tăng mức độ hấp thụ CO2 của đại dương rút cục cũng không được dùng, vì có thể thúc đẩy sự phát triến của các loài tảo siêu nhỏ, tạo ra các chất độc và sử dụng rất nhiều ôxy của môi trường.
Ngay cả công nghệ tích trữ CO2 dưới lòng đất, dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng rút cục cũng bị bác bỏ. Trong khi đó, việc trồng rừng mới tại các vùng sa mạc không mang lại một giải pháp trước mắt, vì rừng non hút ánh sáng mặt trời nhiều hơn sa mạc và sau đó tỏa ra nhiều nhiệt hơn. Tìm ra giải pháp hạ sốt cho Trái Đất quả là việc không hề đơn giản.
Trang nhất các báo Pháp
Chi phí công tại Pháp và Châu Âu là chủ đề chính được báo chí Pháp hôm nay quan tâm. Tờ Le Monde chạy tựa : « Cơ quan kiểm toán tài chính công quốc gia yêu cầu (chính phủ) cắt bỏ khẩn cấp các chi phí xã hội ». Trang nhất Les Echos là hàng tít : « Cắt bỏ chi phí : chính phủ bị dồn vào chân tường ». Paris sẽ buộc phải tiết kiệm thêm 28 tỷ euro trong hai năm 2014 và 2015 để thực hiện được các cam kết với châu Âu. Le Figaro thì tập trung vào một khía cạnh khác : « Thẩm kế viện tố cáo cái giá của các công chức », với nhận định : Do khủng hoảng và các cải cách cấu trúc, nước Pháp sẽ phải có nhiều nỗ lực hơn dự kiến để giảm bớt thâm hụt ngân sách.
Bài « Tàu siêu tốc dùng để làm gì ? », trang nhất Libération, ghi nhận việc chính phủ Pháp ra chủ trương mới, hỗ trợ sự phát triển của các phương tiện giao thông ở khoảng cách gần và « có hiệu quả », và lui lại việc khởi công các đường tàu siêu tốc mới, vì giá thành xây dựng và bảo trì quá đắt đỏ.
Sự kiện khai màn giải đua Xe đạp vòng quanh nước Pháp ngày mai là chủ đề trang nhất báo La Croix : « Nước Pháp, nữ hoàng của cuộc đua vòng quanh nước Pháp », với nhận xét có phần chua chát : « Sự hấp dẫn của cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp lần thứ 100, khai mạc ngày mai, đến nhiều hơn từ vẻ đẹp mê hoặc lòng người của các phong cảnh mà đoàn đua đi qua, hơn là từ các vận động viên, mà nhiều người trong số họ bị nghi ngờ sử dụng doping ».

0 comments:

Powered By Blogger